Ma-quỉ. Diable.

      


      Ý nghĩa ma quỉ trong Kinh Thánh không phải giống như sự suy tưởng của người ngoại đạo, vì trong Kinh Thánh, khi ma quỉ đứng số một thì chỉ về Sa-tan, chủ các quỉ. Theo nguyên văn Hê-bơ-rơ ma quỉ gọi là sãtãn nghĩa là 'kẻ đối địch", do động từ sãtãn nghĩa là "rình đợi trước cửa" (Sáng thế ký 4:7). Theo nguyên văn Hy-lạp, ma quỉ là Ódiabolos, nghĩa là "kẻ phao vu, nói xấu, cáo gian", chỉ về Sa-tan, vua các quỉ dữ, nguồn sự ác, một vị vô hình vẫn đối địch cả Ðức Chúa Trời và loài người.
       Cruden viết về ma quỉ như sau nầy:
       Ma quỉ là một vị thiên sứ rất độc ác, kẻ thù ghê gớm, và kẻ cám dỗ loài người, nhất là tín đồ mà nó muốn cắn nuốt (I Phi-e-rơ 5:8).
       Ma quỉ được gọi bằng tiếng Hê-bơ-rơ là A-ba-đôn, tiếng Hy-lạp là A-bô-li-ôn, tức là kẻ hủy diệt (Khải Huyền 9:11); sứ giả của vực sâu (Khải Huyền 9:11); vua chúa của thế gian (Giăng 12:31); vua chúa của thế gian mờ tối nầy (Ê-phê-sô 6:12); sư tử rống, và kẻ thù nghịch (I Phi-e-rơ 5:8); nó phạm tội từ lúc ban đầu (I Giăng 3:8); Bê-ê-xê-bun (Ma-thi-ơ 12:24); kẻ kiện cáo (Khải Huyền 12:10); Bê-li-an (II Cô-rinh-tô 6:15); đứa dỗ dành (Khải Huyền 20:10); con rồng (Khải Huyền 12:7); kẻ nói dối (Giăng 8:44); Lê-vi-a-than (Ê-sai 27:1); Lucifer tức là sao mai sáng sớm kia (Ê-sai 14:12); kẻ giết người (Giăng 8:44); con rắn lẹ làng (Ê-sai 27:1); Sa-tan (Gióp 2:6); kẻ giữ ngục hoặc kẻ tra tấn (Ma-thi-ơ 18:34); chúa đời nầy (II Cô-rinh-tô 4:4).
       Kinh Thánh ví ma quỉ với loài chó (Thi Thiên 22:16); chim trời (Ma-thi-ơ 13:4); chớp (Lu-ca 10:18); kẻ bẫy chim (Thi Thiên 91:3); châu chấu (Khải Huyền 9:3); muông sói (Giăng 10:12); rắn hổ mang (Thi Thiên 91:13).
       Những tên đó đặt cho chúa các quỉ, chắc là kẻ thứ nhứt dẫn đầu cuộc phản loạn rất lớn nghịch cùng Ðức Chúa Trời, và bởi đó hết thảy thù nghịch với sự thánh khiết và sa vào sự ghê gớm, tối tăm, thất vọng không cùng (Giu-đe 6).
       Ma quỉ rất xảo quyệt trong các quỉ dữ như tỏ ra trong vườn Ê-đen (Sáng thế ký 3:1-5). Nó lập mưu chước rất quyến rũ để cám dỗ thủy tổ loài người lúc sống trong một địa vị cao trọng và cực lạc. Nó lấy sự muốn biết làm mồi và để được thành công nó chọn người nữ yếu đuối dễ cám dỗ hơn. Nó giấu mình trong thân một con rắn, chắc lúc đó nó đi thẳng vì chưa bị phạt bò trên đất nên có lẽ có hình dáng đẹp đẽ dễ cám dỗ hơn. Trước hết nó hứa "Hai ngươi chẳng chết đâu", bởi thế có hy vọng khỏi hình phạt; sau hứa ngày nào ăn trái cây đó, mắt hai ngươi sẽ mở ra và "như Ðức Chúa Trời biết điều thiện và điều ác". Bởi hai sự giả dối đó, nó phá sự vô tội của hai thủy tổ, vì người nữ bị lừa gạt, nuốt nọc độc của rắn đó, nếm sự chết, sau cám dỗ chồng cũng bỏ mạng lịnh của Ðấng Tạo hóa mình. Vậy, bởi ma quỉ, tội lỗi đã nhập vào thế gian và gây nên sự hỗn độn. Từ đó trở đi, loài người ở dưới quyền áp chế của ma quỉ, gọi là Sa-tan, rất độc ác (II Cô-rinh-tô 6:15). Dầu ma quỉ cứ ghen ghét Chúa và linh hồn người, nhưng Chúa Jêsus, bởi sự chết mình đã phá diệt kẻ cầm quyền sự chết là ma quỉ (Hê-bơ-rơ 2:14).
       Có 4 bước sa đọa của ma quỉ:
             1. Nó mất sự tốt đẹp vốn có trên trời, dầu còn được phép lên đó như kẻ kiện cáo người ta cho đến khi Ðấng Christ thăng thiên (Gióp 1:; 2:). Hết cả mọi điều ta biết về nguyên địa vị ma quỉ là:
       Nó là một thiên sứ trưởng sáng láng, song vì cớ lòng tự kiêu và sự tham lam vô cùng nên đã mất, và trước dường như nó có một chức việc riêng như thay Ðức Chúa Trời mà cầm quyền trên đất và các loài thú, bởi đó ta biết sự quan thiệp nó với các quỉ sứ sa ngã theo nó như đã chép suốt cả Kinh Thánh. Bắt đầu cám dỗ người bằng tội đặc biệt của nó là sự tham lam muốn được "như các thần biết điều thiện và điều ác", sự tham lam của nó dường như tỏ bởi quyền phép nó, còn sự tham lam của người là sự muốn hiểu biết. Sự mượn hình con rắn và sự chết xảy đến cho thế giới trước A-đam, tỏ ra sự gian ác đã mang vào bởi nó, trên những vật thọ tạo thấp kém trước khi người được dựng nên. Trước khi Ðấng Christ thăng thiên cửa trời chưa mở hẳn cho loài người (Giăng 3:13) song cũng đóng lại không cho Sa-tan qua.
             2. Từ Ðấng Christ đến 1.000 năm bình an, nó bị phạt liệng xuống như "kẻ kiện cáo những người được lựa chọn; vì Ðấng Christ hiện ra làm Ðấng cầu thay cho chúng ta" (Hê-bơ-rơ 9:24). Sa-tan kẻ thù địch không còn hiện ra nghịch cùng chúng ta nữa (Rô-ma 8:33-34). Nó cùng sứ giả của nó hành động trong khoảng không và trên đất trong thời kỳ nầy. "Biết rằng thời giờ chẳng còn bao lâu" (Khải Huyền 12:), nên nó nổi "giận dữ" tập trung quyền phép trên đất, nhất là gần đến lúc hết, khi nó mất địa vị nghịch cùng Y-sơ-ra-ên và bị đuổi bởi Mi-chên (Khải Huyền 12:7, 9; Ða-ni-ên 12:1; Xa-cha-ri 3:), tại đó Giê-hô-sua thầy tế lễ làm đại diện cho Giê-ru-sa-lem được Chúa chọn khi Chúa quở trách Sa-tan.
             3. Nó bị xiềng trong khoảng 1.000 năm (Khải Huyền 20:1-3). Khi đã thất bại không phá được mưu định của Ðức Chúa Trời mà làm cho thế gian, nước Ðấng Christ và các tín đồ biến hóa bởi con thú, kẻ tà dâm, và cuối cùng Antéchrist là kẻ bất tình lình bị diệt bởi sự tỏ ra của Ðấng Christ trong sự vinh hiển. Sa-tan bị xiềng trong vực sâu 1.000 năm trong khi đó nó không còn bắt bớ hay cám dỗ Hội Thánh và thân cùng vua chúa thế gian "nằm trong nơi tội ác".
             4. Cuối cùng nó được thả 1 thời gian, Sa-tan thân chinh làm đầu sự mưu nghịch cùng Ðấng Christ để tỏ ra sự chắc chắn của tín đồ không còn có thể sa ngã như A-đam bởi mưu chước Sa-tan, và cuối cùng bị quăng xuống hồ lửa đời đời (Khải Huyền 20:7-10).
       Cũng xem bài Sa-tan và bài Quỉ dữ

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.