Ma-xê-đoan. Macédoine.

      

      I. Nước Ma-xê-đoan.-- Ma-xê-đoan là một xứ phía Bắc Hy-lạp, giữ theo chính thể quân chủ đời thượng cổ, và dân đó vốn bị người Hy-lạp coi như dân ngoại. Ðến năm 359 T.C., khi vua Phi-líp (382-336 T.C.) có giao ước tương trợ với nước Hy-lạp, vì khéo tổ chức quân đội nên làm bá chủ nước Hy-lạp. Con vua là Alexandre le Grand (356-323 T.C.), đánh thắng các nước ở phương Ðông. Các nước Sy-ri và Ai-cập đều thuộc Ma-xê-đoan. Oai danh, quyền thế đế quốc đó Ða-ni-ên đã nói kỹ rồi. Ða-ni-ên 8:3-8 chép Ma-xê-đoan là con dê đực có một cái sừng. Lạ lắm thay lời đó!
       Vì tiền của Ma-xê-đoan đã dùng tiêu đến ngày nay vẫn lấy con dê đó để làm dấu hiệu. Sau khi Alexandre băng, quyền thế nước lần lần suy kém! Ðến năm 168 T.C., người La-mã đánh thắng Ma-xê-đoan chia nước đó làm bốn khu: khu nào cũng theo chính thể cộng hòa. Ðến năm 146 T.C. nước Ma-xê-đoan biến ra chính thể thuộc địa đế quốc La-mã.
       Các thành trong xứ Ma-xê-đoan chép trong Tân Ước là Am-phi-bô-lít, A-bô-lô-ni, Bê-rê, Phi-líp và Tê-sa-lô-ni-ca.
       Xem bài Hy-lạp.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về đế quốc Ma-xê-đoan:
       Ða-ni-ên 8:2.-- Ðoạn 8: nói rõ những tiểu ti của hai cường quốc thứ hai và thứ ba trong thế gian: một nước bằng bạc, một bằng đồng mô tả trong Ða-ni-ên 2:; một nước là con gấu, một con beo trong Ða-ni-ên 7:, tức là đế quốc Mê-đô Ba-tư và đế quốc Ma-xê-đoan ghi trong lịch sử. Lúc Ða-ni-ên được sự hiện thấy (Ða-ni-ên 8:1) nầy thì đế quốc thứ nhứt là Ba-by-lôn gần hết. Bên-xát-sa nầy là vua cuối cùng của đế quốc đó.
       Ða-ni-ên 8:19.-- Ðây có hai kỳ "cuối cùng" tỏ ra:
       1. Về lịch sử, kỳ cuối cùng của đế quốc thứ ba là đế quốc Hy-lạp của Alexandre le Grand. Khi đế quốc đó bị phân chia thì có một cái sừng (câu 9) mọc lên là Antiochus.
       2. Về tiên tri, kỳ cuối cùng của các dân ngoại (Lu-ca 21:24; Khải Huyền 16:14), khi "sừng nhỏ" của Ða-ni-ên 7:8, 24-26, là Con thú, sẽ hiện ra -- ấy là phần sau rốt kỳ cuối cùng của Ða-ni-ên (Ða-ni-ên 12:4).
       II. Hội Thánh tại xứ Ma-xê-đoan.-- Phao-lô giảng lần đầu tại châu Âu là ở xứ Ma-xê-đoan, ấy là sau khi thấy sự hiện thấy người Ma-xê-đoan tại thành Trô-ách. Công vụ các sứ đồ 16:10-17:15 chép cuộc hành trình thứ nhì, Phao-lô lần thứ nhứt qua xứ Ma-xê-đoan, mô tả rất rõ ràng những truyện xảy ra. Hết cuộc truyền đạo nầy, Phao-lô từ thành Cô-rinh-tô đi đường biển trở về xứ Sy-ri. Trong cuộc hành trình thứ ba Phao-lô sang Âu châu lần thứ hai, và hai lần cả lượt đi và về qua xứ Ma-xê-đoan (Công vụ các sứ đồ 20:1-3), song chỉ nói qua, và trừ ra nói về thành Phi-líp, đường đi cũng không rõ. Khi Phao-lô bị tù tại La-mã thì nhứt định qua xứ Ma-xê-đoan và I Ti-mô-thê 1:3 dường như Phao-lô thăm viếng lần thứ tư và có lẽ theo II Ti-mô-thê 4:13 lần thứ năm nữa.
       Kinh Thánh tỏ ra tánh của tín đồ xứ Ma-xê-đoan đều rất tốt: Lòng đơn sơ của tín đồ ở Bê-rê được khen ngợi (Công vụ các sứ đồ 17:11); Phao-lô tỏ lòng yêu thương đặc biệt đối với các tín đồ thành Tê-sa-lô-ni-ca (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:8, 17-20; 3:10); và tín đồ thành Phi-líp, chẳng những khỏi bị Phao-lô quở trách song cũng tỏ lòng rộng rãi và sự từ bỏ mình nữa (Phi-líp 4:10, 14-19; xem II Cô-rinh-tô 9:2; 11:9). Dây liên lạc Phao-lô với các tín đồ Ma-xê-đoan thật chặt; ấy vì cớ có sẵn lòng nghe, vui nhịn nhục trong cơn thử thách, bắt bớ, sốt sắng truyền đạo, yêu thương anh em và dường như không bị những lề thói của giáo sư giả bó buộc bằng các tín đồ trong cõi Tiểu A-si.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.