Mặt trăng. Lune.

        


      Mặt trăng chiếm một địa vị quan trọng trong muôn vật theo sự biết của người Hê-bơ-rơ. Trong lịch sử cuộc tạo thành (Sáng thế ký 1:14-16), mặt trăng hiện ra cùng với mặt trời. Hiệp với mặt trời, mặt trăng "dùng làm dấu để định thì tiết, ngày và năm"; về phương diện nầy mặt trăng có một ảnh hưởng lớn hơn, vì bởi các "thì tiết" đó ta mới biết những ngày lễ trọng của dân Do-thái nhứt là có nói rõ trong Thi Thiên 104:19. Ngoài đó ra, mặt trăng còn có chức vụ riêng là phân phát ánh sáng. Chúa định cho mặt trăng "cai trị ban đêm" như mặt trời "cai trị ban ngày"; và như vậy, sự xuất hiện của hai nguồn ánh sáng "phân ra ngày với đêm". Ánh sáng mặt trăng yếu hơn như nói trong (Sáng thế ký 1:16; Nhã Ca 6:10; Ê-sai 30:26). Sự lạnh lẽo của sương móc ban đêm (Sáng thế ký 31:40). Có hại cho sức khỏe nhứt là cho mặt người nào ngủ ngoài trời; trong Thi Thiên 121:6 có ý tỏ ra hiệu quả không tốt đó. Sự sáng của mặt trăng bên phương Ðông dẫn dắt khách bộ hành trong ban đêm khi sức nóng của ngày đã qua rồi (Thi Thiên 8:3).
       Sự thờ mặt trăng đã thịnh hành trong khắp các dân tộc phương Ðông, và có nhiều mặt. Trong xứ Ai-cập xưa mặt trăng được tôn thờ làm thần Isis và là một trong hai vị thần được hết cả dân Ai-cập tôn kính. Xứ Ba-by-lôn có thờ mặt trăng là nữ thần Aa như là vợ của mặt trời. Trong xứ Sy-ri, mặt trăng là thần Ashtaroth, có tên riêng là "Karnaim" vì có hai sừng của vừng trăng khuyết. Có nhiều chứng cớ tỏ ra những xứ giáp giới với Pha-lê-tin có nhiều lối thờ riêng biệt: ấy là sự tôn kính trực tiếp những vị tinh tú, mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, là điều đặc biệt của người Sê-ba. Chỗ ghi chép thứ nhứt về điều nầy là Gióp 31:26-27, và đáng chú ý trong lời răn dạy của Môi-se (Phục truyền luật lệ ký 4:19) nghịch cùng sự thờ vật thọ tạo hơn là những lối thờ mặt trăng của người Y-sơ-ra-ên chắc từng thấy trong Ai-cập. Ảnh hưởng về sự thờ mặt trăng từ xứ Sy-ri xen vào tư tưởng và phong tục người Hê-bơ-rơ tại xứ Pha-lê-tin nhưng trái với mạng lịnh Chúa (II Các vua 23:5).
       Trong ngôn ngữ hình bóng của Kinh Thánh, mặt trăng thường coi là triệu chứng của những việc xảy ra quan hệ nhứt bởi sự thâu lại tạm thời hay vĩnh viễn của ánh sáng nó (Ê-sai 13:10; Giô-ên 2:31; Ma-thi-ơ 24:29; Mác 13:24). Một khúc khó giải quyết là Khải Huyền 12:1. Mặt trăng đó thường được giải nghĩa như là sự khải thị trong hình bóng về sự vinh hiển của Hội Thánh bao phủ bằng ánh sáng và chiếu rọi lẽ thật của Ðức Chúa Trời. Khi Chúa đến Hội Thánh sẽ "chói rạng như mặt trời" (Ma-thi-ơ 13:43).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.