Các triết nhơn Hy-lạp tin rằng nước là một nguyên chất bởi đó tạo nên mọi vật. Trong lịch sử cuộc tạo thành (Sáng thế ký 1:2), nước cũng là một trong ngũ hành.
Vì có ít nước trong xứ Pha-lê-tin, nên dân sự thường ra ngồi gần dòng nước chảy. Người ta thường ước ao được uống nước nơi mình sanh trưởng, tỉ như Ða-vít (I Sử ký 11:17).
Chỉ một nguồn duy nhất cung cấp nước cho xứ là mưa. Hơi nước bốc từ biển lên các đám mây mà thành mưa và tuyết sa xuống trên núi. Nước đó làm các nguồn và suối được đầy. Dòng nước ở Pha-lê-tin rất ngắn và ít, trừ sông Giô-đanh, thảy đều nhỏ cả, về mùa hè thì nước rất ít hoặc khô hẳn. Nhưng ở Giê-ru-sa-lem, quanh năm mưa được từ 65 phân đến 95 phân tây nước. Nếu gặp quân địch lấp mất nguồn nước thì dân nguy ngay (II Các vua 3:19-25). Phần nhiều làng phải đến các dòng nước múc về, việc xách nước phần nhiều do đờn bà, con gái làm (Sáng thế ký 24:11; Giăng 4:7); nếu không đủ phải dùng đến hồ chứa nước. Phần nhiều mưa sa xuống dốc phía Tây các núi, vì vậy tại đó nhiều dòng nước. Các nơi có đá vôi thì thấm hết nước, vậy giếng cũng ít thấy đào, dầu Kinh Thánh nói đến giếng nhiều lần.
Hồ chứa nước thường xây trên mặt đất hoặc lớn hoặc nhỏ. Dân cư Giê-ru-sa-lem thường dùng nước chứa bằng cách nầy, có nhiều công dân vào thành. Người ta vừa tìm ra được nhiều hồ, một phần ở trong khu riêng của Ðền thờ. Năm nào mùa hè dài và khô, nước càng ngày ít đi và trở nên tù hãm, dơ bẩn, không uống được vì cớ cơ nguy đến sức khỏe dân tộc. Nhiều khúc Kinh Thánh nói đến hồ chứa nước đủ cho dân uống, ngoài ra còn có thể tát nước vào ruộng song có hạn.
Trọn mùa hạ, không có mưa; cây cối phần lớn nhờ những giọt sương nặng giúp đỡ. Những nơi nào, các dòng đủ nước, người ta đặt máy dẫn thủy nhập điền. Trong thời đế quốc La-mã, chắc các máy đó càng nhiều hơn. Những trái cây rất cần nước trong mùa hè. Thiếu nước là một đại nạn (Xuất Ê-díp-tô ký 15:22; Phục truyền luật lệ ký 8:15; II Các vua 3:9; Thi Thiên 63:1; Châm Ngôn 9:17; Ê-xê-chi-ên 4:11; Ca Thương 5:4).
Trong cuộc viễn hành, người ta dùng túi da để chứa nước (Sáng thế ký 21:14). Kẻ khát đến xin uống thì người ta múc cho uống (Sáng thế ký 24:17; Giăng 4:7). Khách đến nhà, thì chủ nhơn lấy nước cho rửa chơn (Sáng thế ký 18:4; Lu-ca 7:44). Tân Ước thì nói đến nước chịu lễ báp-têm (Công vụ các sứ đồ 8:38). Phi-lát rửa tay trong nước để tỏ mình vô tội (Ma-thi-ơ 27:24). Chúa Jêsus nói với người đàn bà Sa-ma-ri về nước hằng sống (Giăng 4:14) "Chiên con... sẽ chăn giữ và đưa chúng (những kẻ được chuộc) đến những suối nước sống" (Khải Huyền 7:17).
Kinh Thánh thường dùng các dòng nước chỉ bóng về: sự nguy hiểm "Khi ngươi vượt qua các dòng nước..." (Ê-sai 43:2); sức mạnh "khác nào nước chảy..." (II Sa-mu-ên 5:20), sự đắc thắng "như nước lớn vỡ bờ..." (Ê-sai 28:2); sự sợ hãi "lòng dân sự bèn tan ra như nước" (Giô-suê 7:5); sự chóng qua như "nước đã chảy qua" (Gióp 11:16); sự giải khát "như suối nước trong nơi đất khô" (Ê-sai 32:2); sự bình an "dẫn tới mé nước bình tịnh" (Thi Thiên 23:2); thú vui chính đáng "hãy uống nước hồ con chứa" (Châm Ngôn 5:15); thú vui không chính đáng "nước ăn cắp lấy làm ngọt ngào" (Châm Ngôn 9:17); cái gì đổ ra dư dật, như huyết (Thi Thiên 7:3); cơn giận (Ô-sê 5:10); sự chánh trực (A-mốt 5:24); tiếng than siết (Gióp 3:24).