Mặt trời. Soleil.

      


      I. Vầng thái dương.-- Sáng thế ký 1:16 chép: "Ðức Chúa Trời làm nên hai vì sáng lớn; vì lớn hơn để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm". Ánh sáng mặt trời rực rỡ; muôn vật nhờ nó được gây dựng và lớn lên (Các quan xét 5:31; Phục truyền luật lệ ký 33:14; II Sa-mu-ên 23:4). Song mặt trời cũng chịu mạng lịnh của Ðức Chúa Trời (Gióp 9:7). Bởi đó Giô-suê cầu Chúa trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, thì mặt trời dừng lại, mặt trăng cũng vậy, cho đến chừng dân sự đã báo thù quân nghịch mình (Giô-suê 10:12-15). Trong lời cầu nguyện tiên tri Ha-ba-cúc (3:11) cũng làm chứng "mặt trời mặt trăng dừng lại trong nơi ở nó; vì cớ bóng sáng của những tên Ngài". Sách Ecclésiasticus 46:4 (apocryphe) trưng dẫn về phép lạ đó. Josèphe cũng nói ngày đó được kéo dài hơn. Vậy, không nên ngờ, Chúa nhậm lời cầu của Giô-suê làm phép lạ và cũng có mưa đá, bởi thế, chẳng những dân Y-sơ-ra-ên có đủ thì giờ đắc thắng, nhưng cũng tỏ ra cho dân ngoại bang Ðức Giê-hô-va là Chúa của mặt trời và muôn vật.
       II. Sự thờ mặt trời.-- Sự thờ mặt trời từ đời thái cổ được thạnh hành trong khắp xứ lân cận Pha-lê-tin. Người A-rạp thờ trực tiếp không nhờ đến hình tượng nào (Gióp 31:26-27), và lối thờ đó, chắc các tổ phụ người Do-thái ở Canh-đê và Mê-sô-bô-ta-mi rất quen biết. Ra là thần mặt trời của người Ai-cập xưa, và Ôn là thành người ta thờ (Giê-rê-mi 43:13 "Bết-Sê-mết" nghĩa là Ðền thờ mặt trời); Vậy khi người Hê-bơ-rơ làm tôi mọi tại Ai-cập chắc cũng quen biết vì gần thành Ôn và vì Giô-sép có quan thiệp với Phô-ti-phê-ra, thầy cả thành Ôn (Sáng thế ký 41:45). Thần mặt trời của Phê-ni-xi là Ba-anh, của Am-môn là Mô-lóc và Minh-côm, của Sy-ri là Ha-đát, sau người Ba-tư cũng có Mithras (vì khi trước Zoroaster đã cải lương sự thờ đó). Khi dân Y-sơ-ra-ên vào xứ Ca-na-an, người xứ đó thờ mặt trời làm thần và quì lạy. Luật pháp cấm người Y-sơ-ra-ên bắt chước. Hễ ai không tuân theo lịnh cấm, bỏ hình và phá trụ mặt trời thì bị ném đá chết (Xuất Ê-díp-tô ký 23:24; Lê-vi ký 26:30; Phục truyền luật lệ ký 4:19; 17:3; II Sử ký 14:5). Luật pháp dầu luôn ngăn cấm, song Ma-na-se lập sự thờ trực tiếp mặt trời (II Các vua 21:3, 5). Khi trị vì, A-sa và Giô-si-a phải ra lịnh trừ bỏ hình mặt trời trong các thành (II Sử ký 14:3; 34:4;7; II Các vua 23:11). Ðấng tiên tri nói rằng dân còn sót lại trở về cùng Chúa sẽ không xây mặt về các trụ mặt trời. Khi Chúa vinh hiển trị vì trên núi Si-ôn, mặt trời sẽ mất cỡ (Ê-sai 17:8; 24:23). Ý nói trong khi người ta kính sợ Chúa thì sự thờ mặt trời hết (Ê-xê-chi-ên 6:4).
       III. Ngày giờ và phương hướng định theo mặt trời.-- Người Hê-bơ-rơ kể từ khi mặt trời lặn ngày trước đến lúc mặt trời lặn ngày sau là một ngày. Người Ba-by-lôn kể từ lúc mặt trời mọc hôm trước đến mặt trời mọc hôm sau là một ngày. Thì giờ trong một ngày chia theo bóng mặt trời (II Các vua 20:9-11). Vậy nên thì giờ ngày Hè dài hơn thì giờ ngày Ðông.
       Người Hê-bơ-rơ xưa cũng nhờ mặt trời để tìm phương hướng: Ðông, Tây, Bắc, Nam hiệp với phía mặt trời mọc và lặn (Ê-sai 45:6; Thi Thiên 50:1), bên tối (Sáng thế ký 13:14; Giô-ên 2:20) và bên sáng (Phục truyền luật lệ ký 33:23; Gióp 37:17; Ê-xê-chi-ên 40:24); hoặc dùng cách khác là đứng quay mặt về phía mặt trời mà nhận biết phía trước, sau, tả, hữu (Gióp 23:8-9). Dường như sự chuyển vận của mặt trời cũng nói đến (Giô-suê 10:13; II Các vua 20:11; Thi Thiên 19:6; Truyền đạo 1:5; Ha-ba-cúc 3:11).
       IV. Nghĩa bóng.-- Trong Kinh Thánh có chép những ý văn thơ về mặt trời, dầu những hình bóng thật không nhiều. Vì những lẽ về tôn giáo và canh nông của người Do-thái được nhứt định bởi sự vận hành của mặt trời, vì tánh văn thơ, và vì thiếu sự hiểu biết về khoa học, nên người Do-thái ưa dùng những danh từ thuộc linh và bóng bảy về "vì sáng lớn" trên trời. Như mặt trời có nơi ở (Ha-ba-cúc 3:11), có trại (Thi Thiên 19:4) mà Ðức Chúa Trời đã đóng cho, "mặt trời như tân lang ra khỏi phòng huê chúc, vui mừng chạy đua như người dõng sĩ". Mặt trời là biểu hiện của sự hằng còn (Thi Thiên 72:5, 17) sự đẹp đẽ (Nhã Ca 6:10), sự tinh sạch của những bổn thể trên trời (Khải Huyền 1:16; 12:1), sự hiện diện và ngôi vị của Ðức Chúa Trời (Thi Thiên 84:11). Về phần thuộc linh, Chúa là mặt trời công bình của tín đồ, và từ Ngài nhận sự công bình, và được dự phần trong sự thánh khiết (Ma-la-chi 4:2; Khải Huyền 1:16).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.