Ơ-phơ-rát. Euphrates.

        

      Có lẽ từ căn nguyên một tiếng Aryen nghĩa là "con sông tốt và dư dật" Kinh Thánh chép Ơ-phơ-rát là một trong bốn con sông lớn tưới vườn Ê-đen (Sáng thế ký 2:14). Người Hê-bơ-rơ rất quen dùng chữ "sông cái" để chỉ sông nầy (Xuất Ê-díp-tô ký 23:31).
       Ấy là con sông lớn hơn hết ở Tây nam A-si, dài độ 2165 cây số, phát nguyên từ hai nguồn trên các đỉnh núi cao xứ Arménie, chảy xiết về mặt Ðông nam, đổ xuống đồng bằng lớn, rồi tới vịnh Ba-tư. Từ nơi cửa sông ngược lại chừng 1050 hay 1200 cây số, tức là chỗ Ơ-phơ-rát hiệp với Khabour, tại làng Werai (Cạt-kê-mít), chiều rộng của sông tính trung bình là 360 thước. Tại thành Ba-by-lôn, bề ngang hẹp hơn đo được 184 thước thôi. Chừng hai phần ba tức độ 1900 cây số, thuyền bè có thể đi lại được. Cuối mùa Ðông, nước sông nhỏ. Song hằng năm, đến mùa hè, từ tháng tư đến tháng sáu tây, tuyết ở ngàn núi tan ra, nước lũ chảy xuống, nước sông lên to, thường gây ra nạn lụt. Gần đó, cũng có một sông lớn tương tự sông Ơ-phơ-rát, tức là sông Hi-đê-ke (Tigre). Chỗ hai sông đó gặp nhau ước được 800 thước bề rộng.
       Ðời xưa, đồng bằng giữa hai khoảng sông nầy có Ba-by-lôn là nước lớn. Trên bờ sông, có người Canh-đê ở. Vua Ba-by-lôn và Nê-bu-cát-nết-sa đã đắp đê để ngăn nước sông, xây đập để dẫn nước vào tưới ruộng vườn, nên nhơn dân được giàu có, đông đúc. Ðến nay, nước sông vẫn chảy nhiều như xưa, song nước quí đó mất nhiều vì người ta bỏ qua không lo đến như: dọc sông Ơ-phơ-rát có nhiều dòng chảy vào đã khô cạn, lòng sông thiếu nước, còn nước tù hãm trong các đồng lầy dơ bẩn. Vả lại, đập tắc, thành đổ, người thưa, thảy đều ứng nghiệm với lời của Ðấng tiên tri Giê-rê-mi (51:60-64).
       Trong giao ước Ðức Chúa Trời lập với Áp-ra-ham, hứa cho dòng dõi người xứ mà giới hạn lan rộng "từ sông Ai-cập cho đến sông lớn kia, tức là sông Ơ-phơ-rát" (Sáng thế ký 15:18). Lời hứa nầy được ứng nghiệm khi Ða-vít đánh thắng nước A-ram đến sông nầy mới thôi (II Sa-mu-ên 8:3; 10:16,19). Ðời vua Sa-lô-môn, bờ cõi Ðông bắc ăn thẳng đến tận sông Ơ-phơ-rát (I Các vua 4:21; II Sử ký 9:26). Song sự ứng nghiệm trọn vẹn là phải chờ Ðấng Mê-si đến.
       Sông Ơ-phơ-rát có vài chỗ rộng và nông, có thể dùng làm bến đò. Tựu trung, có chỗ cốt yếu hơn hết là Cạt-kê-mít. Tại đó, trong đời Giô-si-a, vua Giu-đa, Pha-ra-ôn Nê-cô là vua Ai-cập đã đánh trận và bị thất bại dưới bóng cờ của vua Ba-by-lôn (II Sử ký 35:20; II Các vua 23:29; 24:7).
       Như Ba-by-lôn chỉ cách mầu nhiệm về Hội Thánh bội đạo, nước sông Ơ-phơ-rát cũng vậy: "Trên có dâm phụ ngồi" chỉ về "các dân tộc, các chúng, các nước, các tiếng" suy phục nó (Khải Huyền 17:15,16). Nước sông Ba-by-lôn khô cạn chỉ về mười vua đánh, ăn, và thiêu đốt dâm phụ (Khải Huyền 16:12).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.