Ngũ kinh. Pentateuque.

         


      Tên Hy-lạp Pentateuchus đặt cho năm sách thường gọi là "Năm sách Môi-se". Trong đời E-xơ-ra và Nê-hê-mi gọi là "luật pháp của Môi-se " (E-xơ-ra 7:6); hoặc "Sách của luật pháp Môi-se" (Nê-hê-mi 8:1); hoặc "Sách của Môi-se" (E-xơ-ra 6:18; Nê-hê-mi 13:1; II Sử ký 25:4; 35:12). Ấy là Ngũ kinh ta hiện có. Cuốn sách tìm ra trong đời vua Giô-si-a tại Ðền thờ, gọi là "Sách luật pháp của Ðức Giê-hô-va truyền lại bởi Môi-se" (II Sử ký 34:14), chính là Ngũ kinh đó, dầu sau đó có lẽ E-xơ-ra có soát lại. Ngày nay, người Do-thái vẫn còn gọi toàn bộ bằng tên Torah tức "Luật pháp", hay Torath Mosheh tức "Luật pháp của Môi-se". Trong Lu-ca 24:27, Chúa Jêsus "bắt đầu từ Môi-se", tức chỉ về Ngũ kinh.
       I. Lối chia làm năm sách.-- Dường như các dịch giả bảng Septante là người chia toàn bộ làm năm quyển, vì những nhan đề, năm sách đó không phải từ tiếng Hê-bơ-rơ song từ tiếng Hy-lạp. Người Hê-bơ-rơ chỉ lấy chữ đứng đầu mỗi sách mà đặt làm nhan đề; nhưng lần đầu hết chỉ chia mấy phần kia, chớ không phải chia cả làm năm sách. Bản Ngũ kinh chép tay hiệp thành một sách song cuốn tròn, và chia ra không phải thành sách song thành những đại đoạn lớn và nhỏ gọi là Parshiyoth và Sedarim. Người Hê-bơ-rơ chia những giới răn làm 248 điều nên làm, và 365 điều không nên, số 248 các thầy Rabbins dành cho các phần của thân thể, và 365 là số ngày trong một năm. Ðể giúp đỡ trí nhớ, họ mang theo một miếng vải vuông có tua (tzitzith) tức 600 bằng tiếng Hê-bơ-rơ bằng 8 sợi và 5 nút, cộng 613 tất cả.
       Có người tưởng lối chia Luật pháp Môi-se thành năm quyển làm mẫu cho sự chia các Thi Thiên làm năm quyển. Chứng cớ là sự sắp đặt một thiên đứng đầu mỗi quyển có tài liệu hiệp với sách đối ngang trong Ngũ kinh. Vậy, Thi Thiên 1: ví người công bình như cây trồng gần dòng nước, ấy nhắc lại vườn Ê-đen trong sách thứ nhứt của Ngũ kinh; Thi Thiên 42: là tiếng kêu của người khốn khổ, sờn ngã v.v..., nhắc lại tiếng kêu của Y-sơ-ra-ên tại Ai-cập được Chúa nghe và giải cứu như chép trong Xuất Ê-díp-tô ký; Thi Thiên 73: tả sự nghi ngờ của người biến mất trước sự công bình của Ðức Chúa Trời, phản chiếu lòng biết ơn người về Luật lệ lập trong sách Lê-vi ký; Thi Thiên 90: là bài cầu nguyện của Môi-se xin Chúa dạy "biết đếm ngày của chúng tôi", hiệp với Dân số ký; Thi Thiên 107: chép về sự thiện của Chúa trong những ngày khổ nạn, bởi thế giống Phục truyền luật lệ ký ôn lại những sự nhơn từ của Ðức Chúa Trời đối với Y-sơ-ra-ên. Dầu vậy, nếu thật chia các Thi Thiên làm năm quyển theo Ngũ kinh như thế, khó hiểu vì cớ nào không chọn Thi Thiên 8: đứng đầu quyển nhứt; Thi Thiên 66: đứng đầu quyển nhì; và 86: đứng đầu quyển ba.
       Xem các bài Sáng thế ký, Xuất Ê-díp-tô ký, Lê-vi ký, Dân số ký, Phục truyền luật lệ ký.
       II. Chứng cớ Ngũ kinh công nhận Môi-se chép.-- Sau trận đánh A-ma-léc, "Ðức Giê-hô-va phán cùng Môi-se: Hãy chép điều nầy trong sách làm kỷ niệm" (Xuất Ê-díp-tô ký 17:14). Ấy tỏ ra có kể lại mọi việc quan hệ trong một quyển sách danh tiếng, cũng chép: "Môi-se chép mọi lời của Ðức Giê-hô-va" (24:4; 34:27, v.v...). Trong Dân số ký 33:2 thấy Môi-se vâng mạng Ðức Giê-hô-va mà "chép cuộc hành trình của dân chúng, tùy theo các nơi đóng trại". Phục truyền luật lệ ký 31:9-11 chép: "Môi-se chép luật nầy, giao cho những thầy tế lễ... cuối bảy năm... phải đọc luật nầy trước cả Y-sơ-ra-ên". Lại câu 24: "Môi-se chép những lời luật pháp nầy trong một cuốn sách xong rồi", tức cả Ngũ kinh, và truyền người Lê-vi: "Hãy lấy cuốn sách luật pháp nầy để bên hòm giao ước của Ðức Giê-hô-va... ở đó làm chứng nghịch cùng ngươi", như sau trong đời Giô-si-a thật làm vậy. Nên chú ý, trong hòm giao ước có hai bảng đá mười điều răn (I Các vua 8:9); song quyển sách luật pháp tức Ngũ kinh thì để trong nơi chí thánh gần hòm giao ước (II Các vua 22:8,13,19). Sách luật pháp Môi-se chép mà giao lại cho các thầy tế lễ, thì đến Phục truyền luật lệ ký 31:23 là hết; phần sách Phục truyền luật lệ ký còn lại, trừ bài ca và bài chúc phước của Môi-se chép (32:-33:) chắc là phần người khác thêm vào.
       Môi-se nói về "luật nầy" và "sách luật nầy" như là một sách riêng đã chép cho dân sự mình (Phục truyền luật lệ ký 28:61; 29:19,20,29). Có khi Môi-se cũng dùng ngôi thứ ba chỉ về mình, như Giăng trong Tân Ước. Có lẽ Môi-se đọc phần lớn cho Giô-suê hay một thầy khác biên chép, và rồi sau người đó thêm truyện về Môi-se qua đời với một vài câu giải nghĩa nữa. Có lẽ E-xơ-ra lúc soát lại cũng cho vào một vài giải nghĩa cho mấy điều dường như xảy ra sau khi Môi-se qua đời. Có lẽ Môi-se dùng những chứng cớ chép bởi các tổ phụ, tức là những gia phổ cho vào Sáng thế ký, được truyền lại bởi Sem và Áp-ra-ham cho Giô-sép và Y-sơ-ra-ên tại xứ Ai-cập.
       III. Cựu Ước công nhận luật pháp của Môi-se.-- Từ sách Giô-suê trở xuống, các sách Cựu Ước đầy lời chỉ về và lời trưng dẫn của Luật pháp và lịch sử chép trong Ngũ kinh của Môi-se,và ai nấy phổ thông công nhận như thế. "Hãy cẩn thận làm theo hết thảy luật pháp mà Môi-se, tôi tớ ta, đã truyền cho", phải "đọc hết"..., "như đã chép trong sách Luật pháp Môi-se" (Giô-suê 1:7,8; 8:31,34; 23:6). Giô-suê 1:3-8, 13-18 trưng dẫn Phục truyền luật lệ ký 11:24,25; 31:6,12 và 3:18-20; Dân số ký 32:20,28. Ðiều lệ dân Y-sơ-ra-ên về tôn giáo và quốc gia hiệp với luật Môi-se. Chức tế lễ giữ trong chi họ A-rôn (Giô-suê 14:1). Con A-rôn kế chức cha và với Giô-suê cùng chia xứ (21:1) như Dân số ký 34:17 truyền; người Lê-vi hành chức giữa các chi phái và có 48 thành như Môi-se truyền (Dân số ký 35:7). Ðền tạm của Môi-se lập tại Si-lô (Giô-suê 18:1). Các của lễ (8:31; 22:23,27,29) như Lê-vi ký 1:, 2:, 3:; Bàn thờ được lập "như Môi-se ... dặn biểu... trong sách luật pháp Môi-se" (Giô-suê 8:30,31; Xuất Ê-díp-tô ký 20:25). Về hòm giao ước (Giô-suê 3:3,6,8; 7:6); phép cắt bì (5:2); Lễ Vượt qua (5:10) cũng theo Ngũ kinh. Về sự nhóm hội chúng và các quan trưởng (9:18-21; 20:6,9; 22:30; Xuất Ê-díp-tô ký 16:22); trưởng lão Y-sơ-ra-ên (Giô-suê 7:6; Phục truyền luật lệ ký 31:9); trưởng lão của thành (Giô-suê 20:4, Phục truyền luật lệ ký 25:8); quan xét và quan cai (8:33; Phục truyền luật lệ ký 16:18); phải hạ thây xuống khỏi cây (Giô-suê 8:29; 10:27; Phục truyền luật lệ ký 21:23); không được đồng minh với Ca-na-an (Giô-suê 9:; Xuất Ê-díp-tô ký 23:32); các thành ẩn náu (Giô-suê 20:; Dân số ký 35:11-15; Phục truyền luật lệ ký 4:41-43; 19:2-7); vì không con trai, Xê-lô-phát chết thì các con gái ăn gia tài (Giô-suê 17:3; Dân số ký 27:; 36:;), đều cũng theo luật Môi-se vậy.
       Sách Các-quan-xét cũng chỉ về luật pháp Môi-se (2:1-3,12,20; 6:8-10; 20:2,6,13; Phục truyền luật lệ ký 13:6, 12-14; 22:21). Luật và sự thờ trong sách nầy vẫn theo Ngũ kinh. Cũng nói đến lịch sử trong Ngũ kinh (1:16,20,23; 2:1,10; 6:13), và Các-quan-xét 11:15-27 tóm tắt cả Dân số ký 20:; 21:; Phục truyền luật lệ ký 2:1-8, 26-34; và so lời chép 2:1-23 với Xuất Ê-díp-tô ký 34:13; Lê-vi ký 26:; Phục truyền luật lệ ký 7:2,8; 12:3; 28:; lại so Các-quan-xét 5:4,5 với Phục truyền luật lệ ký 33:2; 32:16,17).
       Ngũ kinh Môi-se là nền tảng của hai sách Sa-mu-ên; như Hê-li từ dòng A-rôn, làm thầy cả thượng phẩm tại Si-lô, hiệp với Dân số ký 25:10-13. Ðèn của Ðức Chúa Trời chép I Sa-mu-ên 3:3 "chưa tắt" theo Xuất Ê-díp-tô ký 27:20,21; Lê-vi ký 24:2,3, và hòm giao ước còn ở trong Hội mạc chỉ bóng về sự hiện diện Ngài (I Sa-mu-ên 4:3,4; 5:3-7; 6:19) giữa các chê-ru-bin. Cũng nói đến bàn thờ, hương liệu, ê-phót, các của lễ, những tư cách các thầy tế lễ, chỉ người Lê-vi có phép chuyển vận khí dụng thánh và hòm giao ước, v.v... như chép trong Dân số ký, Lê-vi ký, và Phục truyền luật lệ ký . Hai sách Sa-mu-ên cũng trưng dẫn nhiều truyện trong lịch sử Ngũ kinh. Sa-mu-ên cải chính làm cho mọi điều lệ trong tôn giáo và quốc gia cũng phải hiệp với Ngũ kinh. Ấy tỏ ra Sa-mu-ên biết và nhờ những điều lệ đã chép trước rồi.
       Trong các Thi Thiên Ða-vít chỉ về và trưng dẫn lời Ngũ kinh nhiều. Lúc qua đời Ða-vít truyền lịnh cho Sa-lô-môn: "Hãy giữ điều... như đã chép trong luật pháp của Môi-se" (I Các vua 2:3). Bởi thế biết Ngũ kinh chắc đã có trước khi lập ngôi nước.
       Sa-lô-môn trong sách Châm Ngôn cũng nhờ Ngũ kinh nhiều, như 3:9,18; Xuất Ê-díp-tô ký 22:29; Sáng thế ký 2:9; Châm Ngôn 10:18; Dân số ký 13:32; 14:36; Châm Ngôn 11:1; 20:10,23; Lê-vi ký 19:35,36; Phục truyền luật lệ ký 25:13. Châm Ngôn 11:13; Lê-vi ký 19:16. Ðền thờ Sa-lô-môn xây dựng, kích thước đo gấp hai Hội mạc (I Các vua 6:1). Chắc Môi-se chép Ngũ kinh trước nước của Sa-lô-môn chia làm hai, vì cả hai đều nói đến. Giô-sa-phát, vua Giu-đa, dùng "sách luật pháp... dạy dỗ dân sự" (II Sử ký 17:9). Giô-ách cầm trong tay lúc lên ngôi (II Các vua 11:12). Vua Ô-xia vì xông hương trái với luật pháp bị phạt bịnh phung (II Sử ký 26:16-21; Dân số ký 16:1). Vua Ê-xê-chia giữ điều răn mà Ngài truyền Môi-se (II Các vua 18:4,6), và phá con rắn bằng đồng từ đời Môi-se vì dân sự dùng cách sai lầm. Giê-rô-bô-am, vua Y-sơ-ra-ên dựng tượng bò con vàng và trưng dẫn Xuất Ê-díp-tô ký 32:28 (I Các vua 12:28), và lập tại Bê-tên là nơi Chúa hiện đến cùng Gia-cốp. Ngày lễ tháng tám bắt chước ngày lễ Lều tạm trong tháng bảy (I Các vua 12:32,33) để ngăn trở dân lên Giê-ru-sa-lem đặng làm lễ (câu 27); song người Lê-vi cứ trung tín, nên Giê-rô-bô-am lấy người hạ lưu làm thầy tế lễ. Trong I và II Các vua chỉ về Ngũ kinh nhiều. (I Các vua 21:3 so Lê-vi ký 25:23; Dân số ký 36:8; I Các vua 21:10 so Dân số ký 35:30; 22:17; 27:17. II Các vua 3:20 so Xuất Ê-díp-tô ký 29:38, v.v... II Các vua 4:1 so Lê-vi ký 25:39. II Các vua 6:18 so Sáng thế ký 19:11. II Các vua 7:3 so Lê-vi ký 13:46).
       Trong Ê-sai 5:24; 29:12; 30:9; Ô-sê 4:6; 2:15; 6:7; 12:3,4; 11:1; 8:1,12; A-mốt 2:4, chỉ về luật pháp như là sách sử ký (Sáng thế ký 25:26; 28:11; 32:24; A-mốt 2:10 so Sáng thế ký 15:16; A-mốt 3:1,14 so Xuất Ê-díp-tô ký 27:2; 30:10; Lê-vi ký 4:7; A-mốt 2:11,12 so Dân số ký 6:1-21; A-mốt 3:4,5 so Dân số ký 28:3,4; Phục truyền luật lệ ký 14:28; Lê-vi ký 2:11; 7:12,13; 22:18-21; Phục truyền luật lệ ký 12:6). Chắc "luật pháp" trong A-mốt cũng như ngày nay gọi là Ngũ kinh. Mi-chê 7:14 nói đến Sáng thế ký 3:14, và Mi-chê 7:20 nói đến lời hứa cho Áp-ra-ham và Gia-cốp; 6:4,5 nói đến Môi-se, A-rôn, Mi-ri-am, v.v...
       Trong đời vua Giô-si-a giữ ngày lễ Vượt qua "y như lời của Ðức Giê-hô-va cậy Môi-se phán" (II Sử ký 35:1,6; II Các vua 23:). Các chức tế lễ và các của lễ, v.v... cũng thế. Dường như đã lâu không giữ lễ Vượt qua cách trọng thể như vậy. Xem bài Giô-si-a. Khi thầy tế lễ Hinh-kia tìm được cuốn sách luật pháp... truyền lại bởi Môi-se, Giô-si-a chịu cảm động lắm, ấy vì trong đời Ma-na-se trị vì đã bỏ qua, dầu Môi-se vốn dạy phải để bên cạnh hòm thánh (Phục truyền luật lệ ký 31:26). Dầu đã qua bảy thế kỷ từ khi Môi-se chép, nhưng có thể đọc được; như ngày nay các nhà bảo tàng bày tỏ nhiều bản viết hơn ba mươi thế kỷ trước. Hinh-kia, thầy thông giáo, thầy tế lễ, người Lê-vi, các trưởng lão và Hun-đa nữ tiên tri đều công nhận (II Các vua 22:8-14; 23:1-4) thật là luật pháp của Môi-se.
       Giê-rê-mi bắt đầu nói tiên tri trong năm XIII đời trị vì của Giô-si-a và trong sách mình chép trưng dẫn nhiều tiếng thuộc sách Phục truyền luật lệ ký đến nỗi có vài người ngờ Giê-rê-mi chép sách đó! Giê-rê-mi 2:1-8:17 có chép trước Hinh-kia tìm luật pháp. Trong 2:8; 8:8, Giê-rê-mi nói đến luật pháp, song người ta không biết Ngài mà nhơn danh Ba-anh nói tiên tri. Nên so 2:6 với Phục truyền luật lệ ký 8:15; Dân số ký 14:7,8; 35:33,34; Lê-vi ký 18:25-28; và so Giê-rê-mi 4:4 "Hãy tự cắt bì mình cho Ðức Giê-hô-va và cắt dương bì khỏi lòng ngươi" với Phục truyền luật lệ ký 32:37,38; 4:4; 10:16; 30:6, và so Giê-rê-mi 5:15 với Phục truyền luật lệ ký 28:31,49.
       Ê-xê-chi-ên 22:7-12 trưng dẫn 29 lần từ tiếng, Hê-bơ-rơ trong Xuất Ê-díp-tô ký, Lê-vi ký, Phục truyền luật lệ ký. Trong 22:26 bốn lần; Lê-vi ký 10:10; 22:2; 20:25; Xuất Ê-díp-tô ký 31:13. Trong 16:, 18:; tả vẽ lòng yêu thương và nhịn nhục của Chúa đối với Y-sơ-ra-ên như chép trong Ngũ kinh.
       Khi từ Ba-by-lôn về, E-xơ-ra đọc sách luật pháp của Môi-se trong ngày lễ Lều tạm như Phục truyền luật lệ ký 31:10-13 khuyên: "Trước mặt hội chúng, người nam và nữ, cùng những người có thông sáng nghe hiểu được" (Nê-hê-mi 8:3). Dân sự chịu nghe đến nỗi bằng lòng bỏ vợ ngoại (E-xơ-ra 10:) là chứng cớ rất rõ cả dân sự đều công nhận thật là luật pháp Môi-se. E-xơ-ra cũng giải nghĩa luật pháp cho các người thanh niên không hiểu vì trong khi bị đày không quen dùng tiếng mình (Nê-hê-mi 8:8). E-xơ-ra cũng sắp đặt các sách cổ nhứt của Cựu Ước, và có lẽ với Ma-la-chi nhứt định những sách đáng công nhận chọn vào Cựu Ước, lại đổi những chữ Hê-bơ-rơ và Sa-ma-ri ra lối viết tiếng Canh-đê vuông như hiện nay.
       IV. Tân Ước công nhận luật pháp của Môi-se.-- Chúa ta và các Sứ đồ Ngài trong Tân Ước trưng dẫn Ngũ kinh như là có quyền của Ðức Chúa Trời và chép bởi Môi-se (Ma-thi-ơ 19:4,5,7,8; 4:4,7,10; 15:1-9; Mác 10:5,8; 12:26; Lu-ca 16:29,31; 20:28,37; 24:27,44,45; Giăng 1:17; 5:45,46; 8:5; Công vụ các sứ đồ 3:22; 8:37; 26:22). Dầu hai điểm khởi đầu của thời đại luật pháp và thời đại ơn điển cách xa độ 1500 năm, nhưng mỗi thời đại có phép lạ với lời tiên tri riêng được ứng nghiệm bởi đó làm chứng cả hai là thật, nên chắc không thể coi là giả mạo. Vì người Do-thái nóng lòng đến cùng Chúa Jêsus, xin thấy một "phép lạ", ấy tỏ ra họ biết rõ những phép lạ trước làm trong thời đại luật pháp là thật (Giăng 6:30).
       Trong các thơ tín những Sứ đồ nói đến luật pháp Môi-se nhiều, như: Phao-lô trong Rô-ma 10:5; II Cô-rinh-tô 3:15; cũng xem Rô-ma 1:12-15; I Cô-rinh-tô 9:9; 14:21; Ca Thương 3:11; Phi-líp 3:5, v.v...; I Phi-e-rơ 1:16 trưng dẫn Lê-vi ký 11:44; 19:2; 20:7; I Giăng 3:4; Gia-cơ 2:8,9,10,11; 4:11; Khải Huyền 15:3; cũng xem Hê-bơ-rơ 9:19; 10:1,28,10,30. Cũng có nhiều chỗ khác nói về luật pháp.
       V. Chứng cớ ngoài.-- Ngũ kinh người Sa-ma-ri riêng là một chứng cớ chắc chắn Ngũ kinh Môi-se như có ngày nay là như Y-sơ-ra-ên xưa dùng; ấy vì chắc dân Sa-ma-ri và dân Do-thái xưa hay ganh đua nhau đến nỗi không thể nào hiệp được. Vì cấm lấy vợ ngoại và lập nơi thờ riêng, dân Sa-ma-ri chẳng hề chịu Ngũ kinh Môi-se để lập Ngũ kinh riêng mình miễn là không tin là thật và có phép Ngài. Vậy, từ đời E-xơ-ra trở đi, vẫn có lời chứng nầy. Xem bài Ngũ kinh, Sa-ma-ri. Theo sách I Macchabées 1: (Apocryphe), Antiochus Épiphanes hết sức phản đối luật pháp Môi-se.
       Theo các nhà khảo cứu Kinh Thánh, trước giả Ngũ kinh phải là người như Môi-se quen biết rõ sự học thức, thói quen, phong tục và tôn giáo ở xứ Ai-cập. Mười tai vạ là những nạn thường thấy trong Ai-cập nhưng bởi Chúa truyền cho Môi-se làm phép lạ thì những tai biến nặng gấp bội. Trên các đài kỷ niệm xưa của Ai-cập tả vẽ nhiều lần những phu tù đang làm gạch (Xuất Ê-díp-tô ký 1:14; 5:7,8,18). Cái rương mây của Môi-se chỉ hiệp với Ai-cập thôi (Xuất Ê-díp-tô ký 2:3); vì theo Plutarque và Hérodote nữ thần Ésis được đem đi trên một thuyền bằng papyrus và cũng dùng nhựa chai nhiều. Sự phân biệt giữa ô uế và tinh sạch, chức tế lễ cha truyền con nối như A-rôn, sự cạo và tắm cả mình và mặc áo vải gai mịn, cũng giống các thầy tế lễ xứ Ai-cập (Dân số ký 8:7; Xuất Ê-díp-tô ký 40:12-15; 28:39-42). Sự xức dầu A-rôn và mặc áo tế lễ giống những tranh tả vẽ vua Ai-cập trên các đài kỷ niệm xưa. Con dê đực thả trong đồng vắng giống con hy sinh mà người Ai-cập rủa sả và bán cho người ngoại bang hoặc trôi sông. Hiệp với U-rim và Thu-mim trên bảng đeo ngực thầy cả thượng phẩm là hình bằng ngọc lam bửu của sự thật mà thầy cả Ai-cập thường mặc lúc xét đoán. Các đền và mộ Ai-cập xưa cũng có chữ Hiétoglyphes khắc trên cột cửa hiệp với Phục truyền luật lệ ký 11:20. Những tượng của Bénihassan tả người có tội đang nằm bị phạt (Phục truyền luật lệ ký 25:2) và bò không bị khớp miệng lúc đạp lúa (câu 4). Cấm dâng của lễ cho người chết (Phục truyền luật lệ ký 26:14) như người Ai-cập.
       Có người nói trước giả Ngũ kinh nói đến xứ Ca-na-an và dường như biết nhiều về địa dư của xứ (Xuất Ê-díp-tô ký 12:25-27; 13:1-5; 23:20-23; 34:11; Lê-vi ký 14:34; 18:3,24; 19:23; 20:22; 23:10; 25:2; Dân số ký 15:2,18; 34:2; 35:2-34; Phục truyền luật lệ ký 4:1; 6:10; 7:1; 9:1 v.v.), phải nhớ Môi-se chắc có biết về đường đi của Áp-ra-ham, Y-sác, v.v... trong xứ Ca-na-an . Vả lại, từ đời trị vì Thotmes I người Ai-cập cũng biết xứ Pha-lê-tin nữa. Có lẽ bốn mươi năm Môi-se ở trong đồng vắng Ma-đi-an và Si-na-i có nghe về xứ Pha-lê-tin, cũng học về xứ đó, dân sự và các thần nữa.
       Tiếng Hê-bơ-rơ dùng trong Ngũ kinh hiệp thời với đời Môi-se (1571-1451 T.C.. theo Ussher); và giữ phần rất lớn trong sự mở mang tiếng đó, đến nỗi đến đời Ma-la-chi, 1000 năm sau người Hê-bơ-rơ vẫn hiểu và dùng, cũng như ở La Mecque dân sự còn nói tiếng của kinh Koran 1200 năm trước đây. Chiến sĩ Giô-suê và tiên tri Sa-mu-ên không đủ tài hoặc đủ sự hiểu biết về Ai-cập và Si-na-i để chép Ngũ kinh.
       VI. Thuyết phản đối.-- Năm 1753 S.C., Astruc, giáo sư trong trường y học tại Paris, và thầy thuốc của Louis XIV, đề xướng một thuyết nói rằng từ suốt Sáng thế ký đến Xuất Ê-díp-tô ký 6: thấy chứng cớ dường như vốn có hai bản nguyên bởi hai trước giả khác nhau, một dùng Ê-lô-him, một dùng Giê-hô-va chỉ về Ðức Chúa Trời. Trừ ra hai bản đó, ông tưởng tượng có thể thấy Môi-se cũng dùng 10 bản khác quan thiệp với các dân ngoại, và tại đó không thấy dùng danh Ðức Chúa Trời. Sau có mấy nhà khảo cứu Kinh Thánh nhờ thuyết lý Astruc đến nỗi tưởng rằng chủ bút hay soạn giả Ngũ kinh có dùng bốn bản nguyên:
       1. Phần dùng Ê-lô-him độ một nửa, chép độ 520 T.C..
       2. Dùng danh Giê-hô-va.
       3. Một phần khác dùng Ê-lô-him nữa, cả hai chép 1000-800 T.C..
       4. Bản Phục truyền luật lệ ký, chép 621 T.C.. (II Các vua 22:8).
       Bản Phục truyền luật lệ ký chép 621 T.C.. (II Các vua 22:8).
       Thuyết nầy chối sự thật về phần lịch sử Cựu Ước; lẽ đạo trong Ngũ kinh về đời sống tương lai, Chúa báo ứng, sự thờ Ðức Chúa Trời, thiên sứ và Ðấng Mê-si là sơ lược, đều tỏ ra Ngũ kinh chép sớm hơn Gióp, Thi Thiên, Các sách tiên tri, v.v... và các sách đó chép về những luật lệ trong Ngũ kinh v.v...  Trước có người nói: trong đời Môi-se chưa biết viết, bởi đó chắc không phải Môi-se chép Ngũ kinh. Nhưng ngày nay, các nhà khảo cổ đã tìm được nhiều chứng cớ tỏ rõ mấy đời trước Môi-se người ta đã biết viết. Trong mộ của Chnumhotep tại Benihassan thuộc dòng vua thứ XII xứ Ai-cập, có bức tranh vẽ một thầy đang đưa cho quan tổng đốc một tờ giấy bằng cây papyrus, trên viết chữ và có niên hiệu năm thứ VI trong đời Osirtasin II, là vua trị vì đã lâu trước người Hê-bơ-rơ xuất Ai-cập. Cũng tìm được một bia đá đen tại Su-rơ, kinh đô nước Ba-tư xưa, gọi là Diotite, trên đó khắc bản luật của Hammurabi, mấy thế kỷ trước Môi-se, nay để trong viện bảo tàng nước Anh.
       Chắc Ngũ kinh xuất bản ngay sau khi những biến động chép tại đó xảy ra và từ Giô-suê các nhà văn sĩ Do-thái vẫn nói đến. Chắc các gia phổ trong Ngũ kinh đã có trước sự chia đất Ca-na-an lần đầu. Không có dân nào phục luật năm hân hỉ miễn là không biết chắc chính Chúa đã ban cho. Dân Do-thái vẫn công nhận là Môi-se chép, và chỉ Ngũ kinh chứa tôn giáo, luật pháp và lịch sử mình. Không thể nói ai có lợi riêng mà giả mạo đặt truyện như thế. Vì tỏ rõ những tiểu ti rất cẩn thận về thời gian, nơi, người và cảnh ngộ ấy làm chứng rằng: người chép Ngũ kinh là người đã thấy; và những chỗ hiệp nhau tự nhiên giữa bài giảng Môi-se trong Phục truyền luật lệ ký và những truyện chép trong bốn sách trước đều làm chứng thật Môi-se là tác giả. Những lời cuối cùng Dân số ký 36:13 và Lê-vi ký 27:34; 25:1 và 26:46 với lời cảnh cáo: "Chớ thêm chi và đừng bớt chi về điều Môi-se truyền cho" (Phục truyền luật lệ ký 4:2; 12:32) không thể gợi ý có mấy tác giả, trái lại tỏ ra chỉ mình Môi-se là tác giả của Ngũ kinh.
       VII. Vài ý về sự dạy dỗ của Ngũ kinh.-- Suốt cả Ngũ kinh, có ơn điển của Ðức Chúa Trời được mở mang và như một sợi chỉ vàng liên lạc thắt chặt mọi phần bằng một đoàn thể. Những sự chép, phần nhiều theo trật tự thời gian như chép lịch sử; vậy Sáng thế ký khởi đầu và Phục truyền luật lệ ký đóng lại hết cả. Ơn điển trải qua dòng dõi Sết đến Nô-ê; từ đó đến Áp-ra-ham mà gia đình đó nên kẻ kế tự lời hứa cho thế gian. Trong Xuất Ê-díp-tô ký chép Y-sơ-ra-ên sanh ra được giải cứu như là một dân tộc. Lê-vi ký tiếp theo như là luật lệ cho đời sống đạo đức và sự thờ phượng của dân lựa chọn. Dân số ký cứ nói tiếp lịch sử lần nữa, và tu bổ quyền lập pháp, và để lại dân Y-sơ-ra-ên đến trên bờ cõi xứ hứa. Phục truyền luật lệ ký ôn lại và ứng dụng toàn bộ.
       Dầu Ngũ kinh Môi-se không nói trực tiếp về đời sống tương lai, nhưng lịch sử chép đó tỏ ra có tin như thế. Trong Ngũ kinh có đủ để gợi ý vậy cho người cẩn thận suy xét. Các tác giả khác lấy phần thưởng hoặc sự hình phạt trong đời sống tương lai làm nền tảng của sự dạy bảo mình; nhưng Môi-se chỉ nhờ sự thưởng, sự phạt trong đời nay; ấy làm chứng thật chính Ðức Chúa Trời lập và bởi luật pháp đó cai trị. Mục đích luật pháp là dạy người phải vâng phục Ðức Giê-hô-va (Phục truyền luật lệ ký 28:58). Môi-se không bỏ qua trong luật pháp mình những sự hình phạt về phần thuộc linh, dầu trước nhứt nói về vật chất. Thơ Hê-bơ-rơ 11:13-16 chép rõ các tổ phụ "đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình... nhưng ham mến một quê hương tốt hơn ở trên trời". Người được dựng nên theo ảnh tượng Ngài, Ngài thử trực tiếp vào người (Sáng thế ký 1:26,27; 2:7-17). Chúa ngăm đe người phải chết hai lần nếu ăn trái cấm, nếu ăn trái của cây sự sống được sống đời đời, sau người phạm tội Chúa hứa một Ðấng giải cứu và dâng của lễ chỉ về Ðấng sẽ chết để chuộc người, hết cả đều tỏ ra hy vọng về sự sống không hề chết trong đời tương lai. Về A-bên chết sớm vì là người tin kính thì đời sau phải được thưởng để hiệp với sự công bình Ngài (Hê-bơ-rơ 11:4). Hê-nóc biến mất, Áp-ra-ham dâng Y-sác chỉ bóng về Ðấng Christ cho tổ phụ "nghĩ rằng Ðức Chúa Trời có quyền khiến kẻ chết sống lại (Hê-bơ-rơ 11:19; Giăng 8:56; Sáng thế ký 22:). "Môi-se đành cùng dân Ðức Chúa Trời chịu hà hiếp hơn là tạm hưởng sự vui sướng của tội lỗi " (Hê-bơ-rơ 11:24-27); lời Ngài xưng sau khi Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp qua đời: "Ta là Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp", (Xuất Ê-díp-tô ký 3:6) tỏ ra phải có một phần thưởng tương lai đời đời về thân thể và linh hồn để hiệp với lời Chúa hứa cho trong lúc còn ở trong xác thịt (Ma-thi-ơ 22:29) và hiệp với lời cầu nguyện của Ba-la-am (Dân số ký 23:10).
       Tiến sĩ Scofield chú thích về Ngũ kinh:
       Năm sách của Môi-se có một địa vị đặc biệt trong sự sắp đặt Kinh Thánh, và một trật tự không thể chối được, là trật tự của sự từng trải dân Ðức Chúa Trời trong mọi đời. Sáng thế ký là sách của nguồn gốc của sự khởi đầu sự sống, và của sự tàn nát bởi tội. Lời thứ nhứt trong Sáng thế ký: "Ban đầu Ðức Chúa Trời", trái hẳn với câu cuối: "một cái quan tài tại xứ Ai-cập". Xuất Ê-díp-tô ký là sách của sự cứu chuộc, điều cần thiết trước nhứt của một dòng giống đã phạm tội. Lê-vi là sách của sự thờ phượng, và sự thông công, công việc chính đáng của người được chuộc. Dân số ký nói những sự từng trải của một dân tộc lữ hành, kẻ được chuộc qua một quang cảnh phản đối đến một cơ nghiệp đã hứa. Phục truyền luật lệ ký, coi về hồi trước và hồi tương lai, là một sách dạy dỗ kẻ cứu chuộc sắp vào hưởng cơ nghiệp đó.
       Thật những đài kỷ niệm xưa ở Ba-by-lôn và A-sy-ri có bài thuật giống cách kỳ khôi sự tích chép về sự tạo thành và nước lụt, và cũng có trước Môi-se nữa. Song điều nầy chứng thực hơn là xóa bỏ sự Chúa soi dẫn Môi-se chép. Chắc tự nhiên có truyền khẩu về sự dựng nên và nước lụt từ khu vực cổ nhất của loài người truyền lại. Lời truyền khẩu như thế, theo lối mọi truyền khẩu, chắc được thêm nhiều điều kỳ khôi và thần thoại, như có trong các sự tích xưa của Ba-by-lôn. Bởi vậy, điều cần yếu về công việc thứ nhứt của sự được soi dẫn bởi Chúa, chắc là phải lấy sự khải thị truyện tích thật thế cho truyền khẩu có khi mờ ám và trẻ con. Một truyện như thế ta thấy bằng lời cao trọng không sánh được, và theo lối sắp đặt, khi hiểu phải lẽ, là theo cách khoa học hoàn toàn.
       Bởi đó, trong sách Ngũ kinh, ta có một tiểu dẫn thật là hiệp lý của cả Kinh Thánh; và theo hình bóng, là một quyển tóm tắt sự khải thị Ðức Chúa Trời.
       Xem Ma-thi-ơ 8:4; 19:8; Mác 12:26; Lu-ca 5:14; 16:29-31; Giăng 3:14; 5:45,46; 7:19.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.