Mười Tai vạ. Les dix plagues.

     


      Khúc sách mô tả về mười tai vạ được chép trong Xuất Ê-díp-tô ký 3:-12:.
       1. Tai vạ huyết.-- Khi Môi-se và A-rôn đến yết kiến Pha-ra-ôn, hai người cần làm một dấu lạ. Cây gậy của A-rôn trở thành "con rắn," hay đúng hơn "loại bò sát lớn" như cá sấu. Sự biến thành một con vật mà hết thảy hay một số người Ai-cập tôn sùng, là một điều cảnh cáo Pha-ra-ôn đặc biệt. Các thuật sĩ xứ Ai-cập mà Pha-ra-ôn đã triệu đến, dường như cũng làm một phép lạ giống in thế, song cây gậy của A-rôn nuốt các cây gậy khác (7:3-12). Khúc nầy, xem riêng, dường như tỏ ra các thuật sĩ cũng làm được phép lạ; song nếu so với các khúc khác chép về sự phản đối của họ trong ba tai vạ thứ nhứt, thì dường như khác hẳn. So sánh với các khúc khác sẽ làm ta mạnh mẽ kết luận rằng các thuật sĩ chỉ có thể làm trò quỉ thuật thôi. Sau lần cảnh cáo Pha-ra-ôn nầy, A-rôn, theo lời Môi-se, cầm gậy mà đập nước ở dưới sông Ni-lơ, thì nước sông cùng các rạch, sông, bàu khác đều biến thành huyết, cả đến những đồ dùng để kéo nước từ các nguồn đó; cá cũng chết, và nước sông hôi thúi. Những người Ai-cập uống nước sông chẳng được, nên đào xung quanh sông tìm nước mà uống. Tai vạ nầy đã hạ tôn giáo của người Ai-cập gấp đôi, vì sông Ni-lơ vẫn được coi là thánh, cả mấy thứ cá trong đó cũng vậy, không nói về cá sấu có lẽ đã bị tuyệt diệt (Xuất Ê-díp-tô ký 7:16-25). Những người nhờ duyên cớ tự nhiên giải nghĩa tai vạ nầy nói màu thay đổi của sông Ni-lơ, như Biển Ðỏ, và trong đời Trung cổ vẫn gọi là mưa và sương của huyết, hai thứ sau nầy sanh ra bởi thứ mốc lan rất mau chóng. Song các thuyết lý đó không giải nghĩa tại sao phép lạ có thể xảy ra, trong mùa mà sông Ni-lơ trong sạch nhứt, cũng không cắt nghĩa tại sao cá chết và nước sông không uống được.
       2. Tai vạ: Ếch nhái.-- Sau tai vạ thứ nhứt bảy ngày, sông và hết thảy nước không đậy ở xứ Ai-cập sanh sản vô số ếch nhái; chẳng những bao phủ khắp xứ, song cũng bò vào các nhà cửa, cả đến trong các nơi khô ráo nhứt, bát đĩa, và lò cùng nơi nhồi bột để làm bánh. Tai vạ nầy là một sự đoán phạt đặc biệt rất khó chịu cho người Ai-cập vì ếch ngái cũng được kể vào hàng các loài vật thánh (Xuất Ê-díp-tô ký 8:1-15).
       3. Tai vạ: Muỗi.-- (hay bọ chét). Roi đập trên đất khô, và chính bụi đất đó dường như trở thành những sâu bọ độc hại, rất nhiều đến nỗi bu đầy trên người và vật, hoặc đúng hơn là "ở trong" họ. Tánh quá lo sạch sẽ của người Ai-cập thêm cho sự khốn khổ của thân thể bởi tai vạ nầy, bởi đó họ cũng lại bị ô uế về phần tôn giáo nữa. Về các loài sâu không có lý nào mà thay đổi cách dịch chữ đó. Các thuật sĩ đã nhờ phù chú mà bắt chước hai phép lạ trên, song lần nầy chẳng làm đặng. Họ đập trên đất, như A-rôn làm, và lập lại những lời phù phép, song vô hiệu (Xuất Ê-díp-tô ký 8:16-19).
       4. Tai vạ: Ruồi mòng.-- Sau sông và xứ, không khí bị đập, và đầy những sâu bọ có cánh, bu lại nơi các nhà và phá hại xứ, song xứ Gô-sen thì được thoát khỏi tai vạ đó. Chữ dịch "ruồi mòng vô số" chắc tỏ ra là những giống nhậy xứ Ai-cập (scarabaeus sacer), thường thấy ở trên các bức tường lớn xứ đó. Ngoài ra hai thói quen làm phiền và phá hoại, loài đó cũng là một vật được thờ, như vậy, người Ai-cập lại bị đánh lần nữa bằng roi dị đoan của mình (Xuất Ê-díp-tô ký 8:20-33).
       5. Tai vạ: Súc vật bị dịch lệ.-- Vì càng ngày càng đến gần người Ai-cập, Ðức Chúa Trời giáng một bịnh trên các bầy vật, không những là tài sản, song cũng là thần của họ nữa. Vào đúng lúc Môi-se cảnh cáo Pha-ra-ôn, mọi bầy vật của người Ai-cập sẽ bị trúng dịch mà chết, song của dân Y-sơ-ra-ên chẳng chết một con nào (Xuất Ê-díp-tô ký 9:1-7).
       6. Tai vạ: Ghẻ chốc.-- Từ bầy vật, tay của Ðức Chúa Trời giáng trên chính người Ai-cập. Môi-se và A-rôn được truyền bảo lấy tro của lò lửa và vãi tro đó lên trên trước mặt Pha-ra-ôn. Tro trở thành "bụi đất nhỏ" suốt cả xứ Ai-cập và sanh nhiều ghẻ chốc cương mủ trên mình người và súc vật (Xuất Ê-díp-tô ký 9:8-12). Sự nầy thật đã xảy ra. Tai vạ nầy dường là thứ phung đen, là bịnh đáng sợ elphantasis (xem bài phung), sau còn được nhớ rất lâu là "ghẻ chốc của xứ Ai-cập" (Phục truyền luật lệ ký 28:27,35).
       7. Tai vạ: Mưa đá.-- Truyện về tai vạ thứ bảy chép sau một lời cảnh cáo mà Chúa truyền cho Môi-se bảo cho Pha-ra-ôn về tánh chất nguy hiểm của tai vạ phải xảy đến, nếu lòng vua cứ cứng lòng. Người và vật bị đánh và các loài cỏ cùng mọi cây đều gãy, chỉ trừ trong xứ Gô-sen. Tai hại gây nên bởi mưa đá còn lớn hơn các tai vạ trước. Hiện nay, mưa đá hiếm có, song tại xứ Ai-cập có biết, vì truyện dường như tỏ ra có khi mưa đá rơi xuống đó (9:13-34).
       8. Tai vạ: Cào cào.-- Sự nghiêm trọng của tai vạ nầy có thể hiểu rõ bởi người đã ở Ai-cập, trong một phần xứ, mà có từng đám cào cào đậu trên. Như vậy, tai vạ nầy sẽ lớn hơn những lần thường có; vì đám đó lan rộng ra trên một qui mô rộng hơn nhiều; vì không thể tưởng tượng một sự hủy diệt nào đầy trọn hơn bởi cào cào (Xuất Ê-díp-tô ký 10:1-20).
       9. Tai vạ: Tối tăm.-- "Có sự tối tăm rất dày trong ba ngày tại xứ Ai-cập", nhưng "trong chốn dân Y-sơ-ra-ên ở thì có ánh sáng." Dường như được minh chứng bởi gió Samoom và gió nóng ở Khamáseen. Gió thứ nhứt là một bão cát xảy ra ở trong sa mạc, ít khi lâu hơn một khắc, hoặc hai mươi phút, song có khi làm cho tối tăm như rạng đông và làm khó cho người và vật. Gió nóng của Khamáseen thường thổi trong ba ngày và đêm và cuốn theo nhiều cát, đến nỗi dường như có màn sương mù vàng. Như vậy, giống Samoom dầu kém phần mạnh mẽ và công hiệu gây hại cũng kém nhiều. Song không biết lần nào gió đó làm cho tối tăm hoàn toàn. Tai vạ dường như là bão gió nghiêm trọng lạ lùng vì hung dữ và lâu, vì tới ba ngày không phải là thường, bởi các bão gió chỉ ngắn (Xuất Ê-díp-tô ký 10:21-29).
       10. Tai vạ: Sự chết của con đầu lòng.-- Trước khi xảy ra tai vạ thứ mười, Môi-se được sai đến cảnh cáo Pha-ra-ôn: "Ðức Giê-hô-va có phán như vầy: Chừng giữa đêm ta sẽ tuần hành xứ Ai-cập. Hết thảy con trưởng nam trong Ai-cập sẽ chết, từ thái tử của Pha-ra-ôn ngồi trên ngai mình, cho đến con cả của người đòi ở sau cối, và luôn mọi con đầu lòng của súc vật nữa" (Xuất Ê-díp-tô ký 11:4,5). Tai vạ nầy thật tỏ ra là phép lạ vì sự nghiêm trọng, giáng trên người và vật, và chỉ giết hại con đầu lòng mà thôi, khiến ta không thể so sánh với một thứ ôn dịch nào khác, dầu là thứ nghiêm trọng nhứt trong lịch sử, hoặc về tai vạ đặc biệt ở Ai-cập, hoặc giống các bịnh thời khí khác. Lịch sử về mười tai vạ tận cùng với sự chết của các con đầu lòng.
       Các tai vạ càng ngày càng thêm nghiêm trọng, có lẽ là chìa khóa rất tốt tỏ rõ ý nghĩa. Dường như mười tai vạ đã giáng xuống để cảnh cáo kẻ hà hiếp, và cho người có dịp nhận biết ý muốn của Ðức Chúa Trời, và làm dịp tiện ăn năn trước khi Ai-cập bị hủy hoại. Bài học về đời sống Pha-ra-ôn dạy ta là: có người dầu bị đoán phạt rất nghiêm nhặt song chỉ ăn năn tạm thời không được lâu.


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.