Mười Ðiều răn. Dix Commandements.

        


      Dầu thường nói là mười điều răn, nhưng vốn trong Ngũ kinh không chép như thế, vì theo nguyên văn Hê-bơ-rơ là "Mười Lời" (Xuất Ê-díp-tô ký 34:28; Phục truyền luật lệ ký 4:13; 10:4), là "Giao ước" (ba câu trên; I Các vua 8:21; II Sử ký 6:11 v.v...), hoặc nhiều lần như là chứng cớ trọng thể của ý muốn Ngài tỏ ra thì chép là "Bảng Chứng" (Xuất Ê-díp-tô ký 25:16, 21; 31:18 v.v.) nghịch cùng người phạm pháp (Phục truyền luật lệ ký 31:26-27). Song đến đời Ðấng Christ đã được gọi là "các điều răn" rồi (Lu-ca 18:20).
       Gốc tích mười điều răn.-- Vì cớ những tình hình xảy ra lúc Ngài ban Mười Lời lớn đó cho dân sự nên được coi là long trọng hơn mọi lời dạy khác. Tại núi Si-na-i, giữa đám mây, có cơn tối tăm, chớp nhoáng, khói bay, và sấm vang như tiếng kèn, Môi-se được gọi đến để nhận luật pháp, vì nếu dân sự không có thì không phải là dân thánh nữa. Kinh Thánh hiệp lại tại đây hai thiệt sự mà người hay phân rẽ:tức là chính Ðức Chúa Trời, không phải người, đang phán với Y-sơ-ra-ên trong cơn rất khủng khiếp đó, và theo ngôn ngữ của các giáo sư sau được soi sáng, Ngài cũng có thể dùng lối khác phán nữa. Nhưng không còn có lời nào khác được phán cách đó, và bài chép cũng đặc biệt như sự khải thị vốn có. Không còn lời nào khác được chép như "Mười Lời" đó, là những lời được viết và khắc trên hai bảng đá, không phải bởi sự khôn khéo người đặt ra, song bởi quyền Thần Vĩnh viễn, bởi "ngón tay của Ðức Chúa Trời" (Xuất Ê-díp-tô ký 31:18; 32:16).
       Sự chia mười điều răn.-- Dầu Kinh Thánh không chép rõ, song vì chú trọng về hai bảng, ấy tỏ ra sự phân biệt như thế là quan hệ, và hiệp với sự tóm tắt Luật pháp của cả Môi-se và Ðấng Christ làm hai phần: Bảng nhứt có bổn phận đối với Ðức Chúa Trời, và bảng nhì có bổn phận đối với kẻ lân cận. Song tại đây gặp sự khó giải quyết: chẳng những về sự sắp dặt các điều răn giữa "Hai bảng đá", song cũng về cách chia chính "Mười Lời" đó nữa. Chính Kinh Thánh không phân biệt rõ và có ba lối sắp đặt khác nhau truyền lại từ đời giáo hội Do-thái và Hội Thánh xưa.
       1. Giáo hội Do-thái ngày nay theo sách Talmud lấy lời tựa (Xuất Ê-díp-tô ký 20:2; Phục truyền luật lệ ký 5:6) làm điều răn thứ nhứt: "Ta là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ai-cập, là nhà nô lệ"; và lấy Xuất Ê-díp-tô ký 20:3-6 là những điều cấm "chớ có các thần khác, ...chớ quì lạy trước các hình tượng, ...đừng hầu việc chúng nó" làm điều răn thứ hai: còn các điều răn khác sắp đặt như Hội Tin lành.
       2. Giáo hội La-mã và giáo hội Luther, theo giáo phụ Augustin, coi điều răn thứ nhứt gồm lại từ Xuất Ê-díp-tô ký 20:1-6 về sự chớ có các thần khác và sự chớ thờ hình tượng. Vậy, điều răn thứ ba của bổn hội là điều răn thứ hai,v.v. cho đến thứ chín là thứ tám của hai hội đó. Sau, điều răn thứ mười về sự chớ tham lam của bổn hội chia làm điều răn thứ chín và thứ mười của hai hội đó. Cũng vậy, về lối sắp đặt hai bảng thì bảng nhứt có ba điều răn đầu (hết về ngày thánh) và bảng nhì có bảy điều răn còn lại.
       3. Giáo hội Hy-lạp và giáo hội Anh, theo Philon, Josèphe và Origène với các giáo phụ La tinh xưa, lấy điều răn "chớ có các thần khác" làm điều răn thứ nhứt và lấy "chớ làm tượng...chớ quì lạy các hình tượng..." làm điều răn thứ hai.
       Vậy thì, có ba cách chính chia hai bảng đá:
       a) Cách của giáo hội La-mã như nói trên, lấy ba điều răn đầu vào bảng thứ nhứt và bảy điều răn còn lại vào bảng thứ nhì.
       b) Cách thường chia của bổn hội là lấy bốn điều răn đầu về bổn phận ta đối với Chúa vào bảng thứ nhứt, và sáu điều răn còn lại về nghĩa vụ đối với loài người vào bảng thứ nhì.
       c) Cách chia được công nhận của các văn sĩ Do-thái xưa, Josèphe và Philon, cho năm điều răn vào mỗi bảng, như thế cứ giữ số năm, số mười. Song ấy dường như coi việc bổn phận đối với cha mẹ ngang với bổn phận đối với Ðức Chúa Trời; trái lại phải lẽ hơn là coi việc bổn phận đối với cha mẹ nên đứng đầu bảng nhì vì cũng hiệp với lời tóm tắt luật pháp của Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 22:37-39). Trong Rô-ma 13:9 Phao-lô tóm lại 5 điều răn cuối cùng trong 1 câu "Phải yêu kẻ lân cận như mình".
       Mười điều răn chép trong Ngũ kinh Sa-ma-ri.-- Ngũ kinh của người Sa-ma-ri cũng thêm điều răn thứ mười một nữa: "Song khi Giê-hô-va Ðức Chúa Trời đem ngươi vào xứ Ca-na-an, bất luận nơi nào ngươi đi, ngươi phải dựng hai bảng đá lớn, phải trát bằng thạch cao, và viết ở đó mọi lời của luật pháp nầy. Vả lại, sau khi ngươi đi qua sông Giô-đanh, ngươi phải dựng hai hòn đá mà ta truyền ngươi làm ngày nay, trên núi Ga-ri-xim, và tại đó phải lập một bàn thờ cho Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi: là một bàn thờ bằng đá, chớ dùng sắt mà xây dựng. Bằng đá không đẽo ngươi sẽ lập bàn thờ cho Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi, và sẽ dâng của lễ thiêu cho Ngài trên đó; ngươi cũng sẽ dâng của lễ thù ân và ăn tại đó, và ngươi sẽ vui vẻ trước mặt Ngài trên núi bên kia sông Giô-đanh, và bởi đường mặt trời lặn, trong xứ Ca-na-an, ở đồng bằng đối ngang Ghinh ganh, gần cây dẻ bộp tại Mô-rê, hướng về Si-chem". Trong chính khúc nầy tỏ ra người Sa-ma-ri cố ý xen vào để quyết rằng sự thờ phượng Chúa tại núi Ga-ri-xim là nhờ quyền phép trọng thể bởi tiếng Chúa tại núi Si-na-i, nên coi lời phụ thêm đó như ngang với Mười Lời lớn của Ðức Chúa Trời.
       Kết luận.-- Mười điều răn được tỏ ra là quan hệ hơn hết vì chính Ðức Chúa Trời phán ra và luật pháp còn lại thì Ngài nhờ Môi-se (Phục truyền luật lệ ký 33:2; Công vụ các sứ đồ 7:53; Ga-la-ti 3:19; Hê-bơ-rơ 2:2), và vì chép bởi chính ngón tay Ngài trên hai bảng đá tỏ ra là bền vững không phải tạm "Luật pháp cho người ta biết tội lỗi" (Rô-ma 3:20; 7:7); lương tâm chỉ cho người tội bối rối, song luật pháp bởi mười điều răn làm cho người biết tội, là một chức vụ về sự định tội và về sự chết (II Cô-rinh-tô 3:7, 9). Mười điều răn là trung tâm của cả luật pháp, nên Chúa bảo Môi-se để hai bảng đá đó tại trong hòm giao ước, dưới nắp thi ân (Phục truyền luật lệ ký 10:1-5). Bởi thế tỏ ra chỉ nhờ sự thương xót của Chúa chuộc tội mà Luật pháp có thể làm trung tâm của giao ước giữa Chúa với người (Rô-ma 3:25-26). Cứ theo lời truyền khẩu, hai tấm bia đó thường để trong hòm mãi cho đến khi Giê-rê-mi ở trong ngục. Từ sau khi Nê-bu-cát-nết-sa đánh phá Giê-ru-sa-lem, không thấy Kinh Thánh chép đến hòm giao ước nữa.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.