Trong xứ Pha-lê-tin, muối rất dư dật, nhứt là trên bờ phía Nam Biển Chết, và cũng lấy bởi cách bốc hơi lên cứ 100 cân nước biển, cất được 24 cân muối, gọi là "muối của Sô-đôm". Ấy là một thứ gia vị cho vào trong thức ăn của người và vật. Trong phương Ðông, đồ ăn bằng rau có cần muối (Gióp 6:6; Ê-sai 30:24). Muối ướp thịt khỏi thối. Có cần thêm muối vào các của lễ trên bàn thờ, có huyết hay không (Lê-vi ký 2:13 "vì muối là dấu hiệu về sự giao ước Ðức Chúa Trời đã lập" so Ê-xê-chi-ên 43:24; Mác 9:49-50). Muối chỉ bóng về sự yêu thương của Chúa đối với dân Ngài không hư mất; vì muối chỉ về sự lâu bền, trung tín, tinh bạch. Trái lại, men chỉ bóng về sự hư nát. Xưa, để làm cho những giao ước được vững bền thì thường dọn tiệc khoản đãi, thịt dùng trong bữa đó phải nêm muối. Vậy, "giao ước bằng muối...trước mặt Ðức Giê-hô-va": có nghĩa là đời đời không đổi được (Dân số ký 18:19; II Sử ký 13:5; E-xơ-ra 4:14).
Người A-rạp dầu trước sẵn lòng ăn cướp và giết người thù, nhưng khi người thù đã ăn muối với mình, người A-rạp đó sẵn lòng chết để cứu kẻ thù đó. "Bất trung với muối" là danh từ người Ba-tư đặt cho kẻ phản bội. Chúa Jêsus cũng phán: "Các ngươi phải có muối trong lòng mình, lại phải hòa thuận cùng nhau" (Mác 9:50-51), như của lễ nào hoặc đồ ăn nào không có muối thì không dùng được, cũng vậy, lời cầu nguyện không có sự "hòa thuận" với người lân cận không có vị gì. Ấy là lời răn dạy cho môn đồ vừa cãi nhau, vừa đoán xét kẻ nhơn danh Ngài mà không phải là tín đồ (Mác 9:33-50). Vì tín đồ là "muối của đất" liên lạc với Chúa bằng giao ước muối, nên phải có lòng yêu thương mọi người.
Gia-cơ 3:10-12 nói cùng một miệng mà ra lời khen ngợi và lời rủa sả thì vô lý cũng như một nguồn nước vừa chảy nước ngọt và nước mặn. Gần thành Cô-lô-se có một hố muối nên gợi ý cho Phao-lô chép trong Cô-lô-se 4:6 "lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối", nghĩa là mùi vị của sự khôn ngoan thuộc linh tươi mới, phải loại bỏ "mọi lời hư nát", và "lời dữ" (so Ma-thi-ơ 5:13; Ê-phê-sô 4:29). Mác 9:49 chép "vì mỗi người sẽ bị muối bằng lửa" cắt nghĩa cớ nào mọi người tin hoặc không tin thà chặt những chi thể gây cho vấp phạm, ấy vì tín đồ sẽ bị "lửa luyện sạch" (Ma-la-chi 3:3; Ma-thi-ơ 3:11), chỉ bóng về sự Chúa tìm điều tinh sạch, và đối với người không tin, Chúa là "đám lửa hay thiêu đốt" (Hê-bơ-rơ 12:29), nhưng trong sự đoán phạt đó, người không tin vẫn còn vì muối chỉ bóng về sự gìn giữ cho khỏi mất đi. Cũng như chỉ bóng về tội tín đồ được thiêu đốt đi (I Cô-rinh-tô 3:13; I Phi-e-rơ 1:7; 4:12). Bởi thế người công bình có thể chịu lửa vì ấy là một phần về mình "bị muối bằng lửa" như là "của lễ sống" (Ê-sai 33:14-15; Rô-ma 12:1; Mác 9:49).
Muối kém vị dùng làm phân (Ma-thi-ơ 5:13; Lu-ca 14:34-35). Nhiều muối quá làm cho đất không sanh sản (Phục truyền luật lệ ký 29:23; Sô-phô-ni 2:9). Vậy, "rắc muối" là chỉ bóng về sự đoán phạt một thành bị hủy phá trở nên hoang vu mãi (Các quan xét 9:45; Thi Thiên 107:34). Muối chỉ về sự tinh sạch là dấu bề ngoài mà Ê-li-sê dùng để chữa nước (II Các vua 2:20-21). Xưa, người Y-sơ-ra-ên thường xát muối vào mình con trẻ để cho da săn và rắn, và để làm lễ tẩy sạch và dâng cho Chúa (Ê-xê-chi-ên 16:4).