Nê-bu-cát-nết-sa. Nébucadnetsar (Nê-bô bảo toàn đất đai).

    


      Là vua Ba-by-lôn rất lớn và rất quyền thế. Tên vua có nghĩa là "Nê-bô, người bảo hộ khỏi sự rủi ro." Cha vua là Nabopolassar, chính là người đã dựng nên đế quốc Ba-by-lôn (625 T.C.). Thuở sanh thời của cha mình, Nê-bu-cát-nết-sa dẫn một đạo binh chống với Pha-ra-ôn Nê-cô, vua Ai-cập, và đánh bại địch quân tại Cạt-kê-mít (605 T.C.) trong một trận rất lớn (Giê-rê-mi 46:2, 12), lấy lại Coele-Syria, Phê-ni-xi, và Pha-lê-tin, chiếm lấy Giê-ru-sa-lem (Ða-ni-ên 1:1,2), tiến quân đến Ai-cập và xông vào xứ hoặc đã tới biên giới thì phải vội vàng trở về Ba-by-lôn. Ấy là vì cớ Nabopolassar cai trị 21 năm và băng, nên ngôi vua để trống. Nghe tin đó, Nê-bu-cát-nết-sa cùng với bộ binh hạng nhẹ, vượt qua sa mạc, có lẽ qua Tadmor và Palmyra, tới thành Ba-by-lôn trước khi có sự bối rối nổi lên, và vào thành mình làm vua cách bình an (604 T.C.).
       Những chiến công của Nê-bu-cát-nết-sa trong ba năm, sau khi Nê-bu-cát-nết-sa lần thứ nhứt đánh Sy-ri và Pha-lê-tin, thì lại có sự nổi loạn trong hai xứ đó. Giê-hô-gia-kim, vua Giu-đa, dầu có bị ngăm đe bắt làm phu tù (II Sử ký 36:6), nhưng cứ giữ được ngôi mình làm nước chư hầu của Ba-by-lôn; song khỏi ba năm, "đổi ý và phản nghịch" với Nê-bu-cát-nết-sa, chắc tưởng rằng có Ai-cập giúp đỡ (II Các vua 24:1). Chẳng bao lâu, xứ Phê-ni-xi nổi loạn, Nê-bu-cát-nết-sa trước hết nhờ các quan tướng đi dẹp loạn (câu 2), sau phải tự thân chinh đi đánh thành Ty-rơ trước nhứt. Khi đã vây thành, người để lại một phần cơ binh và cứ tiến quân tới Giê-ru-sa-lem, thì thành nầy hàng phục ngay. Theo Josèphe, Nê-bu-cát-nết-sa xử tử Giê-hô-gia-kim (Giê-rê-mi 22:18,19 và 36:30), song lập con người, Giê-hô-gia-kin, lên làm vua. Giê-hô-gia-kin chỉ cai trị được ba tháng lại tỏ triệu chứng loạn nghịch, nên Nê-bu-cát-nết-sa lần thứ ba đánh Giê-ru-sa-lem phế vua trẻ tuổi đó (bắt vua sang Ba-by-lôn cùng một số đông dân cư thành đó, và lấy những khí dụng quí báu trong Ðền thờ), và lập chú Giê-hô-gia-kin lên làm vua thế cho. Thành Ty-rơ vẫn chưa núng, mãi tới 13 năm sau kể từ khi vây thành lần thứ nhứt thì Ty-rơ mới bị sụp đổ (585 T.C.). Trước khi đó, Giê-ru-sa-lem hoàn toàn bị hủy phá. Ấy là bởi cớ sự rồ dại của Sê-đê-kia, mặc dầu có lời cảnh cáo của Giê-rê-mi, đã giao kết với Apries (Hốp-ra), vua xứ Ai-cập (Ê-xê-chi-ên 17:15), và ỷ sức mạnh đó mà thất tín với vua Ba-by-lôn. Nê-bu-cát-nết-sa bắt đầu vây thành Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng, năm thứ IX đời Sê-đê-kia, từ năm thứ VII (588 T.C.) và chiếm lấy 2 năm sau (586 T.C.). Dường như theo lời giao kết, có một đạo binh Ai-cập vượt biên giới tiến đến Giê-ru-sa-lem. Nê-bu-cát-nết-sa dỡ vòng vây và quay lại đương đầu với kẻ thù mới. Theo Josèphe thì có đánh một trận mà quân Apries hoàn toàn thất bại, song trong Kinh Thánh chép dường như người Ai-cập rút khi thấy Nê-bu-cát-nết-sa tiến quân đến, và lại trở lại biên thùy chớ không đánh nhau (Giê-rê-mi 37:5-8.) Sau 8 tháng vây, thành Giê-ru-sa-lem bị đổ. Sê-đê-kia bỏ thành chạy trốn, song bị bắt gần thành Giê-ri-cô (39:5), và bị điệu đến cho Nê-bu-cát-nết-sa tại Ríp-la trong ranh giới Ha-mát. Theo lệnh vua Ba-by-lôn, người ta móc mắt Sê-đê-kia, còn con cái và những quan lớn đều bị giết chết. Nê-bu-cát-nết-sa trở về Ba-by-lôn đem theo Sê-đê-kia, và vua nầy bị cầm tù trọn đời; chỉ để lại Nébuzar-adan, quan tướng thị vệ tàn phá thành và bình phục người Giu-đê. Ghê-đa-lia được cử làm quan tổng đốc, song chẳng bao lâu thì bị giết, còn người Giu-đa hoặc trốn qua Ba-by-lôn hoặc bị Nébuzar-adan bắt sang Ba-by-lôn. Những sự thắng trận của Nê-bu-cát-nết-sa từ đây không thể biết rõ. Bởi những lời tiên tri trong Kinh Thánh và bởi Josèphe, có thể biết rằng sau khi Giê-ru-sa-lem bị chinh phục, thì sự sụp đổ của Ty-rơ cũng rất chóng, và kế đó người Phê-ni-xi hoàn toàn chịu khuất phục (Ê-xê-chi-ên 26:-28:); cuối cùng, người Ba-by-lôn xông vào xứ Ai-cập và làm cho xứ phì nhiêu đó bị tàn hại nhiều (Giê-rê-mi 46:13-26; Ê-xê-chi-ên 29:2-20).
       Những công trình xây cất.--
       Nê-bu-cát-nết-sa rất danh tiếng vì nước được mạnh mẽ, thạnh vượng và vì những công trình xây cất. Khi ở Sy-ri lần đầu về, theo Josèphe Nê-bu-cát-nết-sa lấy các của cướp đó để xây Ðền thờ của thành Bel (Bel Merodach) tại Ba-by-lôn; cũng làm cho thành đẹp đẽ và vững vàng hơn. Vua xây ba tường xung quanh thành bề ngang độ 25 thước, cao độ 100 thước, và trong thành, diện tích là 340 cây số vuông; lại xây một cung điện mới chỉ mất 15 ngày. Gần cung điện mới, Nê-bu-cát-nết-sa xây vườn treo (jardins suspendus), hình vuông mỗi bề dài độ 120 thước, cao 24 thước, và những hàng hiên uốn cánh cung đỡ vườn đó, từ trong ra ngoài càng lên càng cao. Vườn trồng cây rậm rạp, có nhiều cây Ô-li-ve, câu liễu, v.v.. Bên trong những hiên có nhiều phòng; một phòng có máy móc dẫn nước tưới khắp vườn. Có những tảng đá rất lớn bắt chước núi Ma-đi-an, để nhắc cho hoàng hậu Amuhia tưởng nhớ đến quê hương mình. Nê-bu-cát-nết-sa cũng xây gần Sippara một hồ chứa nước rất vĩ đại, vòng tròn chừng 220 cây số và sâu 54 thước, để dẫn nước vào các miền đồng bằng. Ngoài ra, vua còn đào sông ngòi từ Hill, bờ sông Ơ-phơ-rát, đến phía Ðông nam vũng Grane dài độ 600 cây số; cũng đắp những đường đê, và kè bến đá tại vịnh Ba-tư. Cách dẫn thủy nhập điền làm cho Ba-by-lôn trở nên một cái vườn và làm cho thành đó và dân sự được giàu thịnh, cũng để giữ thành phòng khi quân thù phá thì có thể làm cho các miền xung quanh thành ngập lụt. Ngày nay, chín phần mười gạch ở những di tích còn lại có in "Nê-bu-cát-nết-sa, con Nabopolassar, vua Ba-by-lôn".
       Theo Berosus, có một bảng khắc những lời Nê-bu-cát-nết-sa còn lại: "Ta đã làm vững vàng hoàn toàn những thành lũy Ba-by-lôn, ước gì nó vững lập đời đời... thành ta đã làm cho vinh hiển, v.v.". Ấy hiệp với lời khoe khoang vua chép trong Ða-ni-ên 4:30; "Ðây chẳng phải là Ba-by-lôn lớn mà ta đã dựng, bởi quyền cao cả ta, để làm đế đô ta và làm sự vinh hiển, oai nghi của ta sao?" Tức thì có tiếng Chúa từ trên trời phán sẽ phạt vua mắc bịnh điên v.v.. Trong chính giờ đó, vua mắc chứng lycanthropy, tức là tưởng tượng mình như thú vật và sống như bò, v.v. cho đến thật như Chúa phán: "Bảy kỳ sẽ trải qua... cho đến khi người nhận biết rằng Ðấng rất cao cai trị trong nước của loài người và Ngài muốn ban cho ai tùy ý", đã được ứng nghiệm. Bệnh đó lìa khỏi vua và vua lại được trị vì như trước (Ða-ni-ên 4:30-37). Nên chú ý, giống A-đam và Nê-bu-cát-nết-sa, người nào muốn như Ðức Chúa Trời, thì sẽ bị hạ xuống ngang hàng với thú vật mà mất bổn tánh thật của người tức là giống ảnh tượng Ðức Chúa Trời (Sáng thế ký 1:27; 2:19; 3:5; Thi Thiên 49:6,10-12; 82:6,7); ấy là chìa khóa của sự tượng trưng các cường quốc thế gian bằng những "con thú" (Ða-ni-ên 7:). Muôn vật nguyên là ban cho A-đam cai trị (Sáng thế ký 1:18-2:19,20), song quyền đó mất vì cớ tội, dường như Chúa tạm giao lại quyền đó cho Nê-bu-cát-nết-sa là "đầu bằng vàng" của pho tượng (Ða-ni-ên 2: và 7:). Bởi cớ lạm dụng quyền cho mình, nên Con Ðức Chúa Trời là Ðấng thật có quyền đó, sẽ lấy lại, và ban lại cho người khi Ngài tái lâm quyền đã mất đó, để cho các thánh đồ với Ngài sẽ đồng trị và làm vinh hiển Ðức Chúa Trời (Thi Thiên 8:4-6; Khải Huyền 11:15-18; Ða-ni-ên 2:34,35,44,45; 7:13-27).
       Khi Nê-bu-cát-nết-sa được chữa khỏi điên, theo những bia đá và gạch có khắc chữ, thì vua thêm "những sự kỳ dị" trong thời già yếu. Cũng theo những bia đó, Nê-bu-cát-nết-sa rất sùng bái các thần mình, xây nhiều đền hơn các vua trước, lập nhiều của lễ và thờ lạy các thần. Có bia làm chứng vua có dựng một pho tượng tạc giống mình, vậy làm chứng về Kinh Thánh. Sự kiêu ngạo, cường mạnh, dễ nổi giận, và sự nghiêm nhặt hung dữ là những khuyết điểm của Nê-bu-cát-nết-sa (Ða-ni-ên 2:12; 3:19; I Các vua 25:7; 24:8-16). Vua băng 561 T.C., hưởng thọ 83 hay 84 tuổi, sau khi đã trị vì 43 năm.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về Nê-bu-cát-nết-sa:
       Ða-ni-ên 2:31.-- Chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa về bốn đế quốc được giải bởi Ða-ni-ên, tỏ ra thời cuộc và cuối cùng "những kỳ các dân ngoại" (Lu-ca 21:24; Khải Huyền 16:14), tức là những cường quốc của dân ngoại trong thế gian. Bốn thứ kim khí của pho tượng được cắt nghĩa là những hình bóng (câu 38-40) về bốn đế quốc, không cần phải cai trị hết cả thế gian, song có thể làm được (câu 38), và được ứng nghiệm trong Ba-by-lôn, Mê-đô Ba-tư, Hy-lạp, (trong đời Alexandre le Grand), và La-mã. Ðế quốc La-mã trước hết chia làm hai (chơn), tức là Ðông quốc và Tây quốc, sau chia làm mười (ngón chơn). Xem lời chua Ða-ni-ên 7:27. Cả pho tượng tỏ ra sự lớn lao và sự rực rỡ bề ngoài của những cường quốc dân ngoại trong thế gian.
       Ða-ni-ên 4:34.-- Có thể thấy thế nào Nê-bu-cát-nết-sa tấn bộ về sự hiểu biết Ðức Chúa Trời chơn thật.
       1. "Ðức Chúa Trời là Chúa của các thần" (một trong những thần của dân tộc và chi phái, nhưng lớn hơn), và là Chúa (Adonai là Chủ) của các vua; "chính Ngài là Ðấng tỏ ra những sự kín nhiệm" (Ða-ni-ên 2:47).
       2. Ngài còn là một thần của người Hê-bơ-rơ riêng, song Chủ của các thiên sứ, và là Ðức Chúa Trời trả lời cho đức tin (Ða-ni-ên 3:28).
       3. Ở đây (Ða-ni-ên 4:34-35), vua đến bậc hiểu biết Chúa thật. So Ða-ri-út, Ða-ni-ên 6:25-27.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.