Lập nước.-- Trong đời thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li và tiên tri Sa-mu-ên, dân Phi-li-tin hà hiếp cả chi phái Giu-đa và Bên-gia-min, nên hai chi phái phía Nam đó giao thông với mười chi phái phía Bắc nhiều hơn; vậy chi phái Giu-đa cũng kể vào nước vua Sau-lơ. Sau khi Sau-lơ qua đời, chi phái Giu-đa giúp đỡ Ða-vít, người đồng chi phái, lên ngôi, và trong bảy năm, theo vua Ða-vít tranh chiến. Khi Ða-vít đã toàn thắng, Giê-ru-sa-lem ở trên bờ cõi Giu-đa và Bên-gia-min trở nên kinh đô của cả nước Y-sơ-ra-ên. Chúa đã hứa với Ða-vít rằng dòng dõi sẽ ngồi trên ngôi người đời đời (II Sa-mu-ên 7:13-16; I Sử ký 17:12, 14, 23), dầu nếu lìa bỏ Chúa sẽ bị sửa phạt. Lời hứa đó không có ý các vua không cần sự khôn ngoan, vậy khi vua Rô-bô-am, con Sa-lô-môn, tỏ ra không quen những điều cốt yếu thường về sự trị vì, mười chi phái phía Bắc lìa khỏi nhà Ða-vít. Xem bài Y-sơ-ra-ên.
Giu-đa và phần đông Bên-gia-min cứ trung tín với nhà Ða-vít, và là phần tử lớn trong nước Giu-đa. Nước nầy khởi sự từ 975 T.C. cho đến khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy 588 T.C. (theo Ussher). Trong khoảng thời gian nầy có mười chín vua nhà Ða-vít trừ ra hoàng hậu A-tha-li là kẻ đã chiếm ngôi trong sáu năm. Xem bài niên hiệu Kinh Thánh, Ðịa phận nước Giu-đa gồm lại cả hai phần đất của chi phái Giu-đa và Bên-gia-min trừ ra giới hạn phía Bắc có khi thay đổi. Bê-tên có khi thuộc về Giu-đa, nhất là sau khi nước Y-sơ-ra-ên tàn.
Sự giao thiệp giữa Giu-đa và Y-sơ-ra-ên.--
Một việc có ảnh hưởng rất lớn trên lịch sử và số phận hai nước ganh đua với nhau là Giê-rô-bô-am, vua Y-sơ-ra-ên lập hai con bò vàng để dân sự có nơi thờ phượng ngay trong nước mình không cần phải đến Giê-ru-sa-lem thờ phượng và có lẽ để dân sự đừng trung tín với nhà vua cũ. Một hiệu quả là mọi người đã trung tín với Ðức Giê-hô-va di cư sang nước Giu-đa, vậy về phần thuộc linh và chính trị thêm sức cho Giu-đa nhiều (I Các vua 12:26-33; 13:33; II Sử ký 10:16-17). Sự giao thông đầu tiên giữa Giu-đa và Y-sơ-ra-ên chẳng qua là sự khiêu chiến lẫn nhau. Chắc vì đó nên các nước lân cận mới xen vào việc nước Giu-đa, tỉ dụ như trong năm thứ V đời Rô-bô-am trị vì, Si-sắc vua Ai-cập, cướp bóc thành Giê-ru-sa-lem (I Các vua 14:25-28; II Sử ký 12:1-12). Giu-đa và Y-sơ-ra-ên trong sáu mươi năm đầu cứ đánh nhau luôn (I Các vua 14:30; 15:7, 16; II Sử ký 12:15; 13:1-20). Sau đó, trong đời vua A-háp và Giô-sa-phát, chẳng những có sự hòa bình, lại có sự giao hiếu giữa hai nước và hai nhà vua đương trị vì. Kết quả sự thờ tượng Ba-anh đem vào nước Giu-đa, và trở nên một cớ rất mạnh để làm cho nước bị tiêu diệt. Vậy dân sự chia làm hai phe: một phe giữ sự thờ phượng Ðức Giê-hô-va, một phe hướng về sự thờ Ba-anh và các thần ngoại bang. Trong thời gian sau, hai phe nầy phản kháng nhau luôn luôn thoạt đầu phe nầy kế đến phe kia được thống nhất tạm thời tùy theo hai nhà vua đương trị vì là bạn hay thù. Gặp hồi hướng về Chúa, và trung tín với Ngài, dân sự được thịnh vượng; khi bội đạo thường gặp tai hại. Trong số vua nhân từ có: A-sa, Giô-sa-phát, Ê-xê-chia, và Giô-si-a; còn trong số các vua độc ác có A-cha, Ma-na-se, v.v....
Sự giao thông giữa Giu-đa và các dân ngoại.--
Ấy là rất quan hệ, Ai-cập là một xứ lân cận với Giu-đa ở phía Tây Nam, thường xen vào việc của nước Giu-đa. Vậy, mấy vua Ai-cập là Si-sắc, Sê-rách, và sau một thời gian lâu, Nê-cô tranh chiến với nước Giu-đa. Trái lại, Ai-cập dường như là một đồng minh có giá trị để chống với các cường quốc trên sông Tigre và Ơ-phơ-rát. Vậy, khi Tiệt-ha-ca, vua Ai-cập (dòng vua Ê-thi-ô-bi) đánh bại cường quốc A-sy-ri, trong đời vua Ê-xê-chia, cũng giúp việc giải cứu nước Giu-đa, và sau đạo binh Ai-cập cứ tiến đến thì đạo binh Nê-bu-cát-nết-sa tạm thời phải rút quân đang vậy thành Giê-ru-sa-lem. Xem bài Pha-ra-ôn. Khi đạo binh Ba-by-lôn chiếm cứ thành Giê-ru-sa-lem, một đoàn đông người Giu-đa ẩn mình trong xứ sông Ni-lơ. Trải qua thời gian nầy, văn hóa và tôn giáo Ai-cập có ảnh hưởng trên dân Do-thái. Hai cường quốc trên bờ sông Tigre và Ơ-phơ-rát cũng có thời gian xen vào việc nước Do-thái.
Thời gian giao thông với A-sy-ri bắt đầu từ 734 T.C. khi vua A-cha cầu cứu Tiếc-la-Phi-lê-se (II Các vua 16:9) để chống với hai vua đồng minh là Y-sơ-ra-ên và Sy-ri, rồi sau A-cha đến đón vua đó tại Ða-mách. Khỏi mười năm, khi dân A-sy-ri đã chinh phục nước miền Bắc Y-sơ-ra-ên, trong độ 125 năm sau nước Giu-đa, vì cớ sự tham lam và hung dữ của cường quốc A-sy-ri, chịu thiệt hại nhiều cho đến khi cường quốc đó bị lật đổ bởi dân Ba-by-lôn, Sa-gôn, San-chê-ríp, Ê-sạt-ha-đôn, và Ashurbanipal, bốn người kế vị trên ngôi A-sy-ri, tùy theo sử ký chép đều có giao chiến với Giu-đa nhiều hoặc ít. Trong Kinh Thánh có chép về ba trong bốn vua đó (Ê-sai 20:1; 36:1; 37:38).
Thời gian giao thiệp với người Ba-by-lôn bắt đầu 605 T.C., khi Giê-hô-gia-kim chịu Nê-bu-cát-nết-sa bắt phục. Trong ngót 20 năm. Giê-ru-sa-lem bị đổ nát, và dân Giu-đa bị bắt sang Ba-by-lôn làm phu tù. Lời Chúa hứa cho Ða-vít không có ý dòng dõi Ða-vít tạm thời ngồi trên ngôi người.
Những duyên cớ nước Giu-đa bị tàn phá và dân bị làm phu tù.--
1. Là vì những cớ gây cho nước Y-sơ-ra-ên sập đổ và để nước Giu-đa một mình.
2. Vì không lo đến mạng lịnh Chúa mà tuyệt diệt hết thảy dân Ca-na-an, nên còn giữ những men hư hoại giữa vòng mình.
3. Vì giao kết với những dân thờ hình tượng về xã hội và chính trị.
4. Vì bội đạo nên mất sức đạo đức và mất sự sốt sắng để đạt đến mục đích cao cả là lập nước Ðức Chúa Trời trên mặt đất.
5. Vì từ chối những lời kêu gọi của các Ðấng tiên tri không chịu ăn năn.
6. Vì khi những cớ kể trên đã làm hại cả nước lẫn dân, nên ăn năn tội nhờ cậy Chúa nhưng dân sự dùng một chánh sách cận thị, cố sức nhờ những nước đồng minh nhỏ mọn mà chống trả với các cường quốc, không chịu nghe tiên tri Giê-rê-mi khuyên bảo.
Sau khi làm phu tù trở về.--
Sau khi từ Ba-by-lôn trở về, Xô-rô-ba-bên, một dòng dõi của Ða-vít làm quan đứng đầu cai trị dân sự dưới quyền người Ba-tư. Khỏi ít lâu, có Nê-hê-mi, người Giu-đa, theo sau. Trừ ra thời gian hai người đó cai trị, quan tổng đốc của tỉnh Ba-tư bên kia sông, gồm cả Giu-đa, chịu trách nhiệm cai trị. Sau khi Alexandre Ðại đế chinh phục cả xứ Giu-đê lần lượt thuộc về Ai-cập và Sy-ri. Họ Macchabée làm loạn, nghịch cùng Sy-ri thành công lần đến sự lập một nhà thầy tề lễ kiêm chức vua, từ chi phái Lê-vi ngồi trên ngôi Ða-vít. Xem bài Macchabée. Sau có một dòng vua người Y-đu-mê, bắt đầu với Hê-rốt Ðại đế trị vì dưới quyền đế quốc La-mã. Khi cây phủ việt trở lại nhà Ða-vít không phải là một nước hình thức, nhưng là thuộc linh, mà vua không phải là vua thế gian nhưng mà là Con Ðức Chúa Trời ở trên trời.
Hiện nay những người Do-thái (Juifs) tan lạc khắp thế gian đã bắt đầu trở về xứ mình, song chưa bằng lòng nhận biết Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Mê-si, là Vua của nhà Ða-vít. Một ngày kia, khi Chúa tái lâm, "đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cũng trông thấy" (Xa-cha-ri 12:10; Khải Huyền 1:7). Lúc đó, những người Do-thái mới nhận biết Ðức Chúa Jêsus Christ là Ðấng Mê-si, là vua họ đang trông đợi, nước mình sẽ được lập lại.