Phe-rơ-sơ. nước, tức Ba-tư Perse.

      


      Bản thổ của Phe-rơ-sơ (Ba-tư) là một giải đất không rộng lắm trên vịnh Ba-tư, nay gọi là Fars hoặc Farsistan, một tên cũ đồi bại. Dải đất nầy Tây giáp Susiana hoặc Ê-lam, Bắc giáp Mê-đi, Nam giáp vịnh Ba-tư, Ðông giáp Carmania. Song tên thường dùng trong cả Kinh Thánh và các sách ngoại chỉ ứng dụng cho toàn giải lần lần được bao gồm trong đế quốc Ba-tư. Ðế quốc nầy lan rộng một thời từ Ấn-độ ở phía Ðông đến Ai-cập và Thrace ở phía Tây, và gồm lại, ngoài những phần đất của Âu châu và Phi châu cả phía Tây châu Á giữa Hắc hải xứ Caucase, biển Caspienne, và Jaxartes ở phía Bắc đồng vắng A-ra-bi, vinh Ba-tư, Ấn-độ-dương về phía Nam. Chỉ một khúc Kinh Thánh nói rõ sở vị nhỏ của nước Ba-tư là Ê-xê-chi-ên 27:10; 38:5, còn những chỗ khác đều ngụ ý đến cả đế quốc. Những người Ba-tư cùng một giống với người Mê-đi, cả hai đều là ngành của dòng dõi Aryens.
       1. Tánh cách của dân tộc.-- Những người Ba-tư là một dân hoạt bát, có trí khôn dễ cảm, mạnh dạn và can đảm trong chiến trận, sáng trí, ham muốn, theo lối phương Ðông hay nói thật, có tinh thần đại lượng, có trí thức hơn phần nhiều dân cõi Á châu. Trong đời trước vua Sin, họ có danh tiếng về phép cư xử đơn sơ, trái hẳn với lối ăn ở xa xỉ của người Mê-đi, song từ khi người Mê-đi sụp đổ, thì tánh đơn sơ đó cũng suy tàn. Chế độ đa thê thực hành giữa vòng họ. Họ ưa ăn ở sang trọng, trong cơn chiến tranh, họ đánh rất can đảm song thiếu qui cũ.
       2. Tôn giáo.-- Tôn giáo của người Ba-tư vốn đem vào trong bản thổ, dường như đơn sơ, hơi khác với tôn giáo tự nhiên, trừ ra có nhuần thấm Nhị nguyên chủ nghĩa (Dualisme).Giống những người Aryens khác, người Ba-tư thờ lạy một Thần Cao Cả gọi là Aura-mazda (Ormazá), danh nầy nghĩa là "Ðấng Cao Cả ban sự sống." Những bảng khắc các vua, không thấy tên một thần nào khác. Thỉnh thoảng có tỏ ra thờ mấy thần; như Ormazá là "Thần chính," nên cũng có các Thần khác nữa, mà thần tôn trọng nhứt dường như là Mithra, thường người Ba-tư cầu Thần đó phù hộ vua, và chắc là một với thần "Mặt trời." Hoàn toàn biệt khỏi các thần đó. -- có một thần đối địch và hoạt động, là Ahriman, "thần làm cho chết," là vị thần rất có quyền, và (có lẽ) coi là Thần Dữ tự hữu, từ thần đó sanh ra chiến tranh, tật bịnh, sương muối, nước đá, nghèo khổ, tội lỗi, sự chết, và mọi điều dữ khác lấy căn nguyên từ thần đó. Lối thờ lạy của người Ba-tư vốn rất đơn sơ; không thiếu đền thờ, song có lẽ không có bàn thờ, và chắc không có tượng chạm. Dường như không có thầy cả nữa.
       Zoroastre tự xưng là tiên tri của thần Ormuzd, có người tưởng đồng thời với Ða-ni-ên, độ thế kỷ thứ VI T.C., song theo Markham là 1500 T.C., trước hai giống Aryens là người Ấn-độ và người Ba-tư phân rẽ nhau, là người cải cách lớn của tôn giáo người Ba-tư Zoroastre dường như biết Cựu Ước Hê-bơ-rơ như bấy giờ có: như được tỏ ra trong truyện tạo thành loài người, và vì cũng trưng dẫn nhiều khúc từ các bài Ða-vít và các lời tiên tri về Ðấng Mê-si. Zoroastre bài bác ý về hai nguyên lý vĩnh viễn biệt lập, thiện và ác, và nói Thần Cao Cả đã dựng nên cả hai, và dưới thần đó, có thiên sứ sự sáng và thiên sứ tối tăm, vẫn hằng đấu địch luôn, cũng như Ê-sai 45: nói: "Ðức Giê-hô-va phán thể nầy cùng Si-ru, là người xức dầu của Ngài... Ta sẽ đi trước mặt ngươi... phá vỡ các cửa bằng đồng... Ấy chính ta là Ðấng gây nên sự sáng, và dựng nên sự tối tăm, làm ra sự bình an và dựng nên sự tai vạ" (Ê-sai 45:) Zoroastre cũng dạy Ðức Chúa Trời chỉ dựng nên thiên sứ thiện và bởi sự phạm đến điều thiện nên mới có điều ác theo sau. Zoroastre bắt chước gần giống sự khải thị ban cho Môi-se. Như Môi-se nghe Chúa phán giữa bụi gai đang cháy, Zoroastre cũng nói vậy. Như sự vinh quang của Chúa đậu trên nắp thi ân, cũng vậy, Zoroastre làm cho lửa thánh trong các đền Ba-tư hình bóng sự hiện diện Ngài. Zoroastre giả định rằng lửa từ trời thiêu các của lễ như thiêu các con sinh Y-sơ-ra-ên, các thầy cả của Zoroastre cũng chỉ thuộc một chi phái như trong Y-sơ-ra-ên. Trong kinh Zoroastre cũng thấy dấu tích về truyện A-đam và Ê-va, cuộc tạo thành nước lụt, và các Thi Thiên Ða-vít. Zoroastre khen Sa-lô-môn, và lấy các lẽ đạo như thuộc Áp-ra-ham, và thử cải cách tôn giáo Magian được giống với sự tin cậy tinh sạch của Áp-ra-ham.
       Zend-Avesta là kinh của người Ba-tư ngày nay chỉ còn lại một phần nhỏ thật bởi Zoroastre. Theo truyền khẩu, kinh nầy một lần bị phá một phần và hai lần bị phá hết (bởi người Turanien, Macédonien, và Mahométan); và phần còn lại là nhờ lời truyền khẩu và được sắp đặt để làm lễ trong thời dòng vua Sassanides (sau 226 S.C.). Zend tức chia ra từng khúc, và Avesta tức là tên Thần. Zoroastre đặt tên Mazdao cho thần Ormuzd, là tên hiệp nghĩa với danh Giê-hô-va trong Xuất Ê-díp-tô ký 3:, tức Ðấng Tự hữu Hằng hữu, nên tôn giáo được gọi là Mazdéisme mà người Mê-đi, Bactrien, Ba-tư xưa, Bạt-thê, v.v. theo;. Zoroastre trông đợi một Cứu Chúa. Lửa vốn chỉ là hình bóng về Thần, song dần dần được thờ lạy như là thần. Ngày nay Ấn-độ, người Pari một phái (theo tôn giáo đó) mỗi ngày cầu nguyện 16 lần, kính sợ sự sáng, không hút thuốc, và giữ lễ Nirang: tức lấy nước tiểu của con bò cái, dê cái, hay bò đực xoa trên mặt và tay.
       Trong khoảng 538-332 T.C., dân Y-sơ-ra-ên ở dưới quyền người theo tôn giáo Mazdéisme. Chắc vua Si-ru là tín đồ giáo nầy. Xem Ma-thi-ơ 2:1-12 thấy mấy thầy bác sĩ tức là mages chắc từ nước Ba-tư đến mà dường như biết lời tiên tri về Ðấng Mê-si.
       3. Ngôn ngữ.-- Tiếng nói của người Ba-tư là một thứ tiếng của giống Aryens, gần gần giống tiếng Phạn (Sanscrit) hoặc tiếng Ấn-độ cổ. Tiếng Ba-tư ngày nay là tiếng đó đã suy đồi, và pha trộn nhiều nhứt là tiếng A-rạp.
       4. Chia từng chi phái.-- Sử gia Hérodotus nói rằng xưa người Ba-tư chia làm mười chi phái: ba là thượng lưu, ba là nông dân, và bốn là du mục.
       5. Lịch sử.-- Lịch sử nước Ba-tư bắt đầu từ hồi người Ba-tư nổi lên chống với người Mê-đi, và Si-ru đại đế lên ngôi năm 558 T.C.. Sự thành công đổi quyền quản trị trên Ba-tư bởi trước họ thuộc người Mê-đi, đặt nước Ba-tư đứng đầu một đế quốc, địa giới Tây giáp sông Halys (tiểu A-si), Bắc giáp Euxines (Hắc hải), Nam giáp Ba-by-lôn, và Ðông giáp đồng vắng muối của Iran. Như thường thấy ở phương Ðông, sự thành công nầy dẫn đến những sự khác. Si-ru đánh bại Croesus và thêm đế quốc Ly-đi vào quyền quản trị mình. Theo sau đó có sự thần phục của những người Hy-lạp ngụ ở trên bờ biển A-si, và bởi sự thâu hẹp Caria và Lycia. Ðế quốc sau lan rộng về phía Ðông bắc và Ðông. Năm 539 hoặc 538 T.C., Ba-by-lôn bị xông hãm sau một cuộc chiến cự gay go thì bị thất thủ trước đạo binh hùng tráng đó. Cuộc thắng trận nầy trước hết dẫn dân Ba-tư đến sự tiếp xúc với dân Do-thái. Những người chinh chiến tới Ba-by-lôn gặp người Do-thái bị uy hiếp giống mình, người Do-thái cũng gớm ghiếc thần tượng và theo một tôn giáo đồng ý kiến trong một phần lớn với tôn giáo mình. Si-ru nhứt định cho người Do-thái đó trở về quê hương, nên ra chiếu chỉ đáng chú ý chép trong E-xơ-ra 1:2-4. Si-ru nầy bị giết trong một cuộc chinh chiến chống với người Massagetae, hoặc người Derbices, sau khi trị vì 29 năm.
       Dưới đời con Si-ru, là Cambyses nối ngôi cha thì chinh phục xứ Ai-cập (525 T.C.). Vua nầy dường như là A-suê-ru trong E-xơ-ra 4:6. Khi Cambyse cùng đạo binh đi vắng, có một cuộc âm mưu nghịch cùng vua tại triều, và một thầy tế lễ Mage, tên là Gomates, tự xưng là Smerdis, một con vua Si-ru đã bị anh là Cambyse mưu giết cách bí mật, nên lên ngôi bình yên. Cambyse thất vọng không thể khôi phục lại chính quyền thì tự tử mà chết. Cambyse trị vì chừng 7 năm và 5 tháng. Gomates, người Mage, không cần tranh đấu gì mà được làm chủ tể nước Ba-tư (522 T.C.). Dầu vậy, tình cảnh của người cũng rất nguy hiểm và khó khăn. Có lý mà tin Gomates được tôn lên vì có nhiều đồng đạo, và mục đích họ đặt người lên ngôi là để làm vững chắc cuộc đắc thắng của phái Mage trên phái Nhị nguyên chủ nghĩa (Dualisme). Người thay đổi chính sách vua Si-ru đối với dân Do-thái, và ra chiếu chỉ cấm cứ xây cất Ðền thờ (E-xơ-ra 4:17-22). Ða-ri-út con của Hystaspes đứng đầu cuộc nội loạn nghịch cùng người và chỉ trong thời gian ngắn đã thành công và được tôn làm vua. Cuộc trị vì của Gomates chỉ được 7 tháng. Sự cố gắng thứ nhứt của Ða-ri-út là chủ trương lập lại đạo Oromasdion, được tinh sạch như trước. Năm thứ II, người Do-thái xin vua Si-ru cho phép làm trọn cuộc xây cất Ðền thờ, chẳng những vua cho phép họ mà lại còn giúp đỡ công việc tức là ban cho huê lợi riêng của vua; bởi cách đó, người Do-thái mới cất xong Ðền thờ rất sớm vào năm thứ VI đời Ða-ri-út trị vì (E-xơ-ra 6:1-15).
       Trọn phần thứ nhứt cuộc trị vì của Ða-ri-út, sự yên lặng của đế quốc bị kinh động bởi nhiều cuộc loạn lạc. Sau 5 hay 6 năm chiến đấu. Ða-ri-út mới ngồi vững trên ngai như các hoàng đế khác. Dầu vậy, phần chót cuộc trị vì, Ða-ri-út có nhiều sự thất bại. Sự tai hại của Mardonius ở núi Athos, và khỏi ít lâu theo sau đó, sự thất bại của Ðatis tại Marathon; và trước khi có thể rửa hai mối thù đó, thì Ai-cập nổi loạn (486 T.C.), ám sát đạo binh Ba-tư canh gác và xưng mình độc lập. Sau cuộc trị vì 36 năm, vị hoàng đế thứ IV nầy của Ba-tư băng (485 T.C.) bỏ lại ngôi báu cho một vị hoàng tử còn trẻ, mê đắm tình dục, lẽ tất nhiên đế quốc La-mã đã lên đến bậc cao lớn tột bậc thì sắp sửa suy tàn. Công việc thứ nhứt của Xerxes là bắt buộc Ai-cập phải thần phục (484 T.C.). Sau đó, bắt đầu ngay cuộc sửa soạn xông hãm nước Hy-lạp, không cần phải tỏ rõ cơn chiến tranh đó, kết cuộc chỉ là sự tàn hại cho kẻ xâm lăng. Có lẽ là vua A-suê-ru trong Ê-xơ-tê. Một cuộc âm mưu trong cung điện bắt cóc Xerxes nầy (465 T.C.), con của Xerxes làạ t-ta-xét-xe, người Hy-lạp gọi là "vua tay dài" lên kế vị sau một khoảng chừng 7 tháng, trong lúc đó Artabanus, người mưu phản chiếm lấy ngôi vua. Vuaạ t-ta-xét-xe nầy đã trị vì 40 năm, chắc vua đó kết bạn thiết với E-xơ-ra (7:11-28) và Nê-hê-mi (2:1-9). Ấy là vua cuối cùng trong vòng các vua Ba-tư sợ có quan thiệp mật thiết với dân Do-thái và được chép đến trong Kinh Thánh. Những người kế vị là Xerxes II, Sogdianus, Ða-ri-út Nothus,ạ t-ta-xét-xe Mnemon,ạ t-ta-xét-xe Ochus, và Ða-ri-út Codomannus, có lẽ là Ða-ri-út, nước Ba-tư trong Nê-hê-mi 12:22. Nhưng hoàng đế đó trị vì từ 424 đến 330 T.C.. Sự cuối cùng của đế quốc trong thời kỳ chinh chiến bởi Alexandre le Grand không cần nói, ai nấy đều biết. Khi chia những phần đất của Alexandre giữa các quan tướng, Ba-tư thuộc về quan tướng Seleucidae và cứ ở dưới dòng vua đó cho đến khi Antiochus Épiphanes băng, khi những người Bạt-thê chinh chiến cho đến bờ sông Ơ-phơ-rát, thì người Ba-tư cũng ở trong số các chi phái chịu thần phục (164 T.C.). Năm 226 S.C., người Ba-tư tự thoát khỏi ách của kẻ hà hiếp và một lần nữa lại là một dân tộc. Năm 636 và 641 S.C., người Sarassins đánh bại vua Yezdejerd III; bởi thế, người Hồi giáo quản trị nước Ba-tư. Song có một phần người Ba-tư không chịu phục nên năm 717 S.C. trốn đến Ấn-độ. Ngày nay, dòng dõi những người đó cứ ở Ấn-độ gọi là người Parsi.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.