I. Tên Tác giả.-- Ma-la-chi là sứ giả cuối cùng trong Cựu Ước được cảm động bởi Ðức Giê-hô-va để truyền báo về Sứ giả Lớn của Tân Ước. Vậy, sách Ma-la-chi liên lạc thời đại luật pháp với thời đại ân điển. Tên nguyên văn Hê-bơ-rơ Mal'àkhì nghĩa là sứ giả ta, cũng có trong 2:7 và 3:1. Song tên nầy không thể đặt làm tên riêng của một người, miễn là không thêm câu cuối như là "Yah" bởi đó mal'akhiah tức "sứ giả của Ðức Giê-hô-va". A-ghê 1:13 cũng được gọi như thế. Vậy, hai bản Septante và Vulgate chép đủ tên nầy. Dầu bản Targum (Cựu Ước bằng tiếng Aramaique) 1:1 chép sách nầy "bởi tay của sứ giả ta là E-xơ-ra là văn sĩ" (so E-xơ-ra 7:6), song Ma-la-chi vẫn gọi là tiên tri chớ chẳng hề là văn sĩ; trái lại E-xơ-ra vẫn gọi là văn sĩ chẳng hề là tiên tri. Chắc không phải là E-xơ-ra viết vì các người công nhận sách nầy sống một vài thế kỷ sau đó, không thể bỏ quên như vậy được. Có lời truyền khẩu nói tác giả là Xô-rô-ba-bên hay Nê-hê-mi, có người khác nói là Ma-la-chi, là người Lê-vi, nhân viên Hội Công luận Lớn. Dẫu vấn đề nầy khó giải quyết, song đủ ý là chỉ về "một người gánh nặng sứ mạng hoặc chức việc".
II. Thời gian Ma-la-chi.-- Ma-la-chi chắc đồng thời với Nê-hê-mi (so 2:8 với Nê-hê-mi 13:15; 2:10-16 với Nê-hê-mi 13:23 v.v... và 3:7-12 với Nê-hê-mi 13:10, v.v...). Ông nói tiên tri sau thời A-ghê và Xa-cha-ri vì không nói đến việc tu bộ Ðền thờ và E-xơ-ra cũng không ngụ ý đến Ma-la-chi. Người Giu-đa bị bắt làm phu tù đã qua lâu rồi nên không nói đến. Người Giu-đa ở tại Giê-ru-sa-lem (Ma-la-chi 2:11); quan trấn thủ Ba-tư cũng ở đó (1:8 so với Nê-hê-mi 12:26; có bàn thờ (1:7), Ðền thờ tu bổ (2:13; 3:1), và giữ những lễ thờ phượng Chúa tại Ðền thờ (1:13-14; 2:3). Bởi thế đủ biết Ma-la-chi chép tiên tri sau khi Nê-hê-mi từ Ba-tư trở về lần thứ hai (Nê-hê-mi 13:6), và sau đó đến năm thứ XXXII đờiạ t-ta-xét-xe Longimanus (độ 420 T.C.). Ma-la-chi mô tả tình hình dân Giu-đa thật giống như có lúc Nê-hê-mi từ Ba-tư về. Ma-la-chi nói đến những sự quá lạm đã xen vào đời sống dân Giu-đa: như các thầy tế lễ lười biếng và suy đồi, của lễ dâng trên bàn thờ không xứng đáng, dân chểnh mảng về sự nộp phần mười, cho việc ly dị là thường bỏ quên không nhớ đến giao ước Chúa. Ấy cũng như Nê-hê-mi mô tả (Nê-hê-mi 3:5; 5:1-13). Chắc quan tổng trấn được "sứ giả Ðức Giê-hô-va" giúp đỡ trong chức việc cai trị nhiều. Ma-la-chi trong cuộc cải lương dưới Nê-hê-mi giữ một địa vị giống Ê-sai trong đời vua Ê-xê-chia, và Giê-rê-mi trong đời vua Giô-si-a. Ấy vậy, đoạn cuối cùng của sử ký người Giu-đa chép trong Cựu Ước là chìa khóa để mở ý nghĩa của lời tiên tri chép trong đoạn cuối cùng Cựu Ước.
III. Tài liệu.-- Có thể chia sách Ma-la-chi làm ba phần lớn:
1. Sự yêu thương Ðức Chúa Trời riêng cho dân Y-sơ-ra-ên tỏ ra trong sự chọn Gia-cốp thế cho Ê-sau (1:2-5).
a) Thầy tế lễ và dân sự (1:6-14) làm ô danh Chúa bởi dâng những của lễ có tì vít (6-14); sự hình phạt Chúa ngăm đe vì lìa bỏ mẫu mực mà Chúa đã lập cho chức vụ thầy tế lễ và đã một lần được thi hành (2:1-9).
b) Dân sự giao thiệp với nhau cách dối trá, cưới gả với người ngoại (2:11), từ bỏ vợ mình và làm những điều bạo động (2:10-17).
2. Sự phán xét sắp xảy đến. Sứ giả của Ðức Chúa Trời sắp sửa soạn đường, chính Chúa thình lình sẽ vào trong Ðền thờ, sứ giả của Giao ước sẽ đến làm quan án và tẩy sạch người Lê-vi khỏi tội và phạt người gian ác (3:1-6 so Xuất Ê-díp-tô ký 23:20-23; Ma-thi-ơ 11:10).
3. Sự kêu gọi phải ăn năn, vì Chúa sẽ đến để ban phước và đoán xét cùng hủy ý tưởng Chúa không phân biệt giữa người thiện và ác. Những người từ tội trở về cùng Ðức Chúa Trời sẽ là cơ nghiệp riêng của Ngài, song kẻ ác sẽ bị thiêu đốt như rơm rác (3:7-4:3). Lời khuyên nên nhớ đến luật Môi-se, và báo trước chức vụ Ê-li sửa soạn ngày ghê gớm của Chúa (4:4-6; Ma-thi-ơ 7:10-13; Lu-ca 1:17).
IV. Lối văn.-- Nguyên văn Hê-bơ-rơ của sách theo thể văn xuôi: nói rõ, nặng, và thẳng; thỉnh thoảng hầu như có vần. Số thí dụ và hình so sánh nhiều như tưởng chắc có trong những phần ngắn ngủi của các bài giảng mà Ma-la-chi đã truyền lại, và mỗi lần dùng đến cũng đúng và tốt đẹp (1:6; 3:2, 3, 17; 4:1-3). Ðiều đặc biệt hơn hết về lối văn là có vẻ như một giáo sư dạy dỗ hơn là bài giảng, nhứt là lối vấn đáp. Ðó là lối công văn thường dùng của người Hy-lạp ở A-thên đời Socrate. Thứ nhứt ông xưng ra hay tố cáo, sau tưởng tượng thính giả dấy lên phản đối, cuối cùng tiên tri bác lời phản đối đó. Có tám lần trong sách như thế, và mở đầu "Các ngươi nói rằng" (1:2, 6, 7; 2:14, 17; 3: 7, 8, 13).
V. Sứ mạng.-- Mục đích đầu nhứt của Ma-la-chi là khuyến khích một dân sự đã ngã lòng vì cớ còn đợi chờ những lời nói trước của A-ghê và Xa-cha-ri được ứng nghiệm.
Trong những sự dạy dỗ còn quan thiệp đến ngày nay là:
1. Lễ nghi là phần quan hệ trong tôn giáo, song không thể tự mình đạt đến mục đích. Dâng phần mười và của lễ là cần thiết, song ấy chỉ bày tỏ một đời sống thuộc linh sâu nhiệm, chơn thật, và đạo đức (1:11).
2. Một tôn giáo coi thường không giá trị gì, và nếu tiếc của lễ dâng thì mất lòng Chúa. Thà một Ðền thờ đóng cửa hơn là một Ðền thờ đông người thờ phượng như thế (1:8-10).
3. Phép ly dị và cưới gả với người ngoại thờ hình tượng trái với ý chỉ của Chúa lập một dân riêng cho Ngài là một dân trong gia đình thánh khiết vì có "dòng dõi thánh" (2:15).
4. Luật pháp vẫn có qui củ mãi, nên Ma-la-chi chú trọng cần phải giữ theo luật pháp Môi-se. Các thầy tế lễ giữ gìn và giải nghĩa luật pháp. Dân sự phải nhờ các thầy tế lễ để được biết luật đó. Về Ma-la-chi, cũng như chính Ðấng Christ, không một chấm hay phết nào của luật pháp sẽ qua đi.
VI. Sách được công nhận.-- Ấy là vì Tân Ước trích dẫn nhiều như Ma-thi-ơ 11:10; 17:12; Mác 1:2; 9:11-12; Lu-ca 1:17; Rô-ma 9:13. "Hương và của lễ thánh sạch" trong 1:11 chỉ về của lễ thuộc linh của các tín đồ dâng mình, cầu nguyện, khen ngợi trong thời đại Tin lành, đều nhờ của lễ trọn vẹn một lần đủ cả của Ðấng Mê-si (Thi Thiên 141:2; Khải Huyền 8:3; Hê-bơ-rơ 13:10, 15, 16; Rô-ma 12:1; I Phi-e-rơ 2:5, 12), trong khắp mọi nơi (Giăng 4:21-24; I Ti-mô-thê 2:8).
Tiến sĩ Scofield viết tiểu dẫn về Ma-la-chi như sau nầy:
Ma-la-chi, "sứ giả ta", là tiên tri cuối cùng cho dân sót đã lập lại sau 70 năm làm phu tù, có lẽ nói tiên tri trong thời gian hỗn độn lúc Nê-hê-mi vắng mặt (Nê-hê-mi 13:6). Gánh nặng của sứ mạng Ma-la-chi là sự yêu thương của Ðức Giê-hô-va, tội của các thầy tế lễ và dân sự, và ngày của Chúa. Ma-la-chi, giống Xa-cha-ri, thấy cả hai sự giáng lâm của Chúa và nói trước về hai người tiền khu (Ma-la-chi 3:1; 4:5-6). Cách chung Ma-la-chi chép lời phán xét về phần đạo đức của Ðức Chúa Trời trên dân sót được lập lại bởi ân điển Ngài dưới E-xơ-ra và Nê-hê-mi. Ngài đã lập Ðền thờ giữa họ, song sự thờ phượng của họ chỉ là chiếu lệ và không thật lòng.
Có thể chia sách Ma-la-chi làm bốn phần:
I. Sự yêu thương Ðức Giê-hô-va đối với Y-sơ-ra-ên, 1:1-5.
II. Tội lỗi các thầy tế lễ bị quở trách, 1:6-2:9.
III. Tội lỗi dân sự bị quở trách, 2:10-3:18.
a) Tội lỗi nghịch cùng anh em, 2:10.
b) Tội lỗi trong gia đình nghịch cùng Chúa, 2:11-16.
c) Tội lỗi không thật lòng thờ Chúa, 2:17.
Một khúc xen vào: Tiên tri về chức vụ Giăng Báp-tít và sự Chúa đến, 3:1-6.
Phần ba tiếp theo:
d) Dân sự ăn cắp của Chúa, 3:7-15.
đ) Dân sót trung tín, 3:16-18.
IV. Ngày của Chúa, 4:1-6.
a) Ngày Chúa, 4:1.
b) Ngày tái lâm của Ðấng Christ, 4:2-4.
c) Ê-li sẽ đến lần nữa trước ngày Chúa, 4:5-6.
1:6.-- Sự giao thông đây là của cả dân tộc chớ không riêng của một ai (Giê-rê-mi 3:18-19); dường như ở đây người Giu-đa gọi Ðức Giê-hô-va là "Cha", song không chịu phục Ngài như Cha. Xem Giăng 8:37-39; Rô-ma 9:1-8; Ê-sai 63:16.