Môi-se. Moise.

     


      Theo tiếng Hê-bơ-rơ là Môshẽh (kéo ra), từ nguyên gốc Ai-cập là Mẽs (lấy ra, con trai). Trong Xuất Ê-díp-tô ký 2:10 chép: "đặt tên là Môi-se, vì nàng nói rằng: Ta đã vớt nó khỏi nước". Ấy hiệp với lời giải nghĩa tên đó của sử gia Josèphe, theo tiếng Copte, Môi-se tức là từ mô: (nước), và ushe (cứu vớt).
       I. Lịch sử Môi-se.-- Không biết chắc chắn tên cha mẹ của Môi-se. Xuất Ê-díp-tô ký 2:1 chép: "Có một người trong họ Lê-vi đi cưới con gái Lê-vi làm vợ. Nàng...sanh một con trai". Xuất Ê-díp-tô ký 6:20 và Dân số ký 26:59 không cần phải tỏ ra Am-ram và Giô-kê-bết thật là cha mẹ của Môi-se vì Sáng thế ký 46:28 chép về "các cháu" dường như thật là con trai Xinh-ba sanh ra, nên theo lối nói đó Am-ram và Giô-kê-bết là tổ của Môi-se chớ không phải là cha mẹ.
       Ðời Môi-se có thể chia làm ba cuộc, mỗi cuộc 40 năm: từ khi lọt lòng mẹ đến khi chạy trốn khỏi Ai-cập; từ lúc chạy trốn đến khi được kêu gọi; và từ khi được kêu gọi đến lúc cứu dân ra khỏi xứ Ai-cập và tới khi qua đời.
             a) Vì "thấy con ngộ", nên mẹ "đem đi giấu trong ba tháng", song không giấu lâu hơn được nữa, thì để con trong một rương mây, đem thả trong đám sậy dựa mé sông và cho chị, chắc là Mi-ri-am, đứng cạnh để biết sẽ ra sao. Có công chúa, con gái Pha-ra-ôn, xứ Ai-cập, xuống sông tắm, thấy cái rương thì sai đi vớt lên. Thấy đứa trẻ, công chúa động lòng thương xót thì chị con trẻ đó gợi ý đi gọi một đờn bà Hê-bơ-rơ cho con bú. Công chúa chịu, nên chị kêu mẹ đến nuôi con. Khi con lớn khôn, mẹ dẫn vào cho công chúa nhận làm con và đặt tên là Môi-se. Từ đó cho đến lúc trốn đi, Môi-se được coi như là người Ai-cập. Trong Ngũ kinh không chép nữa về thời kỳ nầy, song Tân Ước (Công vụ các sứ đồ 7:22) chép Ê-tiên nói: "Môi-se được học cả sự khôn ngoan của người Ai-cập. Sử ký Do-thái cũng nói Môi-se hiểu biết các khoa thiên văn, toán pháp, giải chiêm bao, chữ viết, và thuật số, v.v...Theo các nhà khảo cứu xứ Ai-cập nói, trong vòng các khoa học đó, Môi-se học cả đạo lý về Ðức Chúa Trời cao cả. Vì vậy, Ê-tiên cứ khen: "Lời nói và việc làm đều có tài năng". Dầu vậy, đến một ngày kia, Môi-se quyết định: "Bỏ danh hiệu mình là con trai của công chúa Pha-ra-ôn, đành cùng dân Ðức Chúa Trời chịu hà hiếp hơn là tạm hưởng sự vui sướng của tội lỗi; người coi sự sỉ nhục về Ðấng Christ là quí hơn của châu báu ở xứ Ai-cập, vì người ngửa trông sự ban thưởng" (Hê-bơ-rơ 11:24-26). Vì thấy một người Hê-bơ-rơ bị một người Ai-cập đánh và tưởng chỉ có một mình, nên Môi-se giết người Ai-cập và vùi thây trong đống cát. Lửa lòng ái quốc nổi phừng lên, khiến Môi-se thành một người giải cứu kẻ bị hà hiếp, cũng khiến ông trở nên một người giải hòa của kẻ bị hà hiếp. Có người nói: theo luật Ai-cập, hễ thấy những bị giết ở nơi rừng núi mà không cứu giúp, thì phải đồng tội với kẻ đã giết. Song vì hồi đó, người Hê-bơ-rơ là tôi mọi dưới chánh sách đốc trách tàn ngược của người Ai-cập nên không thể bàn theo luật đó được. Môi-se trốn khỏi Ai-cập không bởi sự thù nghịch người Ai-cập bằng ghen ghét đồng bào; ấy là một chứng cớ tỏ ra trước giả chép sứ ký rất trung tín với sự thật.
       b) Việc giết người Ai-cập vỡ lở, Môi-se phải trốn qua xứ Ma-đi-an. Hằng 40 năm tại đó, Môi-se nếm trải mọi mùi vất vả khổ sở: một là, nhờ dịp nầy Môi-se được rèn luyện thành tài; hai là, vì dân Hê-bơ-rơ con chưa kều cầu Ðức Chúa Trời; ba là, dịp nói với vua Ai-cập chưa đến.
       Ngoài lời chép xứ Ma-đi-an hoặc ở gần bán đảo Si-na-i, không biết đúng nơi nào. Tại đó có một giếng nước danh tiếng (Xuất Ê-díp-tô ký 2:15), xung quanh có các hồ cho bầy vật của người Bédouins uống. Môi-se ngồi bên giếng và xem các bầy chiên đến uống. Có những người A-rạp chăn chiên, lại có bảy con gái của thầy tế lễ xứ Ma-đi-an đến giếng để xách nước cho bầy chiên cha uống, song bị mấy người chăn chiên đuổi đi. Tinh thần thượng võ của Môi-se lại nổi lên vì thấy các nàng bị nguy khốn thế, nên bênh vực và cho những bầy uống. Các nàng về nhà sớm thuật lại cho cha biết. Cho đến bấy giờ, Môi-se như là người Ai-cập (Xuất Ê-díp-tô ký 2:19), song nay trong 40 năm nữa trở nên như người A-rạp (Công vụ các sứ đồ 7:30). Môi-se cưới Sê-phô-ra, con gái của Giê-trô, làm tôi mọi và chăn chiên cho ông gia mình (Xuất Ê-díp-tô ký 2:21; 3:1).
       Môi-se kiều ngụ tại xứ A-ra-bi có kết quả rất quan hệ cho người. Ấy là trong sự sống riêng biệt và đơn sơ của một người chăn chiên, Môi-se nghe tiếng Chúa kêu gọi mình làm tiên tri của Ngài. Theo lời truyền khẩu, quang cảnh của biến động lớn đó là trong trũng Shoayb hoặc Hobab ở phía Bắc Jebel Musa. Dầu ngày nay không thể nhứt định chắc chắn nơi đâu, song chép là tại "bên kia đồng vắng, đến núi của Ðức Chúa Trời, là núi Hô-rếp" (Xuất Ê-díp-tô ký 3:1). Trên núi thiên sứ Ðức Giê-hô-va hiện đến cùng Môi-se trong ngọn lửa giữa một cây hương bách là cây làm hình bóng về sự hiện diện của Chúa: ở giữa bụi gai đó ngọn lửa đương cháy nhưng không hề tàn. Môi-se thấy vậy đến gần, nghe tiếng Chúa kêu mình, thưa lại, thì Chúa bảo chớ đến gần hơn, hãy cởi giày ra, vì chỗ đó là đất thánh. Sau Chúa kêu gọi Môi-se và có hai đặc điểm: Sự khải thị về danh thánh tỏ ra sự đời đời tự hữu của Ðức Chúa Trời độc nhứt (3:13-14); và Chúa sai Môi-se đến giải cứu dân sự Ngài (3:15-22). Song Môi-se nhận biết tự mình không thể làm (3:11), không thể nói cho dân biết Ðức Chúa Trời là Ðấng thế nào để giải cứu (3:13), thiếu chứng cớ để được dân nhận biết mình từ Chúa (4:1), và không có tài nói giỏi để khuyên dân (4:10). Phép lạ thứ nhứt biến cây gậy thành rắn là thí dụ về một đời sống đơn sơ của kẻ du mục dâng mình cho Chúa đổi ra một đời sống vinh hiển làm công việc lớn lao đặt trước mặt Môi-se. Phép lạ Môi-se mắc chứng phung ở đây là một vòng xích liên lạc Môi-se với dân sự mà người Ai-cập gọi là một dân tộc phung. Bởi thế, Chúa dời các sự khó khỏi đường Môi-se, và Môi-se bằng lòng song lấy làm khó (4:13). Chúa không vui song hứa sẽ cho A-rôn giúp em mình là Môi-se (4:14), và cây gậy Môi-se cầm, Ngài sẽ dùng làm các dấu lạ (4:17).
       Môi-se dẫn vợ mình và hai con trai cùng đi với mình về xứ Ai-cập (4:20). Lúc đi đường có sự mầu nhiệm xảy ra. Con út chưa chịu phép cắt bì, ấy vì Sê-phô-ra coi là một phép đổ máu. Bởi thế tỏ ra Môi-se không trung tín trong gia đình mình, nên không xứng đáng với chức vụ cao Chúa đã giao cho. Vì Môi-se đã bỏ quên dấu về giao ước đó, nên Chúa không vui thì làm cho Môi-se gần chết lúc ở trong nhà quán. Sê-phô-ra biết vì cớ nào chồng gần chết, tức thì lấy con dao làm phép cắt bì cho con, nói rằng: "Huyết lang! Là vì cớ phép cắt bì" (Xuất Ê-díp-tô ký 4:24-26). Chắc lúc nầy Môi-se cho Sê-phô-ra và hai con về nhà ông gia và cứ ở đó cho đến sau gặp ở Rê-phi-đim (Xuất Ê-díp-tô ký 18:2-6).
             c) Từ nay trở đi, lịch sử Môi-se là lịch sử dân Y-sơ-ra-ên trong 40 năm tại đồng vắng. Tới xứ Ai-cập, Môi-se với A-rôn tỏ cho Pha-ra-ôn biết mạng lịnh Ngài. Vì cứng lòng, chối bỏ mạng lịnh đó, vua và dân sự phải chịu hình phạt mười tai vạ liên tiếp (5:-13:6). Khi Xuất Ê-díp-tô, Môi-se nhờ Chúa chỉ cho mà dẫn dắt dân sự. Tại Si-na-i, Môi-se giao thông với Chúa cách mật thiết. Chúa cho cả dân sự nghe tiếng Ngài bởi những lời phán rõ; song Ngài cho Môi-se thấy Ngài và đối diện phán của Môi-se như người nói chuyện với bạn mình (Xuất Ê-díp-tô ký 24:9-11; 23:11, 17-23; 34:5-29 so Thi Thiên 103:7) và Ngài tỏ rõ ý muốn Ngài cho Môi-se để dạy dỗ dân sự như sau cũng tỏ cho các tiên tri. Môi-se nhận từ nơi Chúa hai bảng đá, song khi thấy dân sự dưới chơn núi đã thờ lạy bò con vàng thì liền liệng bảng đá xuống đất làm cho bể ra, ấy làm dấu giao ước với Chúa đã bị hủy bỏ bởi tội lỗi đó. Môi-se cầu thay cho dân sự, Ngài hứa sẽ sai thiên sứ Ngài cùng đi với dân sự. Môi-se lại được gọi lên núi, và nhận hai bảng đá khác cũng viết như lần trước (19: ; 20: ; 32:-34:). Mỗi lần lên, Môi-se kiêng ăn 40 ngày đêm (Xuất Ê-díp-tô ký 24:18; 34:28; Phục truyền luật lệ ký 9:9, 18), như Ê-li sau cũng làm (I Các vua 19:8), vậy cả hai đều tả bóng về sự kiêng ăn của Chúa ta (Ma-thi-ơ 4:2). Khi Môi-se cầm hai bảng chứng xuống núi Si-na-i có mặt sáng rực nên dân sự sợ không dám lại gần (Xuất Ê-díp-tô ký 34:29-30). Song Môi-se gọi thì A-rôn và các hội trưởng đến gần và Môi-se nói chuyện; kế sau cả Y-sơ-ra-ên cũng đến, và Môi-se truyền dặn các điều Ngài đã phán trên núi. Khi nói xong, Môi-se lấy lúp che mặt mình (33-34) Môi-se không che mặt mình lúc nói với dân sự hoặc thưa với Ngài. Vậy, Môi-se lấy lúp che mặt chớ không phải để giấu sự sáng rực nhưng để giấu sự dần dần biến mất của sự sáng rực đó; lại mang lúp đi cho đến trở lại sự hiện diện Chúa, thì dở lúp lên để cho sự sáng rực thêm lên nữa. Môi-se "lấy màn che mặt mình hầu cho con cái Y-sơ-ra-ên không trông thấy cuối cùng của sự sáng đang "phai đi" (II Cô-rinh-tô 3:13, bản Việt ngữ in sai lầm "phải", so câu 7).
       Năm thứ nhì dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng. Môi-se lấy một người nữ Ê-thi-ô-bi làm vợ (Dân số ký 12:1). Dầu không chép nhưng Sê-phô-ra có lẽ chết năm trước (Xuất Ê-díp-tô ký 18:2). Mi-ri-am và A-rôn sinh lòng ghen tương vì Môi-se đứng đầu, nên mượn cớ nầy để nói hành nghịch cùng Môi-se. Chúa phạt tạm Mi-ri-am mắc bịnh phung. Chắc người nữ Ê-thi-ô-bi đó là một dân tạp theo Y-sơ-ra-ên trốn khỏi Ai-cập. Tại Ca-đe trong đồng vắng Môi-se sai 12 quan trưởng đi do thám xứ Ca-na-an. Khi các thám tử về, dân Y-sơ-ra-ên dấy loạn bị án phải chết trong đồng vắng (Dân số ký 13: ;14: ).
       Ít lâu sau khi bỏ Ca-đe, Cô-rê và mấy quan trưởng khác loạn nghịch cùng quyền của Môi-se và A-rôn song bị Ngài hình phạt (Dân số ký 16: ). Xem bài Cô-rê. Ðóng trại quân lần thứ hai tại Ca-đe, Môi-se và A-rôn phạm tội nặng (Dân số ký 20: ). Khi Chúa bảo Môi-se hãy nói cùng hòn đá để sẽ chảy nước ra thì Môi-se nói với hội chúng: "Hỡi dân phản nghịch! Hãy nghe, chúng ta há dễ khiến nước chảy từ hòn đá nầy ra cho các ngươi được sao?" Môi-se đập hòn đá hai lần bằng cây gậy mình thì nước chảy tràn ra. Vậy, hai anh em đó không chịu theo địa vị phục tòng, xưng mình là kẻ dẫn dắt và coi sóc dân sự trái lại là Ðức Chúa Trời đã dẫn dắt Y-sơ-ra-ên từ Ai-cập và nuôi 40 năm trong đồng vắng. Hai anh em tự nhận lấy sự tôn trọng thuộc về riêng Ngài. Khi Chúa gọi làm cho Ngài thì hai anh em tự mình làm, và lấy quyền Chúa giao phó để làm cho vinh hiển chính mình. Vì cớ tội phản bội đó Chúa không ban cho hai anh em ơn riêng để dắt Y-sơ-ra-ên vào xứ thánh. Dầu phải bị sửa phạt nặng đó, nhưng Môi-se vẫn giữ lòng trung tín với Chúa. Môi-se dẫn dân sự lần nữa đi đường đến xứ Ca-na-an. Môi-se dẫn A-rôn đi lên núi Hô-rơ, cởi áo tế lễ, và giao chức tế lễ cho Ê-lê-a-sa, như vậy giúp đỡ án phạt tử hình được thành công. Khi dân sự bị rắn lửa cắn chết, Môi-se cầu thay, theo mạng lịnh Ngài, dựng một con rắn bằng đồng lên, và truyền ai bị rắn cắn phải nhìn đến và được sống. Môi-se dẫn đạo binh Y-sơ-ra-ên vào địa phận Si-ôn và -c, và chiếm lấy. Khi đóng trại trong một trũng trong miền núi A-ba-rim và được thấy xứ Chúa hứa cho, những sự cảm động trong lòng Môi-se bật ra bằng lời cầu nguyện: "Lạy Chúa Giê-hô-va, Chúa đã khởi tỏ cho kẻ tôi tớ Chúa sự oai nghiêm lớn, và cánh tay quyền năng của Chúa...xin Chúa cho phép tôi đi qua xem xứ tốt tươi...ở bên kia sông Giô-đanh." Nhưng Chúa đáp: "Thôi chớ còn nói về việc nầy cùng ta nữa...vì ngươi sẽ không đi ngang qua sông Giô-đanh nầy đâu" (Phục truyền luật lệ ký 3:20-27). Rồi Môi-se sắp đặt mọi việc, trước khi qua đời giảng một bài từ biệt dân sự (xem bài Phục), dẫn Giô-suê mà Ngài đã cử lên thay mình trước mặt thầy tế lễ cả và Hội chúng, đặt tay trên người và giao chức mình cho là chức mà mình đã hết sức làm trọn trong 40 năm. Sau Môi-se dẫn Giô-suê tới cửa hội mạc để nhận mạng lịnh từ Chúa. Rồi Môi-se dạy dân sự một bài ca, từ biệt dân sự và chúc phước cho các chi phái, lên trên núi Nê-bô và Chúa cho người xem toàn xứ từ Ga-la-át chí Ðan (chắc Chúa làm phép lạ thêm sự sáng mắt), rồi Môi-se qua đời tại đó "theo như lịnh của Ðức Giê-hô-va" (theo nguyên văn "trên miệng Ðức Giê-hô-va" mà các thầy Rabbins cắt nghĩa "bằng cái hôn Chúa", (so Nhã Ca 1:2). Chính Chúa chôn Môi-se trong trũng tại xứ Mô-áp. Có lẽ khỏi ít lâu Môi-se được Chúa cất lên khi thiên sứ trưởng Mi-chên chống đối với Ma quỉ dành xác Môi-se (Giu-đe 9), vì Môi-se cùng với Ê-li hiện đến với Chúa Jêsus trên núi hóa hình. Josèphe viết mình tưởng Ðức Chúa Trời giấu xác Môi-se kẻo ai thờ lạy chăng. Dầu Môi-se tuổi được 120, nhưng "mắt người không lòa, sức người không giảm." Y-sơ-ra-ên khóc người 30 ngày. Các đời sau cho đến ngày nay Do-thái vẫn nhớ đến Môi-se (Ê-sai 63:11).
       II. Chức vụ.-- Nên suy xét Môi-se quan thiệp thế nào với các người xung quanh mình. Theo Xuất Ê-díp-tô ký, Môi-se và A-rôn gần đều nhau cho đến đêm Y-sơ-ra-ên trốn đi song từ đêm đó Môi-se bắt đầu đứng đầu, còn A-rôn đứng thứ hai, và có Hu-rơ gần đều nhau với A-rôn. Mi-ri-am vì cao tuổi hơn vẫn đứng biệt lập, giúp Môi-se trong chức tiên tri về phần ca hát nhiều. Nhưng không thể chối Môi-se đứng đầu trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên bấy giờ. Môi-se được giao thông với thế giới vô hình nhiều hơn người khác chép trong Cựu Ước. Môi-se được tỏ ra là người lãnh tụ và tiên tri.
       A. Thời Môi-se đứng đầu chia làm ba phần: từ Ai-cập đến Si-na-i; từ Si-na-i đến Ca-đe, và sự chiếm lấy các xứ bên Ðông sông Giô-đanh. Hai sự khó nhứt mà Môi-se gặp là dân sự khó phục ông dẫn dắt, và xứ đi qua thật khó. Trong Kinh Thánh cũng như lời truyền khẩu của người Do-thái, A-rạp và các dân ngoại, những biến động rất quan hệ chép là về sự tìm nước cho dân uống lúc rất cần. Trong Ngũ Kinh chép dân được nước uống bởi phép lạ lúc ở Ma-ra, Hô-rếp, Ca-đe và xứ Mô-áp. Ngày nay còn có ba nơi kể trên. Ðường đi qua đồng vắng chép là nhờ Môi-se chỉ cho, dầu các nơi đóng trại là nhờ trụ mây có sự hiện diện Chúa. Song chỉ cho dân sự trước hết đến Biển Ðỏ sau đến núi Si-na-i thì Chúa nhờ Môi-se hoặc chỉ cho Môi-se. Khi đến gần xứ Pha-lê-tin, chức lãnh tụ Môi-se hiệp lại với chức quan tướng. Môi-se sai các thám tử do thám xứ Ca-na-an trước. Trái với lời khuyên của Môi-se, dân Y-sơ-ra-ên giao chiến lần thứ nhứt tại Họt-ma và bị thất bại lớn (Dân số ký 14:42-45). Nhờ Môi-se dẫn dắt, Y-sơ-ra-ên theo đường vòng đến xứ Pha-lê-tin từ phía Ðông, và dưới quyền Môi-se, Y-sơ-ra-ên đánh hai lần thắng hơn Si-hôn và Óc. Vì chép ngắn lắm nên có thể bỏ quên trong phần chót đời mình, Môi-se chắc bằng Giô-suê về tài chiến sĩ và về sự đắc thắng.
       B. Kinh Thánh chép rõ hơn về chức tiên tri của Môi-se. Môi-se vừa là tiên tri thứ nhứt vừa là kiểu mẫu lớn nhứt của một tiên tri trong Cựu Ước (Phục truyền luật lệ ký 34:10-11). Anh và chị Môi-se đều hưởng các ơn nói tiên tri. Bảy mươi trưởng lão ở Ên-đát và Mê-đát đều "nói tiên tri" (Dân số ký 11:25-27). Song Môi-se tuổi cao hơn mọi người đó. Ấy vì những sự khải thị của Chúa tỏ ra cho Môi-se "miệng đối miệng, một cách rõ ràng, không lời đố, và người thấy hình Ðức Giê-hô-va" (Dân số ký 12:8). Trong sách Xuất Ê-díp-tô ký chép 4 lần về sự khải thị rõ ràng như thế hiệp với bốn cuộc rất quan hệ trong chức vụ Môi-se:
             1. Sự hiện diện Chúa tỏ ra giữa bụi gai đang cháy như đã nói đến. Không có mô tả hình Chúa, chỉ nói "thiên sứ của Ðức Giê-hô-va" hiện ra "trong ngọn lửa" (Xuất Ê-díp-tô ký 3:2-6).
             2. Khi ban luật pháp trên núi Si-na-i, hình bề ngoài của sự khải thị là "một áng mây mịt mịt", "có Ðức Chúa Trời ngự ở trong" và tiếng ra từ đám mây đó (Xuất Ê-díp-tô ký 19:19; 20:21). Lần nầy sự khải thị đặt biệt là về danh Ðức Giê-hô-va. Hai lần chép Môi-se vào trong đám mây đó và ở lại mỗi lần 40 ngày, lần thứ hai ở riêng kiêng ăn (Xuất Ê-díp-tô ký 24:18; 34:28).
             3. Gần hết sự giao thông với Chúa trên núi Si-na-i, có một sự khải thị riêng cho Môi-se. Vì buồn về Y-sơ-ra-ên bội đạo thờ lạy tượng bò con, Môi-se xin xem Ðức Chúa Trời trong sự vinh quang Ngài. Ngài đáp: "Ngươi sẽ chẳng thấy được mặt ta, vì không ai thấy mặt ta mà còn sống." Chúa bảo Môi-se hãy đẽo hai bảng đá như hai bảng trước đánh vỡ, và sau phải đến một mình. Môi-se đứng trên hòn đá Ngài chỉ cho, sự vinh hiển Chúa đi ngang qua, Môi-se ở trong bộng đá, có tay Ngài che, cho đến đi qua rồi (33:21; 34:5; 33:22). Có tiếng Ngài hô hai đặc sắc chẳng hề thay đổi của Ðức Chúa Trời, là: sự Công bình và sự Yêu thương bằng lời sau trở nên bài tin kính của Y-sơ-ra-ên và cả thế gian (Xuất Ê-díp-tô ký 34:6-7).
             4. Từ đây, lối khải thị thứ tư của Chúa bắt đầu và cứ như thế trong chức vụ còn lại của Môi-se. Khi Chúa phạt dân sự về tội thờ tượng bò con, tức thì Môi-se lấy Trại đem dựng ra xa ngoài trại quân (33:7). Từ đó trở đi, Trại nầy trở nên nơi Môi-se thường gặp Chúa. Có chép một sự đặc biệt, ấy là sự sáng rực trên mặt Môi-se dường như từ vinh quang của sự hiện diện Ngài như đã nói đến.
       Chức vụ tiên tri Môi-se gồm lại lối văn thơ là đặc sắc chung của lời tiên tri Do-thái. Những lời thi ca đó hoặc bởi Môi-se hoặc quan thiệp với Môi-se dự phần lớn về ý Kinh Thánh đối với tánh hạnh người nên phải nói đến:
             a) Bài ca của Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên sau khi qua Biển Ðỏ (Xuất Ê-díp-tô ký 15:1-19).
             b) Một phần nhỏ trong bài ca chiến trận cùng A-ma-léc (Xuất Ê-díp-tô ký 17:16).
             c) Một phần bài ca tỏ ra cơn giận (Xuất Ê-díp-tô ký 32:18).
             d) Có lẽ từ Môi-se hay là người tiên tri kế ông, mấy phần bài ca chiến trận trong Dân số ký 21:14-15, 27-30 giữ lại trong "sách chiến trận của Ðức Giê-hô-va" (Dân số ký 21:14), và một bài đặt cho cái giếng (21:16-18).
             đ) Bài ca của Môi-se (Phục truyền luật lệ ký 32:1-43) bày tỏ sự lớn lao và sự khuyết điểm của Y-sơ-ra-ên.
             e) Lời chúc phước của Môi-se cho các chi phái (Phục truyền luật lệ ký 33:1-29).
             g) Thi Thiên 90: "Bài cầu nguyện của Môi-se, người của Ðức Chúa Trời."
       Trong chức vụ Môi-se dầu có thể thấy ít ảnh hưởng của giáo dục Ai-cập nhứt là về cách sắp đặt chức tế lễ, áo lễ, của lễ, hòm giao ước v.v... nhưng thấy về sự tuyên bố Ðức Chúa Trời là một Ðấng duy nhứt và thấy không chép lẽ đạo về địa vị người khi qua đời, ấy vì khác hẳn với thần đạo xứ Ai-cập, tỏ ra Môi-se hoàn toàn nhờ sự khải thị Chúa mà hành chức vụ.
       III. Kinh Thánh chép về công việc và tánh hạnh Môi-se.-- Trong Cựu Ước, trừ Ngũ kinh, không nói đến Môi-se nhiều như tưởng nên có, dầu trong các sách Thi Thiên và Tiên tri thường chép Môi-se là tiên tri đứng đầu. Tân Ước nói Môi-se là đại biểu của luật pháp, và trong sự hiện thấy trên núi Hóa hình, Môi-se đứng cạnh Ê-li, Môi-se, tác giả của luật pháp được so sánh với Ðấng Christ, Tác giả của Tin lành (Giăng 1:17). Sự mập mờ và tạm thời của vinh hiển Môi-se được so sánh với sự vĩnh viễn và rõ rệt của đạo Ðấng Christ (II Cô-rinh-tô 3:13-18), và chức trung bảo tạm thời của Môi-se được so sánh với chức trung bảo vô cùng của Ðấng Christ (Ga-la-ti 3:19-20). Tôi tớ trong nhà Chúa, Môi-se được so sánh với Con Chúa, Ðấng Christ (Hê-bơ-rơ 3:5-6). Tân Ước có nói Môi-se giống như Ðấng Christ cũng như chép về A-đam, Ða-vít và Giô-suê.
       1. Dường như Ðấng Christ chỉ nói đặc biệt mình giống một người trong Cựu Ước là Môi-se (Giăng 5:46). Ấy gợi ba ý:
             a) Ðấng Christ như Môi-se là tiên tri lớn của dân sự.
             b) Ðấng Christ như Môi-se là người lập luật pháp: "Các ngươi phải nghe theo mọi điều Ngài sẽ phán dạy (Công vụ các sứ đồ 3:22).
             c) Ðấng Christ giống Môi-se là một Tiên tri "dấy lên trong anh em các ngươi" (Công vụ các sứ đồ 3:22).
       2. Trong Hê-bơ-rơ 3:1-19; 12:24-29; Công vụ các sứ đồ 7:37, Ðấng Christ được tả như là Môi-se của thời đại mới: như Sứ đồ, hoặc Sứ giả, hoặc Ðấng Trung bảo của Ðức Chúa Trời cho dân sự, Ðấng Quản trị là Ðấng đứng đầu bầy chiên hoặc nhà Ðức Chúa Trời.
       3. Một vài lần những tiểu ti trong đời sống Môi-se và Ðấng Christ được so sánh với nhau (Công vụ các sứ đồ 7:24-28, 35).
       Môi-se là người Chúa nhờ để đem Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập (Ô-sê 12:14), là người thế nào? Tra xét trong công việc Môi-se thấy bốn điều sai lầm: khi giết người Ai-cập (Xuất Ê-díp-tô ký 2:11-15), vì sợ xin kiếu lúc Chúa kêu gọi (3:11), không làm phép cắt bì cho con (4:24-25), trái mạng Ngài lúc đập hòn đá (Dân số ký 20:7-12). Nhưng tánh hạnh Môi-se rất đáng khen vì tin Chúa (Hê-bơ-rơ 11:24), khôn ngoan (Dân số ký 12:), hy sinh (Xuất Ê-díp-tô ký 32:32) trung tín (Hê-bơ-rơ 3:2), cầu nguyện (Xuất Ê-díp-tô ký 17:1-15), cao thượng (Dân số ký 11:29; 12:13), quyết định (Dân số ký 14:40, 44, 45). Song đặc sắc trổi hơn hết về "Môi-se là người rất khiêm hòa hơn mọi người trên thế gian" (Dân số ký 12:3), vì cớ trong sự khó khăn cứ đứng vững, nên Ðức Chúa Trời khen rằng: "Tôi tớ Môi-se ta,... thật trung tín trong cả nhà ta" (Dân số ký 12:7).
       Tiến sĩ Scofield chú thích về Môi-se:
       Xuất Ê-díp-tô ký 2:2.-- Môi-se là hình bóng về Ðấng Christ là Ðấng giải cứu (Ê-sai 61:1; Lu-ca 4:18; II Cô-rinh-tô 1:10; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:10):
       1. Vì do Ðức Chúa Trời lựa chọn (Xuất Ê-díp-tô ký 3:7-10; Công vụ các sứ đồ 7:25; Giăng 3:16).
       2. Vì bị Y-sơ-ra-ên chối bỏ thì xây qua dân ngoại (Xuất Ê-díp-tô ký 3:11-15; Công vụ các sứ đồ 7:25; 18:5-6; 28:17-28).
       3. Vì trong khi bị bỏ thì cưới vợ dân ngoại (Xuất Ê-díp-tô ký 2:16-21; Ma-thi-ơ 12:14-21; II Cô-rinh-tô 11:2; Ê-phê-sô 5:30-32).
       4. Về sau lại tỏ ra làm người giải cứu Y-sơ-ra-ên và được công nhận (Xuất Ê-díp-tô ký 4:29-31; Rô-ma 11:24-26; Công vụ các sứ đồ 15:14-17).
       5. Về chức Môi-se làm hình bóng về Ðấng Christ như Tiên tri (Công vụ các sứ đồ 3:22-23), Trạng sư (Xuất Ê-díp-tô ký 32:31-35; I Giăng 2:1-2), Ðấng cầu thay (Xuất Ê-díp-tô ký 17:1-6; Hê-bơ-rơ 7:25), và Lãnh tụ hoặc Vua (Phục truyền luật lệ ký 33:4-5; Ê-sai 55:4; Hê-bơ-rơ 2:10); còn về sự liên hệ với nhà Ðức Chúa Trời thì so sánh với Ðấng Christ. Môi-se trung thành như tôi tớ quản trị nhà người khác; còn Ðấng Christ trung thành như Con trong chính nhà mình (Hê-bơ-rơ 3:5-6).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.