Nhã Ca. Cantique des Cantiques.

     


      Trong Kinh Thánh quốc văn, Nhã Ca là sách cuối cùng năm sách văn thơ Cựu Ước. Ấy là theo lối sắp đặt của bản Septante; song theo bản Hê-bơ-rơ, Nhã Ca có ở giữa Gióp và Ru-tơ, là một trong năm cuốn nhỏ thu họp thành một loại riêng để tiện đọc trong 5 ngày lễ trọng. Nhã Ca thường đọc ngày thứ tám trong lễ Vượt-qua và được giải theo nghĩa bóng chỉ về sự tích xuất Ai-cập. Nhã Ca của Sa-lô-môn cũng gọi là "Nhã Ca trong các bài ca" (1:1). Lối nói lặp lại hai lần của người Hê-bơ-rơ như Chúa của các chúa, trời của các từng trời, và hư không của sự hư không, v.v... . (Phục truyền luật lệ ký 10:17; I Các vua 8:27; Truyền đạo 1:2), cốt để thêm một sức mạnh tuyệt đối tỏ ra là một bài ca rất quí giá.
       I. Lối chia ra và giải nghĩa.-- Trong cuộc đối đáp, có mấy người dự phần. Ấy được tỏ rõ hơn trong bản Hê-bơ-rơ, và bản quốc văn thường cách một hàng. Có người tưởng, trừ các con gái Giê-ru-sa-lem, chỉ có hai người quan trọng; song có người khác tưởng có ba người thật nói hoặc được dẫn vào trong bài của người nữ Su-la-mít. Theo ý thứ hai, ba người đó là một gái quê, người bạn tình và Sa-lô-môn.
       Người nữ đã hứa gả cho một chàng đồng xứ, song trong khi Sa-lô-môn và những kẻ cùng đi tới phía Bắc (6:10-13) thì chú ý đến nàng, đem về Giê-ru-sa-lem, tại đó xung quanh có các cung nữ, vua Sa-lô-môn tỏ lòng yêu để được nàng yêu lại. Song nàng chống lại mọi sự vấn vương. Khi Sa-lô-môn khen nàng, thì nàng trả lời khen ngợi lương nhơn mình ở chốn quê hương. Ban ngày, nàng ao ước được thấy, ban đêm, nằm mơ thấy lương nhơn mình, và nhắc lại lời lương nhơn để giữ lòng trung tín. Nàng rất thành thật với lương nhơn và với lời hứa nguyện. Cuối cùng, hai bạn tình đã bị chia rẽ được gặp mặt, và các anh em nàng khen ngợi nàng vì đã chống mọi sự cám dỗ. Suốt cả sách, Sa-lô-môn không đáng khen, ấy vì hết sức cảm hóa lòng người nữ bỏ lòng trung tín (7:1-9), và phạm tội lớn hơn. Theo lời giải nghĩa nầy, bài ca tán tụng một tình yêu thật, thắng hơn mọi sự cám dỗ trong một cung điện, và đủ sức mạnh để chống với mọi cách quyến rũ của một vua.
       Lời giải nghĩa trên gọi là ức thuyết người chăn chiên, căn cứ vào những lời người nữ Su-la mít, được kể như là lời mong mỏi yêu thương nói với lương nhơn ở xa (1:4,7; 2:16). Nhưng, nếu những lời bày tỏ sự yêu thương đó trong suốt bài ca kể là trực tiếp với chính vua Sa-Lô-môn, thì giản dị hơn. Một cô gái quê đơn sơ không có ý đầy đủ về đời sống và công việc triều chính. Nàng nghĩ đến vua, người chăn dắt dân sự (so Giê-rê-mi 23:4) dưới hình ảnh một người chăn bầy quê ở chơn đồi nơi quê hương mình, nên nàng mượn những lời trong đời sống chăn chiên mình đã thông thạo để tâu vua. Bởi đó, suốt cả bài ca, nàng tự nhiên tả vẽ hình ảnh theo một đời sống chăn bày và trồng trọt mình đã quen.
       Có người giải nghĩa khác, không thấy người Su-la-mít là gái quê, nhưng tưởng là con gái Pha-ra-ôn mà Sa-lô-môn cưới. Ấy vì nàng là người ngoại bang, da ngăm đen, và con gái một vị hoàng đế (1:5; 7:1). Da đen là vì cớ mặt trời rọi cháy (1:6); và danh hiệu con gái hoàng đế có lẽ không chỉ về sự ra đời của người nữ vì dường như hèn hạ (1:6; 2:9), nhưng tước cao của nàng tới là bởi sự được cất lên (6:12; so I Sa-mu-ên 2:8).
       Có người coi bài ca nầy như một bi kịch với bốn hồi, hoặc năm, hoặc sáu hồi. Bossuet tưởng mình tìm ra bảy hồi, mỗi hồi đủ một ngày với ngày cuối cùng là ngày Sa-bát, ấy vì ngày đó, lương nhơn không đi ra làm việc như thường. Vậy, Bossuet chia như sau nầy: 1:1-2:6; 2:7-17; 3:1-5:1; 5:2-6:9; 6:10-7:11; 7:12-8:3; 8:4-14.
       Delitzsch chia làm sáu hồi:
Hồi I. Sự yêu thương lẫn nhau của hai tình nhơn (1:2-2:7). Cảnh đó ở trong triều vua Sa-lô-môn.
       Cảnh 1. Vấn đáp giữa người nữ Su-la-mít và các cung nữ, con gái Giê-ru-sa-lem, trong bữa tiệc (1:2-8).
       Cảnh 2. Sa-lô-môn vào; vấn đáp giữa vua và người nữ, chưa là vợ mình (1:9-2:7).
Hồi II. Cùng tìm và cùng thấy nhau (2:8-3:5). Cảnh ở trong nhà quê người nữ Su-la-mít.
       Cảnh 1. Nàng thuật lại truyện gặp vua cách vui (2:8-17).
       Cảnh 2. Nàng thuật lại điềm mộng tưởng đã mất lương nhơn mà lại tìm (3:1-5).
Hồi III. Ðem người nữ đã hứa gả đến cung điện và phép cưới (3:6-5:1)
       Cảnh 1. Rước đi đến cung điện (3:6-11).
       Cảnh 2. Vấn đề giữa Sa-lô-môn và người nữ đã hứa trong phòng huê chúc (4:1-16). Ở đây tưởng tượng làm lễ cưới; theo đó 5:1 có lời chào thăm của Sa-lô-môn với tân phụ mình, và sau có lời khuyên các khách.
Hồi IV. Sự yêu thương bị coi thường song về sau được lại (5:2-6:9).
       Cảnh 1. Bóng tối ngã trên đời của đôi bạn mới cưới. Người nữ Su-la-mít mơ tìm lương nhơn song không được (5:2-6:3).
       Cảnh 2. Nàng đã tìm lại lương nhơn (6:4-9).
Hồi V. Người nữ Su-la-mít đẹp song là công chúa khiêm nhường (6:10-8:4).
       Cảnh 1. Trong vườn thượng uyển. Vấn đáp giữa người nữ Su-la-mít và các con gái Giê-ru-sa-lem (6:10-7:6).
       Cảnh 2. Trong cung điện; Sa-lô-môn và người nữ ở một mình (7:7-8:4).
Hồi VI. Lời chứng quyết giây yêu thương của người nữ Su-la-mít trong nhà quê người nữ (8:5-14).
       Cảnh 1. Sa-lô-môn và vợ mới trước mặt các bà con của người nữ (8:5-7).
       Cảnh 2. Người nữ Su-la-mít trong nhà cha mình; vấn đáp giữa nàng, các anh em cùng vua (8:8-14).
       Dầu chia Nhã Ca như một bi kịch vậy, nhưng có nhiều lý cớ phản đối rất phải. Bài ca không hiệp với thể văn bi kịch, và không có âm mưu rõ ràng. Ðể có một chuyện xuôi thì phải thêm mấy phần sót lại cho liên lạc nhau. Bởi đó, người giải nghĩa thường thêm các phần sót đó tùy theo ý riêng mình. Thật ra, bài ca như có hiện nay là một bài liên tiếp nhau, và đại ý là sự yêu thương của Sa-lô-môn và tân phụ. Mấy cảnh thu họp riêng hơn là liên lạc với nhau, và đổi ý từ cảnh nầy sang cảnh kia cách thình lình. Dầu lối sắp đặt bài ca không hiệp với ý phương Tây vì ưa giữ trật tự và lý cớ, nhưng hiệp hoàn toàn với lối làm thi ca của phương Ðông.
       II. Sự dạy dỗ.-- Có ba phương pháp để dạy dỗ Nhã Ca: nghĩa bóng, nghĩa theo văn tự, và nghĩa hình bóng. Người Do-thái vẫn lấy Nhã Ca làm rất quí, thường coi như là một nghĩa bóng thuộc linh, chỉ có một ý định tức dạy dỗ về sự yêu thương của Ðức Chúa Trời đối với Y-sơ-ra-ên xưa. Ðức Chúa Trời là Lương nhơn, và Y-sơ-ra-ên là kẻ được yêu thương. Thế kỷ thứ III S.C., Origène, người danh tiếng về lối dạy dỗ theo nghĩa bóng, dẫn lối dạy bài ca như thế nào vào Hội Thánh Ðấng Christ, nhưng thay đổi một ít. Ðấng Christ trở nên Lương nhơn, và Hội Thánh Ngài hay linh hồn các Lương nhơn trở nên kẻ được yêu thương. Xem bài Scofied ở dưới. Lối dạy theo văn tự thì bài ca là một truyện trong lịch sử, là một sự tích về Sa-lô-môn yêu người nữ Su-la-mít. Nghĩa hình bóng làm cho hai lối dạy trên hiệp nhau. Trong bài ca, tình yêu thương tự nhiên giữa vua lớn và nàng hèn hạ làm thí dụ về sự yêu thương lẫn nhau giữa Ðức Giê-hô-va và dân sự Ngài. Sự tích nầy chép chẳng những vì cớ là hay, song nhứt là vì làm hình bóng về lẽ thật lớn lao đó. Bởi thế, Nhã Ca tương tự với các Thi Thiên về Ðấng Mê-si, là những bài nhờ sự từng trải riêng, hoặc chức vị của Ða-vít và Sa-lô-môn, và tỏ ra những lẽ thật về Vua lớn. Sự so sánh tình yêu thương lẫn nhau giữa Hội Thánh và Chúa làm Ðầu mình, với tình yêu thương giữa tân phụ và tân lang thường chép trong Tân Ước (Ê-phê-sô 5:25-33; Khải Huyền 19:7-9; 21:9).
       III. Niên hiệu và trước giả.-- Về niên hiệu và trước giả Nhã Ca, theo ức thuyết kẻ chăn chiên thì không thể chép bởi Sa-lô-môn. Dầu Sa-lô-môn có lỗi nhưng không đủ cớ tin là người phạm tội ác lớn như thế, nên không thể công nhận ức thuyết kẻ chăn chiên đó là đúng. Vả lại, xem xét chứng cớ về trước giả và niên hiệu, thì bài ca (1:1) chép rõ "Sa-lô-môn đã làm". Trí khôn tác giả như được tỏ rõ trong bài ca rất thuận hiệp với mọi sự biết về Sa-lô-môn. Lời nghĩa bóng vẫn dùng trong những bài của vua chẳng những phản chiếu cõi thiên nhiên, song cũng đối diện với những sự ngoại quốc mà vua ưa thích. Suốt cả bài ca tỏ ra trước giả biết nhiều như Sa-lô-môn về cây cối từ cây hương nam đến chùm kinh giới, và về thú vật, chim chóc, loài bò sát, và cá, v.v... . Bài ca cũng vẽ bức tranh rất đúng về đời Sa-lô-môn. Bài ca tỏ ra được chép trong thời mà văn chương Hê-bơ-rơ rất phong phú, và một thời dân tộc rất thịnh vượng. Dầu khi nói với người nữ Su-la-mít dùng một vài tiếng Aramaique từ nguyên gốc Aryen, ấy không phải là lạ vì Sa-lô-môn thường thông thương với các nước ngoài cách xa.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về sách Nhã Ca:
       Tiểu dẫn.-- Ðối với một trí khôn không hiểu sự thuộc linh, thì sách Nhã Ca rất mầu nhiệm và không thể hiểu được trong cả Kinh Thánh; còn đối với những nam nữ rất thánh khiết trải các đời, thì tại đó tìm được nguồn gốc của sự vui vẻ thanh sạch và cao quí. Chép về ái tình của Chúa và Tân lang hiệp theo mọi sự tương tự của sự liên can giữa vợ chồng chỉ là điều ác cho những trí khôn đê tiện đến nỗi coi chính sự ước ao thành vợ chồng dường như không thánh khiết cho mình.
       Sự giải nghĩa có hai phần: Trước nhứt sách nầy tỏ ra tấm lòng của Ðức Giê-hô-va đối với dân Y-sơ-ra-ên, là vợ "dưới đất" (Ô-sê 2:1-23), nay bị để, song sau được lập lại, chưa là dân tộc Y-sơ-ra-ên, chỉ là dân sót (Ê-sai 10:21), là Y-sơ-ra-ên thuộc linh trong Y-sơ-ra-ên (Rô-ma 9:6-8). Lời giải thứ nhì và rộng hơn là về Ðấng Christ, là Con, và Tân phụ trên trời của Ngài tức là Hội Thánh (II Cô-rinh-tô 11:1-4).
       Theo nghĩa nầy, có thể chia làm sáu phần:
       I. Tân phụ giao thông cách yên nghỉ với Tân lang, 1:1-2:7.
       II. Sự tạm để và lập lại, 2:8-3:5.
       III. Sự vui vẻ của sự giao thông, 3:6-5:1.
       a. Tân phụ nói, 3:6-11.
       b. Tân lang nói, 4:1-15.
       c. Tân phụ nói, 4:16.
       d. Tân lang đáp lời, 5:1.
       IV. Sự phân rẽ về lợi chung.-- Tân phụ thỏa lòng, Tân lang làm việc khó nhọc cho người khác, 5:2-5.
       V. Tân phụ đang tìm, 5:6-6:3.
       a. Các con gái Giê-ru-sa-lem nói, 5:9.
       b. Tân phụ đáp lại, 5:10-16.
       c. Các con gái Giê-ru-sa-lem nói, 6:1.
       d. Tân phụ đáp lời; 6:2,3.
       VI. Sự giao thông không dứt được, 6:4-8:14.
       a. Tân lang nói, 6:4-7:9.
       b. Tân phụ nói, 7:10-8:4.
       c. Tân lang nói, 8:5-7.
       d. Tân phụ nói, 8:8.
       e. Tân lang nói, 8:9.
       f. Tân phụ nói, 8:10-14.
       1:1.-- Về phần I Sách nầy, những tư tưởng êm ái của Ðấng Christ đây là chép cho Tân phụ Ngài, dầu chưa được hoàn hảo, ấy cũng rất yên ủi. Những sự cảm hóa trong lòng Tân phụ là phần của sự sửa dạy bề trong mà Ê-phê-sô 5:25-27 gợi đến.
       2:9.-- "Tường chúng tôi" đây tỏ ra Tân phụ đã trở về nhà mình: Tân lang đến tìm nàng tại đó.
       4:9.-- "Em gái ta" đây có nghĩa rất yêu quí, vì chỉ chính lòng thanh bạch trắng trong giữa sự nồng nàn, giống như sự hiện diện vinh hiển Chúa chói sáng song thánh sạch không tả xiết. Tội lỗi hầu làm cho ta mất tài sức để đứng chơn không trước bụi gai đang cháy nầy.
       5:6.-- Nên chú ý, nay là chính Tân lang mà lòng Tân phụ lo đến, không phải lo đến quà lễ chàng,--một dược và sự rửa chơn (Giăng 13:2-9).
       6:1.-- Khi Tân phụ làm chứng về duyên tốt của chính Tân lang, ấy tỉnh thức các con gái Giê-ru-sa-lem ước ao tìm kiếm Ngài.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.