Phần rất nhiều tín đồ Ðấng Christ tin nước Ðức Chúa Trời sẽ được lập phổ thông khắp trái đất, và sự công bình và sự bình an cùng sự hiểu biết Chúa sẽ lan tràn khắp nơi (Khải Huyền 20:1-6. v.v...). Thời gian phước đó thường gọi là Ngàn năm bình an. Nhiều tín đồ trung tín cho rằng Ngàn năm đó sẽ được dẫn vào bởi các cơ quan đang làm hiện nay, thứ nhứt bởi sự giảng Tin lành Ðấng Christ và sự lan rộng Hội Thánh khắp thế gian. Càng ngày càng nhiều tín đồ trung tín khác cũng dạy Ngàn năm đó sẽ được lập bởi sự tái lâm cách tỏ tường của Ðấng Christ. Các giáo phụ Hội Thánh đầu tiên như Papias, Justin Martyr, Irénée, Cyprien, v.v... tin Ðấng Christ sẽ tái lâm để lập ngàn năm như thế; song về sau, khi Hội Thánh tìm thế lập nước hữu hình Ngài trong thế gian hiện tại, lấy thành La-mã làm nơi trung ương, thì hoãn lại sự ứng nghiệm đều trông cậy về Chúa tái lâm đến hết ngàn năm bình an. Mục đích của bài ngắn nầy bày tỏ vài ý trong Kinh Thánh về Ngàn năm sẽ theo sau sự tái lâm Ðấng Christ, không phải xảy ra trước.
I. Sự dạy dỗ của Chúa Jêsus.--
Khi sai môn đồ đi truyền giảng, Chúa Jêsus không phán gì về hết cả thế gian sẽ trở lại đạo (Ma-thi-ơ 28:19,20; Mác 16:15; Lu-ca 24:46-48; Công vụ các sứ đồ 1:8). Môn đồ chỉ về người làm chứng và đem sứ mạng Ngài cho loài người, song Chúa không hứa loài người sẽ nhận lời chứng hoặc người sẽ tiếp nhận sự cứu rỗi Ngài. Trái lại, Ngài phán trước rất rõ ràng môn đồ sẽ bị mọi người ghen ghét, phải chịu đau đớn và bắt bớ, nhưng nếu cứ trung tín đến cuối cùng, sẽ lãnh phần thưởng vinh diệu. Giảng Tin lành khắp thế gian không có ý khắp thế gian sẽ tin theo, hay là bởi đó sẽ dẫn Ngàn năm bình an vào. Song thật một ngày hầu đến, khi "sự nhận biết vinh quang Ðức Giê-hô-va sẽ đầy dẫy khắp đất như nước đầy tràn biển (Ha-ba-cúc 2:14), và không còn cần dạy dỗ nữa. Theo đó, đủ biết thời đại hiện tại không phải là thời đại cuối cùng, vì những hiệu quả đó chưa thấy. Chúa phán và giải nghĩa hai thí dụ báo đặc tánh chung và sự kết cuộc của thời đại Tin lành như sau nầy:
1. Ví dụ Lúa mì và cỏ lùng (Ma-thi-ơ 13:24-30; 36-43). Nhờ lời phán và giải của Chúa, có mấy thực sự rất quan hệ:
a. Thí dụ nầy gồm cả khoảng giữa sự giáng sanh và tái lâm Ngài. Kẻ gieo giống là chính Ðấng Christ, Ngài khởi việc giảng đạo và mở thời đại mới.
b. Ruộng là thế gian, chức vụ Ðấng Christ gồm cả nhân loại, không phải chỉ một dân nữa.
c. Giống tốt là dân Ngài, tức những người được chuộc và tái sanh bởi đạo và Thánh Linh; để truyền Tin lành khắp thế gian.
d. Ma quỉ cũng là kẻ gieo giống, giả mạo công việc Chúa và gieo cỏ lùng tức con cái mình.
e. Cỏ lùng là một hạng người chưa tái sanh nhưng được vào Hội Thánh và làm hư con cái Ngài. Như tấn sĩ David Brown viết: "Trong địa phận Hội Thánh hữu hình, có rắc cỏ lùng". Ðó là sự hư hoại của Hội Thánh chung, là một thực sự không thể nhắm mắt bỏ qua.
f. Sự hư hoại đã có rồi, không thể sửa chữa được, vì "hãy để cho cả hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt".
g. Mùa gặt là kỳ kết cuộc của thời đại nầy, là khi Con Ðức Chúa Trời tái lâm và phán xét, và sai thiên sứ "thâu mọi gương xấu và những kẻ làm ác khỏi nước Ngài, và quăng những kẻ đó vào lò lửa... Khi ấy, những người công bình sẽ chói rạng như mặt trời, trong nước của Cha mình".
Vậy, trong thí dụ nầy theo lời Chúa giải nghĩa thấy khởi đầu, mở mang và kết cuộc của thời đại nầy. Chính Chúa bắt đầu thời đại nầy và lúc đó có sự tinh sạch và toàn hảo. Song chẳng bao lâu, thời đại lẽ thật vinh hiển bị Sa-tan khôn khéo làm hư hỏng, và sau các đầy tớ Ngài dầu canh phòng và kiên quyết không thể sửa được. Vì cả hai thứ đã lẫn lộn rồi, thì cấm không được nhổ cỏ lùng, e rằng làm nguy cho giống tốt. Vậy, phải đợi tay thiên sứ trong ngày mùa gặt thì mới trục xuất cỏ lùng đi. Ấy là bức tranh Chúa tả về thời đại nầy: một đồng ruộng có tốt và xấu, con cái Ðức Chúa Trời và con cái ma quỉ đều sống bên cạnh nhau cho đến mùa gặt là cuối cùng thời đại nầy. Dầu hết sức sửa lại và cải chánh, nhưng sự hư hoại của Hội Thánh hữu hình vẫn còn, hơn nữa, càng lớn thêm. Muốn loại ra những lẽ đạo giả, giáo sư giả, ấy là việc hàng thế kỷ cũng không làm nỗi. Vẫn có lời răn dạy của Ngài: "Hãy để cho hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt". Bởi thế, đủ biết Ngàn năm bình an không thể dẫn vào trước khi Chúa tái lâm.
2. Ví dụ những nén bạc (Lu-ca 19:11-27). Chúa Jêsus đến Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng, đến gần thành, đoàn dân chờ đợi Ngài cách hăng hái, vì tưởng nước Ðức Chúa Trời sẽ lập ngay. Chúa phán ví dụ nầy cốt để sửa lại ý sai lầm đó, và bày tỏ một vài đặc điểm quan hệ về nước. "Có một vị thế tử đi phương xa, đặng chịu phong chức làm vua, rồi trở về". Vị thế tử đó là chính Ðấng Christ, phương xa là trên trời, nước Ngài đi nhận là của Ðấng Mê-si, là nước cả dân Chúa đều mong mỏi và cầu nguyện cho được lập lên. Những đầy tớ là những người chịu trách nhiệm với Ngài về công việc Ngài đã giao phó cho. Dân dấy loạn là những người không thuận phục ý muốn Ngài. Vị thế tử trở về tức là Chúa tái lâm. Thí dụ nầy gồm cả khoảng giữa sự thăng thiên, và sự tái lâm Ngài, tức là cả thời đại nầy. Ví dụ nói về Ðấng Christ đi phương xa, tả cách cư xử của những đầy tớ Ngài và các công dân trong khi Chúa vắng mặt, và nói trước sự tái lâm và tính sổ theo sau. Nên chú ý, theo: "Khi người đã chịu phong chức làm vua, rồi, trở về", ấy tỏ ra tại trên trời Ðấng Christ nhận lễ đăng quang (Khải Huyền 5:6) mà trị vì trên đất. Câu "chịu phong chức làm vua" không thể nào bày tỏ là chỉ về sự cuối cùng thời, hay Ngàn năm, hoặc tận thế, song là "lúc Ngài sẽ giao nước lại cho Ðức Chúa Trời, tức là Cha" (I Cô-rinh-tô 15:24-28).
Trật tự và sự liên tiếp các biến động như Ngài tỏ ra trong ví dụ nầy giống trong ví dụ Lúa mì và cỏ lùng đều bày tỏ một thực sự: tức là trong cả khoảng giữa sự thăng thiên và sự tái lâm Ngài không có Ngàn năm bình an, sự công bình và thịnh vượng phổ thông khắp thế gian. Kinh Thánh bảo đảm ấy thật sẽ có, nhưng phải đợi chờ Ðấng Christ tái lâm.
II. Sự dạy dỗ của các Sứ đồ.--
Không có lẽ minh chứng các Sứ đồ trông đợi kỳ Ngàn năm bình an trong khi Ðấng Christ vắng mặt. Trong Công vụ các sứ đồ 1:11 chép: "Hỡi những người Ga-li-lê, sao các ngươi đứng ngóng lên trời làm chi?". Thái độ đó trở nên thái độ của Hội Thánh đầu tiên, tức ngước mắt lên trời như Phao-lô chép, tín đồ hội Tê-sa-lô-ni-ca "chờ đợi Con Ngài từ trên trời" (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:9,10). Trong Tân Ước nói đến sự Chúa tái lâm 318 lần, và cứ 30 câu thì có một. Trong thơ tín thứ nhứt Phao-lô gởi cho hội Tê-sa-lô-ni-ca thì nói về sự trông cậy vui vẻ nầy, và thơ cuối cùng gởi cho Ti-mô-thê thì nói về mão triều thiên của sự công bình để dành cho mình khi Ngài tái lâm. Sứ đồ Gia-cơ khuyên: "Hãy nhịn nhục và bền lòng, vì kỳ Chúa đến gần rồi" (5:8). Phi-e-rơ cũng vậy (II Phi-e-rơ 3:12). Giăng, Giu-đe, v.v... cũng dạy thế. Sứ đồ Giăng đóng Kinh Thánh với lời nầy: "Kìa, Ngài đến giữa những đám mây". "Nầy, ta đến mau chóng" "Phải ta đến mau chóng.-- A-men; Lạy Ðức Chúa Jêsus , xin hãy đến!" . Các Sứ đồ nhờ Ðức Thánh Linh của Ðấng hằng sống, biết không có sự công bình phổ thông, không có sự giải cứu muôn vật đang than thở, không có sự trói buộc Sa-tan, và không thể có Ngàn năm bình an trong khi cỏ lùng còn mọc lên chung với lúa mì, còn thế gian vô tín cứ kêu la: "Chúng tôi không muốn người nầy cai trị chúng tôi", còn quỉ Sa-tan cứ mạnh mẽ, hung dữ, thong thả trong thời đại nầy để dỗ dành, bắt làm tôi mọi, nuốt làm hại tùy ý mình. Bởi cớ đó, các tín đồ đầu tiên vẫn mong mỏi Ðấng Christ tái lâm mau chóng.
Trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:17, Phao-lô chép: "Kế đến chúng ta là kẻ sống mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa" (so I Cô-rinh-tô 15:51,52). Theo đó, dường như Phao-lô trông đợi không qua cửa sự chết nhưng cứ sống để thấy Chúa lấy vinh quang tái lâm, vì ngày và giờ đó, ngoài Chúa Cha không ai biết. Vậy, có thể tin rằng Phao-lô và các tín đồ đồng thời không tin rằng có ngàn năm đó giữa mình và sự tái lâm ngài. Vả lại, theo II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-12, các tín đồ Tê-sa-lô-ni-ca "bởi thần cảm giả mạo, hoặc bởi lời nói hay là bởi thơ nào..." nói sai lầm: "Ngày Chúa hiện có" (câu hai theo lời chua bản Anh cũ). Phao-lô sửa lại sự sai lầm ngay, chép rằng trước ngày đó "phải có sự bỏ đạo" và có "người tội ác, con của sự hư mất hiện ra". Khi ấy chưa như thế, song đang dọn đường, vì "sự mầu nhiệm của điều bội nghịch đương hành động rồi" dầu ấy bị ngăn trở nhưng khi "Ðấng ngăn trở cần phải cất đi" thì người tội ác đó sẽ hiện ra mà Chúa sẽ tái lâm để hủy diệt nó đi. Ấy là đại ý khúc nầy.
Ở đây Phao-lô tự nhiên có dịp tiện cho biết trước phải có Ngàn năm bình an, sự bội đạo, v.v... song không nói! Trái lại, Phao-lô chép rõ: "Sự mầu nhiệm của điều bội nghịch đương hành động", nhưng bị ngăn trở và khi Ðấng ngăn trở phải cất đi, bấy giờ "kẻ đối địch" (Antichrist) sẽ hiện ra". Kẻ đối địch đó đến cách giấu kín (parousia) và đến cách tỏ tường (apocalypse) giống Ðấng Christ. Vậy, Ðấng ngăn trở đó được cất đi ngay lập tức, không phải dần dần. Kết luận, theo Phao-lô dạy, cả thời kỳ giữa sự thăng thiên và sự tái lâm Ðấng Christ là thời sự bội đạo mở mang đến khi "người tội ác" hiện ra và bị Ðấng Christ đến diệt đi. Vậy, không có thể tin rằng Ngàn năm bình an xảy ra trong thời đại ân điển nầy. Cho nên, Ngàn năm đó phải theo sau, chớ không phải đến trước sự tái lâm Ðấng Christ.
Về vấn đề nầy, lời tiên tri Chúa trên núi Ô-li-ve (Ma-thi-ơ 24:, 25:; Mác 13:; Lu-ca 21:) hoàn toàn hiệp với lời dạy của các Sứ đồ. Trong bài đó, Chúa báo trước giặc giã, sự rối loạn giữa các dân tộc, sự chiếm lấy Giê-ru-sa-lem và hủy phá Ðền thờ. Y-sơ-ra-ên bị tan lạc, tín đồ bị bắt bớ đang khi làm chứng về Tin lành trong khắp thế gian, điềm trời, cơn đại nạn và đau đớn chưa từng thấy, đều kết liễu với sự tái lâm Ðấng Christ. Theo lời tiên tri lớn đó, từ ngày Chúa phán như thế cho đến ngày tái lâm, không đủ chỗ cho Ngàn năm phước trên đất. Xem bài nước.
Trích lược Tiến sĩ W.G. Moorehead.