Ma-ri. Marie.

        

      Tên Ma-ri vốn từ nguyên văn Hê-bơ-rơ là "Ma-ra", tức dấy mình lên, và "Yah" tức vắn tắt danh Giê-hô-va; vậy nghĩa Ma-ri là "người được Ðức Giê-hô-va tôn lên". Trong Cựu Ước Hê-bơ-rơ, tên nầy là Miryam dịch là Mi-ri-am (Xuất Ê-díp-tô ký 15:20; I Sử ký 4:17), và trong Tân Ước là Maria và Mariám dịch là Ma-ri. Trong Tân Ước có vài người tên là Ma-ri:
       I. Ma-ri, em La-xa-rơ.-- Lòng đạo đức của bà cao hơn Ma-thê, chị bà. Sách Tin lành chép bà có làm ba việc:
             1. Ngồi dưới chơn Chúa Jêsus lặng lẽ nghe lời Ngài (Lu-ca 10:38-42). Song nên chú ý, Chúa phán "Ma-ri đã lựa phần tốt" là đáp lại lời lằm bằm của Ma-thê là người quá lo về việc tiếp khách.
             2. Thấy Chúa đến sau khi La-xa-rơ chết, Ma-ri liền sấp mình xuống dưới chơn Ngài (Giăng 11:29-32). Nên chú ý: Ma-ri hết lòng tin tài năng của Ngài song dường như Ma-thê khác (11:39).
             3. Lấy dầu thơm xức chơn Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 26:6-13; Mác 14:3-10; Giăng 12:1-8).
       Có người nói: Việc Ma-ri lấy dầu xức chơn Chúa giống với trạng huống chép ở Lu-ca 7:36-50 đều thuật việc đáng yêu của người đờn bà thực lòng tin kính, đều lấy Si-môn làm chủ nhà, đều tỏ ra rất thành kính xức dầu và lấy tóc lau chơn Chúa Jêsus. Vì vậy, người ta cho cùng là một việc. Song xem mặt trái thì có rất nhiều trạng huống khác nhau: Chủ nhơn dầu đều kêu là Si-môn, nhưng thật ra một đàng là người Pha-ri-si, một đàng là người phung. Vả, chỗ đất ở cũng khác nhau: một đàng là xứ Giu-đê, một đàng ở xứ Ga-li-lê. Mà người cũng không giống nhau: một đàng là người đờn bà vô danh phạm tội. Còn lời Chúa Jêsus dạy dỗ cũng khác. Ðối với người kia, nó được hưởng ba ơn: tha tội, được cứu và bình yên. Ðối với người nầy nói tiên tri rằng người khắp thế gian đời sau sẽ thuật lại việc bà đã làm. Vậy không thể nói hai việc đó là một được.
       II. Ma-ri Ma-đờ-len.-- Có nhiều lời giải nghĩa khác nhau về tên nầy, song rất tự nhiên là bà sanh trưởng tại thành Magdala (Ma-thi-ơ 15:39 chép là Ma-ga-đan) tức nay là el-Mejdel, trên bờ phía Tây biển Ga-li-lê. Ý bà nầy vốn là người nữ xấu nết chắc vì tên giống megaddelá mà người Do-thái hay dùng để chỉ về đờn bà tóc quấn tức là kỵ nữ; vì hiểu lầm về tật bịnh bà, và vì câu chuyện người nữ xấu nết cho chép trong đoạn (Lu-ca 7:37; 8:2). Lu-ca 8:2 là lần thứ nhứt nói đến bà giữa những người đờn bà "đi theo Ngài... và giúp của cải cho Ngài". Ấy dường như các bà đó có địa vị và có của nữa, và cũng biết ơn Chúa vì Ngài đã giải cứu mình "khỏi quỉ dữ và chữa lành bịnh". Về bà chép đặc biệt "từ người bảy quỉ dữ đã ra" tỏ ra bà bị ám khác thường (so Ma-thi-ơ 12:45; Mác 5:9).
       Vì dâng đời sống mình để hầu việc Ngài, nên bà được giao thông mật thiết với Sa-lô-mê là mẹ của Gia-cơ và Giăng (Mác 15:40), cả với Ma-ri mẹ Chúa (Giăng 19:25). Không có chép gì về cách sinh hoạt, nơi ở, hy vọng hoặc sợ hãi của các bà tin kính nầy trong mấy ngày trước Chúa bị đóng đinh. "Các người đờn bà theo Ngài đều đứng đàng xa mà ngó" (Lu-ca 23:49), trong những giờ gần lúc hấp hối trên thập tự. Sự quan thiệp giữa các bà nơi thập tự sau cứ liên lạc các bà với nhau. Bà nầy đợi chờ cho đến khi hạ thân Chúa xuống, liệm bằng vải gai và để trong phần mộ của Giô-sép A-ri-ma-thê (Ma-thi-ơ 27:61; Mác 15:47; Lu-ca 23:53).
       Vì ngày sau là Sa-bát nên bà phải nghỉ, song khi mặt trời vừa lặn, bà với Sa-lô-mê và Ma-ri mẹ Gia-cơ, "mua thuốc thơm để đi xức xác Chúa Jêsus" (Mác 16:1). Ngày sau trời vừa hừng sáng (Ma-thi-ơ 28:1; Mác 16:2), bà với Ma-ri, mẹ Gia-cơ, và Sa-lô-mê đều đến mộ và thấy hòn đá đã lăn ra rồi, mộ trống không và thấy thiên sứ (Ma-thi-ơ 28:5; Mác 16:5). Bà đến tìm Giăng và Phi-e-rơ (Giăng 20:2); và cứ ở lại mộ, than khóc thảm thiết khi hai Sứ đồ đã trở về (Giăng 20:11). Bà chỉ có một ý: thân Chúa không ở đó (Giăng 20:13). Vì phiền muộn nên bà không nhận biết ngay tiếng và hình thể Chúa (Giăng 20:14-15); song khi nghe Chúa gọi đến tên mình thì bà định thần lại. Bà xưng nhận Ngài và kêu lên tiếng rất tôn trọng mà một người nữ Y-sơ-ra-ên có thể dùng được tức là "Ra-bu-ni" và chạy đến ôm lấy chơn Ngài.
       Có người tin Ma-ri Ma-đờ-len là một với em La-xa-rơ, song không có gì giống cả, trừ sự yêu thương và tôn kính Chúa. Các sách Tin lành chép về Chúa hai lần chịu xức dầu: một bởi người đờn bà xấu nết lúc Chúa ở Ga-li-lê (Lu-ca 7:), và một ở làng Bê-tha-ni bởi Ma-ri em của La-xa-rơ trước khi Chúa vào Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng (Ma-thi-ơ 26:; Mác 14:; Giăng 12:). Chỉ có Giăng 11:2 dường như có thể tỏ ra trong hai chuyện nầy chỉ chép về một bà thôi. Song câu đó chắc có nói trước về chuyện sắp xảy ra như chép trong đoạn 12:. Vả lại, không có chép Ma-ri ở Bê-tha-ni trước là người bị quỉ dữ ám.
       Thật Ma-ri Ma-đờ-len là tín đồ thành thực, trung hậu, kính trọng, yêu mến và hầu việc Chúa Jêsus.
       III. Ma-ri, mẹ Chúa Jêsus.-- Có lẽ không người nào trong văn chương thánh hoặc ngoại đạo có lời tục truyền nói đến nhiều hơn người nữ đồng trinh Ma-ri; và chỉ ít người có sự tích đúng chép rõ hơn.
       A. Theo Kinh Thánh chép.--
       Không ai rõ tên và nghề của cha mẹ bà Ê-sai 7:14 chép tiên tri về bà: "Nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai và đặt tên là Em-ma-nu-ên". Bà cũng như Giô-sép là thuộc chi phái Giu-đa và dòng vua Ða-vít (Thi Thiên 132:11; Lu-ca 1:32; Rô-ma 1:3). Bà có một chị cũng tên là Ma-ri (Giăng 19:25), và bởi phép hôn phối bà là bà con với Ê-li-sa-bét thuộc chi phái Lê-vi và dòng A-rôn. Về bà hứa gả cho Giô-sép, và các cảnh ngộ về bà trở nên mẹ Chúa Jêsus, hãy xem bài Jêsus Christ.
       Từ khi chức vụ Chúa bắt đầu, Ma-ri dường như không còn thấy nói đến. Chỉ có bốn lần vén màn lên mà thôi:
             1. Ðám cưới tại Ca-na (Giăng 2:).
             2. Bà cùng các anh em Ngài "muốn nói cùng Ngài" (Ma-thi-ơ 12:46; Mác 3:21, 31; Lu-ca 8:19).
             3. Lúc Chúa bị đóng đinh.
             4. Những ngày kế tiếp hồi Chúa thăng thiên (Công vụ các sứ đồ 1:14). Nếu thêm hai lần khác nói đến bà nữa, thứ nhứt bởi các người lân cận bà tại thành Na-xa-rét (Ma-thi-ơ 13:54-55; Mác 6:1-3), thứ nhì bởi người đờn bà trong đoàn dân (Lu-ca 11:27), thì đủ hết mọi việc chép trong Kinh Thánh về bà. Ngoài ra chỉ toàn là những lời truyền khẩu.
       Khi suy xét mỗi lần Chúa nói cùng bà hoặc nói đến bà, dường như có một giọng phiền trách trong lời Ngài, chỉ trừ lời Ngài phán lần cuối cùng trên thập tự.
             1. Ðám cưới tại Ca-na xứ Ga-li-lê xảy ra trong khoảng ba tháng giữa lễ báp-têm của Ðấng Christ và ngày lễ Vượt Qua năm 27 S.C.. Khi mẹ Ngài và Giô-sép trong năm 8 S.C. tìm Ngài trong Ðền thờ, thì Chúa tỏ rõ công việc của Cha trên trời là quan hệ hơn cả (Lu-ca 2:48-49). Bấy giờ, cũng vậy, khi làm phép lạ đầu tiên của chức vụ, Ngài cách nghiêm trang tỏ ra quyền Cha trên trời trên Ngài là lớn hơn. Không cần tự hỏi: khi bà xin Ngài làm phép lạ có ý tỏ Ngài là Ðấng Mê-si không, hay là Chúa Jêsus có ý quở trách nhẹ vì bà xin không; vì không thể quyết định được, ta chỉ cần biết Chúa làm phép lạ đó để "tỏ bày sự vinh hiển của mình vậy."
             2. Ca-bê-na-um (Giăng 2:12) và Na-xa-rét (Ma-thi-ơ 4:13; 13:54; Mác 6:1) dường như là nơi trú ngụ của bà trong một thời kỳ lâu. Tại Ca-bê-na-um, vào mùa thu năm 28 S.C., hơn một năm rưỡi sau phép lạ tại Ca-na, Ma-ri hãy còn sống với chị và các cháu trai gái: Gia-cơ, Giô-sép, Si-môn, Giu-đe và ba chị em chúng (Ma-thi-ơ 13:55). Bấy giờ, bà và các cháu nghe về công lao Chúa, và thấy Ngài không chịu nghỉ việc chút nào. Sự tríu mến về phần xác chinh phục đức tin, nên họ sai người đến xin Chúa cho phép họ nói chuyện với Ngài. Ngài đáp lại như có ý quở trách. Khi xét kỹ lời Chúa đáp (Mác 3:33-35), đủ hiểu Ngài không coi thường dây liên lạc ở trong gia đình; trái lại, có ý tỏ ra dây liên lạc Chúa với những kẻ làm theo ý muốn Ðức Chúa Trời là quí hơn.
             3. Sau đó, bà đứng ở nơi chơn thập tự với chị là Ma-ri, Ma-ri Ma-đờ-len, và Sa-lô-mê cùng mấy bà khác. Chắc Ma-ri đã theo Con, có lẽ suốt cả buổi sáng ghê gớm là ngày Vendredi Saint. Chừng ba giờ chiều Ngài sắp trút linh hồn, đứng bên cạnh đám phụ nữ có Thánh Giăng, hầu như lời chót của Ngài là Chúa giao mẹ Ngài cho người môn đồ mà Ngài yêu để lo nuôi dưỡng, và phán với Ma-ri: "Hỡi đờn bà kia, đó là con của người".
             4. Bức màn đã vén lên trên sự buồn bực và sự vui mừng của bà tiếp theo cơn đau khổ đó. Vào đời Trung cổ có sự tưởng tượng, song Kinh Thánh không chép gì, Con bà sau khi đã sống lại hiện đến cùng bà. Chắc bà còn sống tại Giê-ru-sa-lem với Thánh Giăng. Dầu Kinh Thánh không chép bà có mặt khi Chúa thăng thiên hoặc Ðức Thánh Linh giáng xuống ngày lễ Ngũ Tuần, nhưng chép bà và anh em Ngài với các môn đồ khác tại phòng cao đều "bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện" (Công vụ các sứ đồ 1:14). Ấy là lần cuối cùng Kinh Thánh chép về bà. Có lẽ từ đó bà cứ ở với Giăng tại Giê-ru-sa-lem trọn đời. Theo lời truyền khẩu thì môn đồ Chúa yêu không chịu lìa bỏ xứ Phê-lê-tin cho đến khi bà đã trút linh hồn trong cánh tay mình. Lời truyền khẩu khác nói bà cùng đến thành Ê-phê-sô với Giăng và qua đời tại đó lúc tuổi rất cao.
       Về tạnh hạnh của bà Ma-ri, có một vài nét tả ra trong Kinh Thánh, nhứt bởi Lu-ca kể lại, có thể biết chắc bà lúc còn thanh niên chăm học Kinh Thánh và đặt trước mặt mình gương sáng của các bà thánh chép tại đó làm mẫu mực. Ðiều nầy bày tỏ trong bài Ngợi khen Chúa của bà (Lu-ca 1:46). Ðức tin và đức khiêm nhường của bà tự phô bày ra khi bà vâng phục ngay ý muốn của Ðức Chúa Trời, dầu không biết sẽ xảy ra cách nào (Lu-ca 1:38); nghị lực và sự bền lòng của bà tự phô bày ra khi đi từ Na-xa-rét đến Hếp-rôn (Lu-ca 1:39); sự vui mừng tạ ơn trong bài ca (Lu-ca 1:48); sự suy gẫm yên lặng khi suy nghĩ về sự thăm viếng của mấy kẻ chăn chiên (Lu-ca 2:19), và khi ghi nhớ những lời Con mình vào lòng (Lu-ca 2:51) dầu không thể hiểu trọn vẹn. Nói tóm lại, theo Kinh Thánh mô tả, Ma-ri là người mềm mại, trung tín, khiêm nhường, nhẫn nại nhứt, dễ yêu và thật thà hơn hết, song vẫn là một người đờn bà.
       B. Theo lời tục truyền.-- Dầu không muốn nói đến sự thờ lạy Ma-ri ngày nay, nhưng bất đắc dĩ phải luận qua căn nguyên, sự mở mang, và tình hình hiện tại về sự tôn kính bà quá lẽ, để làm trọn bài nầy. Căn nguyên là bởi đâu? Chắc không phải từ Kinh Thánh. Không có lời nào nói đến, hoặc trong Kinh Thánh, bài tin kính, hoặc trong văn sách các giáo phụ trong năm thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh. Vậy, khởi xướng từ đâu? Không còn nghi ngờ gì nữa, căn nguyên sự thờ Ma-ri thật do các lời tục truyền huyền hoặc về sự hạ sanh và sự chết của bà. Trong các tục truyền đó có mầm về sau lan rộng cho đến tình trạng quyền thế ngày nay.
       Một vài tục truyền về sự hạ sanh của bà nhằm thế kỷ II và III S.C., là những sản vật của phái trí huệ (Gnosticisme). Cả Hội Thánh trong năm thế kỷ đầu tiên đều cùng quyết chối bỏ, chỉ kể là hoang đường và tà giáo. Mãi cho đến đời biện luận của phái Nestorien, sự thờ bà Ma-ri như hoàn toàn ở ngoài Hội Thánh, vì coi là tà giáo. Song những sự tranh luận của phái Nestorien thay đổi tình cảm trong trí người ta. Nestorius đã duy trì, hoặc ít nhứt phe Nestorianisme cũng hướng về Chúa chẳng những có hai bổn tánh: thần tánh và nhân tánh (ấy là đúng), nhưng cũng nói Ngài là hai người, đến nỗi tỏ ra là Con sanh bởi Ma-ri không phải là Chúa, chỉ là một người thường cho đến khi có thần tánh nhập vào sau hiệp một với Ngài. Thuyết nầy bị Công giáo Hội nghị thứ tư tại thành Ê-phê-sô năm 431 S.C. bác đi, và danh từ Théotokos, phỏng dịch là "Mẹ Ðức Chúa Trời" được công nhận. Ðây nên nhớ:
       1. Ê-phê-sô bấy giờ là thành trung ương của các xứ trải qua 50 đời quen thờ nữ thần Ði-anh với con đồng thể và phần nhiều người dự hội nghị đó chỉ biết sơ qua về Ðạo Ðấng Christ theo Kinh Thánh;
       2. Mục đích Công giáo Hội nghị và những người phản đối Nestorius không phải là thêm sự tôn trọng mẹ, song giữ gìn đạo thật về Con. Thế mà, kết quả thật là thêm sự tôn trọng mẹ, và sau một thời gian, là giảm bớt sự tôn vinh Con. Bấy giờ, phe Trí huệ không còn bị công kích như trước, và các lời tục truyền cũng thế; nhưng phe Nestorien và phe không thờ hình thánh (iconoclaste) bị ghen ghét. Từ đó, sự thờ Ma-ri bắt đầu thêm lên nhiều. Vậy, về sự thờ bà Ma-ri có hai thời kỳ rõ ràng:
             1) Bắt đầu từ đời các Sứ đồ cho đến Giáo hội nghị họp lại tại thành Ê-phê-sô; song sự thờ Ma-ri hoàn toàn ngoài Hội Thánh và coi là tà giáo.
             2) Bắt đầu từ thế kỷ thứ VI, khởi sự lan tràn trong Hội Thánh; mặc dầu có sự Cải chánh, song cứ càng ngày càng được truyền rộng đến nay.
       Truyện hoang đường về phép lạ Ma-ri được cất lên trời (Assomption) xuất hiện lần thứ nhứt trong sách Sử ký của Eusèbe viết: "Trong năm 48 S.C., Ma-ri, nữ đồng trinh, được cất lên trời, như có một vài người viết đã được tỏ ra cho mình mình vậy". Nay ai nấy công nhận những lời đó là giả mạo! Dầu vậy, lời tục truyền đó xen vào Hội Thánh trong thế kỷ VI và VII, và Grégoire de Tours (chết 594 S.C.) truyền rằng: "Khi các Sứ đồ tại nhà Thánh Giăng đứng cạnh bên Ma-ri lúc hấp hối, Chúa Jêsus cùng các thiên sứ hiện đến và giao linh hồn mẹ Ngài cho thiên sứ trưởng Mi-chên. Ngày sau, lúc đem xác bà đến phần mộ, Ðấng Christ hiện đến lần nữa và đem xác đó với Ngài trong đám mây mà lên trời, ở đó linh hồn lại nhập vào xác". Tục truyền nầy đã thêm nhiều. Dầu đã lập ngày lễ Assomption vào 15 Aout, nhưng chưa được kể là một lẽ đạo (1920), chỉ coi là một "quan niệm tin kính". Hết thảy Hội Thánh Cải chánh trong khắp thế gian chối bỏ quan niệm tin kính nầy vì không có chứng cớ nào trong Kinh Thánh.
       Lẽ đạo Ma-ri không mắc nguyên tội (Immaculée conception) mới thành lập ngày 8 Décembre 1854. Giáo hoàng Pie IX tuyên bố: Nhờ quyền phép Chúa Jêsus Christ, hai Sứ đồ Phi-e-rơ và Phao-lô, và quyền phép riêng ta, lẽ đạo quyết định Ðức bà Ma-ri, nữ đồng trinh, đầy ơn phước, từ lúc mới bắt đầu được thai dựng trong lòng mẹ, bởi một ơn đặc biệt và ơn riêng của Ðức Chúa Trời toàn năng, vì các công đức Chúa Jêsus Christ là Chúa Cứu thế, đã được gìn giữ khỏi mọi vết dơ bẩn của nguyên tội, ấy được tỏ ra bởi Ðức Chúa Trời, cho nên các bổn đạo phải bền lòng vẫn tin như vậy. Nếu lẽ đạo nầy là thật, thì cũng cần phải tin suốt đời nhờ phép lạ như thế Ma-ri sống một cách vô tội nữa. Song Kinh Thánh không chép gì về lẽ đạo nầy. Trái lại, có chép: "Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt" (Giăng 3:6), "mọi người đều phạm tội" (Rô-ma 5:12), và chính Ma-ri nói rằng: "Tâm thần tôi mừng rỡ trong Ðức Chúa Trời, là Cứu Chúa tôi, vì Ngài đã đoái đến sự hèn hạ của tôi tớ Ngài" (Lu-ca 1:47-48). Nếu bà sanh vô tội, thế nào Ðấng Christ làm Cứu Chúa của bà được? Mãi cho đến hết thế kỷ V S.C. không có chứng cớ các Sứ đồ và Giáo phụ Hội Thánh tin Ma-ri sanh ra vô tội. Chỉ có Éphrem Syrus viết: "Thật chỉ có Ngài và Mẹ Ngài là thanh lịch thay"; Augustin: "Có hai người được làm giống nhau hoàn toàn, thật thà, vô tội, là Ma-ri và Ê-va"; và Irénée: "Cái nút sự không vâng lời Ê-va được tháo ra bởi sự vâng lời Ma-ri". Khi xét lại ba câu đó không thể nào quyết định làm chứng lẽ đạo Ma-ri sanh ra vô tội. Song đến thời kỳ có cuộc tranh luận phe Nestorien, sự Ma-ri sanh vô tội bắt đầu được lan tràn trong Hội Thánh, và từ đó dạy dỗ trở nên một tín ngưỡng chung. Ðến thế kỷ XII thành ra phổ thông. Có St. Bernard quyết rằng Ma-ri đã hoài thai trong tội, song trước khi bà được sanh ra thì đã sạch khỏi tội như Giăng Báp-tít và Giê-rê-mi. Ấy là tình cảm trong thế kỷ XIII. Nhà thần đạo thứ nhứt xướng lên thuyết nầy là Duns Scotus trong thế kỷ XIV.
       Về lẽ đạo Ma-ri vẫn đồng trinh là trái với lời Kinh Thánh, như Lu-ca 2:7 chép Ma-ri: "sanh con trai đầu lòng", không phải "độc nhứt"; như Mác 3:31 chép "mẹ và anh em Ngài đến", v.v... Dầu nói Ma-ri không sanh con khác, nhưng ấy cũng không đủ chứng cớ bà vẫn giữ đồng trinh luôn. Nếu Ma-ri và Giô-sép chỉ là vợ chồng bề ngoài, thì trái với mạng lịnh Chúa làm nên một thịt.
       Lẽ đạo Ma-ri được vinh hiển, được thờ lạy, và làm Ðấng Trung bảo hành chức cầu thay cũng không có nền tảng trong Kinh Thánh. Như nói Ma-ri là một với người đờn bà trong Khải Huyền 12:1-6 là vô lý, vì khi so với các câu tham hợp thì tỏ rất rõ không chỉ về địa vị Ma-ri ở trên trời. Như nói rằng vì Ðấng Christ vẫn là người nên vẫn là con của Ma-ri. Nhưng theo Lu-ca 2:51 chép rằng tại Ðền thờ Chúa đã tỏ ra về chức vụ Ngài như là Chúa thì Ma-ri phải nhờ con mình, không thể cầm quyền. Như nói Ðấng Christ nghe lời bà cầu nguyện trên trời thay cho người trong thế gian, ấy trái với Kinh Thánh dạy phải nhơn danh Ngài mà cầu nguyện. Như nói vì Ma-ri lo về Chúa trong thế gian cũng lo ở trên trời như thế nữa. Song bà vẫn còn thuộc về thân thể Ngài tức là Hội Thánh (Công vụ các sứ đồ 1:14). Trừ ra bà thật có bổn thể Chúa, thì không thể có sự hiện diện phổ thông trong Hội Thánh và không có thể nghe lời cầu xin của những người đồng tin với mình.
       Vậy, phải tóm tắt lại cả vấn đề về sự thờ Ma-ri về phần sử ký chỉ là thuộc tưởng tượng vô lý, và về phần tâm lý là kết quả tự nhiên về sự cấm dục và cấm cưới gả của các chức viên trong Giáo hội La-mã.
       IV. Ma-ri mẹ của Mác.-- Bà nầy được nói đến giữa các môn đồ đầu tiên. Cô-lô-se 4:10 chép bà là chị của Ba-na-ba, và theo Công vụ các sứ đồ 4:37; 12:12 dường như khi em bà dâng đất ruộng, bán đi đem tiền vào công quỹ chung của Hội Thánh, thì bà cũng dâng nhà mình làm một nơi nhóm họp quan hệ. Sau khi được thiên sứ cứu ra khỏi ngục, Phi-e-rơ liền đến gõ cửa nhà bà tại Giê-ru-sa-lem (Công vụ các sứ đồ 12:12), và cũng gọi Mác là con mình (I Phi-e-rơ 5:13).
       V. Ma-ri người nữ tín đồ La-mã.-- Ở trong thơ Phao-lô có gởi lời chào thăm bà (Rô-ma 16:6), dường như bà nầy đã "có nhiều công khó" vì anh em.
       VI. Ma-ri, vợ Cơ-lê-ô-ba.--
       Giăng 19:25 chép: "Tại một bên thập tự giá của Ðức Chúa Jêsus có mẹ Ngài đứng đó với chị mẹ Ngài là Ma-ri vợ Cơ-lê-ô-ba, và Ma-ri Ma-đờ-len nữa". Khi so câu nầy với Ma-thi-ơ 27:56 và Mác 15:40 thì tỏ ra Ma-ri vợ Cơ-lê-ô-ba và Ma-ri mẹ Gia-cơ nhỏ của Giô-sê là một và là chị của Ma-ri mẹ Ngài. Dường như bà nầy đã gã cho Cơ-lê-ô-ba cũng gọi là An-phê trong khi mẹ Ngài còn ít tuổi. Bà có bốn con trai và ba con gái, chỉ biết tên các con trai là: Gia-cơ, Giô-sê, Giu-đe và Si-môn trong đó có hai người làm Sứ đồ và một người nữa (Si-môn) có lẽ thay anh mình lo việc Hội Thánh Giê-ru-sa-lem. Về Giô-sê và các con gái không chép gì.
       Lần thứ nhứt nói đến Ma-ri nầy là về ngày Chúa bị đóng đinh. Buổi chiều ngày đó bà ngồi một cách buồn thảm ở mộ với Ma-ri Ma-đờ-len (Ma-thi-ơ 27:61; Mác 15:47), và hừng sáng ngày lễ Phục sanh bà lại ở tại đó với các hương thơm dịu mà bà đã sửa soạn trong đêm thứ sáu (Ma-thi-ơ 28:1; Mác 16:1; Lu-ca 23:56), và một trong các bà đã thấy thiên sứ hiện đến, nói Ngài đương sống (Lu-ca 24:23). Không chép gì nữa về bà, không chép gì về chồng bà, có lẽ người đã qua đời trước khi Chúa khởi hành chức vụ. Giô-sép, chồng Ma-ri mẹ Ngài, cũng vậy; nên hai chị em góa chồng chắc sống chung với nhau trong một nhà để an ủi nhau và tiện lợi hơn.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.