I. Lịch sử .-- Tức là nơi người Do-thái nhóm họp thờ phượng Chúa (Thi Thiên 74:8). Trước khi bị Ba-by-lôn cướp phá, người Do-thái hay thờ phượng Chúa ở nơi khoảng khoát, hoặc ở nhà các Ðấng tiên tri, chớ không dùng nhà hội (II Các vua 4:23; Ê-xê-chi-ên 8:1). Không thể biết rõ về đời sống người Y-sơ-ra-ên trước và trong đời quân chủ, có gì giống như nhà hội không. Kịp khi bị bắt làm phu tù, số người lần lần tăng lên, họ chia ra ở rải rác mọi nơi, nên ở đâu họ cũng có nhà hội tại đó. Ðọc truyện E-xơ-ra, có thể đoán được, dân sự nhóm lại cách nghiêm trang (E-xơ-ra 8:13; Nê-hê-mi 8:2; 9:1; Xa-cha-ri 7:5). Nơi nào người Do-thái không đủ số để lập hoặc nhóm đông nhà hội, thì đã có proseucha, tức nơi cầu nguyện, là nơi có khi lộ thiên hoặc lợp mái, và có khi ở bên giòng nước chảy trên bờ biển, tại đó các người mộ đạo hay nhập đạo Do-thái nhóm lại thờ phượng, đọc Kinh Thánh (Công vụ các sứ đồ 16:13). Nhờ thói quen đó, có sự rất bền đỗ trong sự chiến đấu vào đời họ Macchabées, và sau nữa, vì người Do-thái quyết lòng hưởng ứng theo đạo của các tổ phụ, không bao giờ còn sa vào tội thờ hình tượng nữa. Họ không còn quên Luật pháp, và có những mạng lệnh bao vây lấy Luật pháp. Ðây, cũng như về dòng các thầy thông giáo có ảnh hưởng giảm bớt và cuối cùng tiêu diệt quyền cha truyền con nối của các thầy tế lễ. Cách đó dọn đường rất yên lặng cho một dòng mới dấy lên khi "kỳ đã trọn", từ giữa sự suy đồi và phá bỏ cả chức tế lễ và Ðền thờ.
II. Sự thờ phượng.-- Ðời Chúa Jêsus, nhà hội là một nơi thờ phượng được công nhận. Ta không thể phân rẽ những nhà hội với đời sống và chức vụ Ngài vì có quan thiệp mật thiết với nhau. Hễ chỗ nào có chừng mười người lớn tuổi, có học vấn và tin kính Chúa, thì tại đó liền có thể xây dựng nhà hội lớn nhỏ tùy theo dân cư. Giê-ru-sa-lem là nơi trung ương của sự thờ Chúa nên người Do-thái xây nhà hội để người nào vào và người cầu nguyện đều hướng về phía thành thánh đó (so Ða-ni-ên 6:10). Ở các thành phố lớn, có trích tiền công quĩ mà xây nhà hội. Có khi bởi một người Do-thái hoặc người theo Do-thái giáo giàu có xây (Lu-ca 7:5). Tại thành Giê-ru-sa-lem, có chừng 480 nhà hội, đại để xây trên các nơi cao hơn cả. Bên trong sự sắp đặt giống kiểu Ðền tạm của Chúa. Nhà hội chia làm hai lớp: trước và sau. Lớp sau làm Ðền thờ, đặt hòm gỗ chứa Luật pháp Môi-se và các sách tiên tri . Nơi nầy có tên và đặt cách một nơi thánh. Lớp trước làm nơi nhóm họp. Mọi người ngồi ở giữa. Ðối mặt với Ðền thờ, ở giữa có một tòa giảng. Tại đó, người đọc Luật pháp đứng hay ngồi mà dạy dỗ. Ðịa vị của trưởng lão được tôn trọng hơn: ngồi trên tòa giảng, đối mặt với mọi người, được xưng là "ngôi cao nhứt trong nhà hội" (Ma-thi-ơ 23:6); bởi vậy, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si hết sức tranh nhau nơi đó, ai đến thờ phượng mà giàu có và tôn trọng mới được ngồi (Gia-cơ 2:2,3). Phụ nữ thì ngồi ở trên lầu, xung quanh có lan can.
Giờ thứ ba, thứ sáu và thứ chín là giờ họp lại trong đời Tân Ước (Công vụ các sứ đồ 3:1; 10:3,9) và có lẽ đã lâu trước đó cũng như thế (Thi Thiên 55:17; Ða-ni-ên 6:10), nghi thức thờ phượng trong nhà hội như vầy:
Trước hết cầu nguyện. Trong nhà hội thường có thói quen đọc những bài cầu nguyện mẫu nhứt định, các môn đồ Chúa Jêsus đầu tiên đã quen từ hồi còn trẻ nên mới xin Chúa dạy họ một bài đặc biệt (Lu-ca 11:1). Mọi người đứng dậy tỏ lòng kính trọng (Ma-thi-ơ 6:5; Mác 11:25; Lu-ca 18:11,13) rồi đọc Luật pháp Môi-se mỗi ngày Sa-bát, và cứ lần lượt đọc hết các luật lệ cứ ba năm thì xong một vòng, cũng đọc các sách tiên tri (Công vụ các sứ đồ 13:15,27; 15:21). Kế đó, hoặc người khách ngoài, hoặc người có tiếng tốt trong nhà hội, có thể tùy ý đứng lên giảng Kinh Thánh, bàn luận và khuyên lơn (Công vụ các sứ đồ 13:5; 14:1; 17:2,4,10,17; 18:4,26; 19:8). Chúa Jêsus ở thế gian cũng thường vào nhà hội giảng dạy mọi người (Lu-ca 4:20; Ma-thi-ơ 13:54; Mác 1:21; 6:2; Giăng 18:20).
III. Quyền xử án.-- Nhà hội người Do-thái chẳng những thờ phượng Chúa mà thôi, song cũng dùng làm nơi xử kiện nữa. Nhà hội trong thành nhỏ thường chỉ có một thầy Rabbins; song nhà hội ở các thành lớn thì có một ban trưởng lão (Lu-ca 7:3) với người chủ tọa là người cai nhà hội (Lu-ca 8:41,49; 13:14; Công vụ các sứ đồ 18:8,17). Những người cai nhà hội có khi cũng hành quyền xét đoán. Không thể định rõ đặc tánh của tòa công luận, cũng không biết giới hạn của quyền xét xử đó. Dường như tòa công luận gồm có 23 hội viên, lập trong mỗi thành: còn danh từ nhà hội dùng chỉ về một tòa án nhỏ, như trong Talmud có nói đến tòa có Mười Quan án. Những nhân viên nhà hội có quyền đánh đòn, dứt phép thông công, v.v... (Ma-thi-ơ 10:17; Mác 13:9; Lu-ca 12:11; 21:12; Giăng 12:42; 9:22); trong Hội Thánh cũng vậy (I Cô-rinh-tô 6:1-8; 16:22; Ga-la-ti 1:8,9; I Cô-rinh-tô 5:4,5; I Ti-mô-thê 1:20); lại có thể, bắt mà giải đến cho tòa công luận tại Giê-ru-sa-lem xét hỏi (Công vụ các sứ đồ 9:2; 22:5). Hội Thánh cử ra những đại biểu để xử những vụ tranh tụng, còn các trưởng lão chỉ xét những vụ rất nặng nghịch cùng tôn giáo và luân lý thôi.
IV. Tòa Công luận lớn.-- Trong Mác 7:3; Ma-thi-ơ 5:21,27,33 chép là "các người xưa". Khi người Do-thái ở Ba-by-lôn về, một hội nghị được cử ra theo lời truyền khẩu của các Rabbins, để lập lại sự thờ phượng giữa dân sự. Có 120 hội viên được gọi là nhơn viên Tòa Công luận Lớn (membre de Grand Synagogue), họ kế tiếp các Ðấng tiên tri. Về phần họ có các thầy thông giáo kế tiếp. E-xơ-ra được công nhận là chủ tọa. Các hội viên có Giê-hô-sua, thầy tế lễ Xô-rô-ba-bên, Ða-ni-ên và ba bạn, A-ghê, Xa-cha-ri, Ma-la-chi, Nê-hê-mi và Mạc-đô-chê, v.v... Mục đích họ là lập lại mão triều thiên, hay sự vinh hiển, của Y-sơ-ra-ên. Muốn đạt tới đích, họ thâu hiệp hết thảy các bản sách thánh đời trước và trong đời họ và làm trọn Cựu Ước. Họ thiết lập lễ Phu-rim, tổ chức các mỹ tục trong nhà hội. Chẳng những Cựu Ước không nói đến thôi, cả các Apocryphe, Josèphe, và Philon, v.v... cũng đều không nói đến một đoàn thể như vậy trong lịch sử, nên có người tin rằng Rabbins đã bịa chuyện ra. Song Nê-hê-mi 8:13 nói rõ về sự thực hữu một ban người làm việc như các mưu sĩ dưới quyền giám khảo của E-xơ-ra ; có lẽ là hội các đại biểu từ các tỉnh đến, -- một giáo hội nghị của quốc gia.