Phép báp-têm bằng Ðức Thánh Linh. Baptême du Saint Esprit.

       


      I. Truyện chép trong Kinh Thánh.--
       Tân Ước chép danh từ nầy sáu lần. Trong bốn sách Tin lành đều có chép lời Giăng Báp Tít: "Ðấng sẽ làm phép báp-têm cho các ngươi bằng Ðức Thánh Linh" (Ma-thi-ơ 3:11; Mác 1:8; Lu-ca 3:16; Giăng 1:33). Ðây là bốn chỗ trong các sách Tin lành trưng dẫn đặc biệt về lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh, nhưng trong Giăng 7:37,38 theo câu 39 giải nghĩa, Chúa Jêsus cũng nói đến lễ nầy. Trong Công vụ các sứ đồ 1:5, ngay trước khi thăng thiên, Chúa Jêsus phán cùng môn đồ rằng: "Trong ít ngày, các ngươi sẽ chịu phép báp-têm bằng Ðức Thánh Linh," lại trong câu 8 nói quyền phép làm chứng là hiệu quả của lễ báp-têm đó. Tới ngày sống lại, Chúa Jêsus hiện đến cùng môn đồ, hà hơi trên họ, mà rằng: "Hãy nhận lãnh Ðức Thánh Linh" (Giăng 20:22); ấy không phải chỉ là một việc hình bóng, song thật có sự thông đồng với các môn đồ, tùy theo lượng, về sự ban cho Ðức Thánh Linh, trước khi hoàn toàn đổ ra trong ngày Ngũ tuần.
       Sự ban Ðức Thánh Linh trong ngày lễ Ngũ tuần và những sự lạ lùng tỏ ra theo sau thật ứng nghiệm các lời dự ngôn về lễ báp-têm đó. Trong những sự lạ lùng đó về phần hình thức thấy có "tiếng gió thổi ào ào, tại khắp nhà môn đồ ngồi" (Công vụ các sứ đồ 2:2), và "lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người" (câu 3). Sau có kết quả thuộc linh: "Hết thảy đều được đầy dẫy Ðức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Ðức Thánh Linh cho mình nói" (câu 4). Trong câu 16, Phi-e-rơ tuyên bố rằng sự ban Ðức Thánh Linh xuống như thế là ứng nghiệm "điều đấng tiên tri Giô-ên đã nói" dự ngôn (Giô-ên 2:28-32).
       Trong sách Công vụ các sứ đồ cũng có một khúc quan hệ khác nói đến lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh. Khi Phi-e-rơ đương giảng đạo trong nhà Cọt-nây, "Ðức Thánh Linh giáng trên mọi người nghe đạo," và các tín đồ đã chịu phép cắt bì "đều lấy làm lạ, vì thấy sự ban cho Ðức Thánh Linh cũng đổ ra trên người ngoại nữa." (Công vụ các sứ đồ 10:44,45). Rồi sau Phi-e-rơ tại Giê-ru-sa-lem làm chứng ấy là lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh (11:16).
       II. Ý nghĩa.-- Nay xin xét ý nghĩa của lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh bằng ba phương diện:
       1. Ðối với sự dạy dỗ Cựu Ước.-- Lời tiên tri Giô-ên mà Phi-e-rơ trích lại tỏ ra có điều khác thường về sự ban Ðức Thánh Linh trong ngày Ngũ tuần. Ngày đó, Ðức Thánh Linh giáng xuống và tỏ mình ra cách mới với quyền mới. Những hạng người khác nhau mà Kinh Thánh chép được nhận Ðức Thánh Linh tỏ ra quyền phép mới lan rộng. Trong Cựu Ước, thấy Ðức Thánh Linh ban cho mấy cá nhơn; nay ban cho một số tín đồ là Hội Thánh. Trong Cựu Ước, ơn tứ nầy chỉ thoáng qua để đạt mục đích đặc biệt, nay thì hằng ở luôn. Trong Cựu Ước, Ðức Thánh Linh giáng xuống có hạn, nay thì đầy tràn, vô hạn.
       2. Ðối với Ðấng Christ thăng thiên.-- Trong Lu-ca 24:49, Chúa Jêsus truyền các môn đồ phải "đợi trong thành (Giê-ru-sa-lem) cho đến khi được mặc lấy quyền phép từ trên cao," và trong Giăng 15:26, Ngài phán về Ðấng Yên ủi: "Là Ðấng ta sẽ bởi Cha sai xuống... ấy chính Ngài sẽ làm chứng về ta," lại trong Giăng 16:13, Ngài phán: "Lúc nào Thần lẽ thật, sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật,... và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến." Ðức Thánh Linh là Ðấng giải nghĩa và dẫn vào mọi lẽ thật đến cách đầy trọn sau, hơn là trước công việc Ðấng Mê-si trong xác thịt xong rồi, thì rất hợp lý. Lẽ thật tỏ ra bởi Ðấng Christ trong xác thịt dẫn đường cho Ðức Thánh Linh xuống. Nay Ðức Thánh Linh xuống thay chỗ Ðấng Christ hoặc đúng hơn lấy mọi sự về Ðấng Christ và chỉ tỏ cho các môn đồ. Vậy lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh ngày Ngũ tuần là biến động lớn trong lịch sử, là dấu đã khởi đầu một kỷ nguyên mới trong nước Ðức Chúa Trời; và bởi đó cả cuộc vận động truyền đạo cho khắp thế gian được nâng lên đến một bậc thuộc linh.
       3. Ðối với các môn đồ.-- Dầu thường nói ngày Ngũ tuần là ngày sinh nhựt của Hội Thánh, nhưng Chúa Jêsus trong chức vụ trên đất đã nói đến rồi. Sự giao thiệp thuộc linh với Ðấng Christ là nền tảng của Hội Thánh, đã có trước lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh. Dầu vậy, bởi lễ báp-têm đó, Hội Thánh được lập bằng mấy cách. Thứ nhứt, trong sự hiệp một. Giây liên lạc hiệp một bề ngoài nay nhường chỗ cho một giây liên lạc thuộc linh bề trong có ý nghĩa sâu nhiệm. Thứ nhì, Hội Thánh nay cảm biết có một nhiệm vụ thuộc linh, và nhiều tôn chỉ thuộc thần quyền về Ðức Chúa Trời qua đi. Thứ ba, Hội Thánh mặc lấy quyền phép để có thể làm việc mình. Trong những ơn tứ ban cho, có ơn nói tiên tri, theo nghĩa rộng là giảng thay Ðức Chúa Trời; ơn nói các tiếng để cho môn đồ có thể nói bằng tiếng ngoại quốc, và ơn ban quyền phép để làm chứng về Ðấng Christ. Quyền làm các phép lạ cũng được ban cho (Công vụ các sứ đồ 3:4-11; 5:12-16). Rồi sau, trong các thơ tín của Phao-lô thì rất chú trọng về Ðức Thánh Linh là Ðấng hành động trong lòng tín đồ để khiến nên thánh. Trong sách Công vụ các sứ đồ, công việc Ðức Thánh Linh phần chính là về Ðấng Mê-si, nghĩa là mọi sự hoạt động của Ðức Thánh Linh đều quan thiệp đến sự mở rộng nước Ngài. Nhơn dịp tiện người mọi xứ đến hội hiệp tại Giê-ru-sa-lem ngày Ngũ tuần, thì Ðức Thánh Linh được đổ ra. Lưỡi bằng lửa gợi hình bóng biệt riêng ra để sốt sắng truyền đạo và ơn glossolalia tức nói các tiếng theo sau đến nỗi người các nước nghe Tin lành bằng tiếng mẹ đẻ, tỏ ra lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh có quan thiệp đặc biệt với phận sự truyền đạo cho khắp thế gian để ngày Chúa tái lâm mau đến (Ma-thi-ơ 24:14).
       III. Kết cuộc lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh.-- Có một vấn đề thường luận đến: Lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh có xảy ra một lần đủ cả hay là còn nhiều lần sau nữa? Chứng cớ dường như tỏ ra chỉ một lần, ấy chắc về mấy lần Ðức Thánh Linh đổ ra có quan thiệp đến những biến động kể lại trong các đoạn đầu sách Công vụ các sứ đồ. Có mấy chứng cớ sau nầy:
       1. Trong đoạn đầu sách Công vụ các sứ đồ, Chúa Jêsus dự ngôn các môn đồ "trong ít ngày" sẽ chịu lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh (Công vụ các sứ đồ 1:5). Ấy dường như chỉ đến một biến động nhứt định và đặc biệt hơn là phương pháp liên tiếp.
       2. Lời Phi-e-rơ dẫn trong Công vụ các sứ đồ 2:17-21 từ sách tiên tri Giô-ên, tỏ rằng trong trí Phi-e-rơ biến động thính giả đang chứng kiến là sự ứng nghiệm nhứt định của lời tiên tri Giô-ên.
       3. Nên chú ý trong Tân Ước chỉ có một biến động khác chép là "lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh" (Công vụ các sứ đồ 10:1-11:18), và vì mấy duyên cớ đặc biệt có thể coi ấy là làm trọn lễ báp-têm trong ngày Ngũ tuần. Trong khúc đó chép những biến động sau nầy: 
             a) Phi-e-rơ thấy dị tượng trên mái nhà (10:11-16), tỏ ra những điều sắp xảy ra có sự quan hệ duy nhứt; 
             b) nghe nói tiếng ngoại quốc (10:45,46); 
             c) Phi-e-rơ nói cho anh em tại Giê-ru-sa-lem biết rằng Ðức Thánh Linh giáng trên người ngoại trong nhà Cọt-nây "cũng như ban đầu Ngài đã giáng trên chúng ta" (11:15); 
             d) Phi-e-rơ cũng chứng rằng ấy là sự ứng nghiệm lời hứa về lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh (11:16,17); 
             đ) Những tín đồ Do-thái nghe Phi-e-rơ đều công nhận ấy là chứng cớ Ðức Chúa Trời đã mở rộng đặc ơn giảng Tin lành cho dân ngoại (11:18). Vậy, bởi thế lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh giáng trên Cọt-nây và nhà người, được liên lạc trực tiếp với sự đổ Ðức Thánh Linh ngày Ngũ tuần lần đầu; và vì là biến động làm dấu cửa đã mở để giảng Tin lành cho người ngoại, thì hoàn toàn hiệp với ý truyền đạo cho dân ngoại của lần đầu Ðức Thánh Linh đổ ra ngày Lễ Ngũ Tuần. Ấy dường như cốt để làm trọn ơn tứ ngày Ngũ tuần, vì tỏ ra dân ngoại như dân Do-thái đều hưởng mọi đặc ơn của thời đại mới nầy. Trong các thơ tín, không thấy chỗ nào chép lập lại "lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh." Nếu những người chép các thơ tín đó có hiểu lễ báp-têm đó thường xảy ra mà không nói đến thì thật lạ. Trong I Cô-rinh-tô 12:13, Phao-lô chép: "Vì chưng chúng ta đã chịu lễ báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân, và chúng ta đều chịu uống chung một Thánh Linh nữa." Song đây không chỉ về lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh, vì đứng hơn là lễ báp-têm nhập vào Hội Thánh là thân thể Ðấng Christ. Vậy kết luận rằng, theo sự dạy dỗ Tân Ước, lễ báp-têm ngày Ngũ tuần với lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh trong nhà Cọt-nây liên lạc với nhau và làm trọn lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh. Lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh là ơn tứ nhứt định của sự đầy dẫy Ngài để được mọi thứ phước hạnh thuộc linh cần thiết trong sự hầu việc Chúa, và là ơn tứ của Ðức Chúa Trời vẫn hằng ở với dân Ngài, trong các sách Tân Ước sau, vẫn tin có sự hiện diện của Ðức Thánh Linh và tín đồ nào cũng nhận được. Vấn đề rất quan trọng đối với tín đồ ngày nay là: "Từ khi anh em tin, có lãnh Ðức Thánh Linh chăng?" (Công vụ các sứ đồ 19:2); và vẫn "đầy dẫy" Ðức Thánh Linh chăng? Những mạng lịnh và lời khuyên trong các thơ tín căn cứ trên sự đoán định lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh đã xảy ra rồi, và theo lời dự ngôn Chúa Jêsus thì Ðức Thánh Linh "ở với các tín đồ đời đời" (Giăng 14:16). Vậy, không nên lẫn lộn những danh từ khác trong Tân Ước với danh từ lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh. Như khi khuyên các tín đồ "hãy bước đi theo Thánh Linh" (Ga-la-ti 5:16), và "phải đầy dẫy Ðức Thánh Linh" (Ê-phê-sô 5:18), hay là như khi Thánh Linh được tả như "sự xức dầu" (chrisma) trong I Giăng 2:20-27, và như là "của cầm về cơ nghiệp chúng ta" trong Ê-phê-sô 1:14. Các danh từ đó với danh từ giống nhau không chỉ về lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh, song chỉ về những phương diện của công việc Ðức Thánh Linh trong tín đồ, và tín đồ nhận lấy các ân tứ và ơn phước của Ðức Thánh Linh hơn là chỉ về lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh như chép trong sách Công vụ các sứ đồ 2:1-13.
       IV. Lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh đối với lễ báp-têm khác.-- Con có ba điểm chót đáng chú ý ấy là lễ báp-têm nầy quan thiệp với lễ báp-têm bằng nước, bằng lửa, và sự đặt tay trên thế nào.
       1. Lễ báp-têm bằng lửa luôn đi đôi với lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh trong Ma-thi-ơ 3:11 và Lu-ca 3:16. Hai khúc nầy là lời của Giăng báp-têm nói về "Ðấng sẽ làm lễ báp-têm cho các ngươi bằng Ðức Thánh Linh và bằng lửa." Có khi người tưởng lễ báp-têm bằng lửa đi đôi và đồng nghĩa với lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh. Nhưng thượng hạ văn trong Ma-thi-ơ và Lu-ca dường như tỏ ra nghĩa khác. Công việc của Ðấng Mê-si Jêsus sẽ là tẩy sạch mà cũng hủy diệt. Chữ "các ngươi" Giăng Báp Tít dùng đó gồm ý chung cho cả dân sự, và tự nhiên cả hai hạng người: người tin và người chối Chúa Jêsus. Người tin Chúa thì Ngài sẽ khiến tái sanh và được tinh sạch bởi Ðức Thánh Linh. Kẻ không tin Ngài sẽ hủy diệt bằng lửa hình phạt. Thượng hạ văn cả hai khúc trên đều hiệp với nghĩa nầy. Vì trong cả hai, nghị lực hủy diệt của Ðấng Christ đi đôi với quyền lực cứu rỗi của Ngài bằng danh từ khác không còn đáng ngờ. Ngài sẽ thâu trử lúa mì trong kho, còn rơm rạ thì Ngài sẽ thiêu đốt bằng lửa bằng hề tắt.
       2. Lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh không có bỏ và thế cho lễ báp-têm bằng nước. Trong cả lịch sử sách Công vụ các sứ đồ tỏ ra như vậy, vì tại đó dầu có khi tín đồ đã chịu lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh nhưng sau cũng chịu phép bằng nước. Chỉ cần xem Công vụ các sứ đồ 10:44-48; so với I Cô-rinh-tô 1:14-17; 12:13; Ga-la-ti 3:27.
       3. Trong Công vụ các sứ đồ 8:17 và 19:6 thấy Ðức Thánh Linh được ban cho lúc các Sứ đồ đặt tay trên tín đồ trong đời Hội Thánh đầu tiên, lúc phần nhiều là tín đồ Do-thái. Nhưng những lần đó không thể coi đúng là lễ báp-têm bằng Ðức Thánh Linh, thật ra là tín đồ nhận lãnh Ðức Thánh Linh đã ban cho đầy trọn trong ngày Ngũ tuần.
       Trích lược: E.Y.MULLINS.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.