I. Trong Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ dùng mấy danh từ chỉ về người:
a. 'Adham (trên các chữ a có dấu -) hoặc tên người thứ nhứt (Lu-ca 3:38; Rô-ma 5:14; I Cô-rinh-tô 15:45), hoặc gọi, hoặc chỉ một loài. Nguyên gốc chữ nầy không rõ. Trong Sáng thế ký 2:7 'adham (trên các chữ a có dấu -) liên lạc với 'adhamah (trên các chữ a có dấu -), về phần từ đất của bổn thể người, nhưng có người tin tên 'adham (trên các chữ a có dấu -) có nghĩa "đỏ như lửa", chỉ đất mà người được nắn lên như có trong dãy núi Hauran tại xứ Mê-sô-bô-ta-mi.
b. Danh từ ben-'adham (trên các chữ a có dấu -), "Con loài người" (Dân số ký 23:19; Gióp 25:6; Ê-xê-chi-ên 2:3) có khi có nghĩa chỉ về sự bạc nhược và không xứng đáng trước mặt Ðức Chúa Trời (Thi Thiên 11:4; 12:1,8; 14:2). Trái lại, có khi 'adham (trên các chữ a có dấu -), như trong Truyền đạo 7:28 chỉ về sự tôn trọng người.
c. 'enosh (trên chữ o có dấu -)(Thi Thiên 8:4; 10:18; 90:3; 103:15, nhiều lần trong Gióp nữa) chỉ về người trong sự vô quyền, yếu đuối, hay chết, trái với 'Ish (trên chữ I có dấu -). Sáng thế ký 4:26 dịch là Ê-nót, tên của con Sết. So Thi Thiên 10:18.
d. 'Ish (trên chữ I có dấu -) chỉ người nam có sức mạnh và nghị lực như so với người nữ, cũng vậy trong các loài vật (Sáng thế ký 7:2); về chồng so với vợ ('Ishshàsh Sáng thế ký 2:23,24); về phần phẩm giá và công đức (Giê-rê-mi 5:1, "thử có thấy một người chăng"); về người có giá trị (Châm Ngôn 8:4).
e. gebber chỉ về người nam mạnh sức so với phụ nữ (Gióp 3:3), so với người không ra trận (Xuất Ê-díp-tô ký 10:11 và Ma-thi-ơ 8:9), và người nam không nên mặc quần áo người nữ (Phục truyền luật lệ ký 22:5). Người anh hùng và dõng sĩ cũng gọi bằng gebber (Các-quan-xét 6:12), có khi chỉ về Ðức Chúa Trời (Ê-sai 10:21), và Ðấng Mê-si (Ê-sai 9:6). Khi liên lạc với 'ish (trên chữ i có dấu -) thì thêm ý sức mạnh càng hơn.
Tiếng Hy-lạp dịch anthropos (trên chữ o thứ nhất có dấu -) chỉ cách chung về một người (Ma-thi-ơ 12:12; Mác 10:27), dầu có khi chỉ về người trong thiếu thốn và yếu đuối (I Cô-rinh-tô 3:3,4), như câu "tôi nói như cách người ta nói" (I Cô-rinh-tô 15:32), v.v...; chắc tỏ ra so sánh giữa sự hư nát và không hư nát (II Cô-rinh-tô 4:16 "người bề ngoài hư nát, song người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn". Vậy, Phao-lô so sánh người có tánh xác thịt (I Cô-rinh-tô 2:14), là người cũ (Rô-ma 6:6), với người mới (Cô-lô-se 3:9,10).
Anèr, Hy-lạp, dịch tiếng La-tinh vir, tức người mạnh sức, so với người nữ trong sự yếu đuối (I Cô-rinh-tô 11:13; I Phi-e-rơ 3:7), nhưng có lẽ nói cách chung chỉ về người (Mác 6:44).
II. Bổn thể người.-- Ý Kinh Thánh về bổn thể người có thể tóm tắt bằng lời Phao-lô: "người bởi đất mà ra, là thuộc về đất (I Cô-rinh-tô 15:47), như so sánh và trái với Sáng thế ký 1:27, "Ðức Chúa Trời dựng nên loài người giống như hình Ngài". Việc dựng nên đó là kết quả sự bàn luận đặc biệt của Ðức Chúa Trời với chính mình Ngài (câu 26). Vậy người là vật thọ tạo, được nắn nên từ "đất", theo "hình Ðức Chúa Trời". Cựu Ước dùng mấy chữ để tỏ ý Ngài:
a. Bàra', tức "dựng nên", nguyên gốc không chắc, dùng năm lần trong Sáng thế ký 1: để tỏ ra căn nguyên vũ trụ (câu 1), căn nguyên của các vật sống dưới nước, và chim bay trên trời (câu 21), và căn nguyên loài người (câu 27); chữ nầy vẫn liên lạc với công việc sáng tạo của Ðức Chúa Trời.
b. Yàcar, tức lấy bụi đất "nắn nên", làm thành, "nhào lộn" (Sáng thế ký 2:7).
c. Bànàh, tức là "làm nên", như chép "Ðức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy nơi A-đam làm nên một người nữ" (Sáng thế ký 2:22).
Bởi việc đặc biệt của Ðức Chúa Trời, người trở nên nephesh hayyah (loài sanh linh), dường như đó chỉ về hơi sự sống mà người có chung với các loài vật khác (Sáng thế ký 1:20,21,24), nhưng khác nhau vì "Ðức Chúa Trời... hà sanh khí vào lỗ mũi, thì người trở nên một loài sanh linh" (nishmath hayyim, nghĩa thật là hơi của những sự sống). Trừ ra Sáng thế ký 7:22, chữ neshàmàh tức "hơi", chỉ dùng về người. Trong Gióp 32:8 chỉ về việc dựng nên của Ngài: "Có thần linh ở trong loài người và hơi thở (nishmath) của Ðấng Toàn năng cho chúng sự khôn sáng", so với Ê-sai 42:5 "Ðức Chúa Trời... ban hơi sống (neshàmàh) cho dân". Vậy, người khác với toàn thể các vật thọ tạo, nhưng vẫn là một.
Sự khác đó càng rõ hơn, vì chép: "Hãy làm nên loài người như hình (celem, tức image) ta và theo tượng (demuth, tức similitude) ta" (Sáng thế ký 1:26). Có người nói "hình" chỉ về phần thân thể, và "tượng" phần luân lý người; người khác: "hình" chỉ về phần tự nhiên, và "tượng" về phần người nhận lấy; và người khác: "hình" về phần vật chất, và "tượng" về phần vô hình.
Nhưng thật ra theo Kinh Thánh chép, dường như hai danh từ đó không khác nhau; dầu celem (image) trong 1:27 được dùng để tỏ ra mọi sự phân rẽ người với thú vật, và liên lạc người với Ðấng Tạo hóa mình. Laidlaw nhờ Sáng thế ký 9:6 và Gia-cơ 3:9 để viết: "Không thể phản đối, hình đó là thuộc loài người", vậy khi làm hại người đồng loại là làm hại hình Ðức Chúa Trời ấn tượng trên người đó. Calvin cũng nói: "hình Ðức Chúa Trời là sự tốt lành hoàn toàn của bổn thể người".
Nên chú ý, theo Kinh Thánh, người được dựng nên theo hình của "Elohim", tức là Ðức Chúa Trời Ba ngôi, không phải theo một trong Ba ngôi đó; như Phao-lô trong I Cô-rinh-tô 11:7 gọi người "là hình ảnh và sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời".
Vậy thì, "hình" hay "tượng" đó là gì? Chắc là thân thể người, tức là đền của Ðức Thánh Linh ("nhà tạm" II Cô-rinh-tô 5:1), và thần linh người có lý trí, chịu cảm động và được hà hơi vào. Bởi đó nhân cách người liên lạc mình với sự ở trên, và phân rẽ mình với sự ở dưới, làm cho người trở nên một bổn thể riêng: có lý trí, tự cảm biết và tự quyết định, mà Ðấng Tạo Hóa có ý cho người giao thông với Ngài. Trong Tân Ước, Ê-phê-sô 4:24 và Cô-lô-se 3:10, chép: "người mới tức là người được dựng nên giống Ðức Chúa Trời trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật," và "người mới là người đang đổi ra mới theo hình tượng Ðấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu biết đầy trọn". Bởi đó đủ biết sự hiểu biết, sự công bình và sự thánh sạch đều thuộc tánh hạnh người như Ngài vốn dựng nên. Vậy, sự giống hình Ðức Chúa Trời là ơn riêng người, nên người là trổi hơn mọi vật thọ tạo.
Có chép về Con độc sanh của Ðức Chúa Trời: "Con là hình bóng của bổn thể Ngài " (Hê-bơ-rơ 1:3); song chép về người thọ tạo: "sẽ giống như Ngài" (I Giăng 3:2). Vậy, trong sự sa ngã, người có lời Ngài hứa sẽ đổi mới theo hình Ngài (so II Cô-rinh-tô 3:18); trái lại, Chúa Jêsus là hình Ðức Chúa Trời vì "bình đẳng với Ðức Chúa Trời", dầu tạm "lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người" (Phi-líp 2:6,7).
III. Nguyên gốc của loài người.-- Như đã nói trên, Kinh Thánh dạy rõ nguồn gốc loài người là từ Ðức Chúa Trời. Kinh Thánh chép hai lần về cuộc tạo thành: thứ nhứt trong Sáng thế ký 1:1-2:3 có tính cách chung, và thứ nhì trong Sáng thế ký 2:4-25 có tính cách riêng từng phần. Trong cả hai, người được Chúa tôn vinh hơn hết.
Trong truyện tích thứ nhứt (Sáng thế ký 1:1-2:3), người tỏ ra sau khi chương trình cuộc tạo thành đã thành, tức trong cuộc tổ chức các loài lần lần tiến lên từ điểm lộn xộn đến điểm tuyệt đích là người. Trong toàn thể cuộc tạo thành thấy có trật tự, mà người chép tỏ rõ là một công cuộc xảy ra trong sáu "ngày", đo bằng sự tối tăm hiện đến và tan đi. Trong "ngày thứ nhứt" theo sự hỗn độn có sự phân rẽ sáng ra cùng tối, và sau đó có sự phân rẽ nước ở dưới và ở trên khoảng không, ấy là "ngày thứ nhì". Kế đến có sự phân rẽ nước với đất khô, và trong bốn "ngày" nầy, theo trật tự liên tiếp, có các cây cối mọc lên, các vì sáng trong khoảng không hiện ra, với các sanh vật dưới biển, trong khoảng không và trên đất khô. Khi mọi sự đã sắm sẵn, người được dựng nên bởi một mạng lịnh nghiêm trang của Ðấng Chí cao. Vả lại, dầu các vật khác được dựng nên và sanh sản "tùy theo loại", nhưng người một mình như là ý kiến duy nhứt của sự thông sáng Ðức Chúa Trời, tỏ ra trên sân khấu, nhờ Chúa can thiệp mà có sự sống, theo hình Ngài, và phân biệt nam và nữ. Bởi thế, không lạ gì mà Kinh Thánh gọi người thứ nhứt là "A-đam, con Ðức Chúa Trời" (Lu-ca 3:38).
Trong truyện tích thứ nhì (Sáng thế ký 2:2-25) trật tự làm là khác, vì người không phải là điểm tuyệt đích, song là điểm trung ương. Người là một vật thọ tạo bằng bụi đất, song có hơi thở của Ðức Chúa Trời trong lỗ mũi, cầm quyền trên muôn vật như thay thế Ngài trên đất vậy, muôn vật bao chung quanh người và phục quyền người. Thêm vào đó có bài tả nơi cư trú thứ nhứt của người ở trên đất và những dây thân ái. Truyện tích thứ nhì nầy là phụ thêm cho truyện thứ nhứt; song không nói mâu thuẫn, và những sự hiệp nhau là nhiều hơn những sự khác nhau. "Truyện thứ nhứt chép gốc tích của người thọ tạo, tức là loài người, là tôn chỉ; truyện thứ nhì chép sự dựng nên chính người, tức A-đam của lịch sử " (Laidlaw).
Có người công kích nói quá lẽ về sự khác nhau trong hai truyện, như; về lối văn, thứ nhứt là cẩn thận hơn thứ nhì; về trật tự, thứ nhì không chép đất ra từ nước, đất khô không thể mọc cỏ, người hiện ra trước, sau có thú vật, chim trời, và cuối cùng người nữ; về lối Ngài làm, thứ nhứt dùng danh từ "dựng nên", "phân rẽ", "làm nên", và thứ nhì dùng "nắn nên", "cho", "lấy". Dầu vậy, sự khác nhau đó không đáng kể, về trật tự dầu khác nhưng phạm vi và mục đích hai truyện giống nhau.
Về mặt khoa học, có người phản đối hai truyện tích trong Sáng thế ký và cuộc tạo thành, vì dường như không hiệp với địa chất học. Ðịa chất học không công nhận trật tự các "ngày" trong Sáng thế ký: như có thảo mộc trước động vật, song nói cả hai loài đồng thời hiện ra; như có loài cá biển và chim trời trước mọi sanh vật sống trên cạn; song nói chim trời có sau cá và trước cả hai có nhiều thứ sanh vật trên cạn, v.v... Nên nhớ:
1. Trong Sáng thế ký không chép theo lối của khoa học, vì là tiểu dẫn cho lịch sử về tội lỗi của người, và sự chuộc tội của Ðức Chúa Trời; vậy, chỉ phác họa căn nguyên thế gian và sự sắm sẵn đạt tới mục đích đó. Cho nên, khởi điểm là cuộc tạo thành vũ trụ bởi Ðức Chúa Trời, và điểm tuyệt đích là dựng nên người theo hình Ngài. Giữa hai biến động lớn đó, chỉ nói đến mấy công việc kia của cuộc tạo thành tùy theo sự liên quan với đại đề của tội lỗi và sự cứu chuộc. Vậy, mục đích hai truyện là thực nghiệm, không phải tưởng tượng; theo thần học chứ không theo khoa học.
2. Nhiều nhà địa chất học danh tiếng như Dana, Dawson Haeckel, v.v... chịu cảm động vì những sự hiệp nhau giữa địa chất học và hai truyện đó về cách chung, trừ sự phân biệt với các phần riêng. Haeckel viết mình rất kính phục Môi-se vì tỏ ra biết nhiều về cõi thiên nhiên và hai truyện chép về cuộc tạo thành đều đơn sơ và tự nhiên... Ấy thật đáng khen nhứt là khi so với những thần thoại lộn xộn về cuộc tạo thành lưu truyền trong phần nhiều các dân tộc đời thái cổ. Haeckel lấy hai truyện của Môi-se, khiến ta chú ý về "ý phân rẽ và phân biệt những nguyên chất vốn đơn sơ và sự tấn bộ lần lần" tại đó.
Có người nói truyện cuộc tạo thành của Y-sơ-ra-ên là nhờ tục truyền xứ Ba-by-lôn mà chép, song "không thể nào tin rằng tác giả thờ độc thần của Sáng thế ký 1:,2: có mượn một tiểu ti nào, dầu rất nhỏ mọn, từ thi ca đa thần của Marduk và Tiamat". Trong sách "thần thoại Hê-bơ-rơ " của Bauer, xuất bản năm 1802, có lời: "Không thể coi truyện tạo thành trong Kinh Thánh như là một thần thoại, hoặc coi là do từ thần thoại Ba-tư hay Ba-by-lôn sau khi Y-sơ-ra-ên làm phu tù thì càng vô lý". Sau có Eerdmans, Giáo sư trường đại học Leyden, chứng rằng: "Khi xem xét đầy đủ lời các nhà công kích... chỉ dẫn đến những kết quả không thể nào hiệp lý."
IV. Sự duy nhứt của nhơn loại.-- Có thể nói ấy được tỏ rõ trong Kinh Thánh cũng như trong khoa học: Như thấy trong truyện Tạo thành và truyện Nước lụt. Trong bài giảng cho người thành A-thên, Phao-lô chứng quyết như thế (Công vụ các sứ đồ 17:26), cũng là nền tảng của phương pháp cứu chuộc người trong Kinh Thánh (Giăng 3:16). Trong Kinh Thánh, nhơn loại được mô tả là "những con cái A-đam" (Phục truyền luật lệ ký 32:8), ra từ một cặp vợ chồng (Sáng thế ký 1:27; 3:20), và nguyên từ một cá nhơn (Sáng thế ký 2:18; so I Cô-rinh-tô 11:8). Bởi đó, danh từ A-đam đặt cho loài người, cũng như đặt riêng cá nhơn (Sáng thế ký 1:26; 2:5-7; 3:22-24; 5:2). Trong Tân Ước, lẽ đạo nầy được ứng dụng vào lịch sử của sự cứu chuộc, tức Ðấng Christ như là "A-đam thứ nhì", lập lại điều "A-đam thứ nhứt" đã làm mất (I Cô-rinh-tô 15:21,22, 47-49).
Trừ ra Kinh Thánh, có mấy thuyết lý về căn nguyên, đời thái cổ, và địa vị đầu tiên của nhơn loại. Có người nói loài người có mấy căn nguyên, tức những dòng giống người từ thủy tổ khác nhau, như A-đam v.v...; hoặc mấy dòng giống chủng tộc từ thủy tổ trước A-đam là người sanh ra người Do-thái và những dòng giống bạch chủng. Dầu có một vài nhà sanh vật học nói có từ 2 đến 63 thủy tổ loài người như thế, nhưng chính Darwin không hiệp với các thuyết đó, và chứng quyết rằng mọi dòng giống người đều từ một cội rễ đầu tiên, vậy hiệp với Kinh Thánh.
V. Thuyết lý Tấn hóa học về Căn nguyên loài người.-- Từ năm 1859, Darwin xuất bản sách: "De l'Origine des Espèces par voie de Sélection Naturelle", thuyết lý nầy được mở mang rất rộng, cho đến ngày nay, nói cách chung, dường như khoa học công nhận và các thế giới giáo dục dạy dỗ coi là thực sự. Như có người viết: "Thuyết lý nầy đã từ thế giới động vật qua thế giới bất động vật, từ thái dương hệ qua vũ trụ, từ cõi thiên nhiên đến những sự trí khôn người bày vẽ: nghệ thuật, luật pháp, tôn giáo, v.v..., đến nỗi cũng trong một hơi thở nói về sự tấn hóa của các động vật lộn với máy hơi nước, máy in, nhựt trình, điện khí v.v... Dầu thuyết lý nầy lan rộng như thế, song những sự quan thiệp và những phương pháp dùng để được kết quả chưa chắc chắn, còn cần phải bàn luận; vậy, vẫn là một lý thuyết chưa thành thực sự. Vì phản đối với lẽ đạo Kinh Thánh về người và căn nguyên người, bởi đó không thể nào tin cậy thuyết tấn hóa được".
Luận thuyết của Darwin về Tấn hóa học có thể tỏ ra như sau đây. Trong vạn vật xung quanh ta, có thể thấy một cuộc tranh đấu để sanh tồn, mà mỗi một cơ thể (organisme) đều dự phần: Phần nào yếu thì bị loại ra, còn phần mạnh và xứng đáng hơn thì sống sót lại. Những phần sống sót đó có thể nói bóng là Tạo hóa đã chọn lựa vào mục đích đó, bởi thế sanh danh từ "sélection naturelle" (tức tự nhiên được chọn hoặc đào thải); trong vòng các sanh vật cao quí hơn được bổ trợ bởi "Sélection sexuelle" (tức lựa chọn theo hai giống hoặc thư hùng đào thải), nhờ ảnh hưởng đó thì những giống đực hoàn toàn nhứt được ưa thích hơn bởi giống cái, và được chọn như vậy để sanh sản chủng loại mình. Những sở hữu hoặc đặc tính của các cơ thể được chọn như thế, truyền lại trong dòng giống mình, bởi đó có một cuộc chuyển biến không nhứt định "từ một vài hình thể hoặc từ một mà nguyên có hơi sự sống thổi vào, tấn hóa ra vô số hình thể rất đẹp đẽ và lạ lùng" (Darwin).
Khi lấy luận thuyết phái tấn hóa kể trên để quyết định về căn nguyên người, thấy lý cớ mạnh nhứt là ở những sự tương tự giữa người và thú vật. Ấy có thể tóm tắt như sau nầy:
1. Về những đặc sắc của hình thái học (morphologie): người và thú giống nhau bởi cách tổ chức các cơ quan trong thân thể; bởi có thể mắc các chứng bịnh giống nhau; và bởi giống nhau về cân, máu, v.v...
2. Về những đặc sắc của thai hình học (embryoligie) người và thú giống nhau bởi sự sanh ra từ một tiểu noãn (ovule) và cũng như động vật khác phải trải qua một kỳ lớn lên theo công lệ tấn hóa.
3. Về các cơ quan bất toàn của người từ buổi đầu (organes rudimentaires) coi là vô ích, và có lẽ di hại vì sanh chứng bịnh, không giúp người mấy, như vậy, chỉ ngược lại đến một thú làm tổ tông loài người vì chỉ thú mới cần đến mà thôi.
4. Về đặc sắc của trí khôn: trong người cũng như trong thú, dầu có lẽ không cùng một bậc và dầu khác nhau lắm.
5. Về cổ sinh vật học (paléontologie) sự giống nhau giữa người và thú tỏ ra khi so sánh những vật hóa thạch (fossiles) còn lại trong đất, thấy người văn minh hiện tại có sự tương quan mật thiết với loài vượn mà người phái nầy cho rằng ấy là tổ tông loài người. Ít lâu nay, người phái tấn hóa đã lấy sự thí nghiệm truyền máu giữa người và thú để binh vực thuyết lý mình.
Những vấn đề khó giải quyết của tấn hóa thuyết rất nhiều và lớn đến nỗi các nhà sinh vật trứ danh phải phản đối, công kích. Vấn đề khó nhứt là tìm vòng xích thiếu mất giữa người và các loài kém người. Năm 1894, dường như đã tìm một loài mạo xưng là hầu nhân (pithécanthrope: tức nửa người nửa khỉ); và tưởng ấy là vòng xích thiếu mất đó, song chỉ càng thêm sự bàn cãi. Virchow (thuộc phái tấn hóa) phải xưng nhận rằng: "Không có loài hầu nhân hoặc một thứ vượn nào như người bày tỏ những đặc tánh của tổ tiên đầu nhứt của người".
Dầu Darwin luận rằng thủy tổ loài người là giống khỉ, nhưng nhiều người theo phái đó có ý khác nhau và gợi ý rằng: "Cuộc truy nguyên người biến mất vào trong sự tối tăm của thủy tổ loài động vật có vú", lại có ý công nhận "người đã được sanh ra cách riêng biệt". Trong phái đó, người khác nói "người được tấn hóa từ loài kém mình bởi những cuộc thay đổi (mutation), nghĩa là bởi những cuộc chuyển biến không liên tiếp rất lớn". Nếu nhận có những bước "nhảy xa" và "nhảy cao" trong phép tấn hóa như thế, thì lời nhà khoa học Otto có nghĩa mới cho người tin Kinh Thánh chép về Chúa dựng nên người: "Bước nhảy xa hoặc nhảy cao cuối cùng là rất lớn, đến nỗi đem cho người sự tự do và sự giàu có của đời sống thần hồn không thể ví sánh được với sự gì trước đã có". Những lẽ phản đối ức thuyết Darwin có ba mặt:
1. Ức thuyết đó chối kết cuộc luận (téléologie), mà lấy lẽ tự nhiên đào thải thế vào.
2. Ức thuyết đó cho rằng phương pháp tấn hóa có sự tuần tự chậm chạp và không thể cảm biết.
3. Ức thuyết đó quả quyết rằng cơ thể được tấn bộ liên tiếp từ hình thể thấp hèn nhứt đến hình thể cao quí nhứt. Dưới đây, xin nói mấy duyên cớ không thể nào nhận tấn hóa thuyết.
1. Vận may chống với cuộc tạo thành.-- Tấn hóa thuyết chối kết cuộc luận rất rõ ràng và đặc biệt. Theo thuyết Darwin dường như phải chọn vận may mà bỏ cuộc tạo thành. Trí khôn, mục đích, ý định trước, mưu toan, sự dẫn dắt và quyền giám sát của Ðức Chúa Trời bị bài trừ đi trong phương pháp tấn hóa. Chính Darwin, dầu vốn có ý khuynh hướng về một Ðấng Tạo Hóa sau lấy làm tiếc mà viết rằng: "Vì đã vị nể dư luận quần chúng mà dùng danh từ trong Ngũ kinh, song thật ra lời mình chỉ có ý chỉ về một phương pháp hoàn toàn chưa biết đến".
Darwin đã nhận biết mình tin quá lẽ về quyền "tự nhiên đào thải" trên những giống xứng đáng nhứt được sống sót lại. Darwin viết: "Quyền tự nhiên đào thải chỉ hành động bởi những sự chuyển biến thêm lên, nhỏ mọn, theo nhau và thuận hiệp; không thể thay đổi thình lình hoặc nhiều; chỉ có thể hành động từng bước ngắn và chậm". Ấy phản đối với kết cuộc luận, nhưng là một đặc sắc chung của tấn hóa học. Weismann viết: "Ý ức thuyết nầy là lấy lực lượng của động cơ (force mécanique) thế cho 'chuẩn lực' (force directrice) để cắt nghĩa căn nguyên sự chuyển biến của tấn hóa thuyết". J.A. Thomson nhận rằng: "Không có chứng cớ nào hợp lý về thuyết người tự loài kém ra... Thực sự về thuyết tấn hóa ép ta tin, song những chứng cớ không có!... Bất cứ nơi nào xét các động vật trong cõi thiên nhiên dường như phải có mục đích... nếu cuộc tấn hóa người đến điểm cuối cùng có 'Ngôi Lời' chắc khởi đầu cũng phải có nữa". Nơi nào có một mục đích, phải có một trí khôn đang đạt đến mục đích nhứt định đó; và nơi nào có trí khôn, có thể có cuộc sáng tạo buổi ban đầu; khi nhận có cuộc tạo thành, thì cũng phải nhận có ý Thần cai trị trên hết. Bởi đó đủ biết truyện chép trong Kinh Thánh về cuộc tạo thành đặt Ðức Chúa Trời tại ban đầu, và nhận vũ trụ là công việc sáng tạo Ngài, thì không trái với khoa học như phái tấn hóa tưởng đâu".
2. Cuộc chuyển biến không nhứt định.-- Ấy không hiệp với thực sự. Sự mở mang bao giờ cũng có, song ở trong giới hạn nhứt định. Trong mỗi kỳ mở mang, động vật hoặc thảo mộc là một cơ thể hoàn toàn và cân đối, không tỏ ra có sự tấn bộ tuần tự mãi mãi từ vật đơn sơ đến vật phức tạp hơn.
Hoàn nguyên mẫu (réversion au type) dường như bao giờ cũng theo một phương pháp không nhứt định, và son sẻ của các tạp chủng (như con la) dường như muôn vật phản đối với thuyết chuyển biến coi như là một luật của sự tấn bộ. Như Elam viết: "Một mụt nhỏ trên mũi con cá nào, ấy không phải là chứng cớ con cá đó trổi hơn đồng loại mình".
3. Những khúc cách quãng giữa các loài.-- Tấn hóa học không có thuyết lý nào có thể bắc cầu qua vực sâu giữa những chủng loại muôn vật. Sự chuyển biến dần dần từ loài bất động vật đến loài động vật, từ loài thảo mộc đến loài sanh vật, từ một loài thảo mộc hoặc sanh vật đến một loài thú khác, từ loài thú đến loài người; đều không thấy trong cõi thiên nhiên. Các nhà khoa học trứ danh công nhận như thế. Du Bois-Raymond chủ trương có bảy điều bí ẩn hạn chế sự nghiên cứu thuyết tấn hóa về bảy mặt:
a. Có thể chất và lực lượng.
b. Căn nguyên sự cử động.
c. Căn nguyên sự sống.
d. Sự mưu luận được tả ra trong Muôn vật.
e. Có ý thức.
f. Tư tưởng thông minh và căn nguyên tiếng nói.
g. Vấn đề ý muốn tự do.
A.R.Wallace, người binh vực thuyết "tự nhiên đào thải", nhưng xưng rằng: "Ít nhứt có ba bước trong sự tấn hóa trong cõi động vật, khi đã có một duyên cớ mới hoặc một lực lượng hành động", tức khi "mới có sự sống, sự cảm biết với ý thức, và mới có người".
4. Thuyết tấn hóa đối với người.-- Ấy càng thêm nhiều sự khó khăn. Về trí khôn, người giống thú song thật khác nhau xa. Theo thuyết lý nào của tấn hóa học cũng không dễ giải nghĩa về ý thức, tư tưởng, tiếng nói, đạo đức và tôn giáo của người. Khi công nhận những nghĩa vụ luân lý, sự tự do chọn lấy những điều đạo đức, sự lương tâm bắt buộc, sự cảm biết trách nhiệm và sự lương tâm cắn rứt, đều không thể giải nghĩa bởi thuyết người ra từ loài kém mình. Người đứng riêng, vì theo phần tâm hồn là một loài riêng, khác hẳn với dòng vượn, là câu đố trong vũ trụ, ngoài truyện tích tạo thành chép trong Kinh Thánh. "Ý thức và vô ý thức khác nhau xa vì ta biết phân biệt giữa những phần tử vật chất đang cử động và ý thức bề trong của người" (Orr). Không thể nào từ cõi vật chất bề ngoài qua cõi ý thức bề trong. Dầu hết sức thử bắc cầu song không thể qua vực sâu được. Bởi đó, A.R.Wallace đã bỏ thuyết lý "bổn thể, những sở năng, đạo đức, trí thức, thuộc linh của người, là bắt đầu từ loài kém người".
5. Những loài giữa các cuộc chuyển biến không có.-- Ấy đánh đổ chính cội rễ của thuyết Darwin. Những vòng mạo xưng là vòng chuyển biến từ loài nầy sang loài kia chẳng những chậm tìm, song cũng càng ngày càng hiếm có. Dầu bàn luận nhiều, nhưng các nhà tấn hóa học không thể hiệp ý về tổ đầu nhứt của loài ngựa ngày nay. Về người, Du Bois có tìm ra tại đảo Java phần trên của một cái sọ, phần đầu một cái xương, và ít răng, tưởng đều thuộc của một con thú mà người đồ rằng là một loài có vú giống người, song không đủ chứng cớ. Virchow nghi những phần đó không thuộc cả về một thú, và cho bức tranh phác họa của Du Bois để làm chứng cái sọ đó vốn là vòng xích tỏ ra sự chuyển biến từ loài khỉ sang loài người chỉ là tưởng tượng thôi. Trong số 24 nhà khoa học tra xét những phần đó thì không thể hiệp ý nhau, và 1899, trước mặt Hội khảo cứu về người tại Lindau, có người đọc rằng "Những phần tưởng thuộc loài hầu nhân (pithécanthropus erectus) chỉ là của một con khỉ".
Thuyết tấn hóa về Sáng thế ký.-- Kinh Thánh nhận phương pháp tấn hóa trong một giới hạn nhứt định. Ðối với các loài kém người, Ðức Chúa Trời phán rằng: "Ðất phải sanh ra cây cỏ" (Sáng thế ký 1:10). "Nước phải sanh các vật sống cho nhiều, và các loài chim phải bay trên mặt đất trong khoảng không" (câu 20), và "đất phải sanh các vật sống tùy theo loại" (câu 24). Ấy tỏ ra không phải là một việc trực tiếp của Ðấng quyền phép cao cả, song như là sức sáng tạo đó đã ban cho nước và đất. Chỉ trong việc dựng nên người, thì Ðức Chúa Trời làm việc cách trực tiếp: "Ðức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta... Ngài dựng nên loài người" (câu 26,27). Bước "nhảy xa" và bước "nhảy cao" biến mất trước câu quan hệ: "Ðức Chúa Trời phán". "Vạn vật chỉ là hiệu quả mà nguyên nhân là Ðức Chúa Trời". Vậy , theo Lord Kelvin thì lời dạy dỗ của Paley là thật... tức "vật sống động là nhờ một Ðấng Tạo Hóa cầm quyền cai trị mãi mãi". Nên nhớ: truyện Kinh Thánh chép về cuộc tạo thành đương đầu với mọi sự thử thách của các đời, và chính Chúa Jêsus chứng rằng: "Ðương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm, một nét trong luật pháp (Cựu Ước) cũng không qua đi được" (Ma-thi-ơ 5:18).
VI. Ðịa vị đầu tiên và hiện tại của người.-- Khoa học nói về nhơn loại (anthropologie) ngày nay đã đem căn nguyên người đến một đời thượng cổ rất xa, thường phỏng đoán chừng 100.000 đến 500.000 năm và có khi tính nhiều hơn số đó nữa. Như Haeckel lấy số ngôi sao Sirius cách xa trái đất mà tính thời gian của toàn thể phương pháp tấn hóa là bao lâu. Nghĩa là mặt trời cách xa trái đất độ 150.000.000 cây số, và Sirius cách xa trái đất gấp 1.000.000 lần nữa. Vậy, theo Haeckel thời gian từ cơ thể rất đơn sơ, từ mầm hay giống hay tiểu noãn tấn hóa đến người hầu không tính được. Vậy, phái tấn hóa đem nguồn gốc nhơn loại ngược đến một thời gian mà người ngày nay không thể tính được. Vài người phái đó nói vốn có mấy thủy tổ đầu tiên, và dường đã tìm vật hóa thạch còn lại tưởng người đồng thời với mấy loài vật đã tuyệt diệt, dầu không thể tính loài nào có trước. Nhưng mà, có nhiều nhà khoa học trứ danh không nhận các lối tính đó, và có một tỏ ra rằng địa vị các thể chất khác nhau đến nỗi địa chất học phải hạn chế thời gian mình trong một khoảng 100.000 năm; vậy phái tấn hóa cũng phải như thế!
Về người đầu nhứt, các nhà khoa học không có sự hiệp nhau . Có người tin người đầu tiên thuộc đệ tam kỷ tằng (terrain tertiaire) tức theo loài khoáng vật mà địa chất học tính là kỳ thứ ba từ buổi đầu vật chất mới có. Người khác nói nói người đầu tiên thuộc đệ tứ kỷ tằng (terrain quaternaire) tức kỳ thứ tư kể từ buổi đầu, hoặc phần thứ tư nhờ lớp có những vật hóa thạch, cũng gồm lại thời kỳ băng hay tuyết (âge glacial). Vì giới hạn và kỳ gian lâu dài không nhứt định của bốn kỷ tằng, nên quyết định hồi nào người đầu tiên hiện ra theo phái tấn hóa không phải dễ dàng! Các phép tính căn cứ vào những di tích mới ra thì khác hẳn đến nỗi không thể nhứt định. Song "thời kỳ nước đá" có người tính dài chừng 500.000 năm và đã qua từ 25.000 đến 7.500 năm về trước theo nơi ở trên trái đất. Vậy, có thể đặt câu hỏi: "Có phải cuối cùng thời kỳ nước đá đó là cơn hồng thủy của nhựt ký Nô-ê có ghi chép vào sách Sáng thế ký chăng?" (J.W.Dawson).
Niên đại học về các nước cổ như Tàu, Ba-by-lôn, Ai-cập dường như phản đối với Kinh Thánh về người đầu tiên hiện ra hồi nào. Song các nhà khoa học tinh thông có ý khác nhau về đời thượng cổ của các nước đó. Lối tính về Ai-cập thường khởi đầu từ đời vua Menes: tức theo Champollion là 5.867, theo Brugsch là 4.455, Lepsius 3.892, và Wilkinson chỉ 2.320 năm, T.C.. Lối tính về Ba-by-lôn, Bunsen khởi đầu lịch sự là 3.784, Brandis 2.458, Oppert là 3.540 T.C.. Có lẽ nhờ những sự mới tìm ra sau, các nhà niên đại học đó sẽ hòa hiệp với Kinh Thánh. Nên nhớ lời Hommel: "Niên đại về ngàn năm thứ nhứt trước Ðấng Christ có thể nhứt định, về ngàn năm thứ hai trước Ðấng Christ có biến động dường như nhứt định, song ngàn năm thứ ba trước Ðấng Christ, thì niên hiệu hết thảy không chắc chắn". Các phép tính theo Cựu Ước như Ussher căn cứ trên những gia phổ các tổ phụ và dòng dõi thì ngắn gần 1.500 năm hơn những niên đại tính theo bản Septante. Xem bài Niên hiệu.
Theo Kinh Thánh, định mệnh của loài người là "Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời, cùng các vật sống hành động trên mặt đất (Sáng thế ký 1:28); phải như là "kẻ quản lý" của Chúa (Tít 1:7), và kẻ "cùng làm việc với Ðức Chúa Trời" (I Cô-rinh-tô 3:9). Chúa đặt người đầu tiên trong vườn Ê-đen, dầu chính nơi đó ngày nay không ai biết, nhưng theo Kinh Thánh mô tả cẩn thận thì ở mặt Ðông xứ Pha-lê-tin, trong và gần Ba-by-lôn. Ấy là nơi ở thứ nhứt.
Song không hề tìm được dấu tích của người đầu tiên. Mấy cái sọ (Neanderthal, Engis, Lansing, v.v...) đã tìm được mà phái tấn hóa giả định rằng là thuộc người đầu tiên, thật ra dường như của người đã được tiến hóa nhiều rồi. Nhà tấn hóa trứ danh Huxley viết rằng: "Không có lý nào coi sọ Neanderthal đó là trung gian giữa người và khỉ", và "về sọ thứ nhì chỉ là một sọ trung bình, có lẽ thuộc về một nhà triết học hoặc có thể chứa bộ óc rỗng của người dã man". Cái sọ Lansing tìm tại Mỹ châu 1902 S.C., gần giống sọ của người Hồng mao ngày nay. Cả đến cái sọ của người đặt là Cro-Magnon mà người ta tưởng tượng thuộc cổ thạch khí thời đại (paléolithique) thì Dawson coi là sọ chứa bộ óc lớn hơn óc người trung bình ngày nay. Người đầu tiên không thể ví sánh với người mọi rợ ngày nay, vì người mọi ngày nay đã suy đồi lần lần từ một giống tốt hơn. Lịch sử không nói đến người mọi rợ không có sự giúp đỡ mà đến một bậc tốt hơn, song nói đã từ một giống tốt hơn suy đồi đến một bậc kém hơn. Bất luận xét phương diện nào về nguyên địa vị loài người, nên phải nhớ: "Không cần giả định rằng người đầu tiên là loài hầu nhân, từ đó lên đến địa vị thật là người bởi một phương pháp chậm chạp và dần dần; cũng không cần tả vẽ người đó như là một người mọi rợ, hoặc như trí thức ngang với người hiện tại, là "Kẻ kế tự của mọi thời đại". Kinh Thánh chứng rõ người thứ nhứt là một sanh linh đạo đức, có thể mở mang trong vòng vô tội, song đã dùng ý tự do mình mà mất nguyên địa vị đó". Câu trong sách Apocryphe (sagesse 2:23) dạy về người rằng: "Ðức Chúa Trời đã tạo nên người không hề chết, và làm nên người là hình ảnh của sự vĩnh viễn chính Ngài". Vậy, thấy thuyết tấn hóa luận về người không có gì chắc chắn, song Kinh Thánh chép: "Nhưng lời Chúa còn lại đời đời" (I Phi-e-rơ 1:25). Tiến sĩ Scofield chú thích về người:
Sáng thế ký 1:26,27. Sự dựng nên người.-- Truyện dựng nên người đây nói cách chung; và truyện trong Sáng thế ký 2:7, 21-23 nói từng phần. Những thật sự tỏ ra là:
1. Người được dựng nên chớ không phải tấn hóa.
a. Ðiều nầy được tỏ ra cách đặc biệt và được chứng quyết bởi Ðấng Christ (Ma-thi-ơ 19:14; Mác 10:6).
b. Huxley chứng rằng: Có một vực lớn, một sự khác nhau dường như vô cùng giữa người hèn hạ nhứt và thú vật cao quí nhứt chứng quyết điều đó.
c. Con thú cao đẳng không có ý thức về Ðức Chúa Trời, tức là bản năng đạo đức.
d. Khoa học và các sự mới tìm ra không thể làm gì để bắc cầu qua vực thẳm đó.
đ. Người được làm nên như hình và tượng Ðức Chúa Trời (xem bài Thần linh, người).
Sáng thế ký 1:11.-- Không cần phải giả định rằng mầm sự sống của các hột giống bị hư mất bởi sự phán xét lớn lật đổ trật tự đầu tiên, đến nỗi "đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực" (câu 2). Khi tu tạo lại đất khô và ánh sáng thì đất "sanh sản" như mô tả. Trong sự tai hại lớn đó, sự sống của động vật hư mất, và dấu tích còn lại là vật hóa thạch. Ðể các vật hóa thạch vào cuộc tạo thành đầu tiên, (câu 1) thì khoa học không có sự phản đối với căn nguyên vũ trụ và người như chép trong Sáng thế ký. Nên chú ý: chẳng bao giờ tìm thấy người trong các vật hóa thạch.
Sáng thế ký 1:26 và I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23.-- Về tam nguyên tố của người. Xem bài Thần linh, người.
Sáng thế ký 4:1.-- Ca-in (được) là hình bóng của một người chỉ thuộc về đất. Ðạo của người không có biết gì về tội lỗi, hoặc mình cần phải được chuộc tội. Người theo đạo như thế được mô tả trong II Phi-e-rơ 2:. Tại đó chép bảy điều về người đó:
1. Thờ phượng theo ý riêng.
2. Tức giận với Ðức Chúa Trời.
3. Không chịu đem con sinh chuộc tội.
4. Giết em mình.
5. Nói dối Chúa.
6. Trở nên một người du đãng.
7. Nhưng Chúa lo đến người.
Sáng thế ký 36:31.-- Một đặc sắc chung về Kinh Thánh là ở đây các vua Ê-đôm được chép trước các vua Y-sơ-ra-ên. Nguyên lý nầy được tỏ ra trong I Cô-rinh-tô 15:46. Những điều thứ nhứt là "tự nhiên", tức điều tốt nhứt của người, bao giờ cũng thất bại; những điều thứ nhì là "thuộc linh", tức những điều thuộc về Ðức Chúa Trời, và thành công. A-đam, -- Christ; Ca-in, -- A-bên; Dòng dõi Ca-in,--dòng dõi Sết; Sau-lơ, -- Ða-vít; Y-sơ-ra-ên, -- Hội Thánh chơn thật,v.v...
I Cô-rinh-tô 2:14.-- Phao-lô chia người làm ba hạng: psuchikos, "thuộc về những giác quan" (Gia-cơ 3:15; Giu-đe 19), hoặc "tự nhiên", tức có tánh A-đam, không được đổi mới bởi sự tái sanh (Giăng 3:3,5); pneumatikos, "thuộc linh", tức là người đổi mới được đầy dẫy Ðức Thánh Linh và noi theo Ðức Thánh Linh trong sự thông công đầy dẫy với Ðức Chúa Trời (Ê-phê-sô 5:18-20); và sarkikos, "tánh xác thịt" hoặc "thuộc xác thịt" tức là người đổi mới song nói theo xác thịt và còn là con đỏ trong Ðấng Christ (I Cô-rinh-tô 3:1-4). Người tự nhiên có thể là người học thức hiền lành, tài hùng biện, khiến người yêu, song tài liệu thuộc linh trong Kinh Thánh hoàn toàn giấu kín khỏi người, và tín đồ xác thịt hoặc có tánh xác thịt chỉ có thể hiểu những lẽ thật đơn sơ nhất tại đó, là sữa (I Cô-rinh-tô 3:2).
Giu-đe 11.-- Xem bài Ca-in.
Rô-ma 6:6. Người cũ.-- Thành ngữ nầy cũng dùng trong Ê-phê-sô 4:33 và Cô-lô-se 3:9, và bao giờ chỉ về người có tánh cũ, hư hoại, là sự khuynh hướng trong lòng về điều ác trong mọi người. Trong Rô-ma 6:6; ấy là chính người tự nhiên; trong Ê-phê-sô 4:22; Cô-lô-se 3:9 những đường lối người. Về nơi ở, trước mặt Ðức Chúa Trời, người cũ được đóng đinh, và tín đồ được khuyên nên làm như thế trong sự từng trải mình, tức kể như thế vì đã "lột bỏ" người cũ và "mặc lấy" người mới (Cô-lô-se 3:8-14; xem Ê-phê-sô 4:24).
Ê-phê-sô 4:24. Người mới.-- Người mới là người được tái sanh khác với người cũ (Rô-ma 6:6), và là người mới vì là kẻ dự phần về bổn tánh và sự sống của Ngài (II Phi-e-rơ 1:4; Cô-lô-se 3:3,4). Người mới không bao giờ là người cũ được làm lại hoặc cải thiện (II Cô-rinh-tô 5:17; Ga-la-ti 6:15; Ê-phê-sô 2:10; Cô-lô-se 3:10). Người mới là Ðấng Christ, "thành hình" trong tín đồ (Ga-la-ti 2:20; 4:19; Cô-lô-se 1:27; I Giăng 4:12).
II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3.-- Người tội ác. Xem bài Mầu nhiệm, sự.