Ơn ban cho thuộc linh. Dons spiritules.

       


      Trong Tân Ước, trừ ra I Phi-e-rơ 4:10, nguyên văn chárisma, nghĩa là ơn hoặc sự ban cho thuộc linh mà người nhận không phải bởi công đức riêng mình, chỉ dùng trong các thơ tín của Phao-lô; và khi dùng số nhiều thì chỉ về các ơn đặc biệt của Ðức Thánh Linh ban cho tín đồ để cung cấp cho sự hầu việc Chúa. Trong Rô-ma 12:6-8; I Cô-rinh-tô 12:4-11, 28-30; so Ê-phê-sô 4:7-12 chép sổ những ân tức đó; song không khúc nào hoàn toàn. Có ân tứ chép không thể nói chỉ thuộc riêng về sổ đó, như: "đức tin" (I Cô-rinh-tô 12:9) là điều cốt yếu chung của đời sống mọi tín đồ Ðấng Christ, dầu có tín đồ đức tin nhiều hơn; như "bố thí" và "thương xót" (Rô-ma 12:8) thuộc những ơn chung của đức tánh tín đồ, dầu có tín đồ được ban cho nhiều hơn; như "chức vụ" (Rô-ma 12:7) là công việc mọi tín đồ được gọi đến, và là mục đích của mỗi ơn ban cho đặc biệt cần phải dùng để đạt tới (Ê-phê-sô 4:12). Danh từ nầy cũng dùng chỉ về ơn thuộc linh nào, như Phao-lô mong đến thăm anh em được vững vàng trong đức tin (Rô-ma 1:11).
       Nói cách chung, từ thời Hội Thánh đầu tiên, chức vụ có thể chia làm hai phần lớn là: giảng dạy đạo và giúp việc (Công vụ các sứ đồ 6:1-4; I Cô-rinh-tô 1:17). Cũng vậy, các ơn ban cho thuộc linh mà Phao-lô chép có thể chia làm hai: những ơn tín đồ nhận để thuận hiệp với sự giảng dạy đạo, và những ơn mà tín đồ nhận để sắm sẵn làm những việc khác.
       I.        a) Ơn làm Sứ đồ (I Cô-rinh-tô 12:28); so Ê-phê-sô 4:11).-- Trong Tân Ước dùng "sứ đồ" có khi ý hẹp, có khi ý rộng. Ý hẹp là dùng chỉ về chức và ơn riêng của mười hai Sứ đồ (Ma-thi-ơ 10:2; Lu-ca 6:13; Công vụ các sứ đồ 1:25), nhưng vì cớ đặc biệt Phao-lô cũng xưng mình như thế (Rô-ma 1:1; I Cô-rinh-tô 9:1, v.v.); có lẽ cũng đặt cho Gia-cơ là em Chúa (I Cô-rinh-tô 15:7; Ga-la-ti 1:19). Ý rộng là dùng chỉ về Ba-na-ba (Công vụ các sứ đồ 14:4,14; so I Cô-rinh-tô 9:5,6), và về A-trô-ni-cơ và Giu-ni-a (Rô-ma 16:7). Ơn và chức đặc biệt của sứ đồ, theo ý rất rộng, là tuyên bố đạo Tin lành (Công vụ các sứ đồ 6:2; I Cô-rinh-tô 1:17, v.v.), và nhứt là cho người ngoại đạo, hoặc người Do-thái hoặc người ngoại bang (Ga-la-ti 2:7,8).
             b) Ơn nói tiên tri (Rô-ma 12:6; I Cô-rinh-tô 12:10,28,29) cũng gồm ý khuyên bảo (Rô-ma 12:8; so I Cô-rinh-tô 14:3). Ơn đó được ban xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần sau Chúa phục sanh, trên Hội Thánh đều cho tất cả (Công vụ các sứ đồ 2:16), song cũng có mực đặc biệt cho vài người kia được công nhận gọi là tiên tri. Chỉ trưng dẫn trực tiếp một số ít tín đồ Ðấng Christ nói tiên tri, Giu-đa và Si-la (Công vụ các sứ đồ 15:32), và những tiên tri tại thành An-ti-ốt (13:1). A-ga-bút và các tiên tri từ Giê-ru-sa-lem (11:27), bốn con gái Phi-líp, người giảng Tin lành (câu 9). Song I Cô-rinh-tô tỏ ra có mấy tiên tri trong hội đó, và có lẽ mỗi hội đều có. Có người tiên tri đi từ hội nầy qua hội kia (Công vụ các sứ đồ 11:27; 21:10).
       Chắc chức vụ tiên tri cũng có khi nhập với chức vụ sứ đồ, tỉ như Phao-lô (Công vụ các sứ đồ 13:1). Dầu vậy, có sự phân biệt cốt yếu. Như sứ đồ là người được "sai đi" đến cùng người chưa tin; còn tiên tri là người có chức trong Hội Thánh tin kính (I Cô-rinh-tô 14:4,22). Thường sứ mạng là một bài để "gây dựng, dạy dỗ và an ủi" (I Cô-rinh-tô 14:3). Thỉnh thoảng tiên tri được quyền báo cáo ý chỉ của Ðức Chúa Trời trong cơ hội đặc biệt (Công vụ các sứ đồ 13:1). Ít khi thấy nói dự ngôn về một biến động tương lai (Công vụ các sứ đồ 11:28; 21:10).
             c) Ơn nói tiên tri có quan thiệp với ơn phân biệt các thần (I Cô-rinh-tô 12:10; 14:29; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:20 so I Giăng 4:1). Một là ơn ban cho kẻ giảng, một là ban cho người nghe. Tiên tri xưng mình tỏ ra mọi sự khải thị Ngài (I Cô-rinh-tô 14:30), và bởi ơn thuộc linh phân biệt của các thính giả có thể biết đúng không? (câu 29). Có tiên tri giả cũng như có tiên tri thật; có thần sai lầm cũng như có thần chơn thật (I Giăng 4:1-6 so II Tê-sa-lô-ni-ca 2:2). Dầu chẳng nên khinh bỉ lời tiên tri, nhưng phải "thử cho biết" lời dạy của các tiên tri (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:20), và phải xem xét cách thuộc linh những lời từ Thần của Ðức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 2:14), và bởi đó có thể phân biệt với những lời cảm bởi thần dữ.
             d) Ơn dạy dỗ (Rô-ma 12:7; I Cô-rinh-tô 12:28).-- Khác nhau với người tiên tri có ơn nói những lẽ thật tươi mới, nhận được bởi sự hiện thấy và mặc thị, người dạy dỗ và người giải nghĩa và ứng dụng những lẽ đạo Ðấng Christ đã thành lập,--tức là những điều sơ học và cốt yếu thứ nhứt của lời Ðức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 5:12).
đ) Có thể là lời nói có thể thức, tức nói bởi tiên tri và cảm bởi Ðức Thánh Linh, và
             e) Lời nói khôn ngoan (I Cô-rinh-tô 12:8) là kết quả của sự học hành và suy tưởng chín chắn. Vậy, cả hai quan thiệp với chức tiên tri và chức Giáo sư.
             g) Ơn nói các thứ tiếng (I Cô-rinh-tô 12:10,28,30).-- Ơn nầy Phao-lô giải nghĩa rõ trong I Cô-rinh-tô 14:. Ơn ấy không phải là một tài năng nói các thứ tiếng ngoại quốc mình chưa biết. "Các tiếng" (glóssai) được phân biệt với "các tiếng" (phonai) mà người nước nầy được phân biệt với người nước khác (I Cô-rinh-tô 14:10,11). Vậy, khi Phao-lô nói rằng người nói tiếng lạ (glossé), ấy là thưa với Ðức Chúa Trời chẳng phải nói với người ta (câu 2,14), người nghe ta không hiểu (câu 2), chỉ chính người đó tự gây dựng lấy mình (câu 4), và trí khôn mất quyền tư tưởng đang khi cầu nguyện bằng tâm thần (câu 14), bởi đó đủ biết "các tiếng lạ" đó dường như là thứ tiếng nói lời tin kính, ngắn và khẩn thiết, lúc hầu vô ý thức, chịu cảm động đến cực độ (extatique).
             h) Ơn thông giải các tiếng lạ (I Cô-rinh-tô 12:10,30).-- Nếu ơn nói "tiếng lạ" chỉ là tài nói tiếng ngoại quốc, thì tài thông giải không cần phải là một ơn đặc biệt; vì dịch từ một tiếng ngoại quốc mà mình quen biết, không thể kể là ơn đặc biệt. Vả lại, dường như không cần phải có hai phép lạ để gây dựng Hội Thánh, tức một người được ơn đặc biệt nói tiếng ngoại quốc, và người khác được ơn đặc biệt để dịch tiếng đó. Trái lại, nếu ơn nói tiếng lạ như mô tả trong phần g), thì ơn thông giải là tài lấy lời "nói chẳng rõ ràng," dịch bằng lời dễ hiểu (I Cô-rinh-tô 14:9). Chính người nói có thể thông giải tiếng lạ mình (câu 5,13); tức là sau lúc được cảm hóa cực độ qua rồi, thì lấy những sự từng trải cao quí và những tiếng kêu ngắn mình đó mà dịch ra một thứ tiếng thường hiểu được. Hoặc nếu người ấy thiếu quyền giải nghĩa lời nói đó, thì có thể giao lại cho một người khác có ơn đặc biệt đó (câu 27,28.) Như một người có thiên tài vẽ ra bức tranh, hoặc làm một bản đờn, mà có lẽ không thể giải nghĩa ra, chỉ người có biệt tài bình phẩm mới làm được; cũng vậy, những lời nói hầu vô ý thức trong lúc chịu cảm hóa cực độ của người được ơn nói tiếng lạ có lẽ cần một người có ơn thông giải để gây dựng Hội Thánh.
       II.        a) Ơn làm phép lạ (I Cô-rinh-tô 12:10,28,29). Tiếng nguyên văn về những phép lạ dùng trong đoạn 12: nầy (dúnameis), tức "những quyền lực" cũng dùng trong sách Công vụ các sứ đồ (8:7,13; 19:11,12) để gồm lại những phép lạ trừ quỉ và chữa tật bịnh mà trong sổ Phao-lô gọi là "ơn chữa bịnh". Ấy khác nhau với tài một thầy thuốc thường, vì "những quyền lực" đó chỉ về một tài năng cao xa hơn có thể gọi là ơn làm phép lạ mà chỉ mấy tín đồ kia có. Trong II Cô-rinh-tô 12:12, Phao-lô nói về những quyền lực dùng tại Cô-rinh-tô như là "bằng cớ về chức sứ đồ." Trong Hê-bơ-rơ 2:4, tác giả nói về "Ðức Chúa Trời cũng dùng những dấu kỳ, sự lạ...để làm chứng với các kẻ đó." Trong Rô-ma 15:18,19, Phao-lô nói về những ơn làm phép lạ ban cho mình như là ơn mà Ðấng Christ dùng để khiến dân ngoại vâng phục Ngài. Vậy, những việc làm bởi "những quyền lực" đó có liên lạc với chức vụ truyền đạo, nhưng như ơn chữa bịnh phải coi như là một ơn ban phước và thứ nhì như là một ơn để làm chứng về lẽ thật và người giảng. Trong sách Công vụ các sứ đồ mấy lần tỏ ra "những quyền lực" khác nhau với sự chữa bịnh thường, như: Sự sống lại của Ta-bi-tha (9:36), và của Ơ-tích (20:9), với phép lạ chữa lành người què tại cửa Ðẹp (3:1), và người đau bại tên là Ê-nê (9:32).
             b) Ơn chữa bịnh (I Cô-rinh-tô 12:9,28,30). Trong Cựu Ước nhiều lần chép Ðức Chúa Trời chữa bịnh (Sáng thế ký 20:17; Xuất Ê-díp-tô ký 15:26; Thi Thiên 103:3; 147:3, v.v.), và người cầu Ngài chữa lành (Dân số ký 12:13; II Các vua 20:5, v.v.). Cũng có lời tiên tri về Ðấng Christ: "Bởi lằn roi Người chúng ta được lành bịnh" (Ê-sai 53:5); và "trong cánh mặt trời công bình có sự chữa bịnh" (Ma-la-chi 4:2). Dầu vậy, trong Tân Ước mới chép về "được ơn chữa bịnh" trong sổ các sự ban cho thuộc linh (I Cô-rinh-tô 12:4-11,28). Về ơn nầy xin chia làm ba phần:
       1. Những thực sự Tân Ước.--
       Bốn sách Tin lành tỏ rõ chức vụ chính Ðấng Christ là Ðấng chữa bịnh chẳng khác gì Ðấng dạy dỗ (so Mác 1:14 với câu 32-34). Khi Ngài sai Mười hai Sứ đồ (Mác 6:7,13) và Bảy mươi môn đồ (Lu-ca 10:1,9), chẳng những chỉ giảng về Nước Ðức Chúa Trời, song cũng chữa cho kẻ có bịnh. Mấy câu cuối cùng sách Mác cũng làm chứng rằng sau khi Ngài lên trời, các môn đồ vẫn còn có ơn chữa lành (16:18). Sách Công vụ các sứ đồ cũng chép nhiều chứng cớ về các Sứ đồ và những người đứng đầu trong Hội Thánh đầu tiên dùng ơn đó nữa (Công vụ các sứ đồ 3:7; 5:12-16; 8:7; 19:12; 28:8); và thơ Gia-cơ chép về chức vụ chữa bịnh của các trưởng lão trong Hội Thánh (Gia-cơ 5:14). Song Phao-lô trong I Cô-rinh-tô 12:4-11,28 nói về "kẻ được ơn chữa bịnh" như thuộc về các sự ban cho thuộc linh giữa những tín đồ Hội Thánh. Dường như có tín đồ không có chức gì, song cũng lãnh ơn đặc biệt để chữa bịnh.
       2. Ơn chữa bịnh thế nào.--
       Dầu Tân Ước không nói trực tiếp song có chứng cớ để quyết định về vấn đề nầy. Ðể dùng ơn đó, người được chữa bịnh phải có lòng tin (Mác 6:5,6; 10:52; Công vụ các sứ đồ 14:9),--tức tin cậy Ðức Chúa Trời và người có ơn đó nữa (Công vụ các sứ đồ 3:4; 5:15; 9:17). Người có ơn chữa lành phải là người có đức tin lớn (Ma-thi-ơ 17:19), và bởi đó giúp đỡ người đau hết lòng tin cậy Chúa nữa. Nhưng ở đây phải nhớ: không có ơn nào Chúa ban cho mà ma quỉ không làm giả mạo và bắt chước. Vậy, ngày nay khoa tâm lý học chứng rằng một người có thể gợi ý cảm động người đau để được chữa bịnh. Bởi đó, khoa học có khi gợi ý để cảm động phần trí khôn tiềm thức người đau yếu đến nỗi phần trí khôn đó sẽ thả ra những năng lực của cõi thiên nhiên để chữa người mắc bịnh. Nhưng phải cẩn thận phân biệt, ấy không phải là được chữa lành bởi ơn thuộc linh Chúa ban cho, vì là nhờ người chớ không phải nhờ Ngài. Trong lịch sử Hội Thánh nói đến nhiều tín đồ có ơn Ngài ban cho để chữa bịnh, như Martin Luther "tại kinh thành Weimar có kéo Malanchton ra khỏi chính hàm của sự chết." Ấy tỏ rõ đức tin đến Ðức Chúa Trời hành động trong tấm lòng của thân thể là một trong "những quyền lực" rất lớn để chữa bịnh, và một người có ơn thuộc linh Chúa ban cho có thể dắt đem kẻ khác cũng đến tin Chúa để được chữa bịnh.
       3. Ơn chữa bịnh vẫn còn.-- Có chứng cớ dự dật tỏ rõ trong mấy thế kỷ Hội Thánh đầu tiên cứ nhờ ơn đặc biệt đó để chữa lành. Justin Martyr, Irénée, Tertullien, Origène, v.v. đều viết như thế. Nhưng sự hành động tự do của ơn đó dần dần đình chỉ, chắc một phần vì mất đức tin và sự thuộc linh đầu tiên, một phần vì lẽ đạo "hãm ép thân thể" khiến cho không còn biết Tin lành Ðấng Christ đối với thân thể, và dẫn đến vấn đề đau ốm và bịnh tật cần thiết về Tin lành nuôi linh hồn. Suốt cả lịch sử Hội Thánh, có nhiều vĩ nhân đáng chú trọng như Francois d'Assise, Luther, Wesley, Simpson, v.v., và nhiều chi hội như Waldenses, Moravians, Quakers, Christian and Missionary Alliance, v.v., đều đã quả quyết về phương diện Tin lành Ðấng Christ quan hệ với thân thể không kém gì với tội lỗi, và đặt ơn đó giữa các ơn ban cho của Ðức Thánh Linh như Phao-lô chép. Trong mấy mươi năm vừa rồi, trong Hội Thánh có nhiều nhóm tín đồ hợp thành các đoàn thể để hành động chức vụ của ơn chữa bịnh, nên đã sanh ra một khẩu hiệu: "Ðấng Christ cho thân thể." Song cũng đáng chú ý: hầu hết lòng tin về ơn ban cho để chữa bịnh, nhưng trong mấy cuộc lưu hành cuối cùng, Phao-lô đã chọn Lu-ca là thầy thuốc làm bạn đồng hành với mình, và Lu-ca cũng dự phần với Phao-lô trong sự cầu nguyện cho kẻ bịnh đến nỗi "ai nấy trong đảo có bịnh, đều... được chữa lành cả" (Công vụ các sứ đồ 28:9). Trong Hội Thánh hiện tại có bổn phận rất quan hệ tức là phải chứng quyết, giống Hội Thánh đầu tiên, về ơn chữa bịnh vẫn thuộc những sự ban cho thuộc linh mà Ngài sẵn lòng cho tín đồ nào trung tín cầu nguyện cho bịnh nhơn như chép trong Gia-cơ 5:14,15.
             c) Ơn cai trị. (Rô-ma 12:8), hoặc cai quản (I Cô-rinh-tô 12:28).-- Ấy là ơn ban cho để khuyên bảo và chỉ dẫn cách khôn ngoan trong những việc hằng ngày của Hội Thánh, như về sau lần lần giao lại cho các trưởng lão và mục sư. Khi Phao-lô gởi thơ cho Hội Thánh Cô-rinh-tô, việc cai trị Hội Thánh phải nhờ những tín đồ có ơn đặc biệt đó để khuyên bảo, mà sự khôn ngoan của những người đó chứng rằng Ðức Chúa Trời bởi Ðức Thánh Linh đã ban cho họ.
             d) Ơn cứu giúp.-- (I Cô-rinh-tô 12:28). Có người tưởng rằng, về sổ các sự ban cho thuộc linh của Phao-lô, ấy chỉ về những việc hèn hạ nhứt mà tín đồ có thể làm để hầu việc Ngài. song theo nguyên văn của Septante và bản chép trên vỏ cây papyrus ông chỉ về người mạnh giúp đỡ kẻ yếu, như cũng dùng trong Công vụ các sứ đồ 20:35, khi Phao-lô khuyên các trưởng lão Hội Thánh Ê-phê-sô: "Phải chịu khó làm việc như vậy, để giúp đỡ người yếu đuối." Vậy, như ơn cai trị dẫn đến chức trưởng lão và mục sư, cũng thế, ơn cứu giúp dẫn đến ý nghĩa của chức chấp sự, tức là "hầu việc" và đầu nhứt giúp đỡ người nghèo (Công vụ các sứ đồ 6:1).
       Tiến sĩ Scofield chú thích về sự ban cho thuộc linh:
       Ê-phê-sô 4:11.-- Trong I Cô-rinh-tô 12:8-28 thấy Ðức Thánh Linh đang ban cho các tín đồ thuộc thân thể Ðấng Christ các ơn tứ thuộc linh hoặc các năng lực để làm những việc khác nhau; ở đây, những người kia đã được mặc lấy Ðức Thánh Linh, như: Sứ đồ, tiên tri, truyền đạo, mục sư và giáo sư, chính những người ấy là những ơn tứ mà Ðấng Christ vinh hiển ban cho thân thể Ngài là Hội Thánh. Trong thơ Cô-rinh-tô, các ơn tứ là những năng lực thuộc linh để làm những việc riêng biệt; trong thơ Ê-phê-sô, các ơn tứ là những người có các năng lực đó.
       Khi ban cho Hội Thánh người được ơn tứ như thế, Chúa nhứt định, theo ý quyết đoán Ngài (Công vụ các sứ đồ 11:22-26), hoặc trực tiếp bởi Ðức Thánh Linh (Công vụ các sứ đồ 13:1,2; 16:6,7), những nơi các người đó phải hầu việc Ngài. Có hội cần người có một ơn tứ như truyền đạo; có hội khác cần mục sư hoặc giáo sư hơn. Trong sự hầu việc Ðấng Christ, chẳng hề có việc nào chỉ nhờ người từ mình đoán định hoặc lựa chọn. Cả đến Sứ đồ cũng không được phép tự mình chọn lấy một nơi để hầu việc (Công vụ các sứ đồ 16:7,8).
       I Cô-rinh-tô 12:1.-- Nguyên văn "pneumatika" ý theo chữ là "những sự thuộc linh," tức những vấn đề thuộc hoặc từ Ðức Thánh Linh, làm chìa khóa cho ba đoạn 12:; 13:; 14:. Ðoạn 12: về Ðức Thánh Linh có quan hệ đến thân thể của Ðấng Christ (tức Hội Thánh). Sự quan hệ nầy có hai mặt:
       1. Lễ báp-têm với Ðức Thánh Linh thành Thân thể bởi hiệp một các tín đồ với Ðấng Christ là Ðầu đã phục sanh và vinh hiển (câu 12,13). Hình bóng về Thân thể được thành như thế là thân thể tự nhiên của người (câu 12), và mọi sự tương tự về thân thể dùng cách tự do (câu 14-26).
       2. Mỗi tín đồ lãnh một năng lực thuộc linh ban cho để làm những việc riêng biệt. Không có tín đồ nào không có ơn tứ như thế (câu 7,11,27), song trong sự phân phát Ðức Thánh Linh có quyền cao cả tự do hành động (câu 11). Người không có thể tự lựa chọn, và sự hầu việc Ðấng Christ chỉ là chức vụ của ơn tứ đó như cá nhơn nhận lãnh (so Rô-ma 12:4-8).
       3. Các ơn tứ khác nhau (câu 6, 8-10, 28-30) song hết thảy đều tôn trọng vì được ban cho bởi một Ðức Thánh Linh, được dùng dưới một Chúa, và được quyền lực để hành động bởi một Ðức Chúa Trời .
       I Cô-rinh-tô 14:1.-- Vấn đề vẫn là "pneumatika." Ðoạn 12: mô tả các ơn tứ và Thân thể; đoạn 13: mô tả sự yêu thương, chỉ sự yêu thương đó khiến chức vụ của ơn tứ đó có giá trị; đoạn 14: cai trị chức vụ của ơn tứ trong sự nhóm họp của các tín đồ như trong Hội Thánh Sứ đồ đầu tiên.
             1. Ơn tứ quan hệ là tiên tri (câu 1). Tiên tri Tân Ước chẳng những là người giảng, song là một người giảng được soi dẫn, và cũng bởi người đó được những khải thị mới thuận hiệp với thời đại mới cho đến khi nào Tân Ước đã chép rồi (I Cô-rinh-tô 14:29,30).
             2. Ơn nói tiếng lạ là một dấu sẽ thôi, và trước đó phải dùng cách hạn chế và chỉ khi nào một người thông giải có mặt (câu 1-19,27,28).
             3. Trong Hội Thánh đầu tiên, có tự do cho chức vụ mọi ơn tứ có ở đó, nhưng ơn tiên tri là đầu nhứt (câu 23-26,31,39).
             4. Lúc đó, khi "cả Hội Thánh" họp lại trong "một nơi," đờn bà phải nín lặng (câu 34,35; so I Cô-rinh-tô 11:3-16; I Ti-mô-thê 2:11,14).
             5. Những điều khuyên đó xưng là "mạng lịnh của Chúa" (câu 36,37).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.