Nguyên văn trong Cựu Ước Hê-bơ-rơ là 'anawah, từ nguyên gốc 'anaw có nghĩa chịu đau đớn, bị bắt bớ, bị bắt ép, và chỉ về tinh thần ra từ những sự từng trải đó.
Cựu Ước.-- Vậy, có chép: "Môi-se là người rất khiêm nhường (nguyên văn: nhu mì) hơn mọi người trên thế gian", dầu được những sự khải thị của Ngài và bị dân sự phản đối (Dân số ký 12:3; so II Cô-rinh-tô 12:1-6). Cũng chép: "Nhu mì" của Chúa làm cho người nên sang trọng (nguyên văn II Sa-mu-ên 22:36; Thi Thiên 18:35). Bản quốc văn có khi dịch 'anawah là khiêm nhượng (Thi Thiên 137:6; 149:4; Châm Ngôn 3:34; Ê-sai 61:1), hiền từ (II Sa-mu-ên 12:36; Thi Thiên 18:35; 22:26; 25:9; 37:11; 45:4), khốn cùng (Thi Thiên 9:12,18). Sô-phô-ni 2:3 khuyên: "Hãy tìm kiếm sự nhu mì" (so Châm Ngôn 15:1; 16:14; 25:15; Truyền đạo 10:4). Chúa hứa ban cho người nhu mì những ơn phước đặc biệt (Thi Thiên 22:26; 25:9; 37:11; 147:6; 149:4; Ê-sai 11:4; 29:19). Về Ðấng Christ có chép Tiên tri rằng: "Ðức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin lành cho kẻ nhu mì" (nguyên văn Ê-sai 61:1).
Tân Ước.-- Nhu mì (prautés) trong Tân Ước chẳng những chỉ là một đức hạnh tự nhiên, song cũng là một ơn ban cho tín đồ Ðấng Christ, là một trong những trái của Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22 dịch: mềm mại). Ý nghĩa nhu mì như nhà triết học Aristote trước chỉ định, nhờ đạo Ðấng Christ được thêm ý rất cao thượng, mà liên lạc sự khiêm nhượng mà trước người ta khinh bỉ. Nhu mì là tinh thần của chính Cứu Chúa (Ma-thi-ơ 10:29 so II Cô-rinh-tô 10:1). Trước phải có sự khiêm nhượng, sau bởi đó mới được sự nhu mì, và kết quả sự nhu mì là sự tiết độ. Tín đồ phải nhu mì và đối với nhau phải tỏ ra (Ê-phê-sô 4:2; Cô-lô-se 3:12; I Ti-mô-thê 6:11; Tít 3:2); nhu mì phải là đặc sắc các giáo sư Ðấng Christ và người nào cầm quyền (II Ti-mô-thê 2:25); người đời phải nhận lấy lời cứu cách nhu mì (Gia-cơ 1:21); tín đồ "Hãy lấy cách ăn ở tốt... bởi nhu mì mà ra" (Gia-cơ 3:13), và phải hiền hòa (nhu mì), sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy mình (I Phi-e-rơ 3:15).