Nói dối. Mensonge.

        


      Tiếng Hê-bê-rơ là Sheker và Kazabh (Ê-sai 9:15; Xa-cha-ri 13:3; Gióp 34:6; Mi-chê 2:11). với tiếng Hy-lạp Pseudos (Giăng 8:44; Khải Huyền 21:27) tức là sự nói dối, chế ra lời nói không thật, cũng như Công vụ các sứ đồ 5:3,4. Thật ra, nói dối là khi có ý nói để lừa gạt. Không cứ chỉ lời nói mới là sự dối trá, vì sống một đời giả dạng hoặc giả hình cũng ngang với lời nói dối (Giê-rê-mi 23:14). Một sự hư không như hình tượng (Ê-sai 59:4), và một phương pháp không thật (Rô-ma 3:7). Cũng vậy, sự sai lầm phản đối với lẽ thật cũng là sự dối trá (I Giăng 2:21). Chối Chúa Jêsus là Ðấng Christ kể là sự nói dối rất lớn (I Giăng 2:22).
I. Lệ cấm của Cựu Ước.--
       Trong luật Môi-se, cấm nhặt tội nói dối (Lê-vi ký 19:11, so Lê-vi ký 6:3). Cựu Ước có nhiều chỗ khuyên không nên nói dối (Xuất Ê-díp-tô ký 23:1; Châm 14:5; 19:5; 24:28; 30:6,8). Các tiên tri cũng nhiều lần trách người nói dối (Ê-sai 32:7; 59:3; Giê-rê-mi 9:5; Ô-sê 7:13; 12:1; Mi-chê 6:12). Nầy, Ðức Chúa Trời là nguồn tin thật, quyết không nói dối (Dân số ký 23:19; I Sa-mu-ên 15:29; Thi Thiên 89:35; so II Ti-mô-thê 2:13; Tít 1:2; Hê-bê-rơ 6:18). Vậy, kẻ nào làm dân Ngài, không nên làm việc dối trá (Phục truyền luật lệ ký 19:16-20). Tiên tri giả mượn danh Ðức Chúa Trời mà nói dối thì tội càng nặng hơn (Giê-rê-mi 5:31; 6:13; 29:9; Ê-xê-chi-ên 13:6). Vua A-háp muốn đánh lấy Ra-mốt trong xứ Ga-la-át, Mi-chê nói rằng: "Ðức Giê-hô-va đã đặt một thần nói dối trong miệng các tiên tri vua, và Ðức Giê-hô-va phán sự dữ cho vua" (I Các vua 22:23).
       II. Lệ cấm của Tân-ước.--
       Tân-ước dạy rằng nói dối bắt đầu từ Sa-tan vì "nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối" (Giăng 8:44). Sa-tan nói với Ê-va (Sáng 3:1-5) là lần đầu chép trong Kinh Thánh. Vì nói dối Ðức Chúa Trời thì vợ chồng A-na-nia bị phạt mất mạng sống (Công vụ các sứ đồ 5:1-10). Truyện Phi-e-rơ chối Chúa, và cứ quả quyết không nhận Ngài, làm ta run sợ khi nghĩ rằng một người theo Ðấng Christ có thể quên mình như thế, đến nỗi không những nói dối thôi, lại còn lấy lời thề để làm cho chắc chắn nữa (Ma-thi-ơ 26:72). Vậy, môn đồ đã được tái sanh, làm người mới, phải nói thật, đừng nói dối (Ê-phê-sô 4:24,25; Cô-lô-se 3:9). Gia-cơ nói: "Chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng lẽ thật" (Gia-cơ 3:14). Giăng nói: "Chẳng có sự dối trá nào bởi lẽ thật mà ra" (I Giăng 2:21; 1:6). Lại nói: "Ví có ai nói rằng: Ta yêu Ðức Chúa Trời mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối" (I Giăng 4:20). "Phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng" (Khải Huyền 21:8).
       Tân Ước luận về vấn đề đó thường tùy chỗ mà nói khác nhau: hoặc "gian dối" (Mác 7:22; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:3), hoặc "dối trá" (I Giăng 1:47; Rô-ma 1:29), hoặc "lừa dối" (II Cô-rinh-tô 11:13; 12:16), hoặc "giả trá" (I Phi-e-rơ 2:1,22), hoặc "nói dối" (Khải Huyền 14:5).
       Suốt cả Kinh Thánh, ta thấy chữ Pseudo (giả), kèm với các chữ khác nhau "Sứ đồ giả" (II Cô-rinh-tô 11:13), gọi thế vì có Sứ đồ thật giảng Sứ mạng Chúa, còn các "sứ đồ giả chỉ lo cho mình". Những kẻ đó là từ Sa-tan và giống nó, hiện mạo làm thiên sứ sáng láng mà đến. Ta cũng thấy "tiên tri giả" (Ma-thi-ơ 7:15 so Giê-rê-mi 23:16) là những kẻ mạo xưng là kẻ mang sứ mạng từ Ðức Chúa Trời, song theo "sự lừa gạt bởi lòng riêng mình" (Giê-rê-mi 14:13,14) mà nói. Cũng nói đến "anh em giả dối" (II Cô-rinh-tô 11:26), nghĩa là các giáo sư dạy đạo Do-thái (Ga-la-ti 2:4), là người dạy dỗ sai lầm hoặc mạo xưng là giáo sư (II Phi-e-rơ 2:7). Sau cũng đọc "người làm chứng dối" (Ma-thi-ơ 26:60), ấy là những người làm chứng điều mình biết không thật, "Christ giả" (Ma-thi-ơ 24:24) là người không chối bỏ lẽ Ðấng Christ thực hữu, song trái lại, nhờ những điều thế gian trông cậy mà dám giả mạo, ngạo ngược và phạm thượng tự xưng mình là Ðấng Christ bởi lời dự ngôn và lời hứa Chúa. Antichrist chối không có Ðấng Christ, còn Christ giả quyết mình là Ðấng Christ; vậy, "người tội ác, con của sự hư mất" (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3), chắc là cả hai người đó.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.