Pha-ri-si. người, Pharisiens, (biệt riêng).

      


      Ý nghĩa tên Pha-ri-si là "biệt riêng ra," từ Parash (trên chữ a thứ nhất có dấu -) tức "phân rẽ" (Phao-lô dùng Rô-ma 1:1; Ga-la-ti 1:15), là chỉ về một phái người cẩn thận biệt mình ra để tránh khỏi sự ô uế mà Luật pháp cấm, và tự giữ mình về những điều mà thường dân ít lo đến.
       I. Lịch sử.-- Sau khi người Do-thái từ Ba-by-lôn trở về cố quốc (536 T.C.), có một số người sốt sắng kính thờ Chúa, nghiêm giữ Luật pháp, và lấy E-xơ-ra làm gương; sau gọi là phái Hasidaeans (hăsidhim (trên chữ i thứ hai có dấu -) , tức là người tin kính hoặc thanh giáo đồ.) Sau giữa vòng người Do-thái, có ba phe quan hệ: phe Sa-đu-sê, phe Essenes (sống ẩn dật, khắc khổ, coi của cải như tài vật chung), và phe Pha-ri-si (có lẽ nghiêm nhặt hơn hết, Công vụ các sứ đồ 26:5.) Dường như cả hai phe Pha-ri-si và Essenes đều kế tiếp phái Hasidaeans. Chắc nguyên sẵn có phe Pha-ri-si trước cơn chiến trận Macchabée, cốt để phản kháng tinh thần đồng hóa với người Hê-lê-nít là phần người Do-thái sẵn sàng mà theo những thói tục người Hy-lạp. Phe Pha-ri-si coi những thói tục người Hy-lạp. Phe Pha-ri-si coi những thói tục đó là gớm ghiếc, và khi thấy tràn lan rộng thì sợ hãi, nên hô hào dân sự giữ Luật pháp Môi-se cách nghiêm nhặt và công nhiên. Vì Antiochus Épiphanes vua nước Sy-ri (175; 164 T.C.), bắt bớ dữ tợn những người Y-sơ-ra-ên trung tín không chịu bỏ Do-thái-giáo và theo sự tín ngưỡng Hy-lạp, cũng vì Antiochus thử phá hủy các sách thánh, truyền ai giữ Sách đó hoặc theo Luật pháp phải bị giết và làm ô uế Ðền thờ vì phe Pha-ri-si liên hiệp chặt chẽ càng hơn. Phe Hasidaeans là những người mạnh dạn trong Y-sơ-ra-ên, hết thảy đều tinh nguyện dâng mình giữ Luật pháp, dự phần trong cuộc nổi loạn của họ Macchabées. Trong phái đó có một số người đáng lẽ phải chiến đấu, lại bỏ vào trú nơi đồng vắng để khỏi sự hà hiếp của Antiochus Épiphanes, sau thành phe Essenes. Có lẽ ấy là lúc Pha-ri-si tỏ rõ, vì hiệp với chủ nghĩa phe Hasidaeans nầy. Song khi chiến trận không còn vì sự tự do của tôn giáo nữa, và trở nên một cuộc tranh cướp quyền thống trị thì phe Pha-ri-si thôi không dự phần hoạt động nữa. Trong kỳ Jonathan và Simon Macchabée là đầu người Do-thái (160-135 T.C.), thì không nói đến phe Pha-ri-si. Trong thời Jean Hyrcan, người Pha-ri-si mới xuất hiện bằng tên đó. (135-105 T.C.). Jean Hyrcan vốn là môn đồ phe Pha-ri-si, song vì Ê-lê-a-sa nới xấu mẹ Jean là một nữ phu tù, vậy Jeannaeus là con hoang thai của người ngoại không phải là con thật của A-rôn, thì tức giận tuyệt giao với phe Pha-ri-si và theo phe Sa-đu-sê. Alexandre Jeannaeus, con Jean Hyrcan, báo thù mà đóng đinh 800 người Pha-ri-si trên thập tự. Song khi Alexandre Jeannaeus chết, vợ góa người là Alexandre kế tiếp (78 T.C.), và vì nhận biết sức lực xác thịt không thể thắng hơn lòng tin quyết về đạo, thì làm hòa với phe Pha-ri-si. Khi Alexandre chết, hai con bà là Jean Hyrcan II và Aristobulus II phản nghịch nhau để lên ngôi lãnh chức tế lễ thượng phẩm. Dầu trước hết Jean Hyrcan II bị thua, song vì nhờ đế quốc La-mã giúp đỡ mới được đắc thắng. Bởi đó, đảng Hê-rốt được đứng đầu, và vì thường phục người La-mã thì thù nghịch phe Pha-ri-si và ganh đua với Sa-đu-sê. Dầu vậy, ảnh hưởng phe Pha-ri-si từ đó trở đi vẫn lớn hơn hết trong đời sống đạo đức của dân Do-thái.
       Trong đời Tân Ước phe Pha-ri-si có ảnh hưởng rất lớn trên cả dân sự, dầu không cai trị, song rất mạnh tại Tòa Công luận (Sanhédrin). Ðảng Hê-rốt vì giao kết với quan chức La-mã, phe Sa-đu-sê vì khéo lập mưu chính trị, cả hai cầm quyền vậy. Theo sách Talmud, phần đông hội viên Tòa Công luận, viện trưởng và phó viện trưởng đều là người Pha-ri-si. Ngoài Tòa Công luận, đâu cũng có người Pha-ri-si, tại Giê-ru-sa-lem, xứ Ga-li-lê, Bê-rê và Ðê-ca-bô-lơ, bao giờ cũng quan thiệp với Chúa Jêsus. Nói cách chung, vì nghịch cùng phe thầy cả thượng phẩm là một người Sa-đu-sê, thì trong sách Công vụ các sứ đồ dường như người Pha-ri-si giúp đỡ các Sứ đồ (Công vụ các sứ đồ 23:9). Chắc ảnh hưởng cá nhơn của giáo sư Ga-ma-li-ên là người Pha-ri-si, cũng thêm nữa. Khi Sau-lơ, người Tạt-sơ, là người Pha-ri-si tình nguyện để thầy cả thượng phẩm sai đi bắt bớ tín đồ Ðấng Christ tại Ða-mách (Công vụ các sứ đồ 9:1,2), ấy là lúc hai phe Pha-ri-si và Sa-đu-sê hiệp lại cùng phản đối đạo Ngài.
       Theo Josèphe, khi chiến tranh nổ ra với đế quốc La-mã, thì phe cuồng tín Xê-lốt tạm thay thế ảnh hưởng phe Pha-ri-si trong dân Do-thái. Trong lúc Giê-ru-sa-lem bị vây, dầu sách Talmud nói rằng Ga-ma-li-ên dời Tòa Công luận từ Giê-ru-sa-lem đến Giáp-nê, và Ben Zakkai yêu cầu hoàng đế Vespasien đừng làm hại những học giả, song thật ra phần đông phe Pha-ri-si xin giải hòa với người La-mã. Sách Mishna là chứng cớ về công việc Tòa Công luận ở Giáp-nê và cuối cùng ở Ti-bê-ri-át xứ Ga-li-lê, vì ở đó nhờ Jehuda chỉ dẫn người Pha-ri-si chép sách đó. Vậy, có thể nói từ đó. Do-Thái-giáo trở nên đạo Pha-ri-si, và lịch sử Do-thái thành lịch sử Pha-ri-si. Trong thời đó, sự phản đối đạo Ðấng Christ lại trở nên cay đắng, như những chuyện bịa về Chúa Jêsus viết trong Talmud làm chứng vậy.
       II. Lẽ đạo Pha-ri-si.-- Nên chú ý, vì Josèphe ước ao các phe Do-thái ngang hàng với các nhà triết học Hy-lạp, nên khi viết về lẽ đạo Pha-ri-si thì vẫn có khuynh hướng đó. Josèphe chú trọng về quan niệm của phe Pha-ri-si đối với "số phận" và "ý muốn tự do," vì về vấn đề đó, hai phái triết học Stoiciens và Épicuriens (xem Công vụ các sứ đồ 17:18) có ý rất khác nhau. Về vấn đề đó, Josèphe coi quan niệm của người Pha-ri-si là trung độ giữa phe Sa-đu-sê hoàn toàn chối số phận mà lấy sự tự do của ý muốn làm tuyệt đích, và phe Essenes tin "mọi sự đã phó vào tay Ðức Chúa Trời." Josèphe nói: "Phe Pha-ri-si nói mọi sự là nhờ số phận và Ðức Chúa Trời, nhưng cho rằng làm điều phải hoặc trái chính là bởi tự quyền người định, dầu số phận cộng tác trong mọi việc làm." Bởi thế, thấy Josèphe coi "số phận" đồng làm một với "Ðức Chúa Trời," hay nói cách khác, tỏ ra người Pha-ri-si tin đến Ðức Chúa Trời có Ngôi vị mà ý muốn Ngài là thiên cơ (Ma-thi-ơ 6:25-34; 10:29,30).
       Trong bốn sách Tin Lành và Công vụ các sứ đồ tỏ rõ phe Pha-ri-si khác với phe Sa-đu-sê vì tin có sự sống lại, có thiên sứ, và có thần (Công vụ các sứ đồ 23:8). Phe Pha-ri-si tin linh hồn hằng sống, và trong đời sau sẽ được thưởng hoặc bị phạt tùy theo việc đã làm trong đời nay, tức linh hồn người ác sẽ bị giữ trong ngục dưới đất đời đời, cùng linh hồn người làm lành sẽ sống lại trong thân thể khác. Song điều cốt yếu của giáo lý người Pha-ri-si là ép phải làm theo Luật pháp, và chỉ người làm như vậy được nhận ơn điển của Ðức Chúa Trời. Bởi đó, lẽ đạo của họ thành ra chỉ bề ngoài, và lòng người không quan hệ bằng việc làm.
       Phe Pha-ri-si cũng lấy truyền khẩu thêm vào Luật pháp. Bốn sách Tin Lành chỉ chép mấy truyền khẩu phản đối với đạo Ðấng Christ mà Ngài tố cáo thôi (Ma-thi-ơ 15:2; 16:5; Mác 7:1-23). Song trong sách Mishna của giáo Pha-ri-si chép nhiều truyền khẩu lắm. Thuyết lý của phe Pha-ri-si về những lời truyền khẩu, tức những lời gia thêm và những lời giải nghĩa vào Luật pháp, là được bởi Môi-se truyền cho các trưởng lão, và đến lượt các trưởng lão truyền lại bằng miệng cho các đời sau. Lời tiên tri được soi dẫn trực tiếp hoặc sự giải nghĩa những lời Luật pháp chép tỉ như Ga-la-ti 3:16 đều được thêm vào. Jehuda lấy những tài liệu đó chép vào sách Mishna có lẽ gần cuối thế kỷ thứ II S.C..
       Ðể cắt nghĩa thế nào các luật sư Pha-ri-si khôn khéo giải nghĩa để làm cho gánh nặng Luật pháp nhẹ hơn, thì có thể lấy luật đi đường một ngày Sa-bát làm thí dụ. Nếu trong ngày Sa-bát một người muốn đi xa hơn, thì chỉ cần trước ngày Sa-bát đặt đồ ăn uống cách xa nơi đó đường đi một ngày Sa-bát thôi, và kể chỗ đặt ăn uống đó như thuộc trong giới hạn nhà mình. Theo sự giải nghĩa Luật pháp, khi có việc là phải hay trái tùy theo lối làm, như lúc bố thí trong ngày Sa-bát, nếu người ăn mày chìa tay trong cánh cửa hoặc người bố thí thò tay ra ngoài ngạch cửa mình thì khác hẳn. Lần nữa, nếu người cỡi hoặc dắt lừa trong ngày Sa-bát mà không đem roi để thúc lừa đi mau, thì không phạm luật về sự yên nghỉ của lừa trong ngày Sa-bát; Nhưng nếu đem roi theo thì phạm luật Sa-bát vì như vậy là bắt lừa làm công việc trong ngày Sa-bát (Xuất Ê-díp-tô ký 31:15; 35:2). Người Pha-ri-si cẩn thận nghiên cứu lời Cựu Ước. Có khi chỉ nhờ lối chép một câu thì họ quyết định nhiều sự quan hệ, đến nỗi có tục ngữ họ treo các núi bằng sợi tóc. Phao-lô nhờ lời khảo cứu của người Pha-ri-si về lối dùng "Dòng dõi" trong Sáng thế ký 13:15; 17:8 để làm cớ nghịch cùng họ (Ga-la-ti 3:16).
       Về Ðấng Mê-si, người Pha-ri-si cứ trông đợi cách sốt sắng. Dầu đã chối bỏ Chúa Jêsus là Ðấng Mê-si, nhưng khỏi một thế kỷ, trong đời trị vì Hadrian, Rabbin Akiba dẫn nhiều người Pha-ri-si công nhận Bar-Cochba là Ðấng đó. Phe Pha-ri-si cuồng tín vâng phục Luật pháp như mình hiểu, và thà bị tra tấn mà chết còn hơn là phạm đến.
       Về việc bố thí, người Pha-ri-si coi như bằng sự công bình. Bởi đó, ý về sự nghèo túng của người Pha-ri-si khác nhau với ý người Hy-lạp và người La-mã. Sự học thức là sự tôn trọng, dầu người học thức có lẽ nghèo lắm. Cũng như truyện về Hillel tỏ ra.
       III. Cách tổ chức phe Pha-ri-si.-- Tân Ước, Josèphe và sách Talmud không nói rõ, nhưng sự liên lạc chặc chẽ giữa các người Pha-ri-si và thói quen hiệp làm một trong mọi việc đều được tỏ ra cách tự nhiên trong những chuyện chép về họ tại đó. Sách Talmud gọi một hội viên là châbêr, tức người "lân cận," là những người trước nhứt liên lạc để học Luật pháp mà giữ cẩn thận hơn. Không ai được kể vào sổ châbêr đó mà không lập lời thề trung tín với phe đó và hứa giữ cách nghiêm nhặt những sự dạy dỗ trong sách Lê-vi. Người nhập phe phải hứa chẳng hề nộp phần mười cho thầy tế lễ nào không phải là châbêr. Chỉ có phép thề khi các châbêr làm chứng về tánh hạnh, và theo "nhà Hillel" phải chờ 30 ngày, hay theo "nhà Shammai" phải chờ một năm. Có lẽ thầy dạy luật trong Lu-ca 10:29 khi thưa Ngài rằng: "Ai là người lân cận tôi?" thì hạn chế người lân cận trong Lê-vi ký 19:18 chỉ về người Pha-ri-si như mình mà thôi. Không thể truyền lại danh hiệu châbêr cho con như các thầy tế lễ truyền chức, và người nữ có thể làm châbêr như người nam. Họ rất sốt sắng để chiêu mộ thêm số hội viên, như Ma-thi-ơ 23:15 chép: "Các ngươi đi khắp dưới nước trên bờ để khuyên một người vào đạo mình." Vì có tổ chức như thế, thì phe Pha-ri-si có nhiều quyền, và dân sự thường vị nể.
       IV. Tánh hạnh người Pha-ri-si.-- Lúc ban đầu, sự nhập vào phe Pha-ri-si, vì cớ tình hình thời đó, thật nguy hiểm lắm. Nên người Pha-ri-si vốn là người có tánh vững vàng về đạo đức là người tốt nhứt trong cả dân sự. Song rồi sau, phe Pha-ri-si trở nên một tín ngưỡng di truyền, và phe đó có danh tiếng tốt giữa dân sự; nên tánh nết người đời sau nhập phe kém hẳn so với người vào hội ban đầu. Khỏi mấy đời như thế, với những tật xấu chính càng ngày càng thêm, làm cho phe đó bị quở trách nặng. Giăng Báp Tít gọi người Pha-ri-si là "dòng dõi rắn lục"; và chính Chúa tố cáo họ vì cớ cậy sự công bình riêng của mình, sự giả hình, sự vô lý về những vấn đề quan hệ của Luật pháp mà lo quá lẽ những tiểu tiết, và những lỗi khác nữa (Ma-thi-ơ 5:20; 16:6,11,12; 23:1-39.) Phe Pha-ri-si trở nên một đoàn thể hay lập mưu hại. Họ lập mưu lấy phần quan hệ để giết Chúa Jêsus (Mác 3:6; Giăng 11:47-57). Nhưng trong phe nầy vẫn có người thật thà với Ðấng rất cao thượng. Phao-lô vốn là người Pha-ri-si, và thường nói đến khi nào bàn luận với đồng bào mình (Công vụ các sứ đồ 23:6; 26:5-7; Phi-líp 3:5).
       Vì vốn có tôn chỉ cao, nên người Pha-ri-si dễ sanh lòng kiêu ngạo, thường coi khinh người Do-thái khác không hiệp với mình như nói trong Giăng 7:49, "Lũ dân nầy không biết luật chi cả, thật là dân đáng rủa." Một người Pha-ri-si không thể ngồi bàn ăn với người nào có vợ là người di cư từ Sy-ri tới.
       Trong bốn sách Tin Lành, thấy sự quá lo ngại của người Pha-ri-si, như trong Ma-thi-ơ 23:23 chép về họ "nộp một phần mười bạc hà, hồi hương và rau cần," là những sự rất nhỏ mọn về lễ nghi mà bỏ điều hệ trọng hơn hết. Trong ví dụ người Pha-ri-si và kẻ thâu thuế, thấy người Pha-ri-si khoe khoang "nộp một phần mười về mọi món lợi của mình" (Lu-ca 18:12). Ấy là ví dụ chỉ về sự kiêu hãnh của người Pha-ri-si, là người "tự tin rằng mình công bình, và chẳng coi người khác ra gì?" Họ "ưa ngồi đầu trong đám tiệc, thích ngôi cao nhứt trong nhà hội" (Ma-thi-ơ 23:6) cũng tỏ ra tinh thần đó vậy.
       Chữ "giả hình" mà Chúa dùng về người Pha-ri-si (Ma-thi-ơ 23:), xét nghĩa đầu nhứt có ý là "tài tử đóng trò" và "làm bộ." Những người thiện có đức tánh và sức lực thuộc linh đã khắc trên người đồng thời mình, thường khi có những cử chỉ và giọng nói đặc biệt dễ cho người bắt chước. Vì cớ tôn trọng những người thiện đó, nên các môn đồ hay vô tình bắt chước những đặc sắc ấy. Dòng dõi kế đó cũng vô tình bắt chước, "diễn một tấn tuồng." Trong kỳ tôn giáo bị bắt bớ, như đời Antiochus Épiphaes, hoặc kỳ bị khinh dể, như trong thời người Hê-lê-nít, trước và sau Antiochus bổn phận của người theo Do-thái-giáo bó buộc không được giấu sự tín ngưỡng mình. Sau kỳ tôn giáo không còn bị phản đối nữa, người ta tự nhiên cứ tỏ bày tín ngưỡng mình công khai như trước. Những người Pha-ri-si trong kỳ bắt bớ và khinh dể còn sống sót lại trong kỳ tôn giáo được tôn trọng, thì vẫn còn quen làm như trước, tức đến giờ nhứt định thì đứng nơi góc đường mà cầu nguyện, v.v., không có ẩn ý nào. Người đời sau vì cứ giữ thói quen đó, cố ý "đóng trò," tức "những người làm bộ." Dầu bởi những bước vô tình và tự nhiên làm giả hình như thế, song không thể nói khác vì thật là giả hình. Chỉ trong một tôn giáo thuộc linh mới có tội giả hình như thế; vì trong tôn giáo đó đạo đức và sự thờ phượng liên lạc chặt chẽ. Các tôn giáo dân ngoại, nhờ cúng tế và lễ nghi để hối lộ các thần hầu được ơn, chỉ liên lạc với đạo đức rất ít thôi; sự thờ cúng đó chỉ bề ngoài mà thôi, tức "đóng trò," hay "làm bộ." Bởi thế, dầu một người hết sức cẩn thận làm những lễ nghi đó, song ấy không phải chứng cớ là người tin cậy được. Vậy, không cần đến lý cớ xứng đáng mà giục lòng người theo tôn giáo. Các tiên tri Cựu Ước đã quở trách những người không thật lòng thờ phượng, tức chỉ lấy tôn giáo làm áo che sự dối trá hoặc không ngay thật. Bấy giờ, vì cớ sự bắt bớ trong đời Antiochus, tôn giáo thuộc linh hơn, đạo đức và sự thờ phượng liên lạc chặt chẽ hơn.
       Sách Talmud hiệp với bốn sách Tin Lành về nghĩa giả hình, vì nói có bảy hạng người Pha-ri- si:
       1. Người Pha-ri-si "vai," tức người đặt những việc lành trên vai mình, và tuân theo những lời Luật pháp, không phải vì thật lòng, song vì lợi riêng.
       2. Người Pha-ri-si "chờ một chút," tức xin hoãn một chút để làm một việc công đức.
       3. Người Pha-ri-si "đổ huyết," tức vì cương quyết không nhìn phụ nữ thì nhắm mắt lại đến nỗi va đầu vào tường mà bị thương chảy máu.
       4. Người Pha-ri-si "vẽ sơn," tức người lấy sự thánh mình làm quảng cáo e rằng người khác động đến khiến mình bị ô uế.
       5. Người Pha-ri-si "toan tính," tức người bao giờ cũng tự hỏi: "Bổn phận ta phải làm gì để bù lại việc lại việc ta không vui mà đã chểnh mảng bỏ qua."
       6. Người Pha-ri-si "sợ hãi," tức người chỉ thờ Ngài vì lòng sợ.
       7. Người Pha-ri-si "yêu thương." Trừ hạng chót ra, thảy đều "đóng trò," tức giả hình.
       V. Sự quan thiệp giữa Chúa và người Pha-ri-si.-- Thái độ phe Pha-ri-si đối với Chúa lúc bắt đầu cũng như với Giăng là công kích. họ sai đại biểu dò xét công việc và lời Ngài phán. Dường như họ có ý xét xem Ngài có thể hiệp với họ được không. Dần dần, lòng công kích họ trở nên sự phản đối. Ấy thêm lên đến cực điểm: vì Ngài không theo lời giải nghĩa riêng họ về luật Sa-bát, chê cười lối họ phân biệt quá lẽ những sự rất nhỏ mọn về luật dâng phần mười, với những sự phân biệt của họ thêm để làm cho luật về lời thề đủ sức tin, và Ngài tố cáo "sự làm bộ" không thật của họ. Trước dường như họ gắng sức tán nịnh để Ngài hiệp với chương trình họ. Nếu có hạng người Pha-ri-si thử giăng bẫy để Chúa nói ra lời có hại cho Ngài trước mặt dân sự và các quan quyền La-mã, thì cũng có hạng khác mời Ngài dự tiệc để lấy lòng Ngài dầu Ngài không phải là châbêr như mình. Lời họ nhạo báng Ngài khi bị treo trên thập tự, có lẽ có một chút sự trông đợi, vì nếu Ngài làm phép lạ xuống khỏi thập tự, ắt họ có thể nhận Ngài là Ðấng Mê-si (Ma-thi-ơ 27:42).
       Khi người Pha-ri-si thấy không thể làm gì khiến Ngài hiệp với mình, và cũng không thể phá được lòng hâm mộ của dân sự đối với Ngài, thì hiệp với phe vốn nghịch mình, là phe Sa-đu-sê, cùng chống trả Ngài như kẻ thù chung.
       Trái lại, Chúa tố cáo phe Pha-ri-si hơn hạng người nào khác trong xã hội. Ấy vì mọi sự công bình của họ chỉ là bề ngoài; song đối với Chúa, lòng người cần phải ngay thẳng và khắng khít với Ðức Chúa Trời. Không phải chỉ bề ngoài cái chén và mâm cần rửa sạch, song trước hết cần rửa bề trong đã. Lịch sử sau của phe Pha-ri-si tỏ rõ sự lên án Chúa là công bình.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về người Pha-ri-si:
       Ma-thi-ơ 3:7.-- Gọi như vậy từ một tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là "phân rẽ." Khi chức vụ các tiên tri sau kỳ phu tù thôi, có những người tin kính gọi là "Chasidim" (thánh đồ) dấy lên tìm cách giữ sự tôn kính Luật pháp giữa các người Do-thái từ phu tù tại Ba-by-lôn về. Cuộc vận động đó suy đồi trở nên phe Pha-ri-si như có trong đời Chúa Jêsus,-- giữ cách nghiêm khắc từng chữ, đặt trên Luật pháp những lời giải nghĩa bởi truyền khẩu, mà tục truyền rằng Ðức Giê-hô-va phán cho Môi-se như lời giải nghĩa đó có quyền bằng chính luật pháp (Ma-thi-ơ 15:2,3; Mác 7:8-13; Ga-la-ti 1:14).
       Người Pha-ri-si là một phe nghiêm nhặt. Một hội viên gọi là "châbêr" (tức là dính líu với nhau, Các quan xét 20:11), và thề nguyện giữ những nguyên lý phe Pha-ri-si cách trung tín. Người Pha-ri-si giữ hợp lý, đạo đức, sốt sắng, và từ bỏ mình, song cậy sự công bình riêng của mình (Lu-ca 18:9), không có ý thức về tội lỗi mình và sự cần dùng (Lu-ca 7:39.) Họ là người đầu nhứt bắt bớ Chúa Jêsus Christ, và Chúa tố cáo họ không trừ dịp tiện nào (so Ma-thi-ơ 23:13-29; Lu-ca 11:42,43).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.