Nô-A-môn. No-Amon. (thành lớn hoặc thành của A-môn) .

      


      Một thành Ai-cập "ở giữa các sông, nước bọc chung quanh" (Na-hum 3:8). Ấy là tên chép trên các đài kỷ niệm để gọi thành Thèbes, Hérodotus nói Nô-A-môn cách xa thành Ôn 9 ngày đường đi ngược dòng sông.
       Sau khi trục xuất dân Hyksos khỏi Ai-cập, Aahmès, người sáng lập dòng vua thứ XVIII, để ý tổ chức lại và làm mới lại đế quốc, sửa lại Thèbes cho đẹp hơn. Tức thì, thành tới một địa vị quan trọng nhất tức là trở nên kinh đô của đế quốc mới, rộng rãi, rực rỡ và đông đúc. Thi sĩ Homer nói đến 100 cửa thành. Vị thần thực thụ là A-môn, lối viết tên đó trước nhất là Amen mà Giê-rê-mi 46:25 có nói tiên tri rằng: "Nầy Ta sẽ phạt A-môn, là thần của Nô, luôn cả Pha-ra-ôn và Ai-cập, các thần và các vua nó". Có lẽ Ê-xê-chi-ên 30:15 cũng ngụ ý đó. Thầy tế lễ cả của thần A-môn là thứ nhì trong nước, chỉ kém chức vua. Nô-A-môn là nơi trung ương của văn minh và quyền lực xứ Ai-cập, cho đến chừng trước nhất có Ê-sạt-ha-đôn, vua A-sy-ri chiếm Ai-cập 672 T.C., và sau Ashurbanipal, con và kẻ kế tự người bắt phục xứ và cướp bóc thành, năm 664 T.C. (Na-hum 3:8). Dầu vậy, sau cơn tai hại đó, Thèbes vẫn còn giữ địa vị quan hệ được lâu. Cuối cùng, Thèbes hoàn toàn bị phá bởi quan trấn thủ La-mã tên là Cornelius Gallus, vì thành đó dự vào cuộc nổi loạn miền Thượng Ai-cập năm 30-29 T.C., phản đối sự đánh thuế của người La-mã. Nay còn nhiều di tích tốt đẹp của thành, có Ðền thờ, tháp đá vuông và nhọn, tượng đầu người mình sư tử, ở Luxor và Karnak miền Ðông,và Kurna và Medinet Habu bên Tây thành. Tại mặt Ðông thành đó có hang làm mộ địa của vua.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.