Trong Cựu Ước, địa vị người nữ khác nhau với địa vị hèn hạ ngày nay ở Ðông phương, nhứt là các xứ đó có Hồi giáo. Suốt Kinh Thánh, người nữ bình đẳng với người nam, và có khi giữ chức cai quản (Xuất Ê-díp-tô ký 15:20; Các quan xét 4:4; II Các vua 22:14). Người nữ Hê-bơ-rơ chú trọng về sự lưu truyền dòng dõi, nên một người nữ sanh con rất được tôn trọng. Vậy, trong đời các tổ phụ các người mẹ giữ địa vị quan hệ. Trong phép cưới của Rê-be-ca, mẹ nàng dường như cũng có quyền định liệu ngang với cha nàng là La-ban, anh nàng (Sáng thế ký 24:28, 50, 53, 55). Gia-cốp "vâng lời cha mẹ" (Sáng thế ký 28:7), và mẹ cũng là mưu sĩ chính của con. Luật pháp bắt buộc con phải tôn kính cha mẹ như nhau (Xuất Ê-díp-tô ký 20:12). Con nào đánh hay rủa sả cha hoặc mẹ sẽ bị tử hình (Xuất Ê-díp-tô ký 21:15, 17). Con nào không vâng phục cũng vậy (Phục truyền luật lệ ký 21:18-21).
Trong Lê-vi ký 19:3 theo nguyên văn chép con "phải tôn kính mẹ cha". Tác giả Thi Thiên 35:14 tả sự buồn rầu như một con than khóc mẹ mình. Trong suốt cả sách Châm Ngôn dạy bổn phận các con là phải tôn kính, yêu mến và chịu lụy mẹ. Sự yên ủi rất lớn có thể tả vẽ được là mẹ yên ủi con (Ê-sai 66:13).
Trong Tân Ước cũng như trong Cựu Ước. Sự sanh ra của Ðấng Christ nâng người mẹ lên địa vị cao nhứt và lập một tôn chỉ cho cả mọi đời. Ðiều sau hết của Chúa Jêsus trên thập tự là giao phó mẹ Ngài cho "môn đồ Ngài yêu" như là cơ nghiệp riêng của Ngài. Vậy, nhờ Kinh Thánh mà người nữ được đứng trong địa vị cao trọng ngày nay, nhứt là người mẹ. Có khi người kế mẫu cũng coi như mẹ thật (Sáng thế ký 37:10), và bà hay người nữ thân thuộc khác cũng được coi như thế (Sáng thế ký 3:20; I Các vua 15:10).
Có khi Kinh Thánh chép quốc gia như là mẹ mà dân sự là con cái (Ê-sai 50:1; Giê-rê-mi 50:12; Ô-sê 2:4; 4:5). Những thành lớn cũng được coi là mẹ (II Sa-mu-ên 20:19; so Ga-la-ti 4:26), và Gióp 1:21 tả trái đất như thế. Xem bài Ma-ri.