Một dãy núi ở cõi bắc xứ Pha-lê-tin. Tên Li-ban nghĩa là trắng vì tuyết che phủ trọn cả đỉnh quanh năm, hoặc vì các dốc và chỏm bằng đá vôi màu trắng. Kinh Thánh chép dãy Li-ban ở địa giới phía Bắc xứ Y-sơ-ra-ên (Phục truyền luật lệ ký 1:7; 11:24; Giô-suê 1:4). Hai dãy núi riêng rẽ cùng gọi bằng tên nầy, chạy dài theo hai đường song hành từ tây nam đến Ðông bắc chừng 135 cây số, bao ở giữa một trũng (Giô-suê 11:17) phì nhiêu rộng từ 8-12 cây số, xưa gọi là Coele-Syria. Giải bên tây các nhà địa dư xưa gọi là "Libanus", và Kinh Thánh gọi là Li-ban. Giải bên đông các nhà địa dư gọi là "Anti-Libanus", còn Giô-suê 13:5 gọi là "Li-ban về phía mặt trời mọc".
1. Li-ban, giải bên Tây, bắt đầu ở phía Nam với một vực sâu Litâny, sông Léontes xưa, tưới trũng Coele-Syria và đổ ra biển Ðịa Trung Hải, chừng tám cây số về phía Bắc Ty-rơ. Dãy núi đó chạy thẳng một đường dài song hành với bờ biển cho đến đồng bằng Émesa mà Kinh Thánh gọi là "nơi vào ranh Ha-mát" (Giô-suê 13:5). Tại đó, Nahrel-Kébir, sông Eleutherus xưa, chảy qua mặt nam. Các đỉnh dãy núi nầy cao từ 1.800 đến 2.450 thước, song có hai đỉnh cao hơn nhiều. Trên hai đỉnh núi đó, tuyết đống lại từng tảng suốt cả mùa hạ (Giê-rê-mi 18:14). Trên đá vôi có trồng những cây dẻ bộp xanh tươi, và trên đá cát trồng thông. Sự cày cấy tốt tươi lạ lùng. Những cây vả mọc từ những tảng đá trơ trụi; trên các khoảnh hẹp người ta trồng nho; các hàng cây dâu che phủ các dốc như các bực thang, và nhiều bụi cây Ô-li-ve đầy dẫy nơi thấp của trũng. Có hàng trăm làng, nơi nầy xây cất giữa những phiến đá ngổn ngang, nơi kia như các tổ chim nhạn bên cạnh các mỏm đá, còn các tu viện cũng xây nhiều trên chót mõm chòm. Khắp nơi người ta thường trồng nhiều nho. Li-ban nay dư dật những cây Ô-li-ve, vả và dâu; còn vài chỗ khác có những rừng thông, dẻ bộp, và cây hương bách (I Các vua 5:6; Thi Thiên 29:5; Ê-sai 14:8; E-xơ-ra 3:7). Có rất nhiều thú rừng còn ở trong các trũng hẻo lánh và các đỉnh cao, như sài lang, báo, gấu, v.v... (II Các vua 14:9; Nhã Ca 4:8; Ha-ba-cúc 2:17). Dọc theo miền thấp núi Li-ban có những cánh đồng bất thường của người Phê-ni-xi; không một chỗ nào rộng đến ba cây số, và thường ngắt quãng bởi các tảng đá nhọn hoặc chìm dưới biển. Cả dãy Li-ban toàn là đá vôi và có rất nhiều di vật đột vào đá. Những đèo dài bằng cát chạy theo dốc phía Tây, có nhiều chỗ thẫm sắt. Núi Li-ban nguyên của người Hê-tít ở (Giô-suê 13:5-6; Các quan xét 3:3). Chúa ban cả dãy núi cho người Y-sơ-ra-ên, song họ không bao giờ chiếm lấy (Giô-suê 13:2-6; Các quan xét 3:1-3). Trong đời các vua Giu-đa, dường thuộc về người Phê-ni-xi (I Các vua 5:2-6; E-xơ-ra 3:7). Từ cuộc xâm chiếm của người Hy-lạp đến nay, núi Li-ban không có lịch sử rõ rệt.
2. Anti-Liban; dãy núi nầy bắt đầu từ miền cao nguyên xứ Ba-san, gần đối ngang với thành Sê-sa-rê Phi-líp, chạy về phía Bắc đến núi Hẹt-môn, rồi về phía Tây Bắc chạy một đường dài cho đến khi hạ xuống đồng bằng lớn Émesa không xa thành Ríp-la mấy. Hẹt-môn là đỉnh núi cao nhất: 2.770 thước, rồi đến đỉnh núi cao thứ nhì chừng vài cây số về phía Bắc thành Abila, cạnh làng Bludân, và cao chừng 2.135 thước. Còn các đỉnh núi khác cao chừng 1.500 thước, phần nhiều là trơ trụi, với những dốc, và những đỉnh núi tròn toàn màu xám. Ðây đó, ta thấy những rừng thưa trồng dẻ bộp và giếng giêng. Những dốc về phía Tây đâm thẳng đến Bukâ'a. Song về mặt đông thì khác hẳn. Từ núi Hẹt-môn chia làm ba chi như những giải quạt mở ra, làm thành những tường đỡ ba khu đất rộng bằng phẳng. Chỉ có một lần Kinh Thánh nói đến Anti-Liban tả rất đúng là "hướng về phía mặt trời mọc" (Giô-suê 13:5). "Ngọn tháp Li-ban ngó về hướng Ða-mách" (Nhã Ca 7:4) chắc là núi Hẹt-môn, vì là nơi tả rất rõ phong cảnh thành đó.