I. Tên.-- Một giải đất, có hai thành chính là Ty-rơ và Sy-đôn, ở phía Bắc xứ Pha-lê-tin, dọc theo biển Ðịa-trung-hải, Tây giáp biển Ðỏ, và Ðông có dãy núi Li-ban làm giới hạn. Tên đó không phải là bởi những thổ dân đặt, song là bởi những người Hy-lạp, từ tiếng Hy-lạp nghĩa là cây kè. Tên của người bản thổ đặt là Kenaan (Ca-na-an), hay Knâ, nghĩa là miền bình nguyên, đặt như vậy để đối với xứ tiếp giáp A-ram tức miền cao nguyên, một tên Hê-bơ-rơ gọi xứ Sy-ri.
II. Bản thổ.-- Chiều dài bờ biển mà tên Phê-ni-xi đặt cho thay đổi tùy theo thời kỳ khác nhau. 1) Bản thổ Phê-ni-xi là một đồng bằng hẹp, chạy từ đèo Râs el-Beyâd hoặc Abyad, "Cuốn ảnh từ Mỏm nhô ra biển" của người xưa, chừng 9 cây số phía Nam Ty-rơ, cho đến Nahr el Auly, là Bostrenus xưa, chừng 3 cây số về phía Bắc Si-đôn. Ðồng bằng đó dài chừng 45 cây số. Trung bình bề rộng chừng một cây số rưỡi kể từ bờ biển, song gần Si-đôn, các núi thụt lùi vào chừng 3 cây số và gần Ty-rơ thụt vào chừng 8 cây số. 2) Một miền dài hơn, sau được gọi bằng tên Phê-ni-xi, lan rộng bờ biển đến đảo Aradus và đảo Antaradus, về hướng Bắc, địa giới miền Nam vẫn nguyên như bản thổ cũ. Xứ Phê-ni-xi, phân địa giới như vậy, dài chừng 192 cây số, còn chiều rộng, giữa Li-ban và biển không bao giờ quá 30 cây số, thường thì hẹp hơn. Ðộ 25 cây số xa hơn về phía Bắc Si-đôn xưa là Berytus, có một nơi cho tàu thả neo rất thuận hợp cho mục đích các nhà hàng hải ngày nay; nơi đó ngày nay gọi là Beyrout, đã lấn át cả Si-đôn và Ty-rơ mà làm một trường thương mại của Sy-ri. Xa hơn nữa về phía Bắc là Byblus. Kinh Thánh gọi là Ghê-banh (Ê-xê-chi-ên 27:9), dân cư toàn là các thủy thủ hoặc làm nghề đóng móng ngựa. Nay còn có tên A-rạp gần giống là Jebeil. Kế đến Tripoli (nay là Tarâbulus), dường như lập bởi những người chiếm thuộc địa đến từ Ty-rơ, Si-đôn, và Aradus, cùng ba thành đặc biệt. Cuối cùng hướng về phía cực Bắc, chính là Aradus, xứ người A-va-đít trong Sáng thế ký 10:18 và Ê-xê-chi-ên 27:8, giống như Ty-rơ ở trên một đảo nhỏ gần đất liền, mà những người bị đày khỏi Si-đôn đã tìm thấy. Hết cả bản đồ xứ Phê-ni-xi đều được nhuần tưới bởi những dòng nước từ các miền núi lân cận. Hải cảng Ty-rơ và Si-đôn, nước cũng sâu đủ để cho các thương thuyền xưa cần đến; và dãy núi Li-ban bên cạnh có nhiều rừng lớn, cung cấp đủ gỗ cho sự đóng tàu.
Khi nói đến thời người Phê-ni-xi mất quyền độc lập, dường như không có hai văn sĩ nào của nước La-mã và Hy-lạp phân địa giới xứ Phê-ni-xi, đúng in như nhau. Trong sách Apocryphes, dường như không phân địa giới xứ đó, dầu gồm cả với Coele-Sy-ri dưới một quan tướng chỉ huy quân đội. Trong Tân Ước, có ba chỗ nói đến là Công vụ các sứ đồ 11:19; 15:3; 21:2, song không nói rõ xứ Phê-ni-xi rộng bao nhiêu.
III. Tiếng nói.-- Người Phê-ni-xi nói một thứ tiếng của dòng dõi Sem, gần giống với người Hê-bơ-rơ, nên dân Phê-ni-xi và Hê-bơ-rơ, dầu thổ âm khác, song có thể coi là nói cùng một thứ tiếng. Xét về nguồn gốc xưa của người Phê-ni-xi, không có gì chắc chắn. Vì từ đời thái cổ, khi mới thoạt có lịch sử thiệt, trải bao thế kỷ trước, đã có người ngụ ở dọc bờ biển Ðịa-trung-hải mà không rõ căn nguyên. Theo Hérodote, những người Phê-ni-xi đồng thời với sử gia tự nói về mình rằng từ xưa tổ tông họ đến từ Biển Ðỏ; thật không có chút gì đáng ngờ, vì tiếng họ nói cùng một cội gốc với tiếng người A-rạp ngụ trên phía Ðông Biển Ðỏ. Nay không có lời truyền khẩu nào tỏ ra là đúng hoặc sai. Song có một điều có thể chứng chắc về nòi giống họ là người Phê-ni-xi cùng giống với người Ca-na-an.
IV. Thương mại.-- Phải nhớ rằng nền thương mại của người Phê-ni-xi chỉ quan thiệp với người Y-sơ-ra-ên từ đời vua Ða-vít; ấy vì dường như không một chi phái nào trong số 12 có một hải cảng nào trên bờ biển, nên Y-sơ-ra-ên không thể trở nên một dân thông thương bằng hàng hải được. Từ khi Ða-vít chiếm được xứ Ê-đôm, thì có một cửa mở cho người Y-sơ-ra-ên thông thương. Sự phái đến Ê-xi-ôn Ghê-be (I Các vua 9:26; 22:49; II Sử ký 8:17), gần Ê-lốt, tại trên mé biển xứ Ê-đôm, cũng khiến cho người Y-sơ-ra-ên bằng lòng thông thương trên bờ Biển Ðỏ. Vả lại Y-sơ-ra-ên mới học nghề đi biển, còn người Phê-ni-xi, trong khi người Ê-đôm độc lập, có lẽ được phép buôn bán tại Ê-xi-ôn Ghê-be. Ấy là chính sách của Sa-lô-môn cho phép người Phê-ni-xi ở Ty-rơ xây những kho hàng, và đóng tàu tại Ê-xi-ôn Ghê-be, cốt để cho những thủy thủ và tàu mình có thể học được những sự từng trải của họ. Dường như kết quả rất mỹ mãn!
V. Tôn giáo.-- Tôn giáo của người Phê-ni-xi, trái với Ðộc thần chủ nghĩa, là Ða thần chủ nghĩa, tức là lấy những độc lực cõi thiên nhiên tôn làm thần có ngôi vị, và hết thảy chỉ bóng về những quyền lực Cao cả, có thể theo ý nghĩa bóng chỉ về hai nguyên lý đực cái sanh sản. Theo hình thức thường thấy, ấy là sự thờ mặt trời, mặt trăng và ngũ hành tinh, hoặc có thể theo những điều xưa dạy là bảy tinh cầu. Ðó là đẹp nhứt, có lẽ tự nhiên nhứt của lối thờ hình tượng mà loài người tưởng tượng ra. Những tinh tú không phải coi như những quả cầu bằng vật chất, không có sự sống, theo nhà vật lý học, song là những quyền lực có trí thức, cảm động ý muốn người và cai quản số phận người. Nhơn đây cũng nói sự thờ lạy các tinh cầu của người Phê-ni-xi có ảnh hưởng gì trên người Hê-bơ-rơ: 1) Sự thờ lạy của họ bao giờ cũng là sự cám dỗ thờ thần đa thần và hình tượng. Khó và không tin rằng người Phê-ni-xi, một dân buôn bán lớn như thế, như nay ta thường nói là văn minh, không thông minh hơn nông dân trong nội địa Pha-lê-tin. Bởi vậy, khi người Do-thái tiếp xúc với một dân bách nghệ tinh thông và dường như sáng trí hơn, nhưng trái lại công nhận một chế độ đa thần, thì tất nhiên dân đó có ảnh hưởng trên trí não người Do-thái, khiến họ coi sự thờ phượng Ðức Chúa Trời độc nhứt, dầu trỗi hơn về thuộc tánh, là không hợp với xã hội và buồn thảm. 2) Tôn giáo của người Phê-ni-xi, vài phương diện khác dường như là thuốc độc cho dân cư xứ Pha-lê-tin vì có mấy chỗ mất cả luân thường. Thí dụ, tôn giáo đó thừa nhận sự dị đoan ghê gớm là thiêu đốt trẻ con tế thần. Lại nữa mấy phần tôn giáo Phê-ni-xi nhứt là sự thờ Át-tạt-tê, dường như khuyến khích tiêu diệt sự giao hiệp của người nam và người nữ hoặc ưng thuận những sự ô uế nhứt.
VI. Chữ.-- Còn một thực sự về người Phê-ni-xi đáng nói là sáng kiến ra chữ mà người La-mã và người Hy-lạp quả quyết là chính người Phê-ni-xi đã chỉ bảo cho người Hy-lạp. Tên các chữ trong tiếng Hê-bơ-rơ cũng hiệp với tin tưởng đó. Vả, về lối viết chữ Hê-bơ-rơ cổ, phần nhiều cũng giống chữ người Phê-ni-xi, có liên hiệp chặc chẽ với chữ Hy-lạp cũ. Xem bài Ty-rơ và Si-đôn.