Người Sa-ma-ri. Samaritain.

       



      Chỉ một chỗ trong Cựu Ước chép đến "dân Sa-ma-ri" (II Các vua 17:29), ấy có nghĩa là một người thuộc về nước Y-sơ-ra-ên phía Bắc xưa. Trong văn chương Hê-bơ-rơ đời sau, chỉ về một người dân trong địa phận Sa-ma-ri ở trung ương Pha-lê-tin (Lu-ca 17:11). Như vậy, quốc dân Sa-ma-ri hoặc nòi giống Sa-ma-ri được dấy lên bằng cách nào? Khi Sa-gôn chiếm lấy Sa-ma-ri thì dẫn, theo chính sổ của vua đó, 27.280 người sang làm phu tù. Như vậy, tất nhiên Sa-gôn để lại nhiều người Y-sơ-ra-ên trong xứ. Thấy rằng người Y-sơ-ra-ên còn sót cứ loạn nghịch, thì Sa-gôn theo trật tự bắt đầu cất bỏ quyền quốc dân khỏi dân đó. Vua dẫn những thực dân đến từ Ba-by-lôn và Ha-mát (II Các vua 17:24), và A-ra-bi, những người đó cứ tiếp tục sự thờ hình tượng trong nơi mình mới ngụ. Dân số ở trong xứ càng ngày càng ít đi, và sự trồng trọt bị ngừng trệ bởi những chiến trận nầy, đến nỗi loài thú rừng có dịp sanh sản nhiều mà Ðức Chúa Trời dùng làm một cái roi. Những sư tử làm chết một số người thờ hình tượng. Những người mới đến kết luận rằng họ không biết thờ phượng thần đặc biệt của xứ thế nào, và họ hỏi vua A-sy-ri. Vua sai một thầy tế lễ từ giữa vòng những phu tù của Y-sơ-ra-ên, người đó ngụ tại Bê-tên, và bắt dầu dạy dân thờ phượng Ðức Giê-hô-va. Người đó không thể khuyên họ bỏ những thần tượng của tổ phụ họ. Họ dựng những hình tượng các thần mình trên các nơi cao của người Y-sơ-ra-ên, và lẫn lộn sự thờ tượng mình với sự thờ phượng Ðức Giê-hô-va (II Các vua 17:25-33). Sự thờ phượng hàng hai đó họ còn giữ cho tới Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ (31-41). Ê-sạt-ha-đôn cứ tiếp nối chính sách của ông mình là Sa-gôn (E-xơ-ra 4:2) và một người danh tiếng và thuộc quí phái là Ô-náp-ba, có lẽ là Ashurbanipal, làm trọn công việc đó bằng cách thêm dân sự từ Ê-lam và các nơi khác đến.
       Tỉnh mới của đế quốc A-sy-ri là hèn yếu, và Giô-si-a hoặc những người của mình đi qua toàn cõi, bất cứ ở nơi nào, đều hủy phá những nơi cao, ở trong xứ (II Sử ký 34:6,7). Những thần tượng hẳn còn ở trên các nơi cao, song có lẽ sự thờ lạy đã giảm bớt sự ảnh hưởng của người Y-sơ-ra-ên còn lại trong xứ, nhờ sự dạy dỗ của các thầy tế lễ. Lại nữa, công việc nầy của Giô-si-a lại là một sự phá hại khác nữa. Mấy chục năm sau, có vài người trong vòng dân Sa-ma-ri có thói quen đi lên thành Giê-ru-sa-lem thờ (Giê-rê-mi 41:5). Khi Xô-rô-ba-bên dẫn đoàn phu tù từ Ba-by-lôn về Giê-ru-sa-lem, những người Sa-ma-ri cũng xin phép cho được phần trong sự xây dựng Ðền thờ trên miếng đất mà họ đã thờ phượng Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên luôn mãi từ đời Ê-sạt-ha-đôn (E-xơ-ra 4:2).
       Buổi ban đầu, phần lớn người Do-thái đã có sự ghê tởm không chịu hiệp với người Sa-ma-ri về mặt xã hội và tôn giáo, và tình cảm đó càng ngày càng mạnh thêm trải qua nhiều năm (E-xơ-ra 4:3; Lu-ca 9:52,53; Giăng 4:9). Người Sa-ma-ri không phải hoàn toàn bởi huyết thống người Do-thái, hay sự thờ phượng của họ cũng không phải là thánh sạch. Josèphe nói rằng khi người Do-thái ở trong sự thạnh vượng, thì người Sa-ma-ri xưng mình bởi dòng huyết thống; song khi người Do-thái gặp sự khó khăn thì họ tuyên bố rằng mình chẳng có sự quan thiệp gì với người Do-thái. song chỉ là dòng dõi của người A-sy-ri di cư đến. Khi Xô-rô-ba-bên và Giê-sua cùng với những người đồng công bác bỏ lời người Sa-ma-ri xin cho dự phần trong cuộc tu sửa Ðền thờ thì người Sa-ma-ri sau không còn cố hòa giải nữa, song hết sức cùng với những kẻ thù khác của Y-sơ-ra-ên ngăn trở sự làm xong Ðền thờ (E-xơ-ra 4:1-10); sau họ cũng phản đối việc Nê-hê-mi xây vách thành Giê-ru-sa-lem (Nê-hê-mi 4:1-23). Kẻ cầm đầu họ chống với Nê-hê-mi là San-ba-lát, người Hô-rôn. Ấy là người có con rể đã bị Nê-hê-mi truất khỏi chức vụ thầy tế lễ; và ông gia có lẽ đã lập Ðền thờ tại Sa-ma-ri trên núi Ga-ri-xim, có ý cho các thầy tế lễ bị đuổi hành chức. Từ đó, những người chạy trốn khỏi sự sửa trị tại Giê-ru-sa-lem thường quen đến Ðền thờ ganh đua đó trên núi Ga-ri-xim, là nơi họ chắc chắn sẽ được tiếp rước cách niềm nở. Trong lúc Antiochus Épiphanes bắt bớ, họ tuyên bố rằng không phải là cùng một nòi giống với người Do-thái, tỏ lòng ước ao rằng Ðền thờ của họ trên núi Ga-ri-xim trong tương lai sẽ dâng làm đền cho thần Giu-bi-tê, ấy cốt để đẹp lòng vua tàn bạo đó. Chừng 129 T.C., Jean Hyrcan chiếm lấy Si-chem và Ga-ri-xim, hủy phá Ðền thờ của người Sa-ma-ri; song những kẻ thờ phượng vẫn cứ thờ lạy trên đỉnh núi trước xây Ðền thờ tại đó. Họ cũng còn làm trong đời Cứu Chúa Jêsus.
       Trong đời Ðấng Christ, những lẽ đạo về thần học phần cốt yếu của họ không khác với người Do-thái mấy, nhứt là người thuộc phe Sa-đu-sê, họ dự phần với người Sa-đu-sê về sự trông đợi Ðấng Mê-si đến (Giăng 4:25). Dầu vậy, họ chỉ công nhận Ngũ kinh trong Cựu Ước. Duyên cớ chính của người Sa-ma-ri vui mừng nhận Tin lành khi Phi-líp giảng cho họ là phép lạ mà Sứ đồ đã làm (Công vụ các sứ đồ 8:5,6), còn một duyên cớ khác nữa chắc là không giống Do-thái-giáo, đạo Ðấng Christ theo gương và sự dạy dỗ của Giáo chủ kể người Sa-ma-ri ở trong giới hạn và cũng cho họ những quyền lợi ngang với người Do-thái trở lại tin Chúa (Lu-ca 10:29-37; 17:16-18; Giăng 4:1-42). Dầu rằng Chúa Jêsus có cấm 12 Sứ đồ không được đến một thành nào của người Sa-ma-ri (Ma-thi-ơ 10:5), song ví dụ về người Sa-ma-ri nhơn lành tỏ rằng tình yêu thương của Ngài vượt qua địa giới của quốc dân bị ghen ghét (Lu-ca 10:30; so 17:16; Giăng 4:9).
       Trong cuộc chiến tranh với người Do-thái Céréalis đối đãi với người Sa-ma-ri một cách nghiêm khắc. Có một lần (năm 67 S.C.) người giết hại 11.600 người Sa-ma-ri trên núi Ga-ri-xim. Trải qua mấy thế kỷ, dân số họ lớn trong suốt cả đế quốc La-mã, cả Ðông lẫn Tây cùng với các nhà hội của họ. Họ có danh tiếng vì thường làm "chủ ngâm hàng" hoặc người đổi bạc. Vì thái độ và cách cư xử chống trả với tín đồ Ðấng Christ, Jutinien đã báo thù họ một cách ghê gớm. Từ đó dường như không còn thấy giống người đó. Dần dần bây giờ lập một hội chúng tại Nablus, tức Si-chem xưa, không hơn 200 người. Kho tàng rất lớn của họ là bản sao Luật pháp xưa. Xem bài SA-MA-RI người, trang 1509.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.