I. Ý nghĩa.-- "Phép lạ" là danh từ thường dùng chỉ hiện tượng lạ lùng cùng theo sự khải thị Ðức Chúa Trời cho người Do-thái và tín đồ Ðấng Christ, nhứt là trong những hồi nghiêm trọng, và nhờ vài điều kiện, vẫn còn tiếp trong lịch sử Hội Thánh. Phép lạ đích xác ấy là công việc Ðức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô ký 7:3; Phục truyền luật lệ ký 4:34,35; Giăng 3:2; 9:32,33; 10:38; Công vụ các sứ đồ 10:38, v.v.); song coi như là việc siêu nhiên, các quỉ cũng có thể làm phép lạ (Ma-thi-ơ 24:24); II Tê-sa-lô-ni-ca 2:9; Khải Huyền 13:14; 16:14, v.v.).
Theo Kinh Thánh, phép lạ là một việc khác thường của Ðức Chúa Trời, có khi vượt quá quyền thông thường trong cõi thiên nhiên liên lạc với kết cuộc của sự khải thị mà được làm ra. Ðược mô tả trong Tân Cựu Ước bằng ba loại danh từ. Loại thứ nhứt tỏ ra tánh cách bất thường, ngoại trừ, và rất lạ của việc làm (nguyên văn Hy-lạp téras, xem Ma-thi-ơ 24:24; Công vụ các sứ đồ 2:22,43, v.v.); loại thứ nhì chú trọng về quyền lực tỏ ra trong phép lạ (dunamis, xem Ma-thi-ơ 11:21,23; 13:54; 14:2; II Cô-rinh-tô 12:12, v.v.); loại thứ ba chú trọng về ý nghĩa đối với một mục đích, như "dấu lạ" semeion, (xem Giăng 2:11,23 v.v. và Công vụ các sứ đồ 4:16-22; 6:8; Khải Huyền 13:14, v.v.).
II. Phép lạ trong Cựu Ước.-- Quá nửa phép lạ chép trong Cựu Ước là quan hệ với việc giải cứu người Y-sơ-ra-ên khỏi Ai-cập vào xứ Ca-na-an. Về các phép lạ Môi-se làm đó có nhiều thuyết công kích cho là "không có thật," nhưng ấy thật sai lầm cả, vì như thế chối mất những chứng cớ rất quí về bổn tánh đ. Mục đích các phép lạ đó cũng đồng một tính cách với các phép lạ trong Tân Ước. Như Môi-se dạy dân sự: "Hãy học hỏi về thời kỳ có trước... nếu bao giờ có xảy ra việc nào lớn dường ấy, hay là có nghe sự chi giống như vậy chăng? Ðức Chúa Trời há có cậy lấy sự thử thách, dấu kỳ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng giơ thẳng ra, cùng cậy công sự to tát và gớm ghê, để thứ đi chiếm một dân tộc cho mình ở giữa một dân tộc khác như mọi điều Giê-hô-va Ðức Chúa Trời đã làm tại xứ Ai-cập dưới mắt mình chăng? Ngươi đã chứng kiến mọi điều đó, để nhìm biết rằng Giê-hô-va, ấy là Ðức Chúa Trời, chớ không ai khác hơn Ngài" (Phục truyền luật lệ ký 4:32-35). Ðức Chúa Trời của dân Do-thái khi trước và hiện nay, là Ðức Chúa Trời tỏ mình ra trong những công việc lạ lùng để giải cứu dân Ngài. Bởi đó, mười điều răn có lời tiểu dẫn như sau: "Ta là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ai-cập là nhà nô lệ. Trước mặt ta ngươi chớ có các thần khác" (Xuất Ê-díp-tô ký 20:2,3). Nếu không có các phép lạ đó thì Ðức Chúa Trời của dân Do-thái dường như không có. Bởi phép lạ đó, Ðức Chúa Trời tỏ mình ra là Ðấng hằng sống, có bổn thể, và ngoài Ngài chẳng có Ðức Chúa Trời nào khác là "công bình là Cứu Chúa" (Ê-sai 45:21).
Sau đó trong lịch sử Y-sơ-ra-ên, có các phép lạ của tiên tri Ê-li và của tiên tri Ê-li-sê, các phép lạ khiến mặt trời ngừng ở Ga-ba-ôn (Giô-suê 10:12-14), bóng mặt trời lui lại mười độ (II Các vua 20:11), lừa của Ba-la-am nói tiếng người (Dân số ký 22:28), và Giô-na ở trong bụng cá (Giô-na 2:), cũng dùng vào mục đích lớn kể trên, và chứng rõ hơn cả ý chỉ và quyền phép của Ðức Chúa Trời. Những phép lạ đó không phải chỉ là những dấu để làm chứng về đạo, song là công việc của Ðấng hằng sống làm bởi các người hầu việc Ngài, hoặc bởi các người đó cộng tác và Ngài được tỏ ra. Cõi thiên nhiên quả thật tỏ Ðức Chúa Trời, song các phép lạ tỏ những công việc mới và quan trọng của Ngài.
Nên chú ý: phép lạ lớn nhứt là lời tiên tri chép trong Kinh Thánh, vì bởi đó tỏ ra số phận người từ buổi ban đầu và dự ngôn về Ðấng Christ đã giáng thế và sẽ trở lại. Chúa khác với Phật và Ma-hô-mết vì đến để làm ứng nghiệm những việc mà các tiên tri đã dự ngôn. Nên có chép về Ngài: "Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa... những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh" (Lu-ca 24:27). Ấy cũng tỏ ra bổn thể Ðức Chúa Trời vì chứng rằng Ngài biết cuối cùng từ ban đầu," và Ngài là Ðấng cầm quyền trên đời sống và lịch sử loài người.
III. Phép lạ trong Tân Ước.--
1. Bốn sách Tin lành. Vấn đề các phép lạ đã sanh ra cuộc bàn luận trừu tượng, song tốt hơn hết là bắt đầu xem xét những thực sự có quan thiệp đến tức là những thực sự gần nhứt chép trong Tân Ước. Từ đầu chí cuối chức vụ Chúa, có nhiều biến động xảy ra ngoài lẽ thông thường của cõi thuộc linh. Ngài sanh bởi một nữ đồng trinh, và các thiên sứ báo trước tin tức ấy cả cho mẹ Ngài cùng người Ma-ri đã hứa gả với (Ma-thi-ơ và Lu-ca). Ngài chết trên thập tự như người thường, song khỏi ba ngày Ngài sống lại từ trong mồ mả, sống chung với các môn đồ 40 ngày (Công vụ các sứ đồ 1:3), ăn và uống với họ, nhưng thân thể Ngài vượt quá những điều kiện của xác thịt hay chết. Cuối cùng Ngài được cất lên trời, và một đám mây tiếp Ngài lên khuất mắt họ.
Ngoài hai phép lạ lớn về sự giáng sanh và phục sanh, Chúa Jêsus trong chức vụ Ngài còn làm hơn 30 phép lạ.
Ngài trừ các quỉ (Ma-thi-ơ 8:28; 15:28; 17:18; Mác 1:26) v.v.,
chữa bịnh bại (Ma-thi-ơ 18:13; 9:6; Giăng 5:9),
chữa bịnh phung (Ma-thi-ơ 8:3; Lu-ca 17:19),
chữa bịnh thủy thũng (Lu-ca 14:2), chữa đau rét (Ma-thi-ơ 8:14,15),
chữa teo tay (Ma-thi-ơ 12:13),
làm cho người còng được lành (Lu-ca 13:12),
người đau huyết được khỏi (Ma-thi-ơ 9:22),
người câm hay nói, người điếc hay nghe, người mù hay thấy (Ma-thi-ơ 9:29,33; 12:22; 20:34; Mác 7:35; Giăng 9:7),
kẻ chết sống lại (Ma-thi-ơ 9:25; Lu-ca 7:15; Giăng 11:44),
khiến con trai quan thị vệ sống lại (Giăng 4:50), và môn đồ được nhiều cá (Lu-ca 5:6; Giăng 21:6).
Ngoài đó ra, lại còn có việc lạ lớn hơn nữa, tỏ quyền phép Ngài cai quản cõi thiên nhiên, như:
quở sống gió yên lặng, đi trên mặt biển (Ma-thi-ơ 14:26),
làm nước hóa rượu (Giăng 2:9),
năm chiếc bánh làm no được 5.000 người (Ma-thi-ơ 14:19),
bảy chiếc bánh làm no 4.000 người (Ma-thi-ơ 15:38).
Còn hai việc được bạc đóng thuế ở miệng cá (Ma-thi-ơ 17:27), và phán cho cây vả khô đi (Ma-thi-ơ 21:19).
Phép lạ và lời dạy của Chúa có quan hệ với nhau đến nỗi bỏ phép lạ thì không còn ý nghĩa nữa, như Ma-thi-ơ 4:23 chép: "Ngài đi khắp xứ Ga-li-lê, dạy dỗ... giảng Tin lành và chữa lành mọi thứ tật bịnh," như Lu-ca 6:17-19 chép: "Ðoàn dân rất đông, từ khắp xứ Giu-đê, Giê-ru-sa-lem, Ty-rơ Si-đôn mà đến để nghe Ngài dạy và được chữa lành bịnh... vì từ Ngài có quyền phép ra." Thấy Chúa làm phép lạ mới tin, thì Ngài không cho là tốt nhứt (Giăng 4:18). Chúa không làm nhiều phép lạ trong Na-xa-rét, vì người ta không có lòng tin Ngài (Ma-thi-ơ 13:58). Khi làm phép lạ, Chúa trước hết hay cầu nguyện để nhờ Ðức Chúa Cha giúp (Giăng 11:41,42). Trong các phép lạ, Ngài không lần nào thất bại hết.
2. Sách Công vụ các sứ đồ. Chúa Jêsus có hứa cho các Sứ đồ và "những kẻ tin" Ngài cũng làm được phép lạ (Ma-thi-ơ 10:8; Mác 16:17,18). Sau thật được ứng nghiệm (Công vụ các sứ đồ 2:43; 5:12,16; 6:8; 8:13), như thuật kỹ truyện khiến người què đi được (Công vụ các sứ đồ 3:7,8; 14:9), kẻ đau bại dậy được (9:34), trừ quỉ hay bói khoa (16:18), chữa lành kẻ té chết (20:9,10), khiến cho vợ chồng A-na-nia chết (5:5,10), và Ê-ly-ma mù (13:11). Rất đỗi bóng của Phi-e-rơ (5:15) và khăn áo của Phao-lô (19:2) đều có quyền phép chữa lành và trừ quỉ. Lại như Phi-e-rơ và Phao-lô ở ngục đều được thoát khỏi (12:8; 16:26); Phao-lô không bị rắn lục làm hại (28:3). Phàm những phép lạ đó đều là năng lực lạ lùng của Ðấng Christ bởi Ðức Thánh Linh tiếp tục làm cho Hội Thánh để những kẻ sai Ngài đi rao giảng được vững lòng tin.
3. Thơ tín. Xét thơ tín Phao-lô thì biết Phao-lô chứng thực hết mọi điều đã thuật trong sách Công vụ các sứ đồ (I Cô-rinh-tô 12:10,28; II Cô-rinh-tô 12:12). Vả, Phao-lô cũng tự cho mình có quyền làm phép lạ đó.
IV. Phao-lô trong Hội Thánh.-- Không đủ chứng cớ tin rằng sau đời các Sứ đồ không còn có phép lạ nữa. Trong Hội Thánh, nhứt là buổi đầu tiên, có nhiều phép lạ chữa lành, che chở, cứu sống, v.v. cả phần xác lẫn hồn. Thật có nhiều dịp và hoàn cảnh trong sử ký Hội Thánh mà quyền phép Ðấng Christ hằng sống "hôm qua, ngày nay, cho đến đời đời không hề thay đổi" (Hê-bơ-rơ 13:8), được tỏ ra cũng như các phép lạ chép trong Kinh Thánh. Song phải nhớ các phép lạ đó không được Ðức Thánh Linh soi dẫn mà chép ra, nên có nhiều truyện hoang đàng xen vào. Trong sách Pensées de Pascal có viết: Ðáng lẽ kết luận rằng không có phép lạ thật vì có nhiều phép lạ giả; trái lại, phải nói rằng có nhiều phép lạ thật vì có nhiều phép lạ giả, và những phép lạ giả có chỉ vì có phép lạ thật, cũng như có những tôn giáo giả chỉ vì có một tôn giáo duy nhứt là thật!
Về các phép lạ trong Hội Thánh, nên tự hỏi: 1) Có phải từ Ðức Chúa Trời hay từ quỉ dữ? 2) Có người sống đồng thời thấy không? 3) Có phải chỉ nhờ truyền khẩu hay có chứng cớ độc lập? 4) Có phải tên các người, thời gian và nơi xảy ra hoàn toàn đúng không? 5) Có phải chỉ là sự dị đoan không? 6) Có được làm ra giữa vòng kẻ thù nghịch không và dắt đem người ta đến tin Chúa như trong đời Ngài? 7) Không phải nhờ tưởng tượng như quỉ dữ mà Socrate thấy; sự dị tượng của Phi-e-rơ có thể là chiêm bao, song sứ mạng cho Cọt-nây không phải, nên chứng dị tượng đó thật siêu phàm; 8) Không phải là tạm thử, nhiều lần mới có vài lần được, như chữa lành bởi các di vật thánh, v.v.. 9) Không phải là sự tích thêm nhiều điều quá đáng; 10) không phải dần dần, song lập tức làm ra (Lu-ca 18:43); không phải chưa trọn và tạm, song trọn vẹn và luôn mãi; 11) Người làm chứng dầu chịu đau đớn hoặc chết cũng cứ nói đến phép lạ đó.
V. Chứng cớ phép lạ Kinh Thánh là thật.-- Giăng 3:2 chứng rằng: nếu Ðức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm phép lạ được (9:30,33; 15:24; Lu-ca 7:19-22). Hội Thánh có một sự đặc biệt lớn, ấy là các phép lạ làm chứng quyền vô cùng của Ðức Chúa Trời (nhờ Ðức Thánh Linh cùng làm với mấy người truyền đạo ở địa vị tầm thường), thì Hội Thánh được lập nên và công nhận trong một thế giới rất văn minh. Nhờ các phép lạ, lời tin cậy của tôi mọi lần lần trở nên lời tin cậy của Sê-sa. Trái lại, Ma-hô-mết trong một thế giới suy đồi không thể nhờ phép lạ nào. Khác với Ma-hô-mết giữa vòng bạn hữu, Ðấng Christ và các Sứ đồ không dám nhờ các phép lạ làm giữa vòng người Do-thái thù nghịch với người La-mã công kích nếu không phải là thật. Dầu Giăng Báp Tít "lấy tâm thần phép lạ Ê-li," là người làm phép lạ lớn trong Cựu Ước, nhưng chẳng hề tự xưng có quyền làm phép lạ. Các tổ phụ Hội Thánh đầu tiên như Justin Martyr,Tertullien và Origène có khi nhờ các phép lạ đó để làm chứng về đạo Ðấng Christ; nhưng nói rằng các người ngoại đạo thù nghịch mình chịu là thật, dầu nói là từ ma thuật và quỉ dữ. Nhiều bản chép của Do-thái-giáo cũng chịu là thật, song cũng nói như thế. Về phép lạ Chúa sống lại (Ma-thi-ơ 28:11-15) và người mù được sáng mắt (Giăng 9:), người Do-thái xui giục người ta làm chứng dối, bởi đó tỏ ra là thật. Trong Hội Thánh đầu tiên, các nhà thân oan binh vực đạo Ðấng Christ vì có những phép lạ lớn, nhiều, hoàn toàn làm cách tỏ tường và vì liên lạc với các tiên tri và sự cứu chuộc từ A-đam đến Ðấng Christ. Những phép lạ Ðấng Mê-si có nói dự ngôn trong Ê-sai 35:5,6 và 42:7, và Giăng Báp Tít cũng trông đợi nữa (Ma-thi-ơ 11:2-4). Nên chú ý, vì theo Ma-thi-ơ 24:24,29 sẽ có "nhiều Christ giả dấy lên, làm những dấu lớn, phép lạ,... dỗ dành chính những người được chọn." Cũng vậy, trong II Tê-sa-lô-ni-ca 2:9; so Công vụ các sứ đồ 2:22; Hê-bơ-rơ 2:4. Như các thuật sĩ Ai-cập xưa bắt chước Môi-se (II Ti-mô-thê 3:1-8), cũng vậy Christ giả sẽ bắt chước việc Ngài. Ðể thử phép lạ có bởi Chúa không, thì xem có thuận hiệp với sự khải thị và Lời Ngài, vì Chúa không thể tự phản đối Ngài (Phục truyền luật lệ ký 13:1-5; Ga-la-ti 1:8,9; Khải Huyền 13:11-15; 19:20; I Các vua 13:11-26).
VI. Phép lạ đối với những luật cõi thiên nhiên.-- Người công kích phép lạ Kinh Thánh hay nói: vì có khi phép lạ phản đối luật cõi thiên nhiên thì khó thật tin có. Nếu không biết Ðức Chúa Trời và sự hiện diện Ngài, thì dễ hiểu vì cớ nào khó tin như thế. Ðấng dựng nên cõi thiên nhiên chắc có thể thay đổi theo ý Ngài mà sắp đặt lối khác để cho như thường. Danh từ "luật," khi chỉ về những sự vật chất, chỉ nên gồm lại một số việc thấy thường xảy ra luôn, dường như có một luật quản trị. Những "luật" như thế không khác nhau trật tự, và duyên cớ "luật" đó là ý muốn Ðức Chúa Trời lựa chọn và sanh ra những việc trật tự kia. Lần nữa, về phần nhiều người, "cõi thiên nhiên" gợi ý một hệ thống lớn với quyền lực riêng mình: như là một thứ máy móc, vốn bắt đầu chạy bởi một duyên cớ đầu nhứt, song cứ chạy tự mình luôn. Bởi đó, có người tưởng tượng nếu Ðức Chúa Trời thay đổi một phần trong sự chuyển động hoặc việc làm về cõi thiên nhiên, thì chắc phải sanh ra sự tai hại cho những phần khác còn lại. Song nếu mọi sự chuyển động và việc làm đó thật được sanh ra bởi ý muốn Ngài, thì Ngài có thể lựa chọn và thay đổi, vì mục đích đặc biệt, một phần về sự chuyển động mà không cần phải thay đổi các phần khác để đạt tới mục đích đó. Dầu thay đổi một phần, Ngài cũng dễ có thể cho các phần còn lại cứ chuyển động như thường. Vậy, dầu địa cầu ngừng chuyển động trong vòng quĩ đạo theo luật cõi thiên nhiên chắc sanh ra nhiều sự rúng động ghê gớm, nhưng khi ngừng lại bởi phép lạ để đạt đến mục đích đặc biệt riêng của Ngài thôi, thì không tự mình sanh kết quả ghê gớm như vậy. Ðây, nên nhớ Ðức Chúa Trời là Ðấng vô sở bất năng, không việc khó nào Ngài không làm được.
Giáo sư Stokes nói trước Hội đồng khoa học thường niên tại nước Anh: Ta biết rõ, một người dầu hằng ngày làm theo một thói quen, nhưng vì một cớ riêng có thể làm khác đi. Về phần Ðức Chúa Trời cũng thế. Nếu coi những luật cõi thiên nhiên như tự hữu và không có nguyên cớ, thì ta không thể nào nhận biết có sự gì trái với những luật đó xảy ra được. Song nếu coi những luật đó như được lập nên bởi ý muốn cao cả của Ngài, thì cũng phải bằng lòng công nhận có thể tạm bỏ được. Vả lại, để được một kết quả ngoài sự thường trong cõi thiên nhiên, thì cũng không cần những luật đó phải đình chỉ. Có lẽ có thể dùng một luật khác để dẫn đến kết quả đó, và không cần tạm đình chỉ một luật thường nào... Bởi đó, một biến động gọi là phép lạ có thể xảy ra, không cần phải đình chỉ một luật thường nào, song chỉ là gia thêm một luật không thường có hoặc thấy.
Về lời nói trên của giáo sư Stokes, chỉ cần thêm một điều: nếu thật có những luật và động lực ngoài cõi thiên thiên thường, mà nếu gặp dịp có thể dùng đến, thì tất phải sanh kết quả không hiệp với sự thường trong cõi thiên nhiên khi hành động một mình. Thí dụ, những sanh vật dưới mặt nước khi không động tịnh gì cứ sống như thường, nhưng nếu một người đứng trên bờ sông ném đá xuống nước thì có những hiệu quả bất ngờ, không dự định xảy ra như một phép lạ đối với các sanh vật dưới nước. Ấy là hai thế giới gần nhau nhưng khác hẳn nhau, tức một thế giới trên mặt nước và một dưới nước. Không có sự ngăn cách giữa hai thế giới đó; cả hai thật giao tiếp với nhau, nhưng sự sanh hoạt trong cả hai thật hoàn toàn riêng biệt. Thế giới thuộc linh cũng vậy, có thể gần chúng ta như không khí gần mặt nước, và các thiên sứ hoặc sứ giả khác vẫn theo ý muốn Chúa, có thể nhờ lời Ngài phán mà xen vào thế giới chúng ta dễ như người kia ném đá xuống nước. Khi ném đá như thế, không cần tạm bỏ hoặc thay đổi luật nào; chỉ như giáo sư Stokes nói về phép lạ tức gia thêm một luật không thường có hoặc không thường thấy. Theo J.S.Mill, một phép lạ không phải là một sự trái với luật nguyên nhơn và kết quả, song là một kết quả mới sanh sản bởi một duyên cớ mới.
Cũng có một đặc sắc quan hệ về các phép lạ Kinh Thánh, ấy là nhờ mạng lịnh hoặc sự cầu nguyện của người chủ động làm ra. Phép lạ và vách tường Giê-ri-cô bị đổ, dầu có thể xảy ra như một động lực tự nhiên như cơn động đất, nhưng có tính cách là một phép lạ vì có dự ngôn của Ðức Chúa Trời và xảy ra theo sự vâng lời của dân Y-sơ-ra-ên. Cũng thế, cả ý nghĩa các phép lạ Chúa Jêsus là vì xảy ra khi Ngài phán và theo lời Ngài. Nên các môn đồ nói về Ngài rằng: "Người nầy là ai mà gió và biển đều vâng lịnh?" (Ma-thi-ơ 8:27).