Ma-na-se. Manassé (Làm cho quên).

     


      I. Con đầu lòng của Giô-sép bởi vợ là Ách-nát (Sáng thế ký 41:51). Giô-sép đặt tên như vậy vì nói: "Ðức Chúa Trời đã làm cho ta quên điều cực nhọc và cả nhà cha ta". Cả Ma-na-se và Ép-ra-im đều sanh trước cơn đói kém bắt đầu. Không rõ con trưởng kém phần hình thức hay lời hứa hơn con thứ, hoặc có một lý cớ bề ngoài nào để cho ông nội là Gia-cốp, yêu con thứ hơn con trưởng, không có nói. Dường như tỏ tiên tri rằng sau nầy khi hai con lớn lên làm tổ phụ hai chi phái thì Ép-ra-im trổi hơn Ma-na-se (Sáng thế ký 48:8-21).
       II. Chi phái Ma-na-se.-- Có 7 chi họ: một lập nên bởi con trai Ma-na-se là Ma-ki, còn sáu thì do cháu là Ga-la-át (Sáng thế ký 50:23; Dân số ký 26:28-34; Giô-suê 17:1-2). Ðịa vị của chi phái Ma-na-se trong đồng vắng khi đi đến xứ Ca-na-an là cùng với Ép-ra-im và Bên-gia-min ở phía Tây hội mạc. Quan trưởng của chi phái trong khi dựng sổ họ hàng tông tộc là Ga-ma-li-ên, con trai Phê-đát-su, số tổng kê lúc đó là 32.200 người (Dân số ký 1:10, 35; 2:20-21; 7:54-59). Khi chia Xứ Thánh, một nửa chi phái Ma-na-se kiều ngụ ở phía Ðông sông Giô-đanh, trong địa phận của các đồi Ga-la-át cùng với những núi cao chót vót và những khe không qua được (Giô-suê 13:29-33). Ma-na-se thắng trận vinh hiển hơn đạo binh Si-sê-ra (Các quan xét 5:14). Còn Ghê-đê-ôn, quan xét lớn nhứt và Giép-thê đều là các chiến sĩ đáng làm gương. Tại đây, họ được rất trù phú, tiến về phía Bắc qua những cánh đồng phì nhiêu Jaulân và Jedủr cho đến chơn núi Hẹt-môn (I Sử ký 5:23). Song họ lần lần đồng hóa với các dân tộc cũ của xứ, bội đạo Ðức Chúa Trời của tổ phụ, theo các thần mà Ngài đã hủy diệt trước mặt họ; nên khi Ha-xa-ên đến đánh Y-sơ-ra-ên ở phía Ðông sông thì các người Ma-na-se bị chà nát một cách ghê gớm (II Các vua 11:33; A-mốt 1:3). Về sau, họ lại bị vua Phun và Tiếc-lát Phin-nê-se bắt làm phu tù sang mé sông Gô-xan (I Sử ký 5:26). Vua Ê-xê-chia phục hưng Lễ Vượt Qua cũng gọi người Ma-na-se đến Ðền thờ giữ lễ (II Sử ký 30:; 31:), Ê-sai 9:20 có chép: "Ma-na-se nghịch cùng Ép-ra-im, Ép-ra-im nghịch cùng Ma-na-se, dầu vậy, cơn giận của Ðức Giê-hô-va chẳng lánh khỏi, nhưng tay Ngài còn giơ ra". Ê-xê-chi-ên, trong sự hiện thấy, thấy xứ Ca-na-an được phục hưng chỉ ở phía Tây sông Giô-đanh, nhưng người Ma-na-se ở phía Ðông và ở phía Tây sông đều hiệp lại làm một (Ê-xê-chi-ên 48:4).
       Còn nửa chi phái kia ở phía Tây sông Giô-đanh như Thi Thiên 60:7; 108:8 nói rõ.
       III. Vua Ma-na-se.-- Vua thứ XIII của Giu-đa; là con Ê-xê-chia, vua Giu-đa. Mẹ Ma-na-se tên là Hép-si-ba. Hồi 12 tuổi Ma-na-se lên kế vị 697 T.C.. Vua nầy lên cầm quyền chính là một dấu thay đổi hẳn chính thể cai trị theo tôn giáo. Trải qua 55 năm, vua cai trị lâu hơn các vua Giu-đa khác, làm mọi điều gian ác: thờ hình tượng, lập đồng bóng, giết tiên tri, hãm dân sa vào tội, chọc giận Ðức Chúa Trời (II Các vua 21:1-18; II Sử ký 33:4). Theo lời truyền khẩu của người Do-thái, Ma-na-se cưa xẻ Ê-sai làm hai vì dám phản đối điều ác mình (xem Hê-bơ-rơ 11:37). Chúa sai đạo binh A-si-ri xông vào xứ chiếm lấy thành và bắt Ma-na-se sang Ba-by-lôn, năm thứ XXII đời vua. Ma-na-se biết ăn năn: oán trách mình, cầu nguyện Chúa, bèn lấy lại được ngôi vua và nước cũ (II Sử ký 33:12, 13). Khi Ê-sạt-ha-đôn chết, hoặc vì sự thương xót của vua đó Ma-na-se được thả về. Từ đó, chỉ biết có Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời, Ma-na-se hủy phá hình tượng, trừ bỏ sự thờ cúng nhảm. Ðức tin người Y-sơ-ra-ên không còn bị thử thách nữa (II Các vua 21:1-18; II Sử ký 33:15-16).
       Khi nền quân chủ của nước A-si-ri sắp bị lật đổ, chắc vua Giu-đa tưởng mình có thể cai trị đứng đầu một cường quốc độc lập. Bởi vậy, vua xây vách ngoài thành Ða-vít rất cao, cùng đặt các quan tướng trong các thành bền vững xứ Giu-đa (II Sử ký 33:14). Lúc đó Ai-cập dưới Psammitichus trở nên rất mạnh. Ma-na-se kết ước cùng Ai-cập. Dường như cũng vì thế nên Ma-na-se đặt tên con là A-môn, theo tên một vị thần mặt trời của Ai-cập tỏ ra sự vui mừng về sự kết ước đó. Có một kết quả theo sau là các đạo binh Giu-đa phải sang làm việc cho vua Ai-cập. Nếu sự đó xảy ra lúc Ma-na-se gần qua đời thì dễ hiểu tại sao xác Ma-na-se không được chôn như các vua khác trong mộ nhà Ða-vít, chỉ được chôn trong vườn của U-xa (II Các vua 21:26). Rất lâu về sau, mặc dầu Ma-na-se đã ăn năn song người Giu-đa vẫn còn ghê tởm tên vua đó. A-môn con vua, cai trị thế cho cha 642 T.C..
       IV. Một người thuộc họ Pha-háp Mô-áp đã cưới vợ ngọai bang (E-xơ-ra 10:30).
       V. Một người thuộc họ Ha-sum đã bỏ vợ ngoại bang theo lời E-xơ-ra khuyên (E-xơ-ra 10:33).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.