Nô-ê. Noé.

      


      Cháu 10 đời của A-đam, bởi dòng Sết, con của Lê-méc và cháu của Mê-tu-sê-la. Lê-méc đặt tên là Nô-ê (từ Noach, tức yên nghỉ), vì "đứa nầy sẽ an ủi lòng ta" (Sáng thế ký 5:26-29). Mới chép lần nữa về Nô-ê khi thọ 500 tuổi, thì sanh Sem, Cham, và Gia-phết (5:32).
       Vì cớ hồi đó, trên mặt đất sự gian ác loài người rất nhiều không phương cứu chữa, Ðức Chúa Trời quyết định hủy diệt. Ngài phán: "Thần Ta sẽ chẳng hằng ở trong (cầm quyền trên) loài người luôn", bởi vì, "trong điều lầm lạc, loài người chỉ là xác thịt". Dường như ý nghĩa là : dầu Chúa đã đặt Thần Ngài trong người, tức chẳng những thở sanh khí vào, là phần thuộc linh có thể nhận biết, yêu mến, và thờ phượng Ngài, nhưng loài người đã suy đồi đến bực rất thấp hèn bởi sự sung sướng xác thịt đến nỗi Thần Chúa trong lòng người hầu dập tắt. Ngài cũng quyết định "đời người sẽ là 120 năm mà thôi". Có người tưởng ấy chỉ về một thời ân điển để người kịp ăn năn tội trước cơn Nước lụt; người khác có lý hơn tin Ngài hạn chế đời người không cho sống hằng mấy thế kỷ như trước (6:1-3).
       Chỉ chép ít về Nô-ê trong thời bội đạo nầy, tức "là một người công bình và trọn vẹn", giữa những người đồng thời, và giống Hê-nóc, "đồng đi cùng Ðức Chúa Trời". II Phi-e-rơ 2:5 cũng chép Nô-ê là "thầy giảng đạo công bình". Còn chép Nô-ê sanh ba con trai, mỗi con cưới vợ; Nô-ê đóng tàu theo lời Ngài chỉ dẫn; và khi Nước lụt xảy ra thì Nô-ê thọ 600 tuổi (Sáng thế ký 6:, 7:). Vì có nhiều vấn đề về Tàu và Nước lụt nên xin luận như sau nầy:
       Tàu.-- nghĩa đúng nguyên văn Hê-bơ-rơ (têbâh) không chắc, chỉ chép trong Sáng thế ký và Xuất Ê-díp-tô ký 2:3. Có lẽ từ gốc Ai-cập nghĩa là "rương" hoặc "tàu". Tàu phải đóng bằng cây gô-phe, vì nhẹ và bền nên sau người Phê-ni-xi thường dùng đóng tàu mình, và trét chai cả trong lẫn ngoài để khỏi nước tràn vào. Trong tàu phải có từng phòng sắp đặt bằng ba tầng, ấy để tiện việc nhốt thú vật và cho chúng ăn. Cũng phải làm một cửa sổ bề cao một thước phía trên đầu để ánh sáng lọt vào. Nên chú ý không chép cửa sổ bề dài bao nhiêu, có lẽ suốt cả tàu; cũng dường như có một chất trong suốt thay vì kính để mưa khỏi tạt vào, và sau Nô-ê có thể thấy chim mình đã thả. Chắc trước nước lụt có nhiều nghề sau không thấy (Sáng thế ký 4:21,22). Cũng có một cửa bên hông tàu. Hình tàu không nói thế nào, chỉ biết bề dài độ 160 thước, ngang độ 26 thước rưỡi, bề cao độ 16 thước, ấy là tính 1 cu-đê (dịch thước) bằng 53cm33. Giáo phụ Augustin xưa nhắc lại tàu Nô-ê giống thân thể người, vì từ bàn chơn đến đỉnh đầu là gấp bề ngang nơi ngực 6 lần và 10 lần bề dài. Tàu không có cột buồm, buồm, hay bánh lái: ấy vì chỉ cần nhiều chỗ ở và nổi trên mặt nước.
       Sau Ðức Chúa Trời tỏ cho Nô-ê biết vì cớ nào đóng tàu, tức Ngài "sẽ dẫn Nước lụt trên mặt đất, đặng diệt tuyệt các xác thịt có sanh khí ở dưới trời...", nhưng Ngài "sẽ lập giao ước cùng Nô-ê, v.v...", và cho Nô-ê, vợ, ba con trai và ba con dâu vào tàu. Nô-ê cũng phải dẫn xuống tàu mỗi loài một cặp đặng giữ tròn sự sống. Lấy các thứ đồ ăn đem theo để dành làm lương thực cho người và vật. Nô-ê tin và vâng lời Ngài (6:17-22). Trong đoạn 7:2, Ngài truyền thêm, trong các loài vật thanh sạch, phải đem theo mỗi loài bảy cặp, và loài không thanh sạch mỗi loài một cặp. Ðây dẫn đến vấn đề: có phải Nô-ê có dẫn một cặp mọi loài vật trong khắp thế gian vào tàu không? Ấy dẫn đến vấn đề khác: Nước lụt có phải phổ thông khắp thế gian hay chỉ phần mà người ta ở. Như ngày nay biết mỗi lục địa có nhiều loài thú riêng, nên nếu thu từng cặp mỗi loài thì phải có một phép lạ rất lớn để có đủ chỗ trong tàu. Nếu chỉ thu trong phần thế gian mà người lúc bấy giờ biết thì đủ chỗ.
       Nước lụt.-- Khi tàu đóng xong, người và vật đã vào tàu, là nơi ẩn náu, thì "Ðức Giê-hô-va đóng cửa tàu lại". Như về người Y-sơ-ra-ên buổi tối Thiên sứ giết con đầu lòng xứ Ai-cập (Xuất Ê-díp-tô ký 12:22,23; Thi Thiên 31:20, 83:3; 27:5) và như sẽ có về tín đồ trong những ngày sau rốt trước Chúa tái lâm (Ê-sai 26:20). Có một khoảng bảy ngày trọng thể trước khi đến "nhằm năm 600 của đời Nô-ê tháng hai, ngày 17, chính ngày đó, các nguồn của vực lớn nổ ra, và các đập trên trời mở xuống". Từ 7:17 đến hết đoạn mô tả rất đơn sơ song rất cảm động sự tai hại rất đáng kinh khiếp, và một sự đặc biệt ấy là có sự hoang vu hoàn toàn. Nước cứ thêm trên mặt đất 190 ngày (so 7:12 và 24 là 40 với 150). Sau Ngài "nhớ lại Nô-ê cùng các loài thú và súc vật ở trong tàu", và Ngài "khiến một trận gió thổi ngang qua trên đất", mưa không sa xuống nữa và nước dừng lại. Ðến ngày 17 tháng 7, chiếc tàu đáp trên núi A-ra-rát và nước lần lần hạ đến nỗi mồng 1 tháng 10 mấy đỉnh núi mới lộ ra. Khỏi 40 ngày, Nô-ê mở cửa sổ tàu, thả chim quạ, nó bay đây đó, có lẽ đậu trên đỉnh núi, song không trở về tàu. Kế đó, Nô-ê thả một con bò câu để xem nước hạ bớt trên đất chưa, nhưng bò câu không tìm được nơi nào đáp chơn xuống nên về tàu. Khỏi 7 ngày (câu 10), Nô-ê lại thả bò câu, đến chiều bò câu về và trong mỏ tha một lá ô-li-ve tươi, thì Nô- ê biết nước đã giảm bớt. Ðợi 7 ngày nữa, Nô-ê lại thả bò câu, nhưng lần nầy nó không về tàu, vì nước đã giựt bày mặt đất khô là ngày mồng một tháng giêng, nhằm "năm 601 của đời Nô-ê".
       Dầu có người khó quyết định lụt phổ thông hay chỉ một phần, nhưng về phần loài người không thể nghi ngờ không bị tuyệt diệt hết trừ 8 người, tức lụt tràn ra phổ thông khắp thế gian mà người bấy giờ biết. Trong Tân-ước Chúa Jêsus chứng rằng truyện nầy là thật, và xưng rằng tình cảnh thế gian khi Ngài tái lâm cũng sẽ giống như trong đời Nô-ê (Ma-thi-ơ 24:37-39; Lu-ca 17:27). Phi-e-rơ chép: "Về thời kỳ Nô-ê, khi Ðức Chúa Trời nhịn nhục, chờ đợi chiếc tàu đóng nên...trong đó chỉ có 8 người được cứu", và thấy nước lụt đỡ tàu lên là ảnh tượng về lễ báp-têm tỏ ra Hội Thánh biệt khỏi thế gian (I Phi-e-rơ 3:20,21). Trong II Phi-e-rơ 2:5, lại lấy nước lụt làm gương về sự đoán phạt công bình của Ðấng chẳng tiếc thế gian xưa. Tiên tri Ê-xê-chi-ên 14:14 cũng chép Nô-ê chỉ bởi sự công bình mà cứu linh hồn, không phải bởi việc làm nhưng bởi đức tin (Rô-ma 5:1). Dầu chép "hết thảy những ngọn núi cao dưới trời đều bị ngập" (Sáng thế ký 7:19), dường như trái với khoa địa chất học ngày nay, nhưng phải nhớ cũng chép "khắp thế gian đều bị đói quá, nên đâu đâu cũng đổ đến Ai-cập mua lúa nơi Giô-sép bán" (Sáng thế ký 41:57), và Sê-sa Âu-gút-tơ ra chiếu chỉ phải lập sổ dân trong cả thiên hạ (Lu-ca 2:1), bởi thế đủ biết có khi không cần ép mình tin thật có ý phổ thông khắp cả. Ấy cũng như chép Ðức Chúa Trời sẽ khiến "các dân tộc trong thiên hạ sợ Y-sơ-ra-ên " (Phục truyền luật lệ ký 2:25).
       Chứng cớ ngoài về Nước lụt.-- Có nhiều truyền khẩu các dân tộc chứng quyết về một cơn Nước lụt lớn và hủy diệt, chỉ vài người được thoát, tỏ ra Kinh Thánh chép là thật. Dường như những truyền khẩu đó chỉ ngược lại đến một nơi trung ương; từ đó các chi họ thế gian trong khi tản lạc Ðông Tây, thì nhớ và thuật lại. Những dân tộc ở phía Tây châu Á, nhất là người Canh-đê, giữ được truyền khẩu đúng nhất với Kinh Thánh. Họ còn giữ lại một phần sử ký của các thầy tế lễ Ba-by-lôn là Bérosus, trong đó nói thế nào Xisuthrus đóng một chiếc tàu để cứu mình với các loài thú, chim và súc vật bốn cẳng thoát khỏi Nước lụt lớn. Có nhiều chuyện khác về Nước lụt:
       a. Trong thần thoại Phê-ni-xi nói đến sự thắng trận của Pontus (tức biển) trên Démarous (đất).
       b. Trong lời sấm truyền Sibylline của người La-mã xưa, một phần chắc mượn từ Kinh Thánh, phần theo truyện người Ba-by-lôn.
       c. Trong truyện vua Annakos (Hê-nóc) tại Iconium của người Phi-ri-gi, là vua sống ngoài 300 tuổi, có nói dự ngôn về Nước lụt, thấy cơn thủy tai hầu đến, thì khóc lóc và cầu thay cho dân mình. Có một huy chương của Apamea ở Phi-ri-gi, đúc trong đời Septime Sèvère (193-211 S.C.) kỷ niệm Nước lụt. Trên đó có vẽ hình một chiếc tàu vuông trôi trên mặt nước, và hình người nam, người nữ đang nhìn qua cửa sổ. Nóc tàu có một chim đậu, còn con khác đang bay đến chơn tha một nhành cây. Trước tàu có hình hai người đó ra khỏi tàu đi trên đất khô.
       Nô-ê sau Nước lụt.-- Sau khi ra khỏi tàu, Nô-ê trước hết lập một bàn thờ dâng của lễ. Ấy là bàn thờ thứ nhất dâng của lễ thiêu chép trong Kinh Thánh (Sáng thế ký 8:20-22). Kế đó Ðức Chúa Trời chúc phước cho Nô-ê và các con (Sáng thế ký 9:1-3). Hết thảy sanh vật bấy giờ được ban cho loài người làm thức ăn; song có một điều kiện đặc biệt là không ăn huyết vì có sự sống ở trong. Sau Ðức Chúa Trời lo bảo toàn sanh mạng người. Huyết người, tại đó có sự sống người, còn quí hơn huyết thú vật, nên bởi đó lập nền thứ nhứt có quyền công dân. Vậy, trong một thế gian mới, bắt đầu lần nữa, Ðức Chúa Trời ban cho lời hứa để làm vững bền trật tự của vũ trụ, và biệt riêng đời sống người cách thánh khiết trên hai cột: loài người giống ảnh tượng Ngài, và phải yêu nhau. Về bảy điều răn của Nô-ê, như thường gọi, mà dân Do-thái coi như lập trước Luật pháp, chỉ có ba điều chép đặc biệt ở đây: đừng ăn huyết, cấm giết người và phải phục quyền công dân (Sáng thế ký 9:4-6). Trong những lời chúc phước và giao ước Ngài lập với Nô-ê sau cơn Nước lụt có chứng cớ rất minh bạch tỏ ra tràn khắp thế gian mà bấy giờ người ta biết. Trong những lời đó, tỏ rõ Nô-ê làm đầu cả loài người mới, là đại biểu cho cả dòng giống. Nên vì làm đầu loài người như thế, Ðức Chúa Trời lập giao ước với Nô-ê; và chọn một dấu hiệu trong cõi thiên nhiên chứng về giao ước đó. Cầu vồng ở trong mây, mọi dân tộc dưới trời đều thấy, là một chứng cớ chẳng hề sai lầm về lẽ thật của Ðức Chúa Trời (Sáng thế ký 9:8-17).
       Từ đó đến hết đời, Nô-ê theo nghề canh nông và nghề trồng nho. Không biết Nô-ê có rõ tánh chất rượu nho không, song chép người uống rượu say, rồi lõa thể ở giữa trại mình. Cham chê cười Nô-ê là cha mình, còn hai con khác theo bổn phận cố sức che đậy sự xấu hổ cha mình. Khi Nô-ê tỉnh rượu, thì nói lời rủa sả: "Ca-na-an (tức Cham) đáng rủa sả! Nó sẽ làm mọi cho các tôi tớ của anh em nó" (9:18-27). Sau Nước lụt, Nô-ê còn sống 350 năm, hưởng thọ được 950 rồi qua đời (9:28,29).
       Tiến sĩ Scofield chú thích về giao ước Nô-ê:
       Sáng thế ký 9:1.-- Những sự trong giao ước đó là:
             1. Sự liên lạc người với đất theo giao ước A-đam được chứng quyết (Sáng thế ký 8:21).
             2. Trật tự cõi thiên nhiên được chứng quyết (Sáng thế ký 8:22).
             3. Chính phủ loài người được thành lập (Sáng thế ký 9:1-6).
             4. Trái đất được bảo đảm khỏi bị đoán phạt phổ thông bằng nước nữa (Sáng thế ký 8:21; 9:11).
             5. Lời tiên tri xưng rằng từ Cham sẽ sanh một dòng dõi hèn kém và bị bắt phục (Sáng thế ký 9:24,25).
             6. Lời tiên tri xưng rằng Sem sẽ có sự quan thiệp riêng với Ðức Giê-hô-va (Sáng thế ký 9:26,27). Sau thấy mọi sự khải thị Ngài, đều do dòng dõi Sem, và Ðấng Christ theo phần xác là dòng dõi Sem.
             7. Lời tiên tri xưng rằng từ Gia-phết sẽ sanh một dòng dõi được "mở rộng đất" (Sáng thế ký 9:27). Nói cách chung, chính phủ, khoa học, và mỹ thuật đều từ dòng dõi Gia-phết, nên sử ký làm chứng rằng lời tiên tri đó được ứng nghiệm đúng không thể chối được.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.