Pha-lê-tin. xứ Palestine.

       

      I. Nghĩa tên.-- Nguyên văn Hê-bơ-rơ là Pelesheth: Xuất Ê-díp-tô ký 15:14 dịch là xứ Pha-lê-tin: Thi Thiên 60:8; 108:9; Ê-sai 14:29,31 dịch đất Phi-li-tin; Giô-ên 3:4, địa hạt Phi-li-tin; Thi Thiên 87:4, Phi-li-tin; và Thi Thiên 83:7 là người Phi-li-tin. Ðối với người Hê-bơ-rơ xưa, Pelesheth chỉ là một dãy đất dài và rộng miền đồng bằng bờ biển Ðịa-trung-hải. Vì nằm kế biển, và là đường cái từ Ai-cập đến xứ Phê-ni-xi với những xứ giàu có phía Bắc xa hơn nữa, thì đồng bằng Pha-lê-tin được người Tây phương biết sớm hơn và đặt tên là Philistine-Syrie. Từ đó, tên nầy dần dần chỉ về đất rộng hơn, đến nỗi các văn sĩ La-mã và sau Hy-lạp, cả bổn đạo với người ngoại, đều đặt tên nầy cho cả xứ người Do-thái, cả phía Ðông lẫn Tây sông Giô-đanh. Vậy, ngày nay, xứ Pha-lê-tin chỉ về một xứ ở khu vực Tây nam châu Á gồm lại phía Nam xứ Sy-ri.
       II. Các tên khác.-- Trong Kinh Thánh có mấy tên đặt cho xứ Pha-lê-tin:
             1. Trong đời các tổ phụ, thời chiếm xứ, thời các Quan-xét, và về sau sách nào nói đến ba thời đó (như Thi Thiên 105:11), thì xứ Pha-lê-tin thường gọi là "Ca-na-an" hoặc "xứ Ca-na-an" để chỉ về xứ phía Tây sông Giô-đanh như trái với "xứ Ga-la-át" phía Ðông.
             2. Trong thời quân chủ, có khi gọi là "xứ Y-sơ-ra-ên" (I Sa-mu-ên 13:19; II Các vua 5:2,4 v.v.). Ê-xê-chi-ên ưa dùng đến. Lòng ngay thẳng, tin kính của Ô-sê được tỏ ra khi đặt tên là "đất của Ðức Giê-hô-va" (Ô-sê 9:3). Xa-cha-ri gọi là "đất thánh" (2:12); Ða-ni-ên 11:41 là "đất vinh hiển," và Hê-bơ-rơ 11:9 là "xứ đã hứa." chỉ A-mốt 2:10 gọi là "đất của người A-mô-rít." Có khi chỉ gọi vắn tắt là "xứ" hoặc "đất" (Ru-tơ 1:1; Giê-rê-mi 22:27; Lu-ca 4:25; 23:44, v.v.).  
             3. Giữa thời bắt làm phu tù và thời Chúa giáng sanh thì nghĩa tên "Giu-đê" lan rộng đến nỗi chẳng những gồm lại phía Nam song cả xứ với phía Ðông sông Giô-đanh nữa (Ma-thi-ơ 19:1; Mác 10:1). Trong Lu-ca 23:5 chỉ về xứ giữa đồng bằng Esdraelon và xứ Sa-ma-ri, dầu trong Giăng 4:3; 7:1 dùng cách đúng.
             4. Ðế quốc La-mã chia xứ khác nhau với lối chép trong Kinh Thánh, và dường như không đặt tên riêng nào cho xứ mà ta vẫn gọi là Pha-lê-tin.
             5. Song sau khi kỷ nguyên Ðấng Christ bắt đầu thường đặt tên là Palaestina.
             6. Từ đời trung cổ đến ngày nay, tên dùng rất nhiều là Terra Sancta, tức xứ Thánh (Xa-cha-ri 2:12).
       III. Ðịa giới và diện tích xứ Pha-lê-tin.-- Xưa, dân Hê-bơ-rơ ở khắp miền từ Ca-đe-Ba-nê-a và dòng nước wady el-'Arish phía Nam đến núi Hẹt-môn phía Bắc, và từ biển Ðịa-trung-hải phía Tây đến đồng vắng phía Ðông, trừ ra đồng bằng của người Phi-li-tin và xứ dân Mô-áp. Trong mấy đời trị vì thịnh vượng của các vua thế lực, bờ cõi Pha-lê-tin lan rộng đến Ha-mác và Ða-mách, còn xa hơn nữa, tới sông Ơ-phơ-rát, và vượt qua xứ Am-môn, Mô-áp và Ê-đôm. Xưa, người Hê-bơ-rơ hay nói rằng xứ mình từ Ðan đến Bê-e-Sê-ba độ 240 cây số. Theo đó thì giới hạn phía Nam là dòng nước wady el-Fikreh và sôngạ t-nôn; ấy gồm lại các nơi đông dân cư. Lấy địa giới hẹp nầy, phải trừ phần đất của chi phái Si-mê-ôn và một phần của chi phái Si-mê-ôn và một phần của chi phái Nép-ta-li, thì những địa giới đó thành một hình chữ nhựt lệch, theo đường vĩ tuyến (latitude) từ Ðan đến phía cực Nam Biển Chết độ 230 cây số, và rộng chừng 110 cây số. Vậy diện tích là chừng 26.000 cây số vuông. Trong đời Ðấng Christ, diện tích nầy chia ba: phía Bắc là xứ Ga-li-lê, phía Trung là xứ Sa-ma-ri và phía Nam là xứ Giu-đê. Ấy gồm lại xứ người Phi-li-tin, từ Cạt-mên dọc bờ Ðịa-trung-hải đến Bê-e-Sê-sa, diện tích là 4.600 cây số vuông; vậy, để lại 21.400 cây số vuông mà dân Hê-bơ-rơ ở. Theo lối tính đó, thì Pha-lê-tin phía Ðông từ núi Hẹt-môn đến sôngạ t-nôn có một diện tích độ 10.500 cây số vuông; và Pha-lê-tin phía Tây, cho đến cực Nam là Bê-e-Sê-ba và gồm lại xứ Phi-li-tin, diện tích độ 15.500 cây số vuông.
       IV. Dân số.-- Hồi chiếm lấy xứ Ca-na-an, dân số người Hê-bơ-rơ là 600.000 người nam trên hai mươi tuổi, như vậy tổng số cả dân sự độ 2.160.000. ở rải rác trên một diện tích độ 21.400 cây số vuông. Ða-vít tu bộ dân sự trong một diện tích rộng hơn nhiều. Năm 1929 S.C., dân số xứ Pha-lê-tin có 843.000 người kiều ngụ nhứt định, và 103.000 thường là dân du mục, phần nhiều theo đạo Hồi-hồi. Trong số đó, từ 1918 đến 1929 số người Do-thái kiều ngụ nhứt định trong xứ Pha-lê-tin thêm từ 56.000 đến 165.000 người, và từ đó đến 1940 đã thêm càng nhiều hơn nữa.
       V. Ðịa chất xứ Pha-lê-tin.-- Nói cách chung, đất xứ Pha-lê-tin là một lớp đá hồng sa đặt trên một từng đá xanh đầu tiên. Trên lớp hồng sa có lớp đá tro trắng (đá vôi) là đá thấy rất nhiều trong cả xứ. Trên đó, có một lớp đá vôi hình đồng tiền với đất phù sa. Vì xứ Pha-lê-tin ở trong vòng các cơn động đất xảy ra trong đời thái cổ và đời kế sau, nên có mấy phần xứ bị rúng động nhiều, và ở miền Ðông bắc thấy có những tảng đá rất lớn từ hỏa diệm sơn đã phun ra. Tại Giê-ru-sa-lem, có hai lớp đất đá vôi, lớn ở trên cứng hơn mà dân cư gọi là misseh, và lớp ở dưới mềm hơn gọi là melekeh. Những hồ chứa nước, mồ mả, và hầm dưới và xung quanh thành, đã đào trong lớp đá mềm melekeh, còn những nền nhà đều xây trên lớp đá cứng misseh. Từ các mỏ đá ở gần cửa Ða-mách thành Giê-ru-sa-lem, xưa người ta lấy đá để xây các tường Ðền thờ.
       VI. Ðịa dư hình thế.-- Từ Bắc chí Nam, xứ Pha-lê-tin chia làm bốn hàng:
             1. Ðồng bằng ở bờ Ðịa-trung-hải.
             2. Dãy núi phí Tây, hoặc Trung ương.
             3. Trũng sông Giô-đanh, và
                  4. Dãy núi phía Ðông. Pha-lê-tin phía Tây sông Giô-đanh là miền gồ ghề ra từ những đống đá vôi từ 700 đến 900 thước cao hơn mặt biển. Trũng Giô-đanh phía Bắc rộng một cây số và phía Nam độ mười lăm cây số, là một vực sâu lạ thay! Ấy bắt đầu từ chơn núi Hẹt-môn, độ 500 thước cao hơn mặt Ðịa-trung-hải, song mỗi bên có núi cao, và càng về hướng Nam càng sâu. Vậy, tới hồ Mê-rôm lòng trũng ngang với mặt biển Ðịa-trung-hải tới hồ Ga-li-lê là 200 thước dưới mặt biển, và tới Biển Chết thì thấp hơn mặt Ðịa-trung-hải 390 thước. Dãy núi phía Tây bị đồng bằng Esdraelon cắt đứt và mở một đường từ đồng bằng bờ biển đến trũng sông Giô-đanh. Hết dãy núi phía Tây nầy, về hướng Nam, thì xuống một cao nguyên rộng gọi là Négeb (đất khô) cho đến miền Bắc hồ Ga-li-lê. Những núi thấp hơn gọi là miền Shephelah ở giữa xứ Giu-đê và đồng bằng bờ biển là đồng bằng ở phía bắc bị núi Cạt-mên cắt đứt. Phần đồng bằng bờ biển giữa núi Cạt-mên và thành Giốp-bê xưa gọi là Sa-rôn (Nhã Ca 2:1), và phần phía Nam Giốp-bê xưa có người Phi-li-tin ở. Vì đất phì nhiêu nên vẫn đông dân cư.
       Những sông ở xứ Pha-lê-tin là Giô-đanh với hai hồ Mê-rôm và Ga-li-lê, và những sông con từ phía Ðông chảy vào sông Giô-đanh;ạ t-nôn từ phía Ðông chảy vào Biển Chết; và sông Ki-sôn từ trũng Gít-rê-ên chảy ra Ðịa-trung-hải ở phía Bắc núi Cạt-mên.
       Trên bờ Ðịa-trung-hải, ở phía Bắc núi Cạt-mên, có hải cảng tự nhiên, đủ rộng và sâu để cho các tàu người Phê-ni-xi xưa, như Accho, và xa hơn phía Bắc Ty-rơ, Sa-rép-ta, Si-đôn, và Byblus (Beyrouth). Ở phía Nam núi Cạt-mên, thì bờ biển bằng phẳng cho đến sông Ni-lơ xứ Ai-cập, nên không có cửa biển tự nhiên. Vậy, các cảng Sê-sa-rê, Gióp-bê, Ách-ca-lôn, và Ga-xa phải xây bằng đường đá ra biển.
       VII. Những đường chính.-- Dầu nhỏ nhưng xứ Pha-lê-tin ở nơi rất quan hệ giữa các đế quốc xưa. Con đường thương mại và võ bị giữa Ai-cập và những đế quốc Ðông phương phải đi qua xứ Pha-lê-tin. Ðường đó từ Ai-cập gặp dòng Wady el-'Arish, theo bờ biển đến Ga-xa, tại đó gặp một đường từ Ê-lát trên vịnh Akaba và xứ A-ra-bi, và cứ qua đồng bằng người Phi-li-tin đến Ách-đốt. Từ đó đường chia hai: một cứ theo bờ biển đến Giốp-bê, và Ðô-rơ và để đi qua núi Cạt-mên phải theo một khu đất hẹp hòi mấy mươi thước thôi; một dùng rất nhiều, cứ tiếp từ Ách-đốt qua Éc-rôn và Lót, và đi một trong ba đèo để qua các núi đến đồng bằng Esdralon. Ðường theo bờ biển cứ đi qua Acre, Ty-rơ, Si-đôn và miền Bắc. Ðường khác đi qua đồng bằng Esdraelon và Hạ Ga-li-lê đến đồng bằng Ghê-nê-sa-rết, theo sông Giô-đanh phía Bắc, chia làm hai: một vào trũng sông Léontes giữa Li-ban và An-ti-li-ban dẫn đến Ha-mát và phía Bắc; và một qua sông Giô-đanh giữa hồ Mê-rôm và hồ Ga-li-lê, và đi phía Ðông bắc tới Ða-mách. Ðường thứ ba có rất nhiều người đi, từ đồng bằng bờ biển đi qua đồng bằng Ðô-than đến En-ca-nim, tại đó chia ra, một đường liền với đường nói trước qua miền Hạ Ga-li-lê, và đường khác dẫn đến Bết-Sê-an, và chia lần nữa, tới Ga-la-át hoặc Ða-mách. Bất cứ đi đường nào về phía Bắc nầy cũng có thể tới Cạt-kê-mít trên bờ sông Ơ-phơ-rát.
       Có đường khác từ đồng bằng Esdraelon đến Ai-cập. Nó đi qua miền núi, qua Sa-ma-ri, Si-chem, Bê-tên, Giê-ru-sa-lem, Bết-lê-hem. Hếp-rôn và Bê-e-Sê-ba. Tại đó có thể chọn mấy đường: có thể đi hướng Tây để gặp đường dọc theo bờ biển, hoặc đi hướng Nam qua Rê-hô-bốt, qua sa mạc tới Ai-cập. Có một đường khác bắt đầu từ Bết-Sê-an tới Ê-đôm, theo trũng sông Giô-đanh, khi tới Giê-ri-cô có thể đi đường dốc lên Giê-ru-sa-lem, hoặc theo bờ Tây Biển Chết tới Ên-Ghê-đi. Tại đó, đường nầy gặp đường từ Giê-ru-sa-lem và Bết-lê-hem, và cứ đi tới Ê-đôm và Ê-lát ở đầu Biển Ðỏ, và ở đó gặp các đường từ Ai-cập và Ga-xa để tới phía Nam xứ A-ra-bi.
       Phía Ðông Giô-đanh, có một đường cái từ Ða-mách phía Bắc theo bờ đồng vắng xuống xứ A-ra-bi phía Nam. Có ba đường con, một từ Bết-Sê-an, một từ Si-chem, và một từ Giê-ri-cô gặp đường cái nầy.
       Phía Tây Giô-đanh, có một đường từ Acre phía Ðông gặp đường đi Ða-mách gần nơi qua sông Giô-đanh giữa hồ Mê-rôm và hồ Ga-li-lê. Có đường từ đồng bằng Sa-rôn đi ngang miền cao nguyên của chi phái Bên-gia-min và Giu-đa, gặp đường từ Sa-ma-ri để tới Giê-ru-sa-lem ở nơi cách xa phía Tây nam Bê-tên ba cây số. Cũng có đường khác từ cảng Joppa dẫn đến Giê-ru-sa-lem tới trũng A-gia-lôn và Bết-hô-rôn. Từ Ách-đốt còn có đường đi qua Bết-Sê-mết để tới Giê-ru-sa-lem và đường khác đi qua Sô-cô. Còn có đường đi từ đồng bằng Phi-li-tin qua La-ki và tới Hếp-rôn trong miền núi Shephelah.
       VIII. Khí hậu.-- Khí hậu xứ Pha-lê-tin giống các xứ trên bờ Ðịa-trung-hải, dầu có nơi người ta mắc bịnh sốt rét vì cớ muỗi, nhưng tốt hơn trung châu xứ Ai-cập hay là xứ Mê-sô-bô-ta-mi. Sức nóng mùa Hạ chỉ oi bức trong luôn mấy ngày, nhứt là thàng Mai khi có gió hanh từ đồng vắng phía Ðông. Còn phần lớn mùa Hạ có cơn gió mát từ ngoài biển đượm ẩm ướt thổi từ mười giờ sáng đến chiều tối, và làm cho dốc phía Tây các núi được phì nhiêu. Trong đồng vắng khô khan, nhiệt độ khác nhau, ban ngày từ 32 độ xuống đến 5 độ ban đêm. Khi có gió từ phía Ðông thì nhiệt độ lên tới 41 độ và buổi tối bức lắm. Trong trũng Giô-đanh, mùa Thu, nơi bóng mát lên đến 48 độ. Trong mùa nầy, sương mù che các núi và làm cho các trái nho chín mọng. Mùa Ðông, tuyết có khi phủ lấp trong mấy ngày những khe núi và trên núi xứ Ê-đôm, nhưng mùa Hạ có khi núi Hẹt-môn (2770 thước cao) không có tuyết. Có lẽ không xứ nào có thể tìm khí hậu khác nhau như ở Pha-lê-tin.
       IX. Mưa.-- Hằng năm, nước mưa ở xứ Pha-lê-tin là từ 50 đến 75 phần. "Mưa đầu mùa" bắt đầu với cơn giông có sấm sét trong tháng Novembre, và "mưa cuối mùa" thổi với những cơn mưa rào tháng Avrit. Từ Décembre đến Février -- trừ các năm hạn hán, -- nước mưa nặng hột. Phần nhiều các năm có đủ nước mưa để cày cấy. Mùa Thu, người ta bắt đầu cày ruộng, và lúa mì ít khi bị hư bởi cơn giông mùa Hạ. Những trái cây chín trong mùa Thu, và chỉ thỉnh thoảng bị thiệt hại bởi những đám cào cào. Từ hồi chép Kinh Thánh, dường như không có cớ để tin khí hậu hoặc nước mưa thay đổi gì.
       Theo Sáng thế ký 12:10; 26:2; 41:50; Lê-vi ký 26:20; II Sa-mu-ên 21:1; I Các vua 8:35; Ê-sai 5:6; Giê-rê-mi 14:1; Giô-ên 1:10-12; A-ghê 1:11; Xa-cha-ri 14:17, thì thấy có cơn hạn hán và đói kém xảy ra suốt cả năm. Mưa thuận là một phước lành từ Ðức Chúa Trời, và cơn hạn hán là dấu chỉ Ngài không đẹp lòng (Phục truyền luật lệ ký 11:14; Giê-rê-mi 5:24; Giô-ên 2:23). Một cơn giông có sấm sét lúc mùa gặt (Mai) là sự bất thường (I Sa-mu-ên 12:17,18). Nhưng ngày nay cũng như thế. "Tuyết mát mẻ trong ngày mùa gặt" (Châm Ngôn 25:13) không chỉ về một cơn bão tuyết, vì so với "sứ giả trung tín", chắc chỉ về lối dùng tuyết để cho rượu lạnh như ngày nay làm ở Ða-mách.
       X. Ðộng vật và thảo mộc.-- Ấy ngày nay dường giống như trong đời Kinh Thánh. Sư tử và bò rừng bị tuyệt diệt trong thời lịch sử, song còn lại ít xương trong các đá các sông Giô-đanh và trong các hang. Gấu thì lần lần ẩn tránh trên núi Hẹt-môn và Li-ban. Từ lúc Hồi giáo xâm chiếm xứ, mới có trâu. Về thảo mộc, thì cây táo không trồng từ đời Trung cổ, và người ta đã đem cây xương rồng vào. Dầu vậy, từ khi dân Do-thái bắt đầu từ các dân tộc trở về, thì xứ Pha-lê-tin nổi danh tiếng về các trái nhứt là cam, và vẫn là xứ của lúa mì, dầu và rượu. Trước các rừng đã bị đốt bớt nhiều trong miền Hạ Ga-li-lê và đồng bằng Sa-rôn phía Bắc, nhưng ngày nay, người Do-thái ở đó hết sức trồng nhiều cây khắp xứ.
       XI. Nhân chủng ở xứ Pha-lê-tin.-- Những thổ dân xưa ở Pha-lê-tin là một giống cao và khỏe mạnh, gồm lại giống A-na-kim (Giô-suê 11:21,22), Rê-pha-im (Sáng thế ký 14:5), Ê-mim, Xam-xu-mim, và Hô-rít (Phục truyền luật lệ ký 2:10-23). Những dấu tích của thổ dân hẳn còn cho đến thời quân chủ (II Sa-mu-ên 21:16-22). Khi Áp-ra-ham đến, phần đông xứ là người A-mô-rít ở, với những bộ lạc nhỏ của dân Ca-na-an, song người Phi-li-tin và người Phê-ni-xi kiều ngụ trong đồng bằng bờ biển, và người Hê-tít kiều ngụ trên bờ cõi phía Bắc và ở Hếp-rôn. Người Hê-tít được coi là dân từ dãy núi Taurus trong Tiểu A-si, người Pha-lê-tin vốn từ phía Tây có lẽ từ đảo Cơ-rết, và người Ca-na-an gồm lại người Phê-ni-xi, hoặc thuộc về giống Cham bởi huyết thống hoặc trở nên hiệp một với dòng đó (Sáng thế ký 10:6, 15-20). Họ sớm bắt đầu nói một tiếng dòng dõi Sem.
       Những dân đó bị chinh phục, song không bị tuyệt diệt hoàn toàn, bởi người Hê-bơ-rơ dưới quyền dẫn dắt Môi-se và Giô-suê. Thỉnh thoảng các dân Ê-đôn, Am-môn, Mô-áp bởi cơn chinh chiến hoặc cuộc di dân được dẫn vào, sống chung với người Hê-bơ-rơ, song không đem đến một dòng huyết thống mới, vì những dân nầy đều là dòng dõi Sem và đến từ Áp-ra-ham như người Hê-bơ-rơ. Sự chinh phục các chi phái Araméens, từ miền sông Tigre và Ơ-phơ-rát chỉ dẫn đến kết quả là thêm người ngoại quốc vào Y-sơ-ra-ên tức là người dòng Sem. Sau khi Sa-ma-ri bị đổ, người A-sy-ri bắt dân Y-sơ-ra-ên phía Bắc và phía Ðông làm phu tù ở A-sy-ri và dẫn dân thuộc địa từ Ha-mát, Ba-by-lôn, và Ê-lam đến (II Các vua 17:24; E-xơ-ra 4:9). Phần nhiều là thuộc dòng Sem và Aryen.
       Khi Alexandre le grand chinh phục xứ Pha-lê-tin thì có nhiều người Hy-lạp đến lập các thành trong miền Ðê-ca-bô-lơ, và dẫn tiếng, phong tục, và văn minh Hy-lạp vào xứ. Rồi sau, các quan tướng và các cơ binh La-mã vào xứ và cuối cùng có người thuộc địa La-mã cũng đến kiều ngụ. Chừng nửa thể kỷ thứ VII S.C., người Hồi giáo chinh phục xứ Pha-lê-tin, và trong nhiều thành và làng có người lính A-rạp ở. Người Thổ-nhĩ-kỳ chinh phục xứ năm 1086 S.C., và cứ cai trị cho đến hồi Âu châu đại chiến (1914-1918). Ngày 10 tháng Décembre 1917, có một cơ binh Anh chiếm lấy Giê-ru-sa-lem và từ đó đến nay, người Do-thái từ khắp thế gian trở về cố quốc càng nhiều hơn.
       XII. Lịch sử .-- 
             1. Trước hồi Y-sơ-ra-ên chiếm xứ.-- Lịch sử xứ Pha-lê-tin, trước Áp-ra-ham tới xứ, thì mờ tối lắm. Những nòi giống kế tiếp nhau ở trong xứ có thể nhờ bản chép lại của người Hê-bơ-rơ mà biết như đã kể trên. Các vua Ba-by-lôn sớm bắt đầu xâm chiếm các miền ở phía Tây xứ mình, và trận đánh của vua Kết-rô-Lao-me ở miền Ðông xứ Pha-lê-tin trong đời Áp-ra-ham có thuật trong Sáng thế ký 14: Người Ba-by-lôn cố ý ấn tượng nền văn minh mình trên dân Pha-lê-tin, cả những lối viết rắc rối và tiếng nói của họ làm trung gian cho sự giao thông quốc tế.
       Sau khi trục xuất những nhà vua chăn chiên khỏi xứ của sông Ni-lơ, các Pha-ra-ôn lớn của nhà vua thứ XVIII, mở rộng quyền đế quốc mình đến nơi xa trong châu Á. Thothmès III (thế kỷ XV T.C.) chinh phục xứ Ca-na-an và đánh thuế các dân tộc cho đến sông Ơ-phơ-rát. Trong đời Aménophis III và IV, là hai Pha-ra-ôn kế vị, xứ Ca-na-an được canh gác bởi những đạo quân, vào cai trị bởi các quan Ai-cập. Song gần hết thời nầy, sức mạnh Ai-cập giảm bớt. Người Hê-tít ngăm đe biên giới miền Bắc, trong xứ có nhiều nơi không phục, đi đường không yên ổn, trong nhiều nơi có sự dấy loạn, và nhiều chi phái nhơn dịp sự yếu thế của Ai-cập để mở rộng bờ cõi mình. Dưới quyền nhà vua kế tiếp Seti I, đi qua Pha-lê-tin để khai chiến với dân Hê-tít tại sông Oronte ở phía Bắc; Ramses II xâm chiếm xứ Pha-lê-tin và đi vượt qua; và các cơ binh Meneptah tàn phá miền Nam Pha-lê-tin và đồng bằng bờ biển người Pha-lê-tin, cũng phá hại mùa màng của người Y-sơ-ra-ên lúc đó có lẽ còn ở đồng vắng gần Ca-đe Ba-ê-na. Ramses III, thuộc nhà vua thứ XX, xông qua xứ Pha-lê-tin, trong khi dân Y-sơ-ra-ên còn ở đồng vắng.
             2. Sau hồi Y-sơ-ra-ên chiếm xứ.-- Khi xứ Pha-lê-tin đã yếu đi vì cớ chiến tranh như thế, thì mới có dân Hê-bơ-rơ ở trong xứ. Nhờ Môi-se dẫn dân Y-sơ-ra-ên chiếm lấy miền Ðông sông Giô-đanh, năm sau nhờ Giô-suê, dân Y-sơ-ra-ên qua sông Giô-đanh, và hết sáu năm tranh chiến mới có thể chia xứ cho mười hai chi phái (1445 T.C. Ussher). Chừng 1095 T.C.. (Ussher), các chi phái Y-sơ-ra-ên hiệp thành một nước, có vua Sau-lơ cai trị. Ðến năm 975 T.C., nước chia làm hai: Y-sơ-ra-ên phía Bắc và Giu-đa phía Nam. Nước phía Bắc bị sập đổ trước thế lực của người A-sy-ri chừng 722 T.C.; sau nước Giu-đa bị Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, chinh phục và chiếm lấy Giê-ru-sa-lem 588 T.C.. Từ đó cho đến 100 năm sau khi Cựu Ước được công nhận, xứ Pha-lê-tin cứ ở dưới quyền Ba-tư, và các quan tổng đốc Sy-ri cai trị. Về thời giữa Cựu Ước và Tân Ước phải xem bài "Niên hiệu của Kinh Thánh," phần thời kỳ từ Ma-la-chi đến Ma-thi-ơ.
             3. Kỷ nguyên Ðấng Christ.-- Từ 63 T.C. đến 67 S.C., xứ Pha-lê-tin là một phần của Sy-ri, là một tỉnh thuộc đế quốc La-mã. Khi dân Do-thái tại xứ Pha-lê-tin bắt đầu khai chiến (66-67 S.C), thì Pha-lê-tin trở nên một tỉnh riêng dưới quyền hoàng đế Vespasien. Sự phấn đấu lớn với La-mã mãi đến khi Giê-ru-sa-lem bị chiếm và hủy phá năm 70 S.C. mới hết. Năm 1099 S.C., các đạo Thập tự quân (Les Croisades) lập nước La-tinh ở Giê-ru-sa-lem; song đến 1187 thì Saladin chiếm lấy nước đó. Dầu chỉ ở đó tạm thời như thế, nhưng Thập tự quân để lại nhiều dấu tích như các nhà thờ và các viện tu. Ðến 1516, nước Thổ-nhĩ-kỳ chinh phục nên xứ Pha-lê-tin trở nên một phần của xứ Sy-ri ở dưới quyền nước đó.
       Ngày 10 tháng Décembre 1917, nước Anh chiếm lấy Giê-ru-sa-lem, và năm 1918 chinh phục cả xứ. Ngày 22 tháng Juillet 1922, Hội Quốc Liên giao ủy quyền cai trị xứ Pha-lê-tin cho nước Anh. Từ đó, nhiều người Do-thái từ khắp thế gian trở về xứ Thánh, và muốn lập lại nước mình. Bởi đó vẫn có người Do-thái và dân A-rạp phản đối với nhau để cầm quyền cai trị. Theo lời hứa của Ðức Chúa Trời chép trong Kinh Thánh, một ngày kia, khi Ðấng Mê-si tái lâm, Ngài sẽ lập lại nước của tuyển dân từ bờ cõi sông Ni-lơ cho đến sông Ơ-phơ-rát.
       XIII. Tập đồ giải Kinh Thánh về xứ Pha-lê-tin.-- Có người tính trong Kinh Thánh và các sách Apocryphes chép tên 622 thành ở phía Tây sông Giô-đanh. Có bản cổ khác cũng nói đến nhiều trong số đó nữa. Năm 1874, Mariette Bey xuất bản một danh sách địa dư lấy các thẻ đeo ở cổ những hình người tù vẽ trên cổng lớn của đền thờ thần Am-môn tại làng Carnak xây trên nơi kinh đô Thèbes xứ Ai-cập xưa. Ấy thuộc về thời Thothmes III trị vì. Trong danh sách đó có 118 tên, và hơn một phần ba tên đó giải nghĩa rõ về địa đồ xứ Pha-lê-tin và sách Giô-suê. Trên các bia đất sét thuộc thế kỷ XIV T.C., tìm tại Tell-el-Amarna, một núi tại xứ Ai-cập, năm 1887 S.C., có khắc sáu bức thơ bởi quan tổng đốc Ai-cập tại Giê-ru-sa-lem trong thời Aménophis III và IV. Tại đó cũng nói đến mấy thành xứ Pha-lê-tin. Văn chương thuộc nhà Pha-ra-ôn thứ XIX có tên nhiều thành Phi-li-tin, lại nói về Gô-sen, Phi-thom, Ca-na-an, v.v; và trên một trụ đá lớn cũng khắc tên Y-sơ-ra-ên nữa. Lịch sử A-sy-ri nói nhiều về Pha-lê-tin xưa. Như tiêm-bi đen của Sanh-ma-na-se II (thế kỷ IX T.C.) có bức tranh tỏ những lễ vật của Giê-hu nộp cho mình; và hầu hết các vua A-sy-ri trong thế kỷ VIII T.C. nói về sự quan thiệp mình với các quan tại Giê-ru-sa-lem hoặc Ða-mách. Cũng tìm được chiếu chỉ của vua Si-ru cho phép người Giu-đa bị phu tù về xứ mình. Trên những bản cổ bằng lá cây papyrus tìm tại Su-rơ (1901 S.C.) và tại xứ Sy-ri phía Bắc (1890,1908) và bản Elephantine papyri, cũng nói đến "các con cháu San-ba-lát" (sách Nê-hê-mi), mô tả một Ðền thờ tại Ai-cập để thờ Ya-hu (Giê-hô-va), và nói đến nhiều sự về Pha-lê-tin; ấy giúp đỡ hiểu biết tiếng nói của người Do-thái và những ngày lễ trong thời Nê-hê-mi, v.v..
       Trong nửa phần đầu thế kỷ thứ IV S.C., Eusèbe, giám mục tại thành Sê-sa-rê, viết một sách con về tên các nơi quan hệ chép trong Kinh Thánh. Thế kỷ sau, Jérôme tại Bết-lê-hem dịch sách đó và thêm nữa. Sách đó, nhan đề là Onomasticon của Eusèbe, là mục lục tên các nơi chép trong Kinh Thánh, và lại thử quyết định 300 nơi thật ở đâu tại xứ Pha-lê-tin. Dầu có nhiều tên và nơi đúng, song cũng có một ít sai lầm. Dầu vậy, nhưng gần 1500 năm sau không ai có sửa nhiều sách đó.
       Những tin tức về địa dư xứ Pha-lê-tin mà Reland xuất bản năm 1714, và những cuộc du lịch của Seetzen và Burckhardt đầu thế kỷ XIX dọn đường cho bác sĩ Robinson khảo cứu cách trật tự và theo lối khoa học. Bác sĩ nầy với thần khoa Tấn sĩ Eli Smith là người thạo tiếng A-rạp, năm 1838 đến thăm Pha-lê-tin. Hai người đi nơi nào thường hỏi cho biết đúng các di tích và làng còn có gọi tên nào khác, thì thấy phần nhiều còn có tên Hê-bơ-rơ cũ song nói theo tiếng A-rạp. Vậy, 1841, bác sĩ Robinson xuất bản kết quả bằng ba quyển sách lớn. Ðến năm 1852, Robinson và Smith với mấy người khác đến thăm viếng xứ Pha-lê-tin lần nữa, và xuất bản kết quả năm 1856. Ngày 22 tháng Juin, năm 1865, bên Anh có lập một hội khảo cổ trong xứ Pha-lê-tin gọi là "The Palestine Exploration Fund." Kết quả việc hội đó từ đó trở đi thật quan hệ lắm vì đã lập một địa đồ lớn của cả xứ, và tại đó hơn một nửa tên nơi chép trong Kinh Thánh đã được nhận là rất chắc chắn.
       XIV. Sự thám hiểm xứ Pha-lê-tin.-- Người thám hiểm thứ nhứt để lại một bài tường thuật là Sinuhit. Có lẽ trong thế kỷ sau Áp-ra-ham, Sinuhit có viết về mấy lời chép trong Kinh Thánh, và mô tả xứ Ca-na-an, "là xứ của cây vả và nho... tại đó rượu nhiều hơn nước... mật và dầu dư dật... lúa mạch trong đồng ruộng, và bầy vật vô số, v.v." Có người du lịch từ Bordeaux viết 332 S.C., về sự thăm viếng xứ Pha-lê-tin, một bà trong thế kỷ IV tìm Phi-thom rất đúng, song người ta quên mất cho đến năm 1883 S.C.. Giữa thế kỷ VI và XII, những người thăm viếng chỉ nói về sự bắt bớ bổn đạo. John of Wurzburg, Theodorich và Abbé Daniel viết về mấy bản khác, những địa giới xứ Giu-đê, những sự quan hệ về các núi xung quanh Giê-ru-sa-lem, và những thú dữ trong rừng Giô-đanh. Từ thế kỷ X đến XIII, mấy người Hồi giáo, Istakri, Mukaddasi và Yakut viết về khí hậu, phong tục và địa dư. Trong thế kỷ XIV, Marino Senuto dựng địa đồ, và một người Do-thái tên là Ben Moses ha-Phorhi chỉ đúng Mê-ghi-đô và mấy nơi khác. Félix Fabri trong thế kỷ XV chép sách "Wanderings in the Holy Land," tả những đài kỷ niệm và những nơi đổ nát, song cắt nghĩa Biển Chết có chất mặn vì cớ "mồ hôi ra từ da trái đất." Thế kỷ XVI, người du lịch viết đường đi nguy hiểm và không thể vượt qua tới phía Ðông sông Giô-đanh. Thế kỷ XVII Michel Nau, 30 năm truyền giáo tại Pha-lê-tin, với De la Roque, Hallifix, và Maundrell, viết về những sự thời cổ trên bờ biển Pha-lê-tin.
       Trong thế kỷ XVIII, Thomas Shaw (1722) viết về động vật học và địa dư hình thể xứ Pha-lê-tin, và về các cớ Biển Chết có chất mặn là kết quả của sự hơi nước bốc lên, v.v.. Giám mục Pococke (1738) viết về những đời thượng cổ và tìm đúng mấy nơi trong Kinh Thánh. Volney (1783) viết về Li-ban. Seetzen (1800-7) và Burckhardt (1810-12), là những nhà thám hiểm thứ nhứt của những di tích cổ trong phía Ðông và phía Nam xứ Pha-lê-tin, như đã nói ở trên. Bác sĩ Edward Robinson trong 1838 và 1852 thám hiểm, và trong 1856 xuất bản một bộ ba quyển "Biblical Researches" làm "nền tảng" cho những sự tìm kiếm ngày nay. Năm 1848, nước Mỹ sai Lieutenant Lynch để xét cho chắc chắn bề rộng, sâu, các dòng nước, nhiệt độ của Biển Chết, và trong tờ trình ông cắt nghĩa nước Biển Chết mặn vì có nhiều núi muối gần đó. 1854-62, De Vogué viết về những đài kỷ niệm xứ Sy-ri, và 1845-63 Tabler thám hiểm Giê-ru-sa-lem và những miền xung quanh. Năm 1868, Mục sư Klein tìm được một sự rất lạ ở Ði-hôn, là đá lớn bằng cẩm thạch mà Mê-sa, vua Mô-áp đã lập trong thế kỷ IX T.C.. Trên bia đá đó, Mê-sa tôn vinh thần Kê-mốt mình, lấy thứ tiếng giống tiếng Hê-bơ-rơ mà tả một cuộc nổi loạn đắc thắng địch cùng vua kế vị Ôm-ri, và nói đến Ôm-ri với tên nhiều nơi trong Kinh Thánh.
       Từ năm 1865-1880, hội "The Palestine Exploration Fund" sai các nhà thám hiểm đến xứ Pha-lê-tin để khảo sát Giê-ru-sa-lem và cả miền Tây Pha-lê-tin được phân giới hạn theo địa thế; xét núi Si-na-i và núi Sê-i-rơ về địa chất; nghiên cứu cả xứ về khoa động vật; tìm con đường trong nơi đồng vắng mà Y-sơ-ra-ên đi theo từ Ai-cập đến Ca-na-an; tìm bảng khắc xưa cấm người lạ không được vào nơi thánh Ðền thờ; và cũng tìm nhiều bảng khắc nữa lúc đào các mồ, v.v.. Colonel Condor, đứng đầu ban đó, trình rằng đã tìm được 172 nơi chép trong Kinh Thánh, và nhứt định chắc chắn về địa giới của 12 chi phái xưa. Ban nầy lại đào ở dưới Giê-ru-sa-lem những lỗ sâu từ 25 thước đến 50 thước để tìm những tường xưa. Sau khi đào dưới khu viên Ðền thờ và bỏ vô số tấn dơ dáy đi, thì ban mới phát họa được vách tường Ðền thờ xưa. Các phòng đá ở dưới đất đào lên, có nhiều đường phố xưa được mở, có tìm được nhiều kiểu đồ gốm, thủy tinh và đồ dùng. Có tìm trụ và những nhịp cầu xưa qua trũng Tyropoeon; những vách thành Giê-ru-sa-lem xưa được bới ra, bởi đó nhứt định nhiều cửa và tháp của tường đó ở đâu, nhứt định niên hiệu một tường thuộc đời Sa-lô-môn, và có tìm nhiều điều mới tại Ô-phên nữa. Kết quả là 1884, hội đó có thể xuất bản địa đồ cả thành Giê-ru-sa-lem xưa với đường phố, các công trình, Ðền thờ, v.v.. Có lẽ công việc lớn nhứt là năm 1886, hội đó xuất bản một địa đồ của xứ Giu-đê và xứ Sa-ma-ri bởi Colonel Condor, và một của xứ Ga-li-lê bởi Lord Kitchner, bởi đó có thể xuất bản một địa đồ lớn của phía Tây Pha-lê-tin với 7 quyển kể công việc của hội. Vậy, "trải qua 15 năm từ 1865 đến 1880, công cuộc thám hiểm xứ Pha-lê-tin có phần tấn tới lớn hơn cả XV thế kỷ trước đã qua."
       Trong 20 năm từ 1880-1900, kết quả việc thám hiểm xứ Pha-lê-tin, là: 1880 tìm được cách bất ngờ bảng đá khắc gần phần cuối của cống dẫn nước ao Si-lô-ê, bởi đó tỏ ra cách kỹ sư trong đời Ê-xê-chia có thể đục những đường hầm dưới đất đúng phép (II Các vua 20:20; II Sử ký 32:30). Năm 1881, thử vẽ một địa đồ phía Ðông xứ Pha-lê-tin theo đúng địa chính và khoa học bởi Condor và Shumaker. Cũng năm đó, Clay Trumbull lại tìm ra và tả đúng Ca-đe Ba-nê-a, nhứt định đúng nơi đó, và bởi đó mới có thể nhứt định nhiều nơi trong cuộc lưu lạc của Y-sơ-ra-ên tại đồng vắng. Cũng khảo sát về các đập và các hồ chứa nước, và về các phong tục, tục ngữ và truyền khẩu của người A-rạp tại Pha-lê-tin. Có tìm nhiều mồ mả, hòm đựng xương người chết, đồ khảm, ấn tín, và bản viết tay cổ. Bốn hòn đá giới hạn thành Ghê-xe xưa đã tìm được, và năm 1896, tại Madeba gần núi Nê-bô, tìm được một địa đồ bằng đồ khảm (mosaique) trên lề đường phố làng đó. Ðia đồ đó tỏ rõ "xứ Pha-lê-tin trong thế kỷ thứ VI với các thành chính, địa giới các chi phái, và nhứt là thành Giê-ru-sa-lem với các vách tường, cửa, đường phố, và những nhà đồ sộ, v.v.."
       XV. Kỷ nguyên của khảo cổ học.-- Dầu Renan là người thứ nhứt đặt một nhát xuổng xuống đất (1860) để khảo cổ những điều bí mật các thời quá khứ, song ấy chỉ trong xứ Phê-ni-xi thôi. Từ đó đến 1890 không có gì ngoài ít việc đào bới ở Giê-ru-sa-lem, Giê-ri-cô và nơi gọi là Mồ các Vua. Song trong khoảng đó, có cuộc đào bới theo khoa học tại Ai-cập, Hy-lạp, v.v..
       1. Tại miền Nam xứ Pha-lê-tin.--
             a) La-ki (Tell el-Hesy).-- Chừng hai thế kỷ trước, Thomas Shaw gợi ý một vài gò ("tell") là nhờ người chất đống lên (so Giô-suê 8:28; Giê-rê-mi 13:18); song vì tưởng là gò tự nhiên không ai ngờ những gò đó là các mộ còn lại của các thành xưa đã bị lấp. Bởi vậy, giờ rất quan trọng nhứt trong lịch sử khảo cổ xứ Pha-lê-tin là trong tháng Avril 1890, khi Flinders Pétrie leo lên gò Tell el-Hesy ở trên địa giới đồng bằng Phi-li-tin, chừng 48 cây số cách Tây nam Giê-ru-sa-lem chừng 25 cây số Ðông bắc Ga-xa. Gò nầy đã bị một dòng nước làm cho đất lở, nên Pétrie xem xét những lớp đất lộ ra như thế, thì đã nhứt định trước khi mặt trời lặn xuống, từ những mảnh đồ gốm trong những lớp đất đó, gò đống nầy là dấu tích một thành xưa, có lẽ từ 1500 đến 500 T.C. Pétrie chỉ nhờ một độ số niên đại (échelle chronologique) chỉ cuộc nào những đồ gốm chế ra theo kiểu mà ông trước đã đặt thì nghiên cứu một cách đích thực những thời kỳ khác nhau của xứ Hy-lạp tại Naukratis, và các thời kỳ trước 1100 năm T.C. tại Illahun và Fayyủm. Bởi đó, hết sáu tuần lễ, Pétrie có thế cho biết tám kỳ có tên ở đó kế tiếp nhau, như tỏ ra những thứ đồ gốm đã dùng trong các kỳ đó. Từ đó trở đi, nhờ độ số theo niên đại đồ gốm của Pétrie, niên hiệu của mặt đất, bề sâu của từng chất đống, và trong bao lâu mới thành, như gò Tall el-Hesy đã tỏ ra, thì có thể nghiên cứu các gò đống khác, lộ ra các thành cổ, và tính lịch sử bao lâu.
       Pétrie và sau F.G.Bliss với mấy người khác đều làm chứng Tell el-Hesy là nơi trước có thành La-ki (1700-500 T.C.), một đồn lũy lớn của thế giới xưa (Giô-suê 10:31) mà mấy Pha-ra-ôn tại Ai-cập nói đến, và một đài kỷ niệm A-sy-ri với bức tranh có khắc: "San-chê-ríp nhận của cướp thành La-ki" (II Các vua 18:14). La-ki vốn xây trên một gò tự nhiên độ 20 thước cao hơn miền xung quanh. Khi đào thì thấy vách thành của thành rất cổ dài hơn 9 thước và thành sau hết độ một thước thôi. Pétrie chứng rằng có tường xây bởi thợ nề tài khéo như những thợ xây Ðền thờ Sa-lô-môn; cũng có guột trôn ốc ở đầu cột (voluteionique) mà người Hy-lạp mượn kiểu của người Á châu, nhưng dùng tại xứ Pha-lê-tin ít nhứt chừng 10 thế kỷ T.C.. Trên một cột có tìm hình vẽ sừng một chiên đực (Thi Thiên 118:27). Pétrie và các nhà khảo cổ sau đã nhứt định niên hiệu của tám thời kỳ xây các thành chồng lên nhau trên nơi đó. Ðồ gốm cổ nhứt là sặc sỡ và đánh bóng hơn đồ gốm về sau, và là hàng nội hóa. Ðồ gốm thuộc thời kỳ trước người Y-sơ-ra-ên chiếm xứ (1550-800 T.C.) tỏ ra một kiểu nhập cảng từ đảo Chíp-rơ. Ðồ gốm thuộc thời kỳ người Giu-đa (800-300 T.C.) tỏ ra một kiểu mới, sần sùi và không đẹp. trước khi Y-sơ-ra-ên tới, thấy mấy thành trước có nhiều tháp lớn, búa trận bằng đồng rất đẹp, mũi giáo vòng tay, kim, bàn ép rượu nho, một nhà đồ sộ nguy nga, một lò nung kim khí, và thẻ có thích chữ của Zimrida là quan tổng đốc La-ki chừng 1.400 T.C.. Lại tìm những hình Át-tạt-tê, nữ thần của sự phong phú, ở vài lớp đất, và trong lớp khác thấy những hình tượng trưng và thú vật của người Ai-cập. Một điều lạ là tìm một con dao sắt thuộc dưới thời kỳ Y-sơ-ra-ên chiếm xứ Ca-na-an, là khí giới sắt cổ nhứt tìm tại xứ Pha-lê-tin cho đến nay.
             b) Giê-ru-sa-lem.-- Trong khoảng 1894-97, vì cớ phải đào dưới một thành rất đông dân cư, nên có một nhà kiến trúc giúp đỡ Tấn sĩ Bliss tại Giê-ru-sa-lem. Trước hết có tìm mảnh vách tường còn lại mà nữ vương Eudocie (450 S.C.) xây cất; dưới đó thấy có dấu tích vách tường mà hoàng tử Tít phá hủy (70 S.C.); sâu hơn vách tường xung quanh thành trong thời các vua Hê-rốt; còn sâu hơn, một tường của thời vua Ê-xê-chia; và càng sâu hơn, tường xây rất khéo rõ những hàng gạch thuộc đời Sa-lô-môn hoặc trước thế kỷ thứ VIII T.C.. Tấn sĩ Bliss tìm được các cửa và đường phố của thành, và những lỗ vừa người chui xuống dẫn đến đường hầm để thông nước dơ chảy đi. Tấn sĩ có thể giải quyết nhiều vấn đề quan hệ về những vách tường thuộc các đời xưa, và tính được bề cao các núi mà Giê-ru-sa-lem vốn đã xây trên, bởi đó nhứt định địa thế của thành xưa. Mitchell và mấy người khác đã tìm đích nơi có Cửa Phân của Nê-hê-mi, mấy suối quan hệ hồ chứa nước, cùng trũng và núi Giê-ru-sa-lem cổ. Vậy, đã nhứt định Giê-ru-sa-lem hiện tại còn ở trên nơi cũ và cũng ở trên một dốc với thành xưa, dầu diện tích thành hiện tại (1900) không rộng bằng thành các vua Giu-đa trước là thành chắc đã mở rộng đến núi Tây nam. Si-ôn, trái với truyền khẩu nói ở trên núi Tây nam có thành lũy, có lẽ là ở trên núi Ðông trên Suối Ðồng trinh. Trên núi Ðông nầy, tại Ô-phên, có Ðền thờ, và phía Nam Ðền thờ, cũng trên núi đó "trên Gi-hôn," có thành lũy người Giê-bu-sít xưa (thành Ða-vít). Bàn thờ dâng của lễ thiêu dường chắc tại es-Sakhra. Vì chứng cớ về hàng vách tường thứ nhì chưa chắc, nên nơi Gô-gô-tha và Mộ Thánh cũng không thể nhứt quyết. Xem bài Si-lô-ê, Ao.
             c) Tại miền núi Shephelah.-- Trong khoảng 1898 đến 1900, Bliss và Macalister đào ở bốn nơi trên giới hạn giữa xứ Giu-đê và đồng bằng Phi-li-tin. 
             (a) Tell Zakariya, giữa Giê-ru-sa-lem và La-ki, chừng 370 thước cao hơn mặt biển, và từ đó thấy được hầu hết Ðồng bằng Phi-li-tin, dưới hơn 6 thước dơ dác, tìm được thành vốn có trước Y-sơ-ra-ên chiếm xư. Có tìm nhiều đồ gốm kiểu Do-thái và Sy-ri trong thời các vua Séleucides (312-64 T.C.). Nhiều hồ chứa nước có vòm, phần thì đục trong đá, thấy ở mực thấp nhứt. Trong mực cao hơn và mới hơn, có tìm nhiều lò nướng bánh kiểu Do-thái, những tay cầm các hũ có những hình tượng trưng và đề chữ của người Ai-cập, những đồ dùng bằng đồng, sắt, xương và đá, và hình tượng của Bes (tức tà thần Ai-cập xưa, người lùn và có râu, đội mũ lông được thờ làm bùa hộ mệnh khỏi quyền của đồng bóng) và mắt thần Horus (tức là thần đầu chim ó biển, được coi là con của thần Osiris) v.v.. Cũng có hình lạ bằng đồng của người nữ với đuôi cá, dường như là hình nữ thần Atargatis cửa thành Ách-ca-lôn. Những vách tường vào đời Rô-bô-am được vững chắc hơn, và vào thời các vua Séleucides cũng thêm những tháp nữa.
             (b) Tell es-Safi chừng 8 cây số phía Tây Tell-Zakariya, sau khi đào xuống hơn 6 thước, thấy một "nơi cao" có chứa xương lạc đà, chiên, bò, v.v., và gần đó có một hũ dùng vào phép xác. Trong một đống rác tìm được những mảnh của một tượng nữ thần của sự phong phú, những di tích người Ai-cập và Hy-lạp, bốn ấn tín người Ba-by-lôn, và những đồ gốm thường thuộc thời người Do-thái. Chắc nơi nầy là thành Gát xưa.
             (c) Tell-Sandahannah, chừng 16 cây số về phía Nam Tell es-Safi, chừng 335 thước sâu hơn mặt biển. Chắc nguyên là nơi có thành Ma-rê-sa (Giô-suê 15:44), diện tích chừng hai mẫu rưỡi. Hầu hết thành nầy được đào, lộ ra những vách tường trong và ngoài, tường mạnh nhứt dày độ 10 thước, với những cửa, đường phố, công viên, nhà, hồ chứa nước, v.v.. Thành nầy thuộc thế kỷ thứ II hoặc thứ III T.C.. chia ra thành từng khu phố, có khi xây lề đường. những nhà được ánh sáng từ ngoài hoặc từ sân lộ thiên. Ít phòng được hoàn toàn hình chữ nhựt, còn phần nhiều không theo hình nào. Nhiều bể nước có vòm và những nền với tường đều trét vôi cát, nhờ một thang để lên xuống. Thỉnh thoảng, có các vòm trên mái nhà, song thường giống những mái nhà bằng phẳng ngày nay, làm bằng gỗ và lau sậy trét bằng đất sét, không thấy nơi thờ lạy nào trong thành nầy. Có tim một tổ nuôi bò câu với 1906 lỗ cho chim ở. Chừng 400 khí dụng được tìm ra và 328 hũ đựng rượu nho nhập cảng trên có đề chữ Hy-lạp. Một tượng thần Át-tạt-tê được tìm trong lớp đất thuộc thời Giu-đa, chừng 28 phân cao, rỗng, mặc một áo dài để hở ngực và phần chân phải nữa, với một mũ đội trên đầu có bảy ngôi sao chạm nổi. Có tìm được một sự lạ từ thế kỷ thứ II T.C., ấy là 16 hình người nhỏ bị trói bằng xiềng xích chì và sắt, v.v., chắc là những "búp bế báo thù" mà người ta nhờ để làm những yêu thuật trên kẻ thù nghịch.
(d) Tell ej-Judeideh, gần nơi trên, chỉ đào một nửa; ngoài 37 hũ có đề chữ xưa trên, không có gì lạ.
       Trong bốn nơi tại miền núi Shephelah kể trên, có tìm 77 dấu in hình tượng trưng xứ Ai-cập có bốn cánh, và tìm được văn phòng từ bảo. Tại toàn thể Shephelah, có khảo xét độ 150 hang đá đục trước hồi Ðấng Christ giáng thế. Khi đục một trong số hang đá xưa, dường như phải đào hơn 300.000 thước khối mới làm thành.
       2. Tại miền Bắc xứ Pha-lê-tin.
             a) Tell Ta'annach (Tha-a-nác, Giô-suê 12:21). Trong khoảng 1902-4, Giáo sư Sellin trường Ðại học thành Vienne có thuê hơn 100 người phu để đào thành nầy trong đồng bằng Esdraelon trên đườngớm hơn hết (1.000-1600 T.C.) chẳng hề thấy đồ gốm của Phê-ni-xi và Mycènes như trong các nơi khác đã đào; đồ gốm và trụ đá thờ các thần (maccébhot) củng dòng Sem đều thuộc thời Giu-đa như trong các nơi khác; sự tấn bộ về nghề xây cất và đồ gốm trong thành đầu nhứt tại miền Bắc xứ Pha-lê-tin được đào lên cũng giống như tại miền Nam xứ Pha-lê-tin. Mọi sự đó tỏ ra trong mỗi thời kỳ khắp xứ Pha-lê-tin vẫn chỉ có một dòng giống quản trị...Trên một thẻ, trước hồi Y-sơ-ra-ên chiếm xứ, có họa hình Ha-đát và Ba-anh. Sự thờ nữ thần Át-tạt-tê không được sùng bái như miền Nam xứ Pha-lê-tin, dầu trong khoảng 1.600-800 T.C. thường có sau rồi sau không còn. Những tượng thần đó giống như đã tìm ở Ba-by-lôn và ở Chíp-rơ, có mão triều, dây chuyền, thắt lưng, vòng mắc cá, và tay khoanh trước ngực; nhưng từ thế kỷ XII đến IX T.C. tượng đó hình lõa lồ và có hông lớn để tỏ ra sự mắn đẻ. Có tìm được hình rắn bằng đồng gần bàn thờ, và chứng cớ gớm ghiếc về sự dâng con trẻ làm của lễ từ thế kỷ XIII đến IX T.C., và sau đó không còn. Có những bùa hình người nhỏ kỳ lạ (như thấy ở La-ki), với bụng to, mà Sellim và Bliss tin là Thê-ra-phim (Sáng thế ký 31:19,34 dịch pho tượng), như Ra-chên lúc mang thai đã lấy để hộ thân trong cuộc đi đường vất vả từ Cha-ran đến Pha-lê-tin.
       "Nơi cao" tìm tại đó có mấy bước dẫn lên, gợi ý "sự nâng cao, cô đơn, và mầu nhiệm" và chứng cớ tỏ rõ vẫn còn lâu sau khi Y-sơ-ra-ên vào xứ Ca-na-an. Nền văn minh của hai dân tộc Y-sơ-ra-ên và Ca-na-an dường như giống nhau; song trong thế kỷ VIII T.C., có dấu chỉ rằng một dòng giống khác chắc đã nhập vào Tha-a-nác, chắc vì người A-sy-ri bắt dân Do-thái sang làm phu tù.
       Có tìm được 12 thẻ (chữ hình chêm) trong một hũ (Giê-rê-mi 32:14) tại lớp đất của thời nước Y-sơ-ra-ên vào xứ, tỏ ra đã có lối viết trong các công việc hằng ngày (1.400 T.C.), và nòi đến "ngón tay của nữ thần Ashirat" nhắc đến nữ thần A-sê-ra-trong II Các vua 21:7, cũng nói đến một người tên là Ahi-Yawi, đồng nghĩa với tiếng Hê-bơ-rơ là "Giê-hô-va là Anh," tỏ ra có biết Ngài thời đó tại miền Bắc Pha-lê-tin, dầu có lẽ chưa hiểu ý nghĩa như tỏ trong Xuất Ê-díp-tô ký 6:3; 34:6; Nê-hê-mi 1:9; Giê-rê-mi 44:26. Ahi-Yawi cầu xin phước lành từ "Chúa của các Thần."
       Có thấy hai phòng kín dưới đất đục trong đá, chồng chất trên nhau, cũng tìm cái cốbg để dẫn máu từ trên bàn thờ xuống phòng chết ở dưới. Ðịa thế các vách thành xưa hiệp với lịch sử chép trong Kinh Thánh (Giô-suê 12:21; 17:11; Các quan xét 1:27, v.v. và I Sử ký 7:29). Thành nầy trở nên hoang vu lúc người Do-thái bị bắt làm phu tù.
             b) Tell el-Mutesellim (Mê-ghi-đô, Giô-suê 12:21; II Các vua 9:27). Trong khoảng 1903-5, nhờ hoàng đế Guillaume IV của Ðức, tấn sĩ Schumacher cai trị việc đào nơi trung ương, về thương mại và binh bị lớn tại miền Bắc Pha-lê-tin. Gò đống nầy, chừng 8 cây số cách phía Tây Bắc Tha-a-nác, cao hơn đồng bằng 36 thước, những nơi đổ nát ở trên một cao nguyên dài 310 thước và rộng 228 thước. Phải bỏ chừng 10 thước sâu dơ rác, mới thấy 8 thời kỳ dân cư khác nhau ở bị vùi lấp. Vách tường xung quanh dài độ 10 thước. Lớp đất cổ nhứt được đào lên tỏ ra trước có một dân sống trong nhà cửa, có lửa, nấu chín thức ăn, và cúng tế. Thành kế đó tỏ ra sự tấn tới. Song thành thứ ba, bởi những di vật của người Ai-cập, chỉ ngược lại đến thế kỷ XX T.C., tỏ ra một nền văn minh tráng lệ, có cổng thành nguy nga, nhà cửa rộng rãi, mồ mả có mái vòm, và người ta trang sức bằng những con cánh cam (scarabée) trắng và đá phấn xanh, cùng các đồ bài trí bằng đá và đồng. Có tìm một số đồ gốm tô màu, và những vật nhỏ như đồ dùng, ấn tín, hình bằng đất sét và cát nung (terrecuite) và thú vật gồm lại một người ngựa có thắng yên, với vài đồ bằng sắt. Trong một đống thây chết, có hai con nhỏ đeo những vòng mắc cá bằng đồng đẹp.
       Thành ở trong lớp đất ngay trên đó, bắt đầu từ thế kỷ XV T.C. như tỏ ra bởi con cánh cam của Thothmes III và nhiều dấu khác, cùng những hình Anubis, Bes, Horus của xứ Ai-cập; cũng tìm 32 con cánh cam trong một bình; những đồ trang sức bằng vàng, và những dao dài, sắc, bằng đồng. Trong một mộ có 42 khí dụng, và một bộ xương nắm trong tay 4 con cánh cam bằng vàng. Trên một mảnh đồ gốm có hình tô màu những chiến sĩ trước hồi Y-sơ-ra-ên chiếm xứ, có râu đen và dài, tay cầm thuẩn. Có tìm được các giá đồng để kê đèn, và trên một giá có hình người đang thổi sáo. Thành nầy bị phá hủy bởi một cơn hỏa tai kinh khiếp, vậy cách xa thành ở trên bằng một lớp tro bụi dày.
       Thành thứ năm đáng chú ý vì có một lầu đài nguy nga với tường bằng đá, có lẽ từ đời vua Sa-lô-môn. Một ấn tín hình bầu dục đánh bóng bằng ngọc thạch, quí giá ngang với những ấn tín tốt nhứt tìm ở xứ Ai-cập tỏ ra đời quân chủ Y-sơ-ra-ên có nền văn minh cao lắm. Giữa ấn tín đó có hình "Sư tử của Giu-đa" và chữ chạm : "Tặng Sheman, tôi tớ Giê-rô-bô-am." Cũng tìm một ấn tín khác có niên hiệu từ thế kỷ thứ VII T.C. với tên "A-sáp." Cũng tìm nhiều đồ mỹ thuật khác: người nữ đội lưới tóc Ai-cập đang đánh trống cơm, với mấy hình phụ nữ cùng tượng Át-tạt-tê, và 6 đầu người bằng đất sét nung có mũi lõ như dòng Sem.
       Lớp đất thứ sáu có thể gọi là thành có Ðền thờ vì tìm được di tích của nơi thánh xây bằng những khối đá lớn, trong đó còn nhiều đồ đạc làm lễ: những dĩa dâng của lễ, mâm có tay cầm, v.v.. Có một bàn thờ xông hương bằng đá xám rất đẹp. Cũng tìm được một cửa hàng thợ rèn với những phần cày bằng sắt, v.v.. Thành thứ bảy chỉ là một đống bằng những nhà đổ nát trước thời đế quốc Hy-lạp và La-mã. Sau hết, nơi nầy không ai ở cho đến thế kỷ XI S.C., khi có xây một tháp A-rạp để làm nơi trú ẩn cho các thương đội.
             c) Tell Hum (Ca-bê-na-um). Năm 1905, tại nơi nầy có đào thấy một nhà hội của người Hê-bơ-rơ, dài 23 rộng 17 thước, xây bằng đá vôi trắng hơi giống đá cẩm thạch, nhà hội đẹp nhứt tìm được trong xứ Pha-lê-tin. Mái nhà hội nầy có hình tứ giác trụ, trang hoàng bằng những hình thú vật chạm trổ, hình chim, hoa và trái, v.v.. Vì năm 1907, đã quyết định Khan Minyeh không phải là Ca-bê-na-um xưa, bởi không có đồ gốm cũ hơn thời A-rạp, vậy tỏ ra Tell Hum mới thật là nơi xưa xây thành Ca-bê-na-um; bởi thế, nhà hội nầy có lẽ có chép trong Lu-ca 7:5.
       3. Tại miền Ðông xứ Pha-lê-tin.
       Giê-ri-cô.-- Trong khoảng 1908-9, tấn sĩ Sellim có hơn 200 thợ giúp đỡ để đào lên thành danh tiếng nầy của Kinh Thánh (Giô-suê 6:1-24), đặt ở nơi cửa miền Ðông xứ Pha-lê-tin, có rừng cây chà là, một hồ vẫn chứa nước luôn, và có quyền kiểm soát đường cái lớn để thông thương qua sông Giô-đanh. Thành nầy ở trên đồi cao 12 thước hơn mặt đồng bằng. Những cuộc đào bới chứng rằng từ những thời lịch sử sớm nhứt, các nguồn lợi tự nhiên của thành đó đã thêm lên mọi sách, cho đến khi trở nên như một quân cảng Gibraltar ngày nay. Thành cổ nhứt, có hình thuẩn bất thường hơi giống hình trứng, trước nhứt có bờ lũy bao bọc theo chu vi núi đó, rất mạnh đến nỗi các nhà thạo chiến tranh phải khâm phục.
       Các tường Giê-ri-cô dầu bị đổ nát song thấy dày 8 thước rưỡi, được xây làm 3 tầng; lớp ở dưới xây bằng đất sét, đá cát, và đá sỏi chừng 1 thước sâu, giống như béton ngày nay; trên đó xây một tường dày độ 2 thước đến 2 thước rưỡi bằng đá lớn, cao chừng 5 thước; và trên hết có một tường bằng gạch dày độ 2 thước và cao 2 thước rưỡi. Trải qua các đời, dường như không thể làm cho tường lũy nầy tự nhiên bị nứt nẻ. Cũng có tường khác xây bên trong, và cũng có một "thành lũy" ở trong nữa. "Nói tóm lại, ấy thật được coi như là một tài khéo đắc thắng của các kỹ sư binh bị."
       Nền văn minh của người Ca-na-an, trước hồi Y-sơ-ra-ên chiếm cứ, có lẽ bấy giờ cao hơn văn minh người Hê-bơ-rơ. Song vì bao giờ cũng thờ tà thần với lòng sợ hãi tà thuật nên sanh ra những điều tàn ác và ô uế. Bởi đó, có lẽ những xác trẻ con chôn trong những hũ dưới nền các nhà thời đó là những con sinh để đặt móng. Có nhiều đồ gốm tuyệt xảo so sánh với những thứ tốt đẹp nhứt xứ Ai-cập; đồ dùng bằng đồng và hình thú vật chạm nổi đều tốt. Ðáng chú ý nhứt là 22 thẻ để viết chữ song chưa dùng.
       Ðộ thế kỷ XV T.C.,vách tường thành Giê-ri-cô bị sập đổ (so Giô-suê 6:20) song cũng xây vách tường khác mạnh ngang để thế cho. Những nhà thông thạo khảo cổ Ðức đều tin rằng theo đồ gốm tìm được, thì có sự thay đổi lớn trong lịch sử của thành: vì đồ gốm người Ca-na-an hầu như hết, và tiếp theo có đồ gốm của người Do-thái (Giô-suê 16:7; Các quan xét 1:16; 3:13; II Sa-mu-ên 10:5). Phần thành của người Y-sơ-ra-ên ở gần suối nước, và tại đó tìm thấy đồ đạc, dĩa, bình, đèn, và đồ dùng bằng sắt. Thấy bấy giờ ảnh hưởng người Ba-by-lôn ít lắm, và ảnh hưởng người Ai-cập tại đây ít hơn ở bờ biển. Một nhà rộng độ 20, dài 26 thước giống nhà cửa thuộc thế kỷ VII T.C.. Cũng tìm 12 hũ có đóng dấu tiếng Aramaic "Cho Ðức Giê-hô-va" (Yah, Yahu), như có ý biệt riêng cho Ðền thờ." Sau Y-sơ-ra-ên bị đày, thành Giê-ri-cô cứ thịnh vượng thêm 3 thế kỷ nữa, song trong đời họ Macchabées thì hết.
       4. Miền trung ương xứ Pha-lê-tin.
             a) Xem bài (b) Giê-ru-sa-lem ở trên.
             b) Sa-ma-ri.-- Dầu kinh đô xưa của Nước phía Bắc, nhưng Sa-ma-ri ở chính giữa xứ Pha-lê-tin, chừng 32 cây số từ bờ Ðịa-trung-hải và chừng 48 cây số phía Bắc Giê-ru-sa-lem. Thành Sa-ma-ri có danh tiếng về sự vui chơi và giàu có, và có chép đặc biệt về các thứ dầu xức, nhạc khí, nệm nằm sung sướng, và "đền bằng ngà" (A-mốt 6:4-6; I Các vua 22:39). Thành lũy và thành bởi Ôm-ri xây cất độ 900 T.C.; A-háp xây Ðền thờ cho thần Ba-anh và cung điện (I Các vua 16:32; 22:39); thành cứ thịnh vượng cho đến thời Y-sơ-ra-ên bị đày sang A-sy-ri độ 722 T.C. (I Các vua 22:-II Các vua 17:). Năm 331 T.C. Alexandre le Grand chiếm lấy; Jean Hyrcan phá hủy 109 T.C., song Pompée năm 60 T.C. xây lại, và Hê-rốt 31-1 T.C. cũng xây nữa. Theo di tích dễ nhận đích các thời đó, và thấy Josèphe mô tả thành nầy rất đúng.
       Trong khoảng 1908-9, những nhà khảo cổ tổ chức để đào bới hoàn toàn một "Tell" hoặc gò đống lớn độ 106 thước cao hơn trũng và 442 thước cao hơn mặt biển, là nơi trước đã được tỏ ra thật là thành Sa-ma-ri xưa. Trên gó đó có một làng với 800 dân cư, và cũng có mùa màng nữa. Có hơn 250 người phu đào. Gần mặt đất có hàng trăm đèn A-rạp, song không thấy gì nữa cho đến nơi đổ nát kỳ đế quốc La-mã. Có nhiều cột La-mã rất đẹp còn đứng thẳng trên mặt đồi. Vách tường ngoài lớn, sân quần ngựa, đường các cột dẫn đến forum, v.v. tìm được, với những bảng khắc và đồng tiền cùng đồ gốm của thời khởi lập đế quốc La-mã. Một bảng khắc bằng tiếng Hy-lạp ghi niên hiệu của tháp đình cổ tại đó là năm 12-15 T.C.. Có tìm ra Ðền thờ Hê-rốt, gồm có một tam cấp lớn đẹp có 17 bậc rộng 25 thước, một trụ quan, phòng trước, và nhiều phòng nhỏ với lối đi ở hai bên. Mái nhà hình vòng cánh cung, và các tường dày và trét vách. Có nhiều di tích La-mã, kể cả một tượng bán thân chạm bằng đá cẩm thạch trắng một bàn thờ La-mã thuộc đời Hê-rốt, dài 5 thước và rộng 4 thước, có 6 bậc đi lên.
       Dưới lớp dổ nát thuộc thời đế quốc La-mã, thấy những nơi đổ nát của thành thuộc thời dòng vua Séleucides (300-108 T.C.), với những đồn lũy, cổng thành, Ðền thờ, đường phố, những công sở và nhà tư, một nhà tắm công cộng có nền bằng đá vụn ngũ sắc, dùng nước nóng và nguội, lò lửa v.v.. Dưới đó có những nhà bằng gạch, và vách tường dày của thành lũy xây theo lối Ba-by-lôn càng lên càng thu hẹp, với đồ gốm Hê-bơ-rơ, và ấn tín Hê-bơ-rơ, v.v..
       Nhưng dưới tường theo kiểu Ba-by-lôn đó, "có một hàng tường dày xây rất đẹp bằng những khối đá vôi lớn, trên nền đá, và một phần của một nhà đồ sộ, chắc phải là lâu đài của người Do-thái." Lâu đài đó có sân lộ thiên với những phòng nhỏ xung quanh có thể so với các lâu đài Ba-by-lôn về kích thước và kiến trúc. Những hoàng cung đổ nát đó tỏ ra nguồn nguyên liệu và tài khéo mà các vua Y-sơ-ra-ên xưa có thể nhờ. Một điều khám phá lớn hơn là một bình bằng đá hoa trắng tìm được trên nơi lâu đài đó khắc một hình vua Osorkon II xứ A-cập (875-853 T.C.) đồng thời với A-háp, 75 mảnh đồ gốm có đề chữ Hê-bơ-rơ cổ giống như bảng khắc tại ao Si-lô-ê chừng 850 T.C.. Các chữ đó viết bằng cán bút sậy và mực, lối viết đẹp tỏ ra dày công luyện tập. Một bảng viết: "Năm XI, từ Ên-na-than...một hũ đựng rượu cũ...cho Badyo...vườn nho của Tell." Trong những bản đó có 30 tên riêng, trong số đó chỉ ba tên không chép trong Kinh Thánh. Ðền 1909 S.C., ấy là lối viết chữ của người Hê-bơ-rơ sớm nhứt đã tìm được.
             c) 'Ain Shems (Bết-Sê-mết, I Sa-mu-ên 6:1-21; II Các vua 14:11). Năm 1911-12, tấn sĩ Mackenzie đào được một cổng thành lớn bởi hai cổng hợp lại, và các vách tường đầu tiên cao từ 4 đến 5 thước. Trong lớp đất đời sau, thấy có thần tượng Ai-cập, Sy-ri, và đồ gốm thuộc đời quân chủ Y-sơ-ra-ên, với mồ mả cổ, v.v.. Thành nầy bị hủy phá thình lình, có lẽ trong đời Sanh-chê-ríp.
             d) Tell ej-Jezer (Ghê-xe).
       Thành nầy chiếm một địa thế rõ rệt cao hơn đồng bằng 75 thước, và cao hơn mặt biển 230 thước, trên một dãy núi cách phía Tây bắc thành Giê-ru-sa-lem 32 cây số, và có thể trông thấy đồng bằng Jaffa cách xa 27 cây số. Từ hai đường cái chính cho thương đội ở miền Bắc Pha-lê-tin, có thể thấy rõ Ghê-xe, vậy thành nầy có thể kiểm soát được. Những sử ký Ai-cập xưa ghi tên mấy quan tổng đốc từ 1.400 T.C. và cũng có tên Menephthah (độ 1.200 T.C.) tự xưng mình là "Người trói buộc Ghê-xe." Bốn hòn đá giới hạn đã nói trên nhứt định những nơi đổ nát nầy là Ghê-xe-xưa. Năm 1902-1905 và 1907-9, nhà khảo cổ đào hết nơi nầy và chụp hơn 10.000 bức ảnh về những đồ tìm được.
       Người ta nhận thấy 10 thời ký trong các lớp đất ở gò nầy:
       (1) Thời trước dòng Sem (300-2500 T.C.) tỏ rằng dân cư vốn ở trong các hang đá có nhiều trong địa phận nầy, là người thấp bé, gầy gò, sống bằng nghề săn bắn; chăn bò, chiên, dê, dùng lửa nấu chín đồ ăn, song không dùng kim khí, và làm đồ gốm bằng tay và nung mềm. Họ lấy mấy then bằng đá làm quí, cúng tế, thiêu xác chết, và lấy mấy bình lương thực để với tro xác đó.
       (2) Thành thứ nhứt dòng Sem (2500-1800 T.C.). Những dân cư sống sau thổ dân trên là người dòng Sem, có đồ dùng bằng đồng và bánh xe nặn đồ gốm tốt hơn trước. Người Sem lớn, cao và nặng hơn. Họ không thiêu song chôn xác chết trong hang. Người thổ dân trước có những tường nhỏ bằng đất, song dòng Sem xây bằng đá, dày 3 thước, với một cổng rộng 13 thước và có tháp hai bên. Phần nhiều sống trong lều, song có nhà bằng đá, và tìm được một lâu đài lớn bằng đá. Có điều đáng chú ý là họ đẽo trong đá phấn và đá vôi làm nhà, có một gồm 60 phòng, riêng một phòng dài 120 thước và rộng 24 thước. Công việc rất lạ là một đường hầm, làm chừng 2.000 T.C., được dùng đến năm 1250 T.C., dài từ 60 đến 75 thước. Một phần hầm đó là đường xuyên qua đá, có cửa vòng cao 7 thước, rộng 4 thước dẫn xuống 40 thước dưới đất tới một nơi có suối nước. Bên kia suối có một hang tự nhiên dài 24 thước và rộng 7 thước. Thật lạ thay! thế nào các nhà kỹ sư xưa tìm được suối nước đó. Ðường hầm đó làm ra cốt để đem nước từ suối dưới đất đó lên đến sân xung quanh có tướng lâu đài bao bọc.
       (3) Thành thứ nhì của dòng Sem (1800-1400 T.C.). Thành nầy xây trên thành trước, song lịch sự hơn. Số nhà ít hơn, song có phòng rộng hơn. Có tìm được bánh xe nặng đồ gốm quay bằng chân, đồ gốm có kiểu khéo hơn, và các đồ bài trí tuyệt đẹp và nhã nhặn. Cuộc thông thương với ngoại quốc bắt đầu từ đấy. Những con cánh cam dòng vua Hyksos tỏ ra có sự giao thông mật thiết giữa Ai-cập và Pha-lê-tin (dòng Pha-ra-ôn thứ XVI và XVII). Cũng tìm được những đồ từ Cơ-rết và Chíp-rơ, những đồ dùng để viết trên sáp và đất sét mới tìm trong lớp đất nầy. Người ta cứ chôn xác trong hang tự nhiên nhưng không có quan tài, các xác ngồi xổm, có đá lấp. Thường để những thứ ăn và uống làm của lễ chung với xác chết. Có tìm được những đồ trang sức bằng đồng và bạc, và mới tìm ra đèn.
             (4) Thành thứ ba của dòng Sem (1400-100 T.C.). Trong khoảng nầy Menephthah "đánh Ghê-xe," và Y-sơ-ra-ên được lập tại xứ Ca-na-an. Chừng 1.400 T.C., có một vách tường lớn dày hơn một thước bằng đá, và sau cũng xây thêm tháp nữa, có lẽ bởi Pha-ra-ôn khi đã chiếm lấy và sau lấy làm của hồi môn cho con gái mình gả cho Sa-lô-môn. Một sự làm chứng về Giô-suê 16:10 là sau khi người Hê-bơ-rơ chiếm xứ thì thành nầy lớn thêm đến nỗi phải xây trên "nơi cao." Có những nhà tốt đẹp hơn và những vách tường thành lũy mạnh hơn đền gợi ý bấy giờ có thêm một dòng mới giữa dân sự. Lâu đài nguy nga hơn hết trong thời nầy là của Hô-ram (Giô-suê 10:33). tại đây tìm được ấn thứ nhứt, tất cả mười cái; và đồ dùng bằng sắt, với cái qui để vạch tròn, cái khoang của người thợ mộc, đồ gốm, v.v.. Vì tìm đồ gốm tại đó mà chỉ La-ki mới có ấy làm chứng Giô-suê 10:33 về giao ước đồng minh giữa Ghê-xe và La-ki. Ðồ gốm trong lớp đất nầy tỏ ra ảnh hưởng xứ Ai-cập Hy-lạp và Chíp rơ. Cũng tìm được 138 con cánh cam, những pha lê màu ở Ai-cập, 16 ống tròn Ba-by-lôn, vô số đèn, v.v.. Bấy giờ, sự thờ tượng Át-tạt-tê là thông thường, vì thấy nhiều tượng bằng đất nung.
             (5) Thành thứ tư của dòng Sem (100-550 T.C.). Ấy là đến khi đời quân chủ hết và Y-sơ-ra-ên bị đày. Trong thời kỳ nầy, phần nhiều sách tiên tri trong Kinh Thánh được chép. Bấy giờ, Ghê-xe hơi giống một làng A-rạp ngày nay: một số lớn đường phố cong queo, không thoáng khí, bị đóng trong tường dày, không có sự tiện lợi cho vệ sinh chung, có những hồ chứa nước lớn mà xác chết có thể năm trong rất lâu không ai biết. Số người chết nhiều vì thấy ít người cao tuổi chôn trong nghĩa địa, bịnh tật thêm lên: như xương sống gù, bệnh lậu, đau óc, v.v.. Có tìm được ghim và kim, chai, gương, lược, hộp đựng thuốc thơm, hoa tai, vòng tay, và những đồ pha lê trong. Ðồ dùng bằng đá, đồng, sắt, với một cái cày tìm được trước nhứt giống như có ngày nay. Có nhiều quả cân của người Hê-bơ-rơ giúp đỡ hiểu biết những độ lượng xưa của họ. Ðồ gốm xoàng; có đèn kết lại bằng bốn cái một và những bình nhỏ. Dấu in hình con cánh cam không dùng nữa, song nhiều dấu bằng tiếng Hê-bơ-rơ xưa bắt đầu có, chia làm hai thứ: một có tên người như A-xa-ria, A-ghê, Mê-na-hem, v.v., và cái khác chỉ hạn trong bốn tên Hếp-rôn, Sô-cô, Xíp và Mamshith. Bốn tên sau nầy có quan thiệp với vua, như "cho vua Hếp-rôn", và cũng chỉ về tên những thợ và nghiệp đoàn làm đồ gốm (I Sử ký 4:23).
       Có tìm được một bảng của người Hê-bơ-rơ, gọi bảng Zodiacal, trên đó ghi dấu 12 cung hoàng đạo và các dấu khác chỉ những tháng trong năm canh nông để gieo và gặt, v.v.. Có hai thẻ chữ hình chem viết chừng 75 năm sau khi mười chi phái bị đày sang A-sy-ri, và có đoàn kiều dân ngoại quốc đến ở xứ người Y-sơ-ra-ên. Một thẻ làm chứng như thế: "Bởi một đoàn kiều dân A-sy-ri đến ngụ tại Ghê-xe...dùng tiếng và chữ A-sy-ri để buôn bán" (649 T.C.), và có tên người mua, ấn của người bán, gồm cả 12 người làm chứng, trong số đó có tên tổng đốc Ai-cập và một nhà quí phái A-sy-ri. Trong thời nầy, sự mai táng giống như trước song các hang nhỏ hơn, và đặt những xác trên giá đục xung quanh tường hang. Một sự khác lạ thấy trong mục nầy là mấy mộ trên có một phiến đá đậy lại, mỗi mộ chỉ vừa một xác. Có xác người nữ với một miếng bạc trong miệng và nhiều đồ bằng đá hoa trắng và bạc xung quanh; xác khác là của một con gái mà đầu lìa khỏi thân với một bát hình bán cầu có vẽ hoa hồng nhỏ và hoa xen với nhiều đồ đẹp khác nữa. Ðáng chú ý trong những mộ nầy có dùng sắt (I Sa-mu-ên 17:7), và trong mộ khác thấy có hai nén vàng một nặng bằng nén vàng của A-can (Giô-suê 7:21).
       Sự khám phá rất cảm động là khi tìm "nơi cao" đã bắt đầu 2500-2000 T.C. được mở rộng bằng những độc trụ đá và nhà cửa trên diện tích có trong thời đó. Mười trụ đá rất lớn, tám còn đứng thẳng và hai đã nằm tỏ cho biết các "nơi cao" chép trong Kinh Thánh là thế nào (Phục truyền luật lệ ký 16:22; II Các vua 17:9,11; 23:8). Trên đầu một độc trụ đá đã mòn và nhẳn là vì cớ hôn luôn, và một trụ khác ở trên thì rỗng, có lẽ dùng làm chậu để làm lễ rửa sạch. Trong nơi thánh đó, thấy hình một con rắn hổ mang bằng đồng (II Các vua 18:4). Cũng tìm cửa vào một hang liên lạc với hang khác bằng một đường hầm giấu kín; có lẽ thầy cả ở trong hang đá thứ nhì thường nói lời sám truyền và người ta trong hang thứ nhứt nghe được bởi đường hầm giấu kín đó. Dưới lớp đất của nơi cao đó, có tìm xác các con trẻ chôn trong hũ lớn, và Macalister chứng rằng: "Ấy là những con đầu lòng, cúng tế cho đền thờ, vì không thấy xác nào sống được hơn một tuần lễ." Thói tục nầy cũng làm khi đặt nền nhà. Trước hồi Y-sơ-ra-ên chiếm xứ, có khi cũng dùng một đền và rồi sau một bát thay thế những con sinh sống đó. Có nhiều hình thần Át-tạt-tê tại Ghê-xe tỏ ra tôn giáo ngoại bang đã rất thông thường bấy giờ, nên người Y-sơ-ra-ên phải hết sức giữ mình, và các tiên tri bắt buộc phải binh vực Luật pháp Chúa nghịch cùng tà giáo đã lật đổ những tà giáo của dòng Sem cho chánh giáo của Ðức Chúa Trời hằng sống được tỏ ra.
             (6) Trong thời họ Macchabées (550-100 T.C.), dân cư Ghê-xe xây hồ chứa nước lớn, một có thể chứa 18.000.000 lít, với những dấu tích của một lâu đài có lẽ thuộc Simon Macchabée nhà và cột, phòng lót đá và những gia súc mới có tìm trong thời nầy. Cũng tìm như thường các đồ gốm, tay cầm của hũ, và những mộ bấy giờ thường vừa cho 9 xác mỗi một. Mỗi cửa mộ có đậy một phiến đá lăn qua lại được. Sau thời họ Macchabée, thành bị hoang vu, và trong thế kỷ IV S.C., có một số tín đồ Ðấng Christ ở.
       Trong bốn thời kỳ sau là:
             (7) La-mã, 150 T.C. đến 350 S.C..
             (8) Byzantine, 350-600 S.C..
             (9) Thời khởi đầu của người A-rạp; và
             (10) Thời sau của người A-rạp, từ 350 S.C. đến ngày nay, chỉ tìm thấy ít đồ vật quan hệ.
       Trong khoảng 1918-1939, khảo cổ học tại xứ Pha-lê-tin đã tấn tới mau lẹ; và vì đã tìm nhiều sự mới lạ là chứng về lẽ thật và thực sự chép trong Kinh Thánh, nên các đạo thuộc Hội Thánh khắp thế gian vẫn đăng bài. Xin xem những số Thánh Kinh báo xuất bản do Hội Thánh Tin lành tại Hà nội sau đây......

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.