Danh từ nầy dùng trong Kinh Thánh cũng như các sách khác, đúng nghĩa chỉ về một mạng lịnh nhứt định bởi quyền phép nào được công nhận. Ðiều răn có thể chung, hoặc riêng (Lê-vi ký 6:9, 14 "luật về của lễ thiêu" v.v...); quyền phép hoặc từ người, hoặc từ Chúa. Khi danh từ dùng với tiếng quán từ (article), không có chữ nào hạn chế, vì chỉ về ý muốn Chúa đã tỏ ra, và phần nhiều về luật Môi-se, hoặc Ngũ kinh.
Chữ Hê-bơ-rơ là "tôrâh" chú trọng về quyền đạo đức, vì dạy lẽ thật, và dẫn dắt vào đường phải. Chữ Hy-lạp là "nomos" chú trọng về quyền bắt buộc vì có một quyền công nhận cắt đặt và ép phải tuân theo. Trong thơ tín Phao-lô, chữ "nomos" có ý rộng hơn và không tỏ ra cách rõ. Khi Phao-lô dùng chữ "nomos" với tiếng quán từ còn chỉ về luật pháp Môi-se, song khi không dùng thì gồm tóm bất cứ điều gì "luật pháp" tỏ ra, kể cả mọi quyền lực bắt ép ý muốn người vâng phục, hoặc những duyên cớ bề ngoài lấn ép nữa, mặc dầu những luật đó được hay không được tỏ ra bởi một thể lệ nhứt định. Dầu bất thường dùng "luật pháp" (như Rô-ma 3:27 "luật pháp của đức tin") để tỏ một nguyên lý hành động bên trong, nhưng không trái với ý thường dùng. Cũng nên chú ý danh từ "luật pháp" thỉnh thoảng dùng rộng ra để chỉ cả Cựu Ước (như trong Giăng 10:34 chỉ về Thi Thiên 82:6; Giăng 15:25 chỉ về Thi Thiên 35:19 và I Cô-rinh-tô 14:21 chỉ về Ê-sai 28:11).