Núi ô-li-ve. Montagne des oliviers.

        


      Theo bản Cựu Ước Hê-bơ-rơ, danh từ đúng "núi ô-li-ve" chỉ chép một lần trong Xa-cha-ri 14:4; và trong các câu khác là "dốc dẫn đến các cây ô-li-ve" II Sa-mu-ên 15:30 không nên có "núi", hoặc chỉ chép "núi" (Nê-hê-mi 8:15), "núi đối ngang Giê-ru-sa-lem" (I Các vua 11:7), "núi ở phía Ðông thành" (Ê-xê-chi-ên 11:23). Trong nguyên văn Tân Ước có ba lối viết:
       1. Như thường "núi ô-li-ve".
       2. "Núi gọi là ô-li-ve" (Lu-ca 19:29, 21:37).
       3. "Núi của các cây ô-li-ve" (Công vụ các sứ đồ 1:12) mà bản Vulgate đặt tên là Olivet.
       Một núi đối ngang Giê-ru-sa-lem về phía Ðông (Xa-cha-ri 14:4), chỉ cách nhau bởi trũng Kít-rôn (II Sa-mu-ên 15:14,23,30). Ðỉnh núi đó với dốc xa hơn được kể là đường đi một ngày Sa-bát từ thành Giê-ru-sa-lem (Công vụ các sứ đồ 1:12), hoặc theo Josèphe chừng 5 hoặc 6 ếch-ta-đơ. Người ta hay thờ phượng Chúa ở trên đỉnh núi đó (II Sa-mu-ên 15:32). Trong sự hiện thấy, Ê-xê-chi-ên thấy sự vinh hiển của Chúa "dấy lên từ giữa thành và đứng trên núi" ô-li-ve (Ê-xê-chi-ên 11:23), và Xa-cha-ri tả Ðức Giê-hô-va trong lời tiên tri đứng trên núi để giúp đỡ dân Ngài (Xa-cha-ri 14:4). Chúa Jêsus thường lên núi ô-li-ve (Lu-ca 21:37; 22:39; Giăng 8:1). Khi từ núi xuống, đoàn dân tiếp rước Ngài vào thành và kêu lên Hô-sa-na (Lu-ca 19:37,38). Từ núi đó, Ngài thấy rõ Giê-ru-sa-lem thì khóc lóc về số phận sau của thành mà Ngài biết trước (câu 41-44). Ngài đang ngồi trên núi với các môn đồ nhìn qua trũng thấy Ðền thờ nguy nga và thành, thì phán tiên tri về cả hai (Ma-thi-ơ 24:3; Mác 13:3). Sau Lễ Vượt Qua cuối cùng đời Ngài, thì Ngài đi đến núi ô-li-ve (Ma-thi-ơ 26:30; Mác 14:26). Vườn Ghết-sê-ma-nê ở phía Ðông, hoặc dưới chơn hay cao hơn một chút. Bê-tha-ni và Bê-pha-giê là hai làng ở phía Ðông núi (Ma-thi-ơ 21:1; Mác 11:1; Lu-ca 19:29). Ở gần làng Bê-tha-ni, Ngài đã thăng thiên (Lu-ca 24:50).
       Theo Lightfoot, thầy Rabbin Janna có viết rằng: "Sự hiện diện của vinh quang Chúa, sau khi bỏ Giê-ru-sa-lem, ở ba năm rưỡi trên núi ô-li-ve, xem dân Do-thái có ăn năn không; song khi thấy họ không chịu thì dời về nơi Ngài" (Ê-xê-chi-ên 11:23 so I Các vua 8:5-11; E-xơ-ra 3:12; Ê-xê-chi-ên 43:2-5). Ấy nhắc lại Chúa Jêsus trong ba năm rưỡi hành chức vụ giữa dân Do-thái cũng thật như thế. Theo lời nói của hai người nam mặc áo trắng lúc Ngài thăng thiên, thì làm chứng Chúa Jêsus được cất lên thế nào, cũng trở lại cách ấy. Theo Xa-cha-ri 14:4 chép: "Trong ngày đó, chơn Ngài sẽ đứng trên núi ô-li-ve là núi đối ngang Giê-ru-sa-lem về phía Ðông, và núi Ô-li-ve sẽ bị xé ra chính giữa về phía Ðông và phía Tây, đến nỗi thành ra một trũng rất lớn; phân nửa núi dời qua phương Bắc, phân nửa núi dời qua phương Nam". Nơi mà Ngài đã đi sẽ là nơi Ngài trở lại, hai cách lên xuống cũng giống nhau (Công vụ các sứ đồ 1:11), và Chúa đến như chớp phát ra từ phương Ðông nháng đến phương Tây (Ma-thi-ơ 24:27). Quang cảnh của sự thương khó Ngài sẽ là quang cảnh của sự vinh hiển Ngài, và của cầm đó là sự vào Giê-ru-sa-lem từ núi Ô-li-ve cách trọng thể như chép trong Ma-thi-ơ 21:1-10.
       Núi Ô-li-ve chắc là núi người A-rạp ngày nay gọi là Jebel etTôr, ở phía Ðông Giê-ru-sa-lem. Nói thật đúng, ấy là một dãy núi có bốn đỉnh và có hai mũi ở mặt bên. Một mũi chạy về hướng Tây độ một cây số rưỡi phía Bắc Giê-ru-sa-lem; ấy thường cho là một với Josèphus Scopus. Mũi thứ nhì phân rẽ khỏi dãy núi bởi trũng Kít-rôn, cũng chạy về phía Tây đối ngang Giê-ru-sa-lem phía Nam; ấy thường gọi là núi Mưu-Ác vì có một cây gọi là cây của Giu-đa (Ích-ca-ri-ốt). Trong bốn đỉnh đó, đỉnh cao nhứt là Karemes es-Seiyad ở phía Bắc bề cao độ 830 thước. Xưa cũng gọi là Ga-li-lê, hoặc vì người Ga-li-lê đóng trại tại đó, hoặc xưa người ta tin là Chúa thăng thiên mà hai thiên sứ gọi các môn đồ là người Ga-li-lê. Ðỉnh thứ nhì gọi là Thăng thiên. Trong 315 S.C., hoàng đế Constantin lập đại giáo đường trên đỉnh nầy, sau người ta đổi ra xây nhiều nhà thờ nối tiếp nhau gọi là nhà thờ Ascension. Ðỉnh nầy chính thật là núi Ô-li-ve, đối ngang cửa Ðông Giê-ru-sa-lem, cao độ 800 thước, tức 170 thước cao hơn trũng Kít-rôn và 60 thước cao hơn cao nguyên có xây Ðền thờ. Dưới chơn đỉnh nầy, theo lời truyền khẩu, có vườn Ghết-sê-ma-nê, từ đó có ba đường chia ra: hai đường dẫn xung quanh vườn, một đi quanh mũi Nam và một lên đỉnh; song hai đường nầy gặp nhau ở Bê-tha-ni, trên dốc phía Ðông, thấp hơn đỉnh độ 300 thước. Ðường thứ ba là đường xuống Giê-ri-cô về phía Nam. Ðỉnh thứ ba gọi là Tiên tri, vì có mộ các tiên tri ở một bên. Ðỉnh thứ tư gọi là Offense (làm mất lòng), vì người ta tin rằng tại đó Sa-lô-môn xây các bàn thờ hình tượng cho các vợ ngoại bang mình. Vì đỉnh Ascension và đỉnh Prophètes chỉ hơi phân biệt nên có người chỉ nói ba đỉnh thôi.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về núi Ô-li-ve
       Xa-cha-ri 14:4.-- Câu 5 tỏ ra núi Ô-li-ve bị xé hai ra vì có cơn động đất, và Ê-sai 29:6; Khải Huyền 16:19 cũng chứng quyết như thế. Trong cả hai câu đó, thượng hạ văn như trong (Xa-cha-ri 14:5 xem câu 1-3) hiệp cơn động đất với sự xâm lấn của dân ngoại dưới Con thú (Ða-ni-ên 7:8; Khải Huyền 19:20). Trong một xứ hay có cơn động đất, chắc không nên khó tin sẽ có một cơn nữa chia xé núi nhỏ gọi là núi Ô-li-ve. Không có một biến động chép trong Xa-cha-ri 14:; xảy ra khi Ðấng Christ giáng thế, dầu Ngài bấy giờ quan thiệp mật thiết với núi Ô-li-ve.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.