Lương tâm. Conscience.

      


      I. Lương tâm Kế tiếp.--
       Trong văn chương xưa nay thường nói đến Lương tâm Kế tiếp (Conscience Conséquente) tức lương tâm theo sau việc làm. Về lương tâm nầy có:
       1. Mặt tư pháp.-- Khi một ý định đã thành, tức thì theo sau có sự phán đoán thuận hay nghịch, có tội hay không. Lương tâm thường ví với một phiên tòa có người bị cáo, quan án, người làm chứng và hội đồng xử án; song hết thảy ở trong lòng người bị cáo, thật ra chính là người đó.
       2. Mặt trừng phạt.-- Trong lòng người bị cáo đó chẳng những có tòa án nhưng cũng có kẻ bị hành hình nữa. Ấy vì sau khi định hoặc giải tội, thì lương tâm người cắn rướt hay làm cho thỏa lòng; và trong đời sự phán xét của lương tâm là mạnh mẽ nhứt: như sự hối hận lương tâm xấu của Ca-in, Giu-đa, Sau-lơ và Hê-rốt ấn tượng vào người ta biết bao! Các thi sĩ La-mã xưa thường chỉ những sự đáng kinh khiếp của lương tâm như ba vị nữ thần (Furies) Thạnh nộ, bước cách lẹ làng, im lặng, vững vàng theo dấu chơn tội nhân để diệt đi. Sự thỏa mãn lương tâm tốt có thể hiện trên khuôn mặt sáng sủa, và sự cáo giác lương tâm xấu có thể biểu lộ một nét mặt gớm ghê.
       3. Mặt biết trước.-- Trong linh hồn người không có linh tánh nào cảm động hơn là trông đợi điều xảy đến sau sự chết, nghĩa là sẽ có tòa án xét lại đời sống hiện tại và báo ứng theo cách công bình hoàn toàn những việc khi còn trong xác thịt. Bởi đó, sự chết thường cho là nghiêm trọng, vì tự nhiên biết đời sau phải khai trình mọi việc đã làm. Chắc linh tánh lớn đó không thể sai lầm.
       4. Mặt xã hội.-- Không phải lương tâm mỗi người phán đoán cách cư xử mình mà thôi, song lương tâm những người khác cũng làm vậy nữa; bởi đó gia thêm những cảm giác. Như một tội có thể nằm kín giấu trong ký ức, và sự đau đớn về tội đó nhờ thời gian bớt dần; song thình lình bất ngờ, tội đó lộ ra cho mọi người biết. Chỉ khi lương tâm công chúng nổ bùng ra nghịch cùng tội nhơn đó, xua đuổi người khỏi xã hội, bấy giờ người mới cảm biết tội mình cách cay đắng nhứt. Có phải ý "Ngày Phán xét" trong Kinh Thánh, Chúa sẽ đoán xét cách ăn ở của mỗi người cách tỏ tường trước lương tâm mọi người chăng? Về mặt khác, bạn hữu có thể là lương tâm thứ hai và nhờ đó lương tâm cá nhơn được linh động và mau lẹ hơn để chống với sự cám dỗ.
       II. Lương tâm trước tiên (Conscience antécédente ).-- Ấy khác với lương tâm kế tiếp vì chỉ về một nhiệm vụ của lương tâm trước cả ý định và công việc. Khi ý muốn đứng ở ngã ba đường, thấy rõ đằng trước điều phải và trái, thì lương tâm truyền bảo phải đi đường nọ, cấm đường kia. Vậy, ấy thật là lương tâm sai bảo nên làm. Có lẽ điều lương tâm truyền trái với quyền lợi, xu hướng, lời khuyên của bạn, và có thể phản đối những nghị định của các bậc cầm quyền hoặc tiếng nói của dân chúng. Dầu vậy, lương tâm không chịu lùi bước hoặc thay đổi. Người có thể không vâng theo, song biết nên vâng theo vì là bổn phận. Những cơn bối rối nhứt trong đời là khi lương tâm truyền một lịnh trái với quyền lợi và sự ham muốn riêng của người; vấn đề khó giải quyết là chọn bên nào. Các nhà văn sĩ hay khéo dùng những cơn khó giải quyết đó! Song biết bao người dám xưng nhận đạo hoặc tử vì đạo hơn là làm trái với lương tâm. Nên nhớ, Ðấng Toàn tri hằng để mắt trên tín đồ nào bỏ qua quyền lợi riêng hoặc sự ngăm đe, cứ theo lương tâm làm điều phải không lo về kết quả.
       III. Những thuyết lý về lương tâm.-- Nên chú ý, khi đứng ở ngả ba đường, làm thế nào biết bên nào phải hay trái? Lương tâm đủ làm việc đó chăng? Một thuyết dạy lương tâm có thể cứ chỉ dẫn được; thuyết khác dạy phải nhờ các sở năng khác chỉ dẫn. Thuyết khác dạy phải nhờ người cầm quyền trong xã hội, hoặc nhờ sự suy xét riêng về kết quả bên phải hay trái. Còn một thuyết phản đối dạy lương tâm có sự khải thị rõ ràng của những luật đạo đức kia, ưng thuận hay chối bỏ những nguyên lý kia của sự hành động. Nhưng trong các đời và các nơi có ý khác nhau về điều phải trái, như đức hạnh ở Athènes là tội ở Giê-ru-sa-lem, anh hùng ở Nhật Bản là bạo ngược ở Anh. Butler đáp mỗi người lương thiện trước khi bắt tay vào việc gì, nên tự hỏi: có phải việc sắp làm là phải hay trái, thiện hay ác? Về câu hỏi nầy, chắc các người thật thiện, bất cứ trong cảnh ngộ nào, sẽ trả lời hiệp với lẽ thật và đức hạnh. 
       IV. Lương tâm được dạy dỗ thế nào.-- Có người tin lương tâm nào nhờ lý luận đạo đức thì đủ và chẳng bao giờ sai lầm. Song lý luận đó ở đâu mà ra? Về phần tín đồ Ðấng Christ phải nhờ Kinh Thánh để lương tâm được dạy bởi sự khôn ngoan từ trên cao xuống, tức là Ðức Chúa Trời (Gia-cơ 3:13-15), và nhờ Ðức Thánh Linh, tức là Thần Chúa, dẫn vào mọi lẽ thật (Giăng 16:13). Lương tâm cũng được soi sáng bởi quen biết những mẫu mực như tánh cách Ðức Chúa Trời, gương sáng của Ðấng Christ và những sự dạy dỗ Kinh Thánh.
       Khi lương tâm cắn rứt thì ai là người hình phạt đó? Khi ý muốn sắp hành động thì nhận mạng lịnh chọn điều phải, bỏ trái, ai ra mạng lịnh đó? Có phải chính lương tâm, hay là sự sai bảo đó thật tỏ ra có một căn nguyên từ trên cao? Dầu nói lương tâm là sự tiên kiến của luật đạo đức để đọc bản viết sáng láng treo trong lòng tạo vật; song ai đã viết? Trước có người tin chữ lương tâm vốn có ý chỉ về Ðức Chúa Trời, nghĩa là sự "thông biết chung với một người khác" tức là Ðức Chúa Trời. Ấy tỏ đúng lẽ thật.
       V. Lịch sử.-- Trong Cựu Ước dầu không có danh từ lương tâm song tài liệu cũng đủ tỏ ra; như nghe tiếng Chúa gọi trong vườn Ê-đen (Sáng thế ký 3:8), và Chúa bảo Ca-in "tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến Ta" (Sáng thế ký 4:10). Trong Tân Ước, nhứt là trong các bài giảng và thơ tín Phao-lô, có danh từ nầy (Công vụ các sứ đồ 24:16; Rô-ma 2:15; I Cô-rinh-tô 6:7-12, v.v...). Các tổ phụ Hội Thánh đầu tiên cũng nói đến nữa, như Chrysostome viết: Lương tâm và cõi thiên nhiên giống hai sách, trước khi chưa có sự khải thị siêu phàm, trí khôn người có thể biết về Ðức Chúa Trời.
       Danh từ lương tâm do triết học Hy-lạp xưa mà có. Trong đời Trung cổ, có hai ảnh hưởng làm cho lương tâm chú trọng đến:
       1. Sự tu hành khởi xướng, dắt đem người vào cảnh hiu quạnh, làm cho trí não hoạt động luôn khảo cứu về chính mình.
       2. Thi hành sự xưng tội với thầy giải tội trở nên một việc rất quan hệ trong đời sống vì phải xét kỹ mỗi tư tưởng và cân nhắc mọi lưỡng lự thành ra người rất giỏi xét mình và tự sửa dạy mình. Bởi thế, về phần các thầy giải tội cũng phải học thêm về luân lý và triết học để có thể trả lời những câu hỏi của người xưng tội với mình.
       Vào hồi Cải chánh Giáo hội, lương tâm luôn ở miệng người ta, vì những sự kinh khủng lương tâm dọn đường cho sự hiểu biết lẽ đạo xưng công bình bởi đức tin, và vì các nhà Cải chánh chú trọng về lương tâm, phải ứng hầu trước các bậc cầm quyền, để binh vực sự hành động của mình, như Luther đã làm tại Hội nghị Worms. Từ đó, sự tự do tín ngưỡng (liberté de conscience) tức là lương tâm mỗi người được quyền tự do theo đạo nào, là sự làm chứng quan trọng của Hội Thánh Cải chánh (Protestantisme).
       VI. Kinh Thánh dạy về lương tâm.-- Lương tâm là chứng cớ và sự phán xét trong lòng người về việc tốt hay xấu, cũng là sự mình biết riêng bởi trí khôn về việc làm thiện hoặc ác. Vậy lương tâm ưng thuận khi làm phải, và cáo trách khi làm trái (Rô-ma 2:15). Lương tâm tốt (I Ti-mô-thê 1:5):
       a) Là khi không cáo trách người vì cố ý phạm đến Ðức Chúa Trời hay người (Công vụ các sứ đồ 24:16).
       b) Làm chứng cho người được Ðức Thánh Linh dẫn dắt về cách cư xử (Rô-ma 9:1).
       c) Là trong sạch và tốt lành vì được tẩy bởi huyết Ðấng Christ (Hê-bơ-rơ 9:14; I Ti-mô-thê 3:9).
       d) Tẩy khỏi công việc chết, nghĩa là được thoát khỏi án tử hình vì cớ tội (Hê-bơ-rơ 9:14).
       đ) Không bị bối rối vì cớ tội (Hê-bơ-rơ 10:2).
       e) Quở trách người đi trái với sự sáng Chúa, và ưng thuận khi hiệp theo điều phải (Rô-ma 2:15).
       Lương tâm xấu (Hê-bơ-rơ 10:22) là khi:
       a) Bị ô uế bởi các thói xấu đến nỗi không thể làm cách phải chức việc mình nữa.
       b) Lương tâm đã lì như bởi một bàn là nóng, nghĩa là đã tắt và mất hẳn, hoặc rất cứng đến nỗi mất mọi giác quan và cảm giác (I Ti-mô-thê 4:2).
       c) Lương tâm bị ô uế đến nỗi như đui mù và bại hoại không thể phán đoán việc mình làm nữa (Tít 1:15). Lương tâm xấu nầy có khi im lặng, có khi nổi lên bối rối, cáo giác khi nên binh vực, và binh vực khi nên cáo giác. Lương tâm dầu tốt đến đâu, cũng có khi lầm lạc hoặc đáng nghi. Phao-lô khuyên vì cớ lương tâm đừng hỏi... (I Cô-rinh-tô 10:27), và cũng phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình (Rô-ma 13:1-7).
       Xem bài Lòng người, phần V. Cũng xem ba bài chú thích của Tiến sĩ Scofield về thời đại lương tâm.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.