Trong Kinh Thánh, ấy là một tước hiệu của các vua vốn sanh trưởng tại Ai-cập, đồng nghĩa với chữ P-RA, hay PH-RA, là "Mặt trời" theo lối chữ tượng hình ở xứ Ai-cập. Có người nói danh hiệu nầy không được người Hê-bơ-rơ tiếp nhận trước năm 1000 T.C.. Song theo Wimckler thì chỉ người Hê-bơ-rơ xưa đã học danh từ Pha-ra-ôn của người Ai-cập. Tên Pha-ra-ôn cũng thấy trong văn chương của các vua Ai-cập viết theo lối cunéiforme (chữ hình nêm). Người ta cũng tìm được danh Pha-ra-ôn khắc trên Kim tự tháp. Pha-ra-ôn, nghĩa là "Nhà lớn," vốn chỉ về chính phủ; mà trong chế độ quân chủ nhứt thống thì chính phủ đó tức là Pha-ra-ôn, nên thường dùng để chỉ về vua. Danh Pha-ra-ôn chắc dùng từ đời Ramses II.
Vì có mấy vua nói đến trong Kinh Thánh bằng danh hiệu "Pha-ra-ôn," nên phải hết sức phân biệt:
1. Pha-ra-ôn đồng thời Áp-ra-ham .-- Vào hồi tổ phụ Áp-ra-ham xuống xứ Ai-cập, ai nấy thường tin rằng miền Hạ Ai-cập được cai trị bởi các vua Chăn Chiên (Hyksos) chừng 2600 T.C., còn các vua vốn sanh tại Ai-cập cai trị miền Thượng Ai-cập. Quyền thống trị sớm hơn của các vua Chăn Chiên thứ nhứt và thế lực nhứt là dòng vua thứ XV, tiếp theo đó có dòng vua thứ XVI chừng 2250 T.C., ấy là niên hiệu của Tha-rê di cư từ U-rơ vậy. Niên hiệu mà Áp-ra-ham thăm viếng xứ Ai-cập độ 2077 (theo Hales), có lẽ hiệp với đời của Salatis, người đứng đầu của dòng vua thứ XV.
2. Pha-ra-ôn đồng thời Giô-sép.-- Những điểm quan trọng để nhận đúng Pha-ra-ôn nầy thuộc dòng vua nào là một vị hoàng đế độc đoán, cai trị cả Ai-cập, theo phong tục người Ai-cập, không do dự mà bỏ qua điều mình nghĩ là đáng làm, và dường như vẫn ước ao được trọn quyền trên người Ai-cập, lại cũng dung chịu người ngoại quốc. Những đặt tánh đó binh vực ý vua đó là một người ngoại quốc nhập tịch Ai-cập hơn là người Ai-cập thật. Baron Bunsen cho rằng vua nầy là Sesertesen I, người đứng đầu dòng vua thứ XII, vì cớ có chép trong một bảng khắc bằng chữ tượng hình về cơn đói kém xảy đến trong đời vua đó. Dầu có sử gia Hérodote binh vực là thật, nói rằng Sesotris đã chia xứ và tăng thêm mối huê lợi chính của mình bằng tiền thuế của các quản lý trả cho, song sự nhận đích đó phải bỏ vì cớ nạn đói kém đời vua nầy không lớn bằng đời Giô-sép, và chắc là lâu hơn trước. Nếu bác bỏ ý Pha-ra-ôn đồng thời với Giô-sép, thì phải quay về phương diện Pha-ra-ôn nầy là một trong các vua Chăn chiên. Như vậy thì rất thích hợp với mọi cảnh ngộ trong truyện tích Kinh Thánh. Eusèbe nói Pha-ra-ôn mà Gia-cốp đến thăm là một trong các vua Chăn chiên, có lẽ là Apophis, thuộc về dòng vua thứ XV. Dường như vua cai trị từ hồi Giô-sép đắc cử (hoặc có lẽ sớm hơn ít lâu) cho đến khi Gia-cốp chết là một khoảng thời gian ít nhứt là 26 năm và từ 1876 T.C. đến 1846 T.C. (theo Hales) là vua thứ V hay thứ VI của dòng thứ XV.
3. Pha-ra-ôn hà hiếp Y-sơ-ra-ên.-- Cần phải phân biệt người bắt bớ Y-sơ-ra-ên thứ nhứt, là Pha-ra-ôn đã hà hiếp, với Pha-ra-ôn thứ hai, là Pha-ra-ôn của thời Xuất Ai-cập, nhứt là người thứ nhứt đã bắt đầu sự hà hiếp và cứ tiếp lâu về sau. Người ta đều tin là vua thứ III dòng thứ XVIII hay XIX, song thật ra Pha-ra-ôn đó thuộc một dòng vua sớm hơn cả hai. Nếu là một vua Chăn chiên thì tất cả thuộc dòng vua thứ XVI hoặc XVII Pha-ra-ôn nầy trị vì có lẽ ít lâu trước khi Môi-se ra đời và năm 1722 T.C. (theo Hales), dường như trước đã trị vì 40 năm hoặc hơn nhiều.
4. Pha-ra-ôn trong thời kỳ Xuất Ai-cập.-- Ðiều ta biết về Pha-ra-ôn là bởi tiểu sử hơn là bởi lịch sử. Vua đã cai trị được một năm trước hồi Xuất Ai-cập, chừng 1652 T.C..
5. Pha-ra-ôn, ông gia của Mê-rết.-- Trong gia phổ của chi phái Giu-đa, có nói đến con gái của Pha-ra-ôn gả cho một người Y-sơ-ra-ên: "Ấy là con cháu của Bi-thia, con gái của Pha-ra-ôn, mà Mê-rết cưới lấy" (I Sử ký 4:18.) Phép cưới nầy có thể giúp đỡ về sự quyết định người Y-sơ-ra-ên ở Ai-cập. Có lẽ là Pha-ra-ôn vốn người Ai-cập đã gả con gái mình cho người Y-sơ-ra-ên, chớ không phải một vua Chăn chiên đã làm như vậy trước sự hà hiếp.
6. Pha-ra-ôn, anh vợ của Ha-đát người Ê-đôm.-- Vua nầy đã gả em vợ mình cho Ha-đát, tức em của hoàng hậu Tác-bê-ne (I Các vua 11:18-28). Có lẽ là một Tanite (người ở thành Tanis, xứ Ai-cập xưa) thuộc dòng thứ XXI.
7. Pha-ra-ôn, ông gia của Sa-lô-môn.-- Kinh Thánh chép hoàng hậu được rước về thành Ða-vít, trong khi cung điện của Sa-lô-môn và Ðền thờ cùng vách thành đang xây tỏ rằng phép cưới cử hành không muộn hơn năm thứ XI đời trị vì của vua, là khi Ðền thờ đã xây xong, vì năm thứ IV đời Sa-lô-môn Ðền thờ mới đặt (I Các vua 6:1,37), Có lẽ vua là một người ở Tanis thuộc dòng thứ XXI, song chắc không phải là Pha-ra-ôn đã cai trị khi Ha-đát lìa bỏ xứ Ai-cập. Pha-ra-ôn nầy đã xông hãm xứ Pha-lê-tin (I Các vua 9:16).
8. Pha-ra-ôn, người đối địch cùng San-chê-ríp.-- Pha-ra-ôn nầy (Ê-sai 36:6) chỉ có thể là Séthos mà Hérodote nói là kẻ đối địch cùng San-chê-ríp, và có lý mà tin là Zet của Manetho (thầy tế lễ Ai-cập đã chép sử nước mình bằng tiếng Hy-lạp trong đời Ptolémée) là vua cuối cùng của dòng thứ XXIII Tiệt-ha-ca, như một người Ê-thi-ô-bi, lúc đó, hoặc cai trị Ai-cập, giống Sô, dường như không gọi bằng danh hiệu Pha-ra-ôn.
9. Pha-ra-ôn Nê-cô.-- Lần thứ nhứt trong Kinh Thánh nói đến một tên kèm với tước hiệu Pha-ra-ôn, cũng có khi gọi đơn sơ là Nê-cô. Vua nầy thuộc về họ Saite, dòng vua thứ XXVI, mà Manetho cho là vua thứ V hay thứ VI cai trị. Sử gia Hérodote gọi là Nékos và nói vua đó cai trị 16 năm, có đài kỷ niệm chứng quyết. Dường như là một vua có óc mở mang, có truyện kể rằng vua thử làm trọn sông ngòi (kênh) liên lạc Biển Ðỏ với sông Ni-lơ, và đã phái một đoàn tàu người Phê-ni-xi đi vòng quanh Phi châu từ Ðông sang Tây, (độ 2000 trước Vasco de Gama sau cũng làm từ Tây sang Ðông) và được thành công. Ngay đầu cuộc trị vì (610 T.C.), vua khai chiến cùng vua A-sy-ri, và gặp vua Giô-si-a chận đường, thì Pha-ra-ôn Nê-cô đón đánh và giết vua Giu-đa tại Mê-ghi-đô (II Các vua 23:29,30; II Sử ký 35:20-24), Nê-cô dương như sau trở về xứ Ai-cập. Có lẽ Nê-cô lúc đi đường về đã phế bỏ Giô- a-cha. Ðạo binh có lẽ đóng tại Cạt-kê-mít và bị đánh bại bởi Nê-bu-cát-nết-sa năm thứ IV đời Nê-cô (607 T.C.) dường như vua đó không đứng đầu (Giê-rê-mi 46:1,2,6,10). Cơn thất trận nầy dẫn đến chỗ Ai-cập mất hết quyền cai trị trên cõi Á châu (II Các vua 24:7).
10. Pha-ra-ôn Hốp-ra.-- Vua Ai-cập kế đó Kinh Thánh nói đến là Pha-ra-ôn Hốp-ra, người thứ hai kế vị Pha-ra-ôn Nê-cô, trước người có Psammetichus II trị vì 6 năm. Vua lên ngôi chừng 589 T.C. và cai trị 19 năm. Hérodote gọi vua nầy là Apries, và là con Psammetichus II, tức Psammid, và chắt của Psammetichus I. Trong Kinh Thánh có kể lại Sê-đê-kia, vua cuối cùng của nước Giu-đa, được Pha-ra-ôn nầy giúp đỡ để chống với Nê-bu-cát-nết-sa hầu trọn lời giao kết đồng minh, đạo binh đó từ Ai-cập đến, nên người Canh-đê buộc phải vây thành Giê-ru-sa-lem. Thành bị vây năm thứ IX đời Sê-đê-kia 590 T.C. và bị chiếm năm thứ XI, 586 T.C. (Ussher). Chắc trước khi hạ được, thành bị vây rất lâu, nên chắc Pha-ra-ôn dẫn quân đến nhằm 590 hay 589 T.C.. Bởi vậy có sự nghi ngờ không biết Psammetichus II có phải là vua nói đến không, song phải nhớ cuộc vây hãm có thể kéo dài trước khi Ai-cập có thể nghe tin mà đem quân tiếp cứu, và Hốp-ra có thể lên ngôi năm 590 T.C.. Ðạo binh Ai-cập trở về không có hiệu quả gì (Giê-rê-mi 27:5-8; Ê-xê-chi-ên 17:11-18 so II Các vua 25:1-4). Sau không còn nói đến Pha-ra-ôn nào nữa, song chắc có lời dự ngôn trưng dẫn về những sự không may của các vua sau cho đến cuộc chinh chiến thứ II của người Ba-tư, khi lời tiên tri: "Trong đất Ê-díp-tô sẽ không có vua nữa" (Ê-xê-chi-ên 30:13) được ứng nghiệm.
Tiến sĩ Scofield chú thích về Pha-ra-ôn:
Xuất Ê-díp-tô ký 4:21.-- so Xuất Ê-díp-tô ký 8:15,32; 9:34. Ðối diện với sự đòi hỏi công bình của Giê-hô-va là những chứng cớ lớn lao bởi phép lạ tỏ ra Ngài thật là Ðức Chúa Trời, còn Môi-se và A-rôn làm đại biểu của Ngài, "Pha-ra-ôn rắn lòng." theo phương pháp làm, Ðức Chúa Trời đã làm cứng lòng Pha-ra-ôn vì ép người phải quyết định một điều trong lòng không chịu nên từ chối. Chối bỏ sự sáng, không phục lẽ phải là hai điều vẫn làm cho lương tâm và lòng cứng rắn. Xem Rô-ma 9:17-24.