Khi người Y-sơ-ra-ên ở Ai-cập, họ mới nói đến ngựa là một trong loài gia súc. Giô-sép đem lương thực đổi lấy ngựa (Sáng thế ký 47:17). Ngựa ở Ai-cập rất nhiều (Sáng thế ký 50:9; Nhã Ca 1:9). Vua và quân lính hay cỡi ngựa (Xuất Ê-díp-tô ký 14:9,23; Ê-xơ-tê 6:8; Truyền đạo 10:7). Vả, từ lâu ngựa có dùng để đi trận nữa (Gióp 39:19-25). Ðức Chúa Trời có răn dạy vua Y-sơ-ra-ên "chẳng nên lo cho có nhiều ngựa" (Phục truyền luật lệ ký 17:16) vì muốn vua đó khỏi sanh lòng kiêu ngạo hoặc hiếu thắng (Giô-suê 11:6; II Sa-mu-ên 8:4; Ê-sai 30:16; 31:1; Thi Thiên 20:7; 33:17). Ðến vua Sa-lô-môn thì số ngựa càng tăng lên nhiều lắm (I Sử ký 1:16; 9:25). Vua nuôi ngựa bằng lúa mạch và rơm (I Các vua 4:28). Về sau các vua Giu-đa lại nuôi ngựa ở bên đền để thờ thần mặt trời, vì lẽ tưởng rằng vì sáng đó đã cầm lái một xe rất oai qua từng trời (II Các vua 23:11). Khi từ Ba-by-lôn về nước, người Y-sơ-ra-ên có đem 736 con ngựa (Nê-hê-mi 7:68). Kinh Thánh hằng nói đến đồ phụ thuộc vào con ngựa (Thi Thiên 32:9; Châm Ngôn 26:3; Xa-cha-ri 14:20) duy không nói đến cách bịt sắt vào vó ngựa (Ê-sai 5:28).
Ngựa làm hình bóng nhiều trong Xa-cha-ri và Khải Huyền. Có một xe và ngựa lửa cất Ê-li lên trời. Trong Thi Thiên 20:7; 33:17; 76:6, sức mạnh của ngựa nhắc đến sức mạnh vô cùng của Chúa. Ngựa ô làm hình bóng về sự đói kém (Khải Huyền 6:5,6; so Xa-cha-ri 6:2,6). Ngựa sắc hồng chỉ bóng về chiến tranh (Khải Huyền 6:4; Xa-cha-ri 1:8; 6:2). Ngựa trắng hình bóng về sự thắng trận (Khải Huyền 6:2; 19:11,14, so Xa-cha-ri 1:8; 6:3,6).