Nợ. Dette.

         


      Ngày nay, thật khó nghĩ đến nợ mà không kèm theo ý ăn lời, hoặc cả ý lấy nặng lãi. Chắc ý nầy quan thiệp với ý trong Cựu Ước , hoặc ít nhất cũng thấy trong phần cuối lịch sử Cựu Ước. Nguyên văn Hê-bê-rơ, Neshi bao giờ cũng ngụ ý "trục lợi" (so II Các vua 4:7), và nguyên văn Hy-lạp Dáneion (Ma-thi-ơ 18:27) và Opheilẽ (Ma-thi-ơ 18:32) chỉ có ý về món nợ mà thôi, dầu vậy, ý ăn lãi thật rõ trong Tân Ước (Ma-thi-ơ 25:27).
       Cựu Ước.-- Trong đời Cựu Ước, vay nợ không có tánh chất buôn bán, không thể khiến cho người ta mở mang công cuộc doanh nghiệp được; nên kẻ không may mắc nợ, thường sa vào cảnh cùng quẫn (Phục-truyền-luật-lệ ký 28:12,44). Trong Kinh Thánh có ba chỗ chép về luật cho vay không được hà hiếp người nghèo mà lấy lời lãi (Xuất Ê-díp-tô ký 22:25; Phục-truyền-luật-lệ-ký 23:19; Lê-vi ký 25:36), song đó luật đối với người bổn quốc thôi, chớ đối với người ngoại bang, cũng có thể lấy lãi được. Cho vay nợ cũng không được bắt cái thớt cối, quần áo, bò của đờn bà góa làm của cầm (Phục-truyền Luật-lệ-Ký 24:6, 10-13; Xuất Ê-díp-tô ký 22:26; Gióp 24:3).
       Phục truyền luật lệ ký 15: nói: cứ mỗi năm thứ bảy có lệ giải thích. Nó quan hệ với lệ đã định trong năm Sa-bát mà Xuất Ê-díp-tô ký 23:10 và Lê-vi ký 25:2-7 nói không rõ lắm. Nếu theo lệ đó thì người mắc nợ hằng mong được giảm nhẹ. Cứ coi sơ chỗ nói về lệ đó, thì cứ năm thứ bảy người mắc nợ không phải trả lại chỗ còn thiếu nữa. Nhưng xét kỹ ý trong nguyên văn thì là được tha nợ hẳn trừ ra người ngoại bang không được hưởng lệ đó thôi. Lại xét như thể lệ chép trong sử ký, có nhiều chỗ khó hiểu lắm. Trong II Các vua 4:1-7 nói: vì có món nợ nhỏ nhặt mà muốn lấy hai con người đàn bà góa làm tôi mọi (coi thêm Ma-thi-ơ 18:32). Ê-li-sê giúp đỡ về mặt phép lạ chớ không giúp đỡ về mặt luật pháp. Theo như Nê-hê-mi 5: chép thì nhơn dân vì nghèo mà phải cầm ruộng bán con gái. Nê-hê-mi cho dân vay tiền và thóc, rồi tha nợ, không đòi; Nê-hê-mi 10:31, chừng nói rõ thêm ý trong Phục truyền luật lệ ký 15:. Về sau, vì cớ người Do-thái giao thiệp với các dân tộc xung quanh nên nợ càng thêm như là vấn đề thương mại, và vì cớ lần lần giọng nghiêm ngặt dữ dội trong văn luật pháp kém đi, công nợ coi là thường; nên trong Thi Thiên, Châm Ngôn và các sách tiên tri có nói nhiều đến việc nợ (Thi Thiên 15:5; 37:21; Châm Ngôn 19:17; 28:8; Ê-sai 24:2). Cứ như Giê-rê-mi 15:10 nói, thì chủ nợ và kẻ mắc nợ thường rủa sả lẫn nhau và là những việc thế tục bấy giờ không ưa thích. Thi Thiên 37:21 nói: "kẻ ác mượn mà không trả lại". Châm Ngôn 22:7 "Kẻ nào mượn là tôi tớ của kẻ cho mượn". Là ý răn vay nợ.
       Tân Ước.-- Ðời Tân Ước, Chúa thường dùng chữ "nợ" làm thí dụ về tội (Ma-thi-ơ 6:12, xem Ma-thi-ơ 18:23; Lu-ca 7:41, Cô-lô-se 2:14). Có thành ngữ: "Ðừng mắc nợ ai chi hết" (Rô-ma 13:8), là một lời cảnh cáo nhất mực không nên mắc nợ. Vào đời Tân Ước, thấy ý mở mang nhiều về nợ và người mắc nợ. Có nói đến chủ nợ, người đổi bạc, lời lãi, chung vốn cho vay nặng lãi (Ma-thi-ơ 25:16-27; Giăng 2:13-17). Dường như trong Tân Ước không cấm lấy lời cách tỏ tường. Người mắc nợ với người trong gia đình cùng tài sản, có thể bị bắt nếu không trả nợ (Ma-thi-ơ 18:21-35). Thật ra, kẻ mắc nợ có khi bị tù và bị tra tấn vì không trả (Ma-thi-ơ 18:30,34). Nhưng Chúa Jêsus dạy rõ phải lấy lòng thương xót, và nhẹ nhàng đối với người mắc nợ, như tỏ trong hai ví dụ về tôi tớ không thương xót (Ma-thi-ơ 18:21-35) và hai người mắc nợ (Lu-ca 7:41-43).
       Ý bóng.-- Nợ và chủ nợ thường dùng về một nghĩa đạo đức chỉ người mắc nợ Ðức Chúa Trời một đời sống công bình bắt buộc phải trả. Thiếu sự công bình trong đời sống ấy là mắc nợ . Vì cớ đó phải cầu xin: "Xin tha nợ cho chúng tôi" (Ma-thi-ơ 6:12). Về phần thuộc linh, ai được người nào phục sự thì mắc nợ người ấy (Rô-ma 15:27). Hứa nguyện với Ðức Chúa Trời về ý đạo đức tức là mắc nợ Ngài (Ma-thi-ơ 23:16-18). Về ý nghĩa thuộc linh sâu nhiệm, Sứ đồ Phao-lô chứng rằng mình mắc nợ mọi người, nghĩa là mắc nợ một dịp tiện để giúp đỡ người khác biết về đạo Tin-lành (Rô-ma 1:14,15, so 13:8). Xem bài mượn.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.