Men. Levain.

     

      Là thứ bột phát chua, dùng để làm bánh dậy men. Các tổ người Hê-bơ-rơ, giống như người Bédouins ngày nay, chắc vốn làm bánh không pha men; song về sau, men được giữ phần lớn trong sự làm bánh, luật pháp về lễ nghi, và sự dạy dỗ về đạo (xem Xuất Ê-díp-tô ký 12:15, 19; 13:7; Lê-vi ký 2:11; Phục truyền luật lệ ký 16:4; Ma-thi-ơ 13:33; 16:6-12; Mác 8:15; Lu-ca 12:1; 13:21).
       1. Làm bánh.-- Lối dùng men làm bánh là đơn sơ và nhứt định. Men làm bằng một miếng bột men đã giữ lại từ lần nướng bánh trước; không có chứng cớ xưa họ dùng thứ men khác như rượu, khoai với đường, v.v.. Miếng bột men giữ lại như thế lấy nhồi với bột như nói trong Ma-thi-ơ 13:33. Bánh nầy gọi là bánh pha men, trái với bánh không men (Xuất Ê-díp-tô ký 12:15,v.v.).
       2. Luật pháp và lễ nghi.-- Những của lễ dùng lửa dâng cho Ðức Giê-hô-va cấm không được cho men (Lê-vi ký 2:11). Song khi của lễ dâng để nuôi thầy tế lễ thì có thể dùng men (Xuất Ê-díp-tô ký 7:13; 23:7). Chắc cớ chính cấm vì men là sự bắt đầu của phương pháp hư nát và chỉ bóng về sự hư nát. Plutareh nói: do men sanh ra sự hư nát, và làm hư nát đống bột nhồi với nó. Chắc vì cớ đó mà cấm để men trên bàn thờ Chúa. Chỉ có phép dùng bánh không men (Lê-vi ký 10:12). Bánh có men chỉ được dùng dâng chung với của lễ thù ân (Lê-vi ký 7:13) và của lễ đưa qua đưa lại (Lê-vi ký 23:17).
       3. Sự dạy dỗ.-- Men dùng để làm thí dụ về tà giáo (Ma-thi-ơ 16:11; Mác 8:15). Và sự gian ác trong lòng (I Cô-rinh-tô 5:6-8; Ga-la-ti 5:9); cũng có nghĩa bóng về ảnh hưởng chung của đạo, hoặc tốt hoặc xấu, như ví nước thiên đàng giống như men mà người đờn bà kia lấy trộn vào trong ba đấu bột, cho đến chừng nào bột dậy cả lên (Ma-thi-ơ 13:33). Nên chú ý ở đây chắc Chúa ví dụ về việc làm cách giấu kín, yên lặng, mầu nhiệm, suốt cả và biến đổi của men hơn là chính men. Người Y-sơ-ra-ên bị cấm ăn bánh có men hoặc có men nào trong nhà khi giữ lễ Vượt qua. Ấy nghĩa bóng người hầu việc Ngài phải sống một đời thanh khiết không chỗ trách, và cũng nhắc lại đã trốn khỏi xứ Ai-cập cách vội vàng, mang bột trong thùng theo, và khi ăn bánh không men đó gợi ý về sự đau khổ ở xứ Ai-cập (Xuất Ê-díp-tô ký 12:39; Phục truyền luật lệ ký 16:3; I Cô-rinh-tô 5:7-8).
       Tiến sĩ Scofield chú thích về men:
       Lê-vi ký 7:13.-- Dùng men đây có ý nghĩa quan hệ. Bình an với Ðức Chúa Trời là điều tín đồ chia phần với Ngài. Ðấng Christ là lễ thù ân của tín đồ (Ê-phê-sô. 2:13). Ðể cảm tạ, tín đồ trước hết phải nhờ Ðấng Christ làm của lễ thù ân mình. Trong câu 12 thấy có của lễ đó làm hình bóng, nên không có men. Trong câu 13, ấy là người dâng cảm tạ vì được dự phần trong sự bình an, vậy men có ý nghĩa: dầu có sự bình an với Chúa bởi công việc của người khác, nhưng trong người dâng còn có sự xấu. Ðiều nầy được minh chứng trong A-mốt 4:5, tại đó tỏ ra còn có sự xấu trong Y-sơ-ra-ên trước mặt Ngài.
       Ma-thi-ơ 13:33.-- Sự giải nghĩa ví dụ về men kia, nói men chỉ về Tin lành đã dẫn vào trong thế gian (ba đấu bột) bởi Hội Thánh và đang hành động khôn khéo đến nỗi thế gian trở lại đạo (cho đến chừng nào bột dậy cả lên), dẫu thay đổi về tiểu ti, song có sự phản đối kịch liệt:
             1. Ấy trái với nghĩa bóng không thay đổi của men, nhứt là trái nghĩa mà chính Chúa đã nhứt định (Ma-thi-ơ 16:6-12; Mác 8:15).
             2. Lời nói thế gian trở lại đạo trong thời đại nầy (cho đến chừng nào bột dậy cả lên) thì trái hẳn với lời giải nghĩa Chúa về ba thí dụ của lúa mì, cỏ lùng, và cái lưới. Chúa tả một bức tranh về một nước có một phần trở lại đạo trong một thế gian không tin; có cá tốt lẫn xấu ngay trong chính lưới nước đó.
             3. Phương pháp làm cho nước thiên đàng lan rộng ra có tỏ trong thí dụ thứ nhứt. Ấy là bởi hạt giống gieo ra, chớ không phải bởi men lẫn vào. Bởi cách dùng của Ngài những hình bóng Kinh Thánh có một nghĩa nhứt định. Men là căn nguyên của sự hư nát đang hành động cách khôn khéo, kín giấu; vẫn dùng trong một nghĩa xấu, và Chúa định nghĩa là tà giáo (Ma-thi-ơ 16:11-12; Mác 8:15). Bột lọc, trái trái dùng làm một của lễ chay (Lê-vi ký 2:1-3), Và làm đồ ăn cho các thầy tế lễ (Lê-vi ký 6:15-17). Về đạo Chúa, một bà xấu nết thường là hình bóng về một người đứng ngoài địa vị thật của mình như chép trong (Khải Huyền 2:20 với Khải Huyền 17:1-16). Khi giải nghĩa ví dụ bởi những hình bóng quen biết đó, thì thành ra một lời răn dạy về đạo thật là để nuôi các con cái trong nước (Ma-thi-ơ 4:4; I Ti-mô-thê 4:6; I Phi-e-rơ 2:2), có thể bị lẫn lộn với tà giáo làm cho hư đi, và ấy bởi Hội Thánh bội đạo (I Ti-mô-thê 4:1-3; II Ti-mô-thê 2:17, 18; 4:3-4; II Phi-e-rơ 2:1-3).
       Tóm tắt:
             1. Men là một chất làm hình bóng hoặc thí dụ bao giờ cũng dùng với một nghĩa xấu trong Cựu Ước.
             2. Lối dùng chữ men trong Tân Ước cũng giải nghĩa bóng ấy là "gian ác và độc dữ" trái với "thật thà và lẽ thật" (I Cô-rinh-tô 5:6-8). Men nghĩa bóng về tà giáo (Ma-thi-ơ 16:12) bằng ba mặt của người phe Pha-ri-si, Sa-đu-sê, và đảng Hê-rốt (Ma-thi-ơ 16:6; Mác 8:15). Men của phe Pha-ri-si là tôn giáo bề ngoài (Ma-thi-ơ 23:14, 16, 23-28); của phe Sa-đu-sê là nghi ngờ sự siêu phàm của Kinh Thánh (Ma-thi-ơ 22:23, 29); và của đảng Hê-rốt là ham mê thế gian (Ma-thi-ơ 22:16-21; Mác 3:6).
             3. Vậy, lối dùng chữ men trong Ma-thi-ơ 13:33 ăn hiệp với ý nghĩa chung.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.