Ðời xưa, khắp xứ Pha-lê-tin đều có nho vì đất và khí hậu rất thích hợp cho sự trồng nho. Lần thứ nhứt Kinh Thánh chép đến cây nho là Sáng thế ký 9:20; song chép trong xứ Ca-na-an trồng từ đời Mên-chi-xê-đéc (Sáng thế ký 14:18). Xứ Ai-cập cũng trồng nhiều như có vẽ trên các đài kỷ niệm, cả Kinh Thánh cũng nói đến (Sáng thế ký 40:9-11; Thi Thiên 78:47). Cây nho trong xứ Pha-lê-tin mọc lên rất đẹp lại có những chùm sai trái như ở Ếch-côn (Dân số ký 13:23,24; 32:9). Síp-ma, Hết-bôn, Ê-lê-a-lê, bên kia sông Giô-đanh, (Ê-sai 16:8,9,10; Giê-rê-mi 48:32), Ên-ghê-đi trong trũng Biển Chết (Nhã Ca 1:14), trên núi Li-ban (Ô-sê 14:7) đều có danh tiếng về sự trồng cây nho. Dân Y-sơ-ra-ên vào xứ Ca-na-an , trồng nhiều nho sai trái thì dân được no ấm, an ổn (Lê-vi ký 26:5), ít trái thì biết là Chúa giáng tai nạn và cơn thạnh nộ Ngài để hình phạt (Thi Thiên 78:47; Giê-rê-mi 8:13; Giô-ên 1:7), có thể coi là sự thử rèn đức tin trong Ngài (Ha-ba-cúc 3:17-18). Vậy nên, Kinh Thánh dùng nho làm ví dụ về sự bình an và thạnh vượng của quốc dân (I Các vua 4:25; Mi-chê 4:4; Xa-cha-ri 3:10).
Theo luật pháp Môi-se, hễ trồng nho nên coi trái đầu mùa là không sạch, không nên ăn, đến năm thứ năm mới ăn (Lê-vi ký 19:23-25). Năm Sa-bát thì không tỉa sửa và hái nho, để dành cho người nghèo khó, khách lạ, kẻ côi cút và người góa bụa (Xuất Ê-díp-tô ký 23:11; Lê-vi ký 19:10; 25:4,5,11; Phục truyền luật lệ ký 24:21; Các quan xét 8:2; Ê-sai 17:6; 24:13; Giê-rê-mi 49:9; Mi-chê 1:7). Vào vườn nho của người, có thể hái ăn tùy ý, song không được chứa vào giỏ mà đem đi (Phục truyền luật lệ ký 23:24). Người ta hưởng trái nho như sự ban cho rất quí của Ðức Chúa Trời, song phàm kẻ hứa nguyện làm người Na-xi-rê thì "chớ ăn món chi của nho sanh sản hết" (Dân số ký 6:4; Các quan xét 13:14).
Mùa nho chín là vào khoảng tháng tám, tháng chín tây, người ta bỏ nhà rủ nhau ra vườn hái nho, ca hát vui vẻ; lúc đó họ ở lều và trại (Các quan xét 9:27; Giê-rê-mi 25:30; Ê-sai 16:10). Nho hoặc ăn tươi thì để vào giỏ, hoặc phơi khô làm bánh (I Sa-mu-ên 25:18; II Sa-mu-ên 6:19; 16:1; Ô-sê 3:1), hoặc ép nước chế rượu và làm đồ gia vị nữa (Phục truyền luật lệ ký 32:14; Ê-sai 5:2; 16:10; 63:3; Giê-rê-mi 25:30).
Vườn nho thường ở trên núi (Ê-sai 5:1; Giê-rê-mi 31:5, A-mốt 9:13). Người Hê-bơ-rơ xưa để cây nho bò trên đất hoặc có đóng những cột chống đỡ (xem Ê-xê-chi-ên 19:11,12). Xung quanh thường có tường hoặc hàng rào bao bọc để ngăn trở heo rừng (Thi Thiên 80:13), hoặc muông sói (Dân số ký 22:24; Nhã Ca 2:15; Nê-hê-mi 2:15; Nê-hê-mi 4:3; Ê-xê-chi-ên 13:4,5; Ma-thi-ơ 21:33) phá hại. Cũng có một tháp cao để người canh giữ vườn có thể nhìn thấy rất xa. Mỗi vườn nho xưa thường có bàn ép và thùng đựng nước nho sâu chừng 90 phân đào (Ma-thi-ơ 21:33) hoặc đẽo trong nơi đất đá.
Ðức Chúa Trời dùng cây nho ví với dân Y-sơ-ra-ên (Ê-sai 5:1-5) đem từ xứ Ai-cập về (Thi Thiên 80:8; Ê-xê-chi-ên 15:2,6; 17:6; Giê-rê-mi 2:21; 12:10); còn dân sự loạn nghịch trong Y-sơ-ra-ên ví với "nho hoang", hoặc cây nho đưng trái (Ê-sai 5:2,4; Ô-sê 10:1; Giê-rê-mi 2:21). Kinh Thánh cũng thường dùng cây nho trong nghĩa bóng: trồng nho và ăn trái chỉ về sự kiều ngụ lâu dài (II Các vua 19:29; Thi Thiên 107:37; Ê-sai 37:30; 65:21; Giê-rê-mi 31:5; Ê-xê-chi-ên 28:26; A-mốt 9:14), trái lại không trồng nho tức là một dấu chỉ về ý tránh sự kiều ngụ lâu dài (Giê-rê-mi 35:7). Trồng nho mà không ăn trái là một sự tai hại (Phục truyền luật lệ ký 20:6 so I Cô-rinh-tô 9:7) và là một dấu tỏ Ðức Chúa Trời không đẹp lòng (Phục truyền luật lệ ký 28:30; Sô-phô-ni 1:13; A-mốt 5:11). Một người vợ đức hạnh ví với một cây nho (Thi Thiên 128:3). Giô-sép là "chồi cây xanh tươi... nhành nhánh phủ bao trên ngọn tường" (Sáng thế ký 49:22). Còn Phục truyền luật lệ ký 32:32 nói về trái nho độc và chùm nho đắng chừng có ý khác chăng, xét ra chỗ đất đó không hề có trồng nho ấy. Kinh Thánh cũng nói về quyền phép của Ðấng Mê-si, chỉ Ngài một mình đạp bàn ép rượu, trong vòng các dân chẳng từng có ai với Ngài (Ê-sai 63:1-3; Khải Huyền 19:15).
Chúa Jêsus cũng ví sánh cây nho với Ngài (Giăng 15:1-6) sánh vườn nho với Hội Thánh (Ma-thi-ơ 20:1; 21:33). Ngài lấy những sự buồn rầu mà tỉa sửa để được sai trái hơn. Những nhánh nho đâm ra, chừng tháng tư tây, mà liệu không sanh trái thì bị tỉa đi luôn với những nhánh khô (Lê-vi ký 25:3,4; Ê-sai 5:6). Chừng tháng năm tây, lại cắt những nhánh không sanh trái, và cuối cùng liệng vào lửa (Giăng 15:6). Khi đặt Tiệc Thánh, Chúa Jêsus phán cùng môn đồ rằng: "Từ rày về sau ta không uống trái nho nầy nữa" (Ma-thi-ơ 26:29).