Mắt. (OEil).

        

      1. Mắt là cơ quan của thị giác, là "đèn của thân thể" (Ma-thi-ơ 6:22). Một thói tục hung dữ giữa các dân ngoại bang xưa là móc mắt kẻ thù (Các quan xét 16:21; II Các vua 25:7; Giê-rê-mi 39:7), và làm cho mù hoặc khoét "mắt phải" coi là sự sỉ nhục, phá sự đẹp, và kẻ bị móc không thể tranh chiến nữa (I Sa-mu-ên 11:2; Xa-cha-ri 11:17).
       Con mắt dùng được phải "sáng sủa", tức không thấy gấp hai hoặc không rõ (Ma-thi-ơ 6:22; Lu-ca 11:34). Mắt có thể lu mờ vì cớ buồn và khóc (Gióp 17:7), hao mòn vì buồn thảm và hoạn nạn (Thi Thiên 6:7; 31:9; 88:9), và tuôn hoặc chảy nước mắt (Ca Thương 1:16; 3:48-49). Mắt có thể nheo lại hoặc liếc cho ưu sầu, hoặc nhắm để toan liệu điều gian tà, hay nhạo báng (Thi Thiên 35:19; Châm Ngôn 6:13; 10:10; 16:30; 30:17), và dâm phụ dùng mí mắt để dụ dỗ (Châm Ngôn 6:25). "Ngước mắt lên" (Sáng thế ký 13:10), cắt nghĩa là xem ở trên hoặc xung quanh để biết và có khi để được giúp đỡ; còn "xây mắt khỏi đi" hay "giấu mắt" (Châm Ngôn 28:27) tỏ ra là vô ý hay không thương xót; và "quay con mắt đi lại" đến nỗi "ở nơi địa cực" (Châm Ngôn 17:24) tỏ lòng tò mò của lòng ngu muội và vô ý của người, trừ ra việc nên làm, thường lo những sự khác. Mắt không thương xót của người đoán xét theo luật pháp tức là không nên đoán xét theo những tình cảm tốt hay xấu (Phục truyền luật lệ ký 19:13), không nên dè tiếc (Ê-xê-chi-ên 5:11), ấy vì theo luật pháp phải "lấy mắt thường mắt", v.v. (Xuất Ê-díp-tô ký 21:24; Phục truyền luật lệ ký 19:21).
       2. Nghĩa bóng: Con mắt của lòng hoặc trí, cơ quan của sự thấy thuộc linh, có thể mở ra và soi sáng cho (Thi Thiên 119:18), bởi lời Chúa (19:8), bởi Ðức Thánh Linh (Ê-phê-sô 1:18), hoặc có thể bị che khuất, không thấy, mù (Lu-ca 24:16; Ma-thi-ơ 13:13; II Cô-rinh-tô 4:4).
       3. Mắt chỉ dẫn trí khôn và tánh người, như "mắt từ thiện" (Châm Ngôn 22:9), tức tánh hạnh tốt; "mắt tự cao" (Thi Thiên 18:27; 131:1; Châm Ngôn 6:17); "không ngước mắt lên" của kẻ khiêm nhường (Lu-ca 18:13; Gióp 22:26); "mắt hành dâm" (Ê-xê-chi-ên 6:9); "mắt đầy sự gian dâm" (II Phi-e-rơ 2:14); và "mắt trừng ngó tới" tức tỏ ra sự thạnh nộ (Gióp 16:9).
       4. Mắt Ðức Chúa Trời với "Chiên Con có bảy mắt" (Khải Huyền 5:6; Ê-xê-chi-ên 1:18; 10:12), nghĩa bóng về sự thông minh vô cùng của Ðức Chúa Trời (So Hê-bơ-rơ 4:13; Thi Thiên 139:16), về sự coi sóc và sự lo liệu của Ngài (Giê-rê-mi 32:19), giúp đỡ (Châm Ngôn 15:3; II Sử ký 16:9; Xa-cha-ri 4:10). Như đưa mắt ra hiệu người có thể chỉ dẫn và dạy bảo, cũng vậy, mắt Chúa có thể "chăm chú" và "khuyên dạy" (Thi Thiên 32:8).
       5. Trong tiếng Hê-bơ-rơ có ba lời dịch là "con ngươi của mắt: Ĩshõn" dịch thật là "người nhỏ", ấy chắc vì con ngươi dường như soi hình nhỏ, người cẩn thận nhìn vào (Phục truyền luật lệ ký 32:10; Thi Thiên 17:8; Châm Ngôn 7:2); là bãbhãnh, dịch đúng là "cái cửa của con mắt" (Xa-cha-ri 2:8); và bath-ayin, dịch đúng là "con gái của con mắt" (Thi Thiên 17:8; Ca Thương 2:18). Ba lời đó chỉ về phần rất dễ bị hại hoặc phát đau của con mắt mà người thường cẩn thận lo đến nhiều nhứt. Vậy, Kinh Thánh chứng rằng Chúa sẽ binh vực và coi sóc những người thuộc về Ngài.
       6. Mi mắt. Mắt và mí mắt thường dùng lẫn lộn và đối ngang như trong Châm Ngôn 4:25 (so 6:4; 30:13): "Mắt con hãy ngó ngay trước mặt, và mi mắt con khá xem thẳng trước mặt con" (Cũng xem Gióp 41:18; Thi Thiên 11:4; Giê-rê-mi 9:18). Sức cám dỗ của người đờn bà xấu nết thì tập trung lại ở mi mắt (Châm Ngôn 6:25; Ê-sai 3:16) "Ðừng để mắt mình mắc phải mi mắt nó". Xưa người nữ có khi lấy mực vẽ mắt (Giê-rê-mi 4:30) để có hình dường lớn và chói sáng. Có lẽ hoàng hậu Giê-sa-bên cũng làm thế (II Các vua 9:30), làm vậy thì màu đen làm cho màu trắng của mắt trắng hơn (Ê-xê-chi-ên 23:40).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.