Nghề nông. Agriculture.

       


      Nghề nầy, dầu quan trọng trong truyện tích Kinh Thánh về A-đam, Ca-in và Nô-ê, cũng không được các tổ phụ lo đến nhiều. Ðời du mục là cách để giữ gìn một dòng giống thánh đang khi còn là một gia tộc riêng biệt khỏi lẫn lộn và không dính dáng đến địa phương nào, nhất là trong xứ Ai-cập. Khi lớn lên thành một dân tộc, người Hê-bơ-rơ phải chiếm những nơi tương lai, nghề nông ngăn trở dân giao thông với người ngoại bang và khỏi chóng bại hoại luân lý, nhất là về mặt thờ hình tượng mà nghề thương mại có thể gây nên. Như vậy, nghề nông trở nên nghề căn bản của luật pháp Môi-se, lấy mọi sự làm của chung. Muốn các sản nghiệp khỏi đoạn mại, luật pháp đóng cho mỗi người và mỗi gia đình một cọc làm phần đất, và nuôi một lòng ái quốc rất mãnh liệt. "Ðất thuộc về Ta" (Lê-vi ký 25:23) là một khẩu hiệu khiến nghề nông giống như căn bản của sự giao thông với Ðức Chúa Trời. Vậy, mỗi gia đình, cảm thấy trong sự sống mình phải hết sức kiên quyết, phải nộp huê lợi theo kỳ hạn cho Chúa, và cấm không được đoạn mại.
       Quốc dân Hê-bơ-rơ, từ trước đến sau, vẫn làm nghề nông. Dân cày các thôn quê thảy đều có một khu ruộng. Món sản xuất của nghề quý nhứt là lúa mạch, nhì đến ngô, thứ ba đến lúa đại mạch, rồi sau đến các loài rau đậu.
       Mùa màng của nghề nông.-- Nhà nông lấy tháng chín, tháng mười làm đầu mùa. mùa Hạ, mùa Thu, khi trời nắng nóng, ruộng đất khô khan. Tháng chín được mưa sớm, người ta bắt tay làm ruộng. Những miền núi và những dốc thì người ta cày cuốc (Ê-sai 7:25). Ruộng mới thì cất đá và nhổ gai gốc đi (Giê-rê-mi 4:3; Ô-sê 10:12; Ê-sai 5:2); gieo gặt giữa "những gai gốc" là một tục ngữ cho những nông phu biếng nhác (Gióp 5:5; Châm Ngôn 24:30,31). Cái cày và cái ách dùng để thắng trâu cày đất, song dùng một cái nọc đầu nhọn giống như cái giáo (Các-quan-xét 3:31; so Công vụ các sứ đồ 26:14) để thúc trâu bò đi. Ðể kéo cày, người ta dùng bò hoặc lừa, song không đóng bò và lừa chung một ách (Phục truyền luật lệ ký 22:10). Có khi không cần cày trước, song gieo giống rồi mới cày. Trong các nơi cao có đặt máy dẫn thủy thì có khi cho bày vật giày đạp cho hạt giống xuống dưới đất (Ê-sai 32:20) như xứ Ai-cập xưa dùng dê đực.
       Có hai cách gieo giống:
       1. Lấy tay gieo rắc cho đều.
       2. Chứa hạt giống vào trong hòm nhỏ, dưới hòm làm một cái miệng, đặt hòm vào cái thùng nhỏ, rồi buộc thùng vào sau cái cày. Cày tới đâu thì hạt giống rải rác tới đó.
       Khí trời ở Pha-lê-tin nóng, lạnh, không đều, nên mùa gặt hái cũng sớm muộn không chừng. Ở bên sông Giô-đanh, mùa gặt sớm hơn; ở đồng cao núi Ga-li-lê, mùa gặt muộn hơn. Hai đằng xa cách nhau chừng vào khoảng 50 ngày. Coi Lê-vi ký 23:15 và Phục truyền luật lệ ký 16:9, chứng rằng mùa màng xứ đó bắt đầu từ trung tuần tháng tư đến thượng tuần tháng sáu thì xong. Nếu gặp mưa thuận, gió hòa, và không có các tai nạn, gió bão, băng giá, mưa đá và hoàng trùng, thì cứ tính trung bình, số thu hoạch lúa mì cũng được gấp trăm lần, nhưng dường như ít có như vậy (Sáng thế ký 26:12 so Ma-thi-ơ 13:8). Xưa có thói quen canh giữ mùa lúa chín và sân đạp lúa khỏi trộm cắp và thiệt hại, như Bô-ô trong Ru-tơ 3:4,7.
       Cách gặt hái.-- Gặt lúa thì dùng hái hoặc liềm. Khi gặt thì không gặt đến đầu ruộng vì còn để lại cho những người mồ côi, góa bụa (Lê-vi ký 19:9; Phục truyền luật lệ ký 24:19; Ru-tơ 2:2). Nhưng lượm lúa gặt được lúc đó đều chở đến sân đạp lúa, dùng bò không khớp miệng mà đạp (Phục truyền luật lệ ký 25:4), hoặc dùng cái lẻ mà đạp (Ru-tơ 2:7; Ê-sai 28:27). Sau khi phơi lúa, nỏ rồi, buổi chiều (Ru-tơ 3:2) người ta dùng nia (Ê-sai 30:24; Ma-thi-ơ 3:12) mà dê lúa ở trước gió (Thi Thiên 35:5; Gióp 21:18; Ê-sai 17:13), lại lấy sàng mà sảy cho sạch (A-mốt 9:9) rồi mới chứa vào trong vựa.
       Phép bón tưới.-- Về cách bón tưới và bón ruộng, Kinh Thánh nói đến về "phần trên mặt đất" (Thi Thiên 83:10; II Các vua 9:37; Giê-rê-mi 8:2). Luật pháp dạy không nên xâm chiếm ruộng của kẻ lân cận (Phục truyền luật lệ ký 19:14), không được gieo hai thứ giống vào ruộng (Lê-vi ký 19:19; Phục truyền luật lệ ký 22:9). Trong khoảng sáu năm, cày trồng đất ruộng để thâu huê lợi, nhưng năm thứ bảy thì để đất yên nghỉ, không cày, không cấy, kể là lợi tức cho Chúa và người nghèo được hưởng. Vườn nho và ô-li-ve cũng vậy (Xuất Ê-díp-tô ký 23:10). Ruộng và vườn nho có khi xây tường bao bọc cũng có tháp hoặc chòi canh giữ (Dân số ký 22:24; Thi Thiên 80:13; Ê-sai 5:5; Ma-thi-ơ 21:33 so Các-quan-xét 6:11). Người ta có thể trương theo giá nhứt định (Nhã Ca 8:11), hoặc một phần huê lợi nhứt định (II Sa-mu-ên 9:10; Ma- thi-ơ 21:34). Người qua đàng có thể bứt lúa mì và hái nho ăn, song không thể bỏ trong giỏ đem đi (Phục truyền luật lệ ký 23:24,25; Ma-thi-ơ 12:1). Dường như cứ ba năm phải nộp phần mười thứ hai và phần cho các thầy tế lễ để bố thí cho người nghèo (Phục truyền luật lệ ký 14:28; 26:12; A-mốt 4:4). Ðến năm hân hỉ, thì các sản nghiệp đều trở về chủ cũ (Lê-vi ký 25:13); tiên tri Ê-sai 5:8 quở trách người giàu khinh bỏ luật pháp đó để "thêm ruộng vào ruộng", bởi đó đuổi các chi họ khác đến miền đó trở nên vắng vẻ.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.