Là loài côn trùng gây mật (Các quan xét 14:8,18). Xứ Pha-lê-tin có nhiều ong, vì theo bài Môi-se mô tả, thì ấy là Xứ "đượm sữa và mật" (Xuất Ê-díp-tô ký 3:8; so Sáng thế ký 43:11; Ê-xê-chi-ên 27:17). Ong thường làm tổ trong các hóc đá (Thi Thiên 81:16), hoặc trong rừng cây (I Sa-mu-ên 14:25), nhứt là trong xứ Giu-đa (Ê-xê-chi-ên 27:17; so Ma-thi-ơ 3:4). Ong ở các xứ phương Ðông là xứ khí hậu rất nóng, nên nọc độc nó chích có thể sanh những chứng nguy hiểm.
Ong, bằng tiếng Hê-bơ-rơ là Deborah, bao giờ cũng gợi ý sự siêng năng, kết quả, ngọt ngào; bởi đó thường lấy mà đặt tên cho người nữ, như mụ vú của Rê-bê-ca (Sáng thế ký 35:8, và một nữ quan xét (Các quan xét 4:). Phục truyền luật lệ ký 1:44 so sánh dân A-mô-rít với một bầy ong giận dữ vây hãm và dạn dĩ đuổi người Y-sơ-ra-ên đi (so Thi Thiên 118:12). Ê-sai 7:18 chép: "Ðức Giê-hô-va sẽ suýt mà gọi..., những ong ở xứ A-sy-ri". Ðây, ví ong với đạo binh A-sy-ri mà Ðức Chúa Trời dùng để đoán phạt Y-sơ-ra-ên; cũng ngụ ý đến một thói quen "dùng tiếng suýt hay huýt sáo mà gọi ong ra ngoài tổ để làm việc, và đến chiều lại gọi chúng về". Xa-cha-ri 10:8 chép: "Chúa sẽ suýt gọi mà nhóm hiệp Y-sơ-ra-ên lại vì đã chuộc lại".
Sam-sôn lấy mật làm câu đố: "Của ăn từ giống ăn mà ra, vật ngọt từ giống mạnh mà ra (Các quan xét 14:14). Ðây, là hình bóng về một Ðấng mạnh hơn "chia mọi của cướp" với các bạn hữu mình, sau khi đã diệt sư tử mạnh mẽ và dữ tợn (Sa-tan), lưu xuất sự sống và lương thực thuộc linh từ sự chết, và sự ngọt ngào từ sự đau khổ (Lu-ca 11:21,22; Hê-bơ-rơ 2:14,15).
Trong II Sa-mu-ên 17:29; Giê-rê-mi 41:8; Ê-xê-chi-ên 16:13,19 nói dân cư ở Pha-lê-tin dùng mật để ăn, như Giăng Báp-tít (Ma-thi-ơ 3:4). Ê-sai 7:15,16 có chép về Em-ma-nu-ên: "Con trẻ đó sẽ ăn mỡ sữa và mật", vậy biết mật là món ăn thường của con trẻ, và tỏ ra Ðấng Em-ma-nu-ên thật là người.