Mê-si. Messie.

        


      Danh nầy (Hê-bơ-rơ là Mashiach) đồng nghĩa với Christ (Hy-lạp là Kristos) tức là Ðấng chịu xức dầu: như phong chức thầy tế lễ thượng phẩm trong Lê-vi ký 4:3, 5, 16; 6:22, các vua Y-sơ-ra-ên cũng thế (I Sa-mu-ên 10:1; 16:13; II Sa-mu-ên 2:4, 7) và tiên tri nữa (I Các vua 19:16). Song danh nầy thứ nhứt chỉ về Vua của dân lựa chọn, là Ðấng được xức dầu không chừng mực để làm trọn mưu định Ðức Chúa Trời cho dân đó tức là cứu chuộc, và các Tiên tri trong Cựu Ước trải qua các đời đều chứng rằng Vua đó sẽ đến. Vậy, thấy trong Tân Ước chép hai lần "Ðấng Mê-si, nghĩa là Ðấng Christ" (Giăng 1:41; 4:25), nên Tân Ước thường chép Ðấng Christ kèm với Jêsus thành một Danh riêng của Ngài.
       Trong Cựu Ước thấy người Do-thái, dân lựa chọn Ngài, có lòng trông đợi Ðấng Mê-si sẽ đến. Tia sáng sớm nhứt về trông đợi nầy thấy trong truyện tích sự sa ngã (Sáng thế ký 3:15), vì "dòng dõi" người nữ là chỉ về Ðấng Mê-si; song Calvin tưởng có ý rộng hơn, tức chỉ về một số người, sau khi đã được cứu chuộc bởi Ðấng Mê-si là Chúa Jêsus Christ là Ðấng làm đầu Hội Thánh, sẽ họp lại thành một đạo quân để thắng hơn điều ác? Sự trông đợi đó được tỏ ra trong đời Nô-ê về dòng dõi của Sem: "Ðáng ngợi khen Giê-hô-va, là Ðức Chúa Trời của Sem thay!" (Sáng thế ký 9:26). Kế đó, tới lời Chúa hứa cho Áp-ra-ham, song ở đó lời hứa cho dòng dõi Sem trở nên lời hứa cho một chi họ (Sáng thế ký 12:2-3; 22:18; 26:4; 28:14); và bởi chi họ Áp-ra-ham cả thế gian sẽ được phước vì khỏi lời rủa sả A-đam. Trong Sáng thế ký 49:10 đi một bước dài: "Cây phủ việt chẳng hề dời khỏi Do-thái, kẻ lập pháp không dứt khỏi giữa chơn nó, cho đến chừng Ðấng Si-lô hiện tới, và các dân vâng phục Ðấng đó" (Sáng thế ký 49:10). Ấy là lần thứ nhứt lời hứa đó chỉ đặc biệt về một người. Khúc tiếp đó thường trích là lời tiên tri của Ba-la-am (Dân số ký 24:17-19). "Một ngôi sao hiện ra từ Gia-cốp" đó chỉ về sự vinh hiển như cây phủ việt chỉ về quyền thế của một vua. Lời tiên tri nầy chắc đã được ứng nghiệm một phần trong Ða-vít (II Sa-mu-ên 8:2, 14); song vì Ða-vít là hình bóng chỉ về Ðấng Christ thì mới được ứng nghiệm trọn vẹn khi Ðấng Mê-si đến. Lời tiên tri Môi-se trong Phục truyền luật lệ ký 18:15-19 cũng chỉ về Ðấng Mê-si, và Chúa Jêsus với Phi-e-rơ đều nói đến (Giăng 5:45, 47; Công vụ các sứ đồ 3:19-26). Nhiều người tưởng rằng những khúc trong Ngũ kinh về "thiên sứ của Ðức Giê-hô-va" chỉ về Ðấng Mê-si.
       Thời kỳ thứ hai của lời tiên tri về Ðấng Mê-si gồm cả đời của Ða-vít. Nhiều khúc trong sách Thi Thiên chỉ về Ðấng Mê-si trong Tân Ước, như: Thi Thiên 2:;16:;22:;40:;110:. Trong thời kỳ nầy lời tiên tri nói rõ hơn nhiều. Danh Ðấng chịu xức dầu, tức là vua được tỏ ra, và Ðấng Mê-si phải từ dòng dõi Ða-vít. Ðấng Mê-si được tả vẽ về phần tôn vinh, và nước Ngài sẽ rất lớn về phần thuộc linh hơn là về phần vật chất, như trong Thi Thiên 2:;21:;40:;110:. Trong các Thi Thiên khác thấy Ðấng Mê-si đang chịu đau khổ và tự hạ như Thi Thiên 22:;16:;40:.
       I. Cựu Ước.-- Sau thời Ða-vít, những lời dự ngôn về Ðấng Mê-si ngừng lại một kỳ, cho đến các tiên tri dấy lên mà chép những lời trong phần thứ ba Cựu Ước. Thật rất lạ, Ê-sai nói: "Một gái đồng trinh sẽ chịu thai sanh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên" (7:10-17). Nhơn cách của con trai rất được chú trọng trong lời tiên tri: Ðấng Em-ma-nu-ên sẽ cai trị xứ (8:8) cùng khúc tiên tri tham khảo (9:), dường như chỉ Em-ma-nu-ên là một với Vua có năm tước hiệu "Ðấng lạ lùng, Ðấng Mưu luận, Ðức Chúa Trời quyền năng, Cha đời đời, Chúa bình an" (Ê-sai 9:6), thuộc dòng dõi Ða-vít (11:2). Ðức Chúa Trời ngự trong Ngài đầy dẫy khôn ngoan và quyền phép nên Ngài có thể cai trị dân Chúa trong nước đời đời Ngài. Vậy, đủ biết Ðấng Mê-si là Vua và Ðấng trị vì thuộc nhà Ða-vít phải đến để cải cách và lập lại dân tộc Do-thái và làm tinh sạch Hội Thánh như vẽ trong Ê-sai 11:;40:-66:. Những hạnh phước về sự lập lại đó chẳng phải riêng của dân Do-thái, các dân ngoại cũng sẽ dự phần nữa (Ê-sai 2:;66:). Mi-chê 5:2 (so Ma-thi-ơ 2:6) tỏ rõ nơi sanh ra của Ðấng Mê-si; Xa-cha-ri 12:10-14 lại tỏ ra là thuộc dòng Ða-vít; Ða-ni-ên 9:25-26 tỏ ra khi nào sẽ tới; A-ghê 2:9 định sẽ tới trong lúc còn có Ðền thờ thứ hai; và Ma-la-chi 3:1;4:5-6 so Ê-sai 40:3-5 đều tỏ ra sẽ có sứ giả dọn đường cho Ðấng Mê-si. Tiếc thay! Dân Giu-đa nhờ Thi Thiên 2:; Giê-rê-mi 23:5-6; Xa-cha-ri 9:9 mà trông đợi một Vua toàn thắng đến, song bỏ qua những lời tiên tri tỏ ra Ðấng Mê-si phải chịu đau đớn trước đã (Ê-sai 53:; Lu-ca 24:21, 26, 27).
       Sự trông đợi Ðấng Mê-si của người Do-thái trong thời kỳ sau khi đã đóng Cựu Ước được tỏ ra một phần bởi những lời ngụ ý trong Tân Ước. Những người Pha-ri-si cùng những người trong dân Do-thái trông đợi Ðấng Mê-si như một vua về phần vật chất, chỉ ít người trông đợi về phần thuộc linh như Si-mê-ôn và An-ne (Lu-ca 2:30, 38), những người Sa-ma-ri bị khinh (Giăng 4:25, 42), và tên trộm cướp trên thập tự (Lu-ca 23:42). Chính các Sứ đồ cũng tiêm nhiễm quan niệm về Ðấng Mê-si vật chất như người Pha-ri-si, chỉ sau khi Chúa phục sanh mới tỏ ra hiểu rõ Ðấng Mê-si phải đến chịu đau khổ trước đã (Ma-thi-ơ 20:20-21; Lu-ca 24:21; Công vụ các sứ đồ 1:6).
       Trái lại, các Rabbins trong dân Do-thái tưởng tượng có Ðấng Mê-si là con Giô-sép phải đau đớn khác với Ðấng Mê-si con Ða-vít phải trị vì, nên bỏ những lời tiên tri chứng rằng Chúa Jêsus thật là Ðấng Mê-si; song những lời tiên tri về sự đau khổ và sự vinh hiển phù hiệp với nhau đến nổi phải quyết định chỉ có một Ðấng Mê-si mà thôi (so Ê-sai 52:7, 13, 14, 15; 53:). Còn có một phần dân Do-thái nghi ngờ, không trông đợi Ðấng Mê-si nữa.
       Trong các dân ngoại có sự trông đợi về một hoàng kim thời đại sẽ được lập lại trong thế gian. Người Do-thái dự phần về hy vọng đó, song quan thiệp với sự đến của một Ngôi vị đặc biệt tức là Ðấng Mê-si. Những người Do-thái đó tìm một vua trên đất, vì cớ đó hy vọng về Ðấng Mê-si tự nhiên có, không nhờ sự khải thị của Chúa. Song những lời tiên tri Kinh Thánh bác bỏ mệnh đề đó, vì chẳng những tiên tri về một Tiên tri mà cũng về một Vua và một Thầy tế lễ nữa, là Ðấng Mê-si sẽ giải cứu dân sự được khỏi tội và dạy về con đường của Ðức Chúa Trời như chép trong Thi Thiên 22: ; 40: ; 110: và Ê-sai 2: ; 11:; 53:. Trong các đoạn nầy và chỗ khác nữa, sự đến của Ðấng Mê-si vượt quá dân Do-thái và tới cả dân ngoại nữa, nên trái với quan niệm riêng cho dân Do-thái. Cứ xem xét Kinh Thánh sẽ thấy sự bành trướng ý về Ðấng Mê-si là do bởi sự khải thị của Ðức Chúa Trời. A-lê-lu-gia! Một ngày kia dân Do-thái sẽ "nhìn xem Ðấng mình đã đâm... sẽ thương khóc..." vì nhận biết Chúa Jêsus đã đến một lần rồi, thật là Ðấng Mê-si của mình (Xa-cha-ri 12:10; Giăng 19:37; Khải Huyền 1:7).
       II.       Tân ước.-- 
      1. Chúa Jêsus giữ ý kiến của Ðấng Mê-si. Chúa Jêsus coi mình là Ðấng Mê-si (Ma-thi-ơ 11:2-10; Lu-ca 7:18-27; 9:18-20; Ma-thi-ơ 16:13-16; Mác 8:27-30; 14:61-62), và thật chỉ mình là Ðấng Mê-si dân chúng hy vọng, hay là chỉ về một Ðấng Mê-si mà Ngài tự định ra? Có vài việc nầy giải quyết vấn đề đó:
             a) Người Do-thái đời bây giờ coi Chúa Jêsus chỉ là Ðấng tiên tri (Ma-thi-ơ 21:14, 46; Mác 6:15) chớ không coi là Ðấng Mê-si. Còn người một đảng kia (chữ hán Tây lộ thi) thì muốn Ngài làm ngay những việc của Ðấng Mê-si. Song Ngài không chịu người ta ép mình làm Vua (Giăng 6:15; Ma-thi-ơ 4:8-10; Lu-ca 4:5-8; Mác 14:47-48).
             b) Chính Chúa Jêsus phán sau Ngài sẽ tái lâm, dựng nước mới, phán xét muôn dân (Ma-thi-ơ 6:10; Mác 9:1; Lu-ca 12:23; 22:30; Ma-thi-ơ 19:28; 25: ; Mác 13: ; 14:61-62; so I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-17).
             c) Chúa Jêsus đang làm Ðấng Mê-si, không phải chỉ thuộc về lúc tận thế mà ngay trong hiện thế. Ngài đã rõ hết ý chỉ Ðức Chúa Trời, và trổi hơn các tiên tri . Xét các sách Tin lành: Khi Ngài bắt đầu hành chức vụ, chưa hề tự xưng mình là Ðấng Christ, Con Ðức Chúa Trời; song chỉ phán là "Con người", tức dẫn danh từ trong Ða-ni-ên 7:13. Ngài không nói trước vì sợ nhân dân hiểu lầm mà ép làm vua thế gian.
             d) Theo tiên tri Cựu Ước, Ðấng Mê-si trước phải làm Ðầy tớ hèn mọn, sau mới được là Chúa tôn vinh. Vậy, Ngài thường phán mình phải chịu khổ mà chết (Ma-thi-ơ 12:40; Lu-ca 9:22; Mác 8:31-9:1, 30-32; 14:24). Sau quả ứng nghiệm với lời tiên tri Ê-sai 53:.
             đ) Chúa Jêsus coi mình là do Ðức Chúa Trời lựa dùng để cứu ai tin cậy mình. Vì vậy, Ngài không làm hiệp với ý của dân chúng về Ðấng Mê-si mà từ xưa ôm ấp, song chịu khổ dân mình làm của lễ cứu chuộc là ý chỉ đặc biệt của Ðức Chúa Trời.
       2. Các Sứ đồ luận về Chúa Jêsus là Ðấng Mê-si rằng: Ngài bị hại là do Ðức Chúa Trời sai khiến; Ngài ở thế gian làm công việc của Ðấng Mê-si chưa xong; Ngài chết rồi sống lại, đó là chứng cớ Ngài thật là Ðấng Mê-si; nay Ngài dầu ở trên trời, song sẽ tái lâm, lập nước Ngài trong thế gian, những kẻ tin Ngài đều được sống lại và được sự sống đời đời. Trong ngày lễ Ngũ tuần đầu tiên, Phi-e-rơ trưng dẫn Cựu Ước làm chứng Ngài là Ðấng Mê-si nay ở trên trời, cho đến chừng nào kẻ thù nghịch bị để ở dưới chơn Ngài (Công vụ các sứ đồ 2:34-35; so Thi Thiên 110:1). Trong bài giảng tại thành An-ti-ốt, Phao-lô cao giọng hô lớn Chúa Jêsus là Ðấng Mê-si của Cựu Ước (Công vụ các sứ đồ 13:16-41; so 17:3). Lại nói: Ðấng Christ tức là Ðức Chúa Trời, vì dầu là Ðấng Mê-si của người Giu-đa, song đối với mọi người tin, Ngài là Cứu Chúa.
       Tiến sĩ Scofield chú thích những Thi Thiên chỉ về Ðấng Mê-si:
       Thi Thiên 118:29.-- Tóm tắt. Chính Chúa đã phán quyết những Thi Thiên chép lời chứng về Ðấng Christ (Lu-ca 24:44, v.v.), và những lời Tân Ước trích từ những Thi Thiên đó tỏ ra thật chỉ về Ðấng Mê-si. Trong Thi Thiên thấy:
       1. Ðấng Mê-si đang chịu đau thương (so Thi Thiên 22:), và đang vào sự vinh hiển của nước Ngài (so Thi Thiên 2:; 24: với Lu-ca 24:25-27).
       2. Ðấng Mê-si tỏ ra trong ngôi vị Ngài:
             a) Như Con Ðức Chúa Trời (Thi Thiên 2:7), và chính Ðức Chúa Trời (Thi Thiên 45:6-7; 102:25; 110:1).
             b) Như Con người (Thi Thiên 8:4-6).
             c) Như Con Ða-vít (Thi Thiên 89:3-4, 27, 29).
       3. Ðấng Mê-si tỏ ra trong các chức Ngài:
             a) Như Tiên tri (Thi Thiên 22:22, 25; 40:9-10).
             b) Như Thầy tế lễ (Thi Thiên 110:4); và
             c) Như Vua (Thi Thiên 2:; 24:).
       4. Ðấng Mê-si tỏ ra trong các công việc khác nhau của Ngài. Như Thầy tế lễ, Ngài dâng mình làm của lễ (Thi Thiên 22:; 40:6; so Hê-bơ-rơ 10:5-12), và trong sự phục sanh như là Thầy tế lễ và kẻ chăn chiên, vẫn hằng sống để cầu thay (Thi Thiên 23: so Hê-bơ-rơ 7:21-25; 13:20). Như tiên tri Ngài tuyên bố Danh Ðức Giê-hô-va như là Cha (Thi Thiên 22:22; so Giăng 20:17). Như vua, Ngài làm trọn giao ước với Ða-vít (Thi Thiên 89:), và lập lại quyền của loài người trên cuộc tạo thành (Thi Thiên 8:4-8; Rô-ma 8:17-21), và quyền Ðức Chúa Cha trên hết mọi loài (I Cô-rinh-tô 15:25-28).
       5. Các Thi Thiên chép về Ðấng Mê-si cũng tỏ những tư tưởng bề trong, những sự phấn đấu của linh hồn, của Ðấng Mê-si khi Ngài còn ở thế gian (Thi Thiên 16:8-11; 22:1-21; 40:1-17).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.