Tiếng Hê-bơ-rơ là Kapporeth chỉ một nắp bằng vàng đậy trên hòm giao ước. Từ một nguyên gốc Kippeer là "che đậy", "tha thứ", "hòa thuận", "đền bồi" tội lỗi. Nắp thi ân có ý nghĩa riêng và việc riêng, chớ không phải chỉ là một phần của hòm giao ước. Chúa truyền "để nắp thi ân trên hòm giao ước" (Xuất Ê-díp-tô ký 25:17-22; 26:34; 30:6; 31:7; 35:12; 37:6). Không bao giờ gọi trống không là "cái nắp" của hòm giao ước, song vẫn là một đồ vật riêng. Nơi chí thánh được gọi là "nơi của nắp thi ân" (I Sử ký 28:11; Lê-vi ký 16:2 theo bản Anh cũ), tỏ rằng ấy không phải chỉ là phần phụ thuộc của hòm giao ước. Những lễ Kippurim tức "chuộc tội" trong Lê-vi ký 16: Ngày Ðại lễ chuộc tội, liên lạc mật thiết với Kapporeth, nắp thi ân trên đó rảy huyết con sinh (Lê-vi ký 16:13-15). Nơi chuộc tội (Hy-lạp Hélasterion) trong Hê-bơ-rơ 9:5 cũng chỉ nắp thi ân đó. Trong Rô-ma 3:25 nói "Chúa Jêsus là Ðấng Ðức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Ðấng ấy", như vậy ứng nghiệm ý nghĩa của nắp thi ân. Lễ chuộc tội là vì đã phạm đến giao ước. Vậy, hiệp ý đó, nắp thi ân che giao ước viết trên hai bảng đá để trong hòm bảng chứng. Vì đã được hòa thuận bởi huyết rảy trên nắp thi ân, nên Ðức Chúa Trời có thể phán cùng dân "từ trên nắp thi ân để trên hòm bảng chứng" (Dân số ký 7:89; Thi Thiên 80:1).
Tiến sĩ Scofield chú thích về nắp thi ân:
Xuất Ê-díp-tô ký 25:10. -- Hòm giao ước, trong Hội mạc hoàn thành, được để trong nơi chí thánh; từ hòm giao ước đó mọi sự bắt đầu. Ấy vì về sự khải thị, Ðức Chúa Trời bắt đầu từ chính Ngài, hướng phía ngoài đến cùng người, như về sự đến gần, người thờ phượng bắt đầu từ chính mình, đến cùng Ðức Chúa Trời trong nơi chí thánh. Những của lễ trong sách Lê-vi ký cũng theo một trật tự đó (Lê-vi ký 1:-5:). Trong sự đến gần, người bắt đầu từ bàn thờ bằng đồng, hình bóng về Thập tự, là nơi có lửa phán xét cho tội được chuộc.
Lu-ca 18:13. -- Tiếng Hy-lạp hilaskomai, dùng trong bản Septante và Tân Ước, quan thiệp với nắp thi ân (Xuất Ê-díp-tô ký 25:17,18,21; Hê-bơ-rơ 9:5). Như người Do-thái học thức, người thâu thuế đang suy tưởng, không những chỉ về sự thương xót, song cũng về nắp thi ân có rảy huyết (Lê-vi ký 16:; Rô-ma 3:25). Lời cầu nguyện của người thâu thuế nầy có thể phỏng dịch: "Xin Ðức Chúa Trời đối với tôi như khi Ngài thấy huyết chuộc tội". Về sự tha thứ của Ngài, trừ của lễ, Kinh Thánh không chép gì (Xem Ma-thi-ơ 26:28).