Na-hum. sách Livre de Na-hum.

        


      Sách Na-hum quá nửa nói về thành Ni-ni-ve bị diệt. Có thể nói Na-hum là bạn đồng tâm của Giô-na ở trăm năm trước.
       I. Thời kỳ chép sách.-- Na-hum làm sách vào lúc nào, chưa dễ khảo cứu được. Lúc chép, đế quốc A-sy-ri còn vững bền (1:12; 2:13; 3:15-17). Cứ xét theo trong sách, như 3:8,9,10 nói Ai-cập và Nô-a-môn bị diệt, vào khoảng năm 663 và 664 T.C., và thành Ni-ni-ve bị diệt vào khoảng 606 T.C.. Vậy, chức vụ của Na-hum chắc ở vào giữa 663 và 606 T.C.. Có người tưởng vì Na-hum dẫn Na-a-môn làm chứng về Ni-ni-ve sẽ bị diệt nên sách chép vào thời bấy giờ. Có người khác tưởng vì Ni-ni-ve bị ngăm đe ba lần (chừng 650, 625, 606 T.C.), và lần cuối cùng rất hiệp với tình hình đáng kinh khiếp mô tả trong sách, nên sách chép vào khoảng 610 đến 607 T.C..
       II. Ðại lược sách.-- Sách Na-hum có thể chia làm hai phần: Phần trên (1:2-2:2). Thể tài giống thi ca chớ không giống lối nói tiên tri. Phần nầy lại chia làm hai. Một là nói cách Ðức Chúa Trời phán xét muôn vật ra sao (1:2-10). Hai là nói việc Ni-ni-ve và Giu-đa sẽ ra thể nào (1:11-2:2).
       Phần dưới (2:3-3:) là thể tài nói tiên tri. Cũng chia làm hai: Một là thành Ni-ni-ve bị diệt, quân đội thất bại, tỉnh thành trở nên hoang vu (2:). Hai là chép thành Ni-ni-ve tà dâm, hung dữ, tàn bạo, vì cớ ấy bị phạt: ai nghe cũng vỗ tay (3:).
       III. Tài liệu. -- Na-hum nói tiên tri về sự đoán phạt thành Ni-ni-ve (1:-2:2). Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời báo thù hay thương xót (1:2,3). Dầu có khi dường như Ngài chậm phạt sự gian ác, song Ngài chắc sẽ phạt tội nhơn. Không ai có thể đứng nổi trong ngày phán xét (câu 4-6). Ðức Giê-hô-va sẽ trung tín với người nhờ Ngài (câu 7), Ngài sẽ rất kinh khiếp đối với những kẻ thù nghịch Ngài và dân sự Ngài (câu 8). Giu-đa không cần sợ: vì kẻ thù hiện nay bị đoán phạt (câu 9-14), ấy sẽ làm cho Giu-đa được tôn lên (1:15; 2:2). Ðạo binh Chúa định để thi hành nghị định Ngài đã gần, sẵn sàng đánh trận (2:1-4). Mọi việc làm để giải cứu thành là vô ích; thành bị chiếm lấy (câu 5,6), hoàng hậu cùng các cung nữ bị bắt (câu 7), dân cư chạy trốn (câu 8), thành bị tàn phá và bị hoang vu (câu 9-13). Sự hủy diệt thành gần đến (3:1-3); số phận đó xứng đáng không ai than khóc nó (câu 4-7); sức lực xác thịt và những của cải đều vô ích (câu 8-11); những lính chiến đều nhát sợ, và thành bị chiếm lấy cả (câu 12-18); và cả thế gian sẽ vui mừng vì cớ kẻ hà hiếp hung dữ bị hạ xuống (câu 19).
       IV. Sự khuyên dạy.--Văn sách Na-hum lời nghiêm, nghĩa nặng, khiến độc giả phải hồi hộp, kinh ngạc (2:3-5; 3:2). Trong sách có đặt thí dụ lạ lùng (2:11; 3:17). Lối văn sách nầy giống với sách Ê-sai. Lời chép dầu không sâu sắc bằng sách Mi-chê và sách Ê-sai, song tỏ Ðức Chúa Trời lấy đạo đức cai trị thế gian, dẫn chứng bằng những nước chính mắt đã thấy để tỏ rõ sự răn dạy một cách rõ rệt khiến người dốc tin đạo Ðức Chúa Trời. Những lời quở trách là nghiêm nhặt dữ dội, trái hẳn với giọng hiền lành thương xót trong Tân Ước. Nên Tân Ước không hề trưng dẫn một lời nào trong Na-hum. Ðọc sách nầy, liền nhớ Gia-cơ 1:15 "lòng tư dục cưu mang, sanh ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết."
       Tiến sĩ Scofield chú thích về sách Na-hum như sau:
       Tiểu dẫn. -- Na-hum hành chức tiên tri trong đời trị vì Ê-xê-chia, có lẽ độ 150 năm trước Giô-na. Na-hum chỉ có một đề mục, tức sự hủy diệt thành Ni-ni-ve. Theo Diodorus Siculus, Ni-ni-ve bị hủy phá hết gần một thế kỷ sau, như đây nói trước. Suốt lời tiên tri nầy vẫn có một ý nên không thể phân tích được. Ðại ý đạo đức là: sự thánh khiết của Ðức Giê-hô-va phải đoán phạt tội lỗi.
       1:1. -- Ni-ni-ve trong Kinh Thánh chỉ về sự bội đạo của dân ngoại về phần tôn giáo, như Ba-by-lôn chỉ về sự lộn xộn của các dân ngoại tổ chức thế gian về phần chính trị (Ða-ni-ên 2:41-43). So Ê-sai 13:1. Khi Giô-na giảng đạo, 852 T.C., thành và vua trở lại cùng Ðức Chúa Trời (Elohim) (Giô-suê 3:3-10). Song hơn một thế kỷ sau, trong đời Na-hum, cả thành đã bội đạo bỏ Chúa. Vì cớ nầy, Ni-ni-ve phân biệt với mọi thành xưa của dân ngoại, và bởi đó làm hình bóng xứng hiệp với phương pháp tổ chức thế gian hiện nay của dân ngoại về phần tôn giáo trong những ngày sau rốt. Về phần đạo đức, Ni-ni-ve được tả trong Rô-ma 1:21-23. Vì thần trưởng của thành Ni-ni-ve bội đạo là thần bò đực có mặt người và cánh chim: "Lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu thú, côn trùng."
       Vậy, sứ mạng của Na-hum, rao truyền chừng một trăm năm trước Ni-ni-ve bị phá hủy, chớ không phải một sự kêu gọi ăn năn, song sự răn bảo rất rõ về sự đoán phạt: "Ngài sẽ hủy diệt hết cả, sẽ chẳng có tai nạn dấy lên lần thứ hai" (Na-hum 1:9 so 3:10). Ấy vì đối với sự bội đạo chỉ có một phương pháp là sự đoán phạt hoàn toàn, và một sự khởi đầu mới. So Ê-sai 1:4,5, 24-28; Hê-bơ-rơ 6:4-8; Châm Ngôn 29:1. Ấy là cách Ðức Chúa Trời; sự bội đạo phải bị hình phạt bởi cơn hủy diệt khủng khiếp. Nước lụt và sự hủy phá Ni-ni-ve đều làm chứng như vậy, và chỉ bóng về sự hủy phá sắp đến của Hội Thánh bội đạo. (So Ða-ni-ên 2:34,35; Lu-ca 17:26,27; Khải Huyền 19:17-21).
       1:2. -- Bài học lớn về phần luân lý của Na-hum là tính cách Ðức Chúa Trời chẳng những khiến Ngài "chậm giận" và "làm đồn lũy" cho người nào tin cậy Ngài, song cũng khiến Ngài làm Ðấng "chẳng cầm kẻ mắc tội là vô tội". Ngài phải tỏ mình ra "là công bình, và xưng công bình kẻ nào tin đến Ðức Chúa Jêsus" (Rô-ma 3:26), song chỉ vì luật pháp thánh Ngài đã được đền bù trên thập tự.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.