Phi-e-rơ. (Si-môn) Simon Pierre.

    

      Tài liệu bài nầy phần nhiều thấy trong bốn sách Tin lành, trong Công vụ các sứ đồ 1:-15:; và trong hai thơ tín của Phi-e-rơ.
       I. Tên và nghề nghiệp.-- Si-môn (nghĩa là người nghe) vốn là tên của Phi-e-rơ, con của Giô-na (hoặc Giăng) và anh của Anh-rê, là tín đồ của Giăng Báp Tít, như Phi-e-rơ có lẽ cũng vậy. Phi-e-rơ làm nghề đánh cá, là cư dân thành Bết-sai-đa trên biển Ga-li-lê, dầu sau đó sống trong gia đình mình tại Ca-bê-na-um (Ma-thi-ơ 4:18; 8:14; 10:2; 16:16,17; 17:25; Mác 1:16,29,30,36; Lu-ca 5:3,4,5,8,10; 22:31; 24:34; Giăng 1:40-44).
       II Lần đầu lịch sử Tin lành chép đến Phi-e-rơ.-- Ấy chép trong Giăng 1:35-42, khi Anh-rê đã nhận ra Chúa Jêsus là Ðấng Mê-si, "trước nhứt gặp anh mình là Si-môn," và "dẫn đến cùng Chúa Jêsus" lúc đó Ngài ngó thấy Phi-e-rơ thì phán: "Ngươi sẽ được gọi là Sê-pha," là một tên biệt hiệu tiếng Araméen đồng nghĩa với Pétros tiếng Hy-lạp nghĩa là "vầng đá" hay "hòn đá." Bấy giờ Phi-e-rơ cũng được nghe tiếng kêu gọi thứ nhứt làm môn đồ Chúa Jêsus, dầu giống như các Sứ đồ khác, tiếng kêu gọi đó lập lại hai lần. Xem Ma-thi-ơ 4:19; Mác 1:17; Lu-ca 5:3 và tiếng kêu gọi lần thứ hai, và Ma-thi-ơ 10:2; Mác 3:14,16; Lu-ca 6:13,14 về lần thứ ba. Có người giải nghĩa rằng lần thứ hai Phi-e-rơ được chọn làm đồng bạn luôn ở bên Chúa, và lần thứ ba được lựa làm Sứ đồ.
       III. Tiểu sử Phi-e-rơ.-- Ấy có thể chia làm hai phần: thứ nhứt, từ khi được gọi cho đến Ðấng Christ thăng thiên; thứ nhì, từ biến động đó đến hết chức vụ trên đất.
       1. Thời kỳ thứ nhứt cũng có thể chia ra những biến động trước và sau sự Thương khó của Ðấng Christ. Phần đầu có độ 10 biến động: bà gia Phi-e-rơ được chữa lành tại Ca-bê-na-um (Ma-thi-ơ 8:14...); đánh lưới được rất nhiều cá, với kết quả là Phi-e-rơ tự hạ mình và giao phó mọi sự cho Chúa (Lu-ca 5:1-11); được gọi làm chức Sứ đồ và được chuẩn bị về phần thuộc linh (Ma-thi-ơ 10:2); lòng yêu mến Chúa của Phi-e-rơ được tỏ ra khi thử đi bộ trên mặt nước (Ma-thi-ơ 14:28); cũng được tỏ ra khi cảm biết thiếu thốn, bèn thưa: "Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai?" (Giăng 6:68); lời xưng cao thượng về Chúa Jêsus là Ðấng Christ, Con Ðức Chúa Trời hằng sống," và tiếc thay sự quở trách theo sau (Ma-thi-ơ 16:13-23); những đặc ơn cao quí Phi-e-rơ được chung hưởng với Gia-cơ và Giăng khi chứng kiến con gái Giai-ru sống lại (Mác 5:37); Chúa hóa hình (Ma-thi-ơ 17:1-5), và cuối cùng, việc bất thường về tiền nộp thuế ghi chép trong Ma-thi-ơ 17:24.
       Những biến động bắt đầu với tuần Thương khó dễ nhắc lại hơn, vì phần nhiều chép trong các sách Tin lành và theo một trật tự. Trước hết, có sự rửa chơn các môn đồ bởi Chúa vào kỳ Lễ Vượt Qua chót đời Ngài, và hai điều sai lầm của Phi-e-rơ về nghĩa thuộc linh của công việc đó (Giăng 13:1-10); sự khoe khoang tự thị của Phi-e-rơ về sự bền lòng dâng mình cho Chúa, và Chúa cảnh cáo rằng Sa-tan sau sẽ "sàng xảy ngươi như lúa mì" (Lu-ca 22:31-34); Chúa nhắc lại hai lần nữa trước khi Ngài bị nộp tại vườn Ghết-sê-ma-nê (Ma-thi-ơ 26:31-35); Phi-e-rơ được phép vào vườn để thấy cơn đau thương khốn khó nhứt của Cứu Chúa; Ngài truyền hãy tỉnh thức cầu nguyện, nhưng vì buồn ngủ không vâng theo (Ma-thi-ơ 26:36-46); sự can đảm sai lầm lúc Phi-e-rơ chém đứt tai Man-chu (Giăng 18:10-12); Phi-e-rơ lìa bỏ Chúa lúc Ngài bị dẫn đi như người tù, theo Ngài cách xa xa, được vào dinh thầy cả thượng phẩm, "trước mặt chúng" chối Chúa, lấy lời thề mà chối, nhớ đến lời cảnh cáo khi "Chúa Jêsus xây mặt lại ngó Phi-e-rơ," và người đi ra ngoài khóc lóc thảm thiết (Ma-thi-ơ 26:56-58; Mác 14:66-72; Lu-ca 22:54-62; Giăng 18:15-27).
       Sự tích về Phi-e-rơ sa ngã có chép như thế trong cả bốn sách Tin lành, nhưng như có người viết: "Không ai tả vẻ truyện nầy độc ác hơn Mác, và nếu như người ta thường tưởng, Phi-e-rơ có soát lại sách Tin lành đó, và Mác chép dưới sự chỉ dẫn người, thì ấy tỏ ra chứng cớ về tánh ngay thẳng và lòng thống hối thành thật của Phi-e-rơ."
       Không thấy chép gì nữa về Phi-e-rơ cho đến sáng ngày Chúa phục sanh, khi Phi-e-rơ nghe tin nầy trước nhứt, thì cùng Giăng chạy lại xem mộ (Giăng 20:1-10); thiên sứ nói đến tên Phi-e-rơ đặc biệt cho mấy đờn bà (Mác 16:7); và cũng trong ngày đó, Phi-e-rơ thấy Chúa sống trước hết mọi Sứ đồ khác (Lu-ca 24:34; I Cô-rinh-tô 15:5). Sau đó, tại bờ biển Ti-bê-ri-át, Phi-e-rơ được dịp tiện ba lần xưng nhận Chúa Jêsus mà mình đã chối ba lần, và một lần nữa được chỉ định hành chức Sứ đồ; sau đó có lời dự ngôn về Phi-e-rơ phải chết cách nào, và có mạng lịnh phải theo Chúa mình (Giăng 21:).
       2. Thời kỳ thứ hai, từ khi Ðấng Christ thăng thiên cho đến Phao-lô hối cải tin Chúa, thì chép ngắn hơn. Sau khi Chúa thăng thiên, chắc Phi-e-rơ có chứng kiến, thì Phi-e-rơ "đứng dậy giữa các anh em" nơi phòng cao tại Giê-ru-sa-lem để bàn luận về sự chọn một người nối chức Giu-đa (Công vụ các sứ đồ 1:15-26). Ngày Ngũ tuần, Phi-e-rơ giảng Tin lành bài thứ nhứt (Công vụ các sứ đồ 2:), sau đó, cùng với Giăng chữa lành người què chơn, nói cùng dân sự trong Ðền thờ, bị bắt, binh vực mình trước tòa công luận, rồi trở về "cùng anh em mình" (Công vụ các sứ đồ 3:-4:). Phi-e-rơ lại bị bắt lần nữa và bị đánh đòn (Công vụ các sứ đồ 5:); rồi sau Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem sai Phi-e-rơ đến thông đồng Ðức Thánh Linh với các môn đồ tại Sa-ma-ri (Công vụ các sứ đồ 8:). Trở về Giê-ru-sa-lem (theo Ga-la-ti 1:18 dường như Phao-lô có đến thăm), sau "đi khắp các xứ," chữa lành Ê-nê tại Ly-đa, làm phép lạ cho Ðô-ca sống lại tại Giốp-bê, thấy dị tượng trên mái nhà cảm động Phi-e-rơ giảng Tin lành cho viên đội trưởng Cọt-nây tại Sê-sa-rê, và cắt nghĩa việc đó trước mặt "các Sứ đồ và anh em ở xứ Giu-đê" (Công vụ các sứ đồ 9:32-41; 11:).
       Sau ít lâu, có một sự bắt bớ khác nổi lên chống với Hội Thánh Hê-rốtạ c-ríp-ba, sau đã giết Gia-cơ, cũng bắt Phi-e-rơ để xử tử. Song Hội Thánh cầu nguyện cho Phi-e-rơ và Chúa làm phép lạ giải cứu Phi-e-rơ (Công vụ các sứ đồ 12:). Lánh đi một hồi khỏi công chúng chú ý Phi-e-rơ lần nữa đến Giáo Hội nghị họp tại Giê-ru-sa-lem để giúp đỡ giải quyết vấn đề: việc làm có cần cho sự cứu rỗi hay không? Và thêm lời chứng với lời của Phao-lô và Ba-na-ba, đồng ý được xưng công bình chỉ bởi đức tin thôi (Công vụ các sứ đồ 15:).
       Sau, Phi-e-rơ ở An-ti-ốt giao thông với tín đồ dân ngoại, đến khi có "mấy người Gia-cơ sai đến," thì Phi-e-rơ, "lui đứng riêng ra bởi những kẻ chịu phép cắt bì." Vì làm bộ như thế, nên Phao-lô "có can ngăn trước mặt Phi-e-rơ, vì là đáng trách lắm (Ga-la-ti 2:11-14).
       Chỉ còn chút sự chép trong Kinh Thánh về Phi-e-rơ, ngoài việc Phi-e-rơ du lịch xa gần khắp nơi, dắt vợ theo (I Cô-rinh-tô 9:5), và viết hai bức thơ, bức thứ hai viết khi Phi-e-rơ gần qua đời (II Phi-e-rơ 1:12-15).
       Có lời truyền khẩu nói Phi-e-rơ chịu tử vì đạo tại thành La-mã, chừng 67 S.C., hưởng thọ độ 75 tuổi. Chúa và Thầy của Phi-e-rơ dự ngôn một sự chết ghê sợ cho người (Giăng 21:18,19), mà người ta tin ấy được ứng nghiệm khi Phi-e-rơ bị đóng đinh trong đời hoàng đế Néron. Truyền khẩu cũng nói, vì Phi-e-rơ xin thì người ta đóng đinh giốc ngược đầu xuống, ấy vì Phi-e-rơ cảm biết mình không xứng đáng giống như Chúa mình trong sự chết Ngài.
       Nhưng có điều đáng chú ý, tin Phi-e-rơ sanh thăm thành La-mã chỉ là một truyền khẩu chớ không có gì nữa, và một phần cũng là bởi mấy giáo phụ đầu tiên tính lầm Phi-e-rơ đã qua La-mã 42 S.C., ngay sau khi được thoát khỏi ngục (so Công vụ các sứ đồ 12:17). Schaff nói điều nầy "không thể hiệp với sự thật, vì Kinh Thánh không chép gì;" thơ tín Phao-lô đạt cho người La-mã độ 58 S.C. cũng không nói về công việc trước của Phi-e-rơ tại La-mã; và chính Phao-lô không bao giờ "lập lên trên nền người khác" (Rô-ma 15:20; II Cô-rinh-tô 10:15,16).
       IV. Tánh tình.-- Tánh tình của Phi-e-rơ soi thấu được, và dễ phân tích; chắc có thể quyết rằng không người nào khác trong lịch sử Kinh Thánh được tả vẽ rõ hơn và mạnh hơn. Có người nói Phi-e-rơ là quan trưởng của các Sứ đồ, và thật ra, bất luận dịp nào vẫn đứng đầu trong vòng họ. Bao giờ, Phi-e-rơ cũng kể đến đầu trong mọi danh sách Sứ đồ, và là viên phát ngôn chung, Phi-e-rơ là người hay hy vọng, dạn dĩ tự tín, can đảm, ngay thẳng, gấp rút, có nghị lực, mạnh mẽ, hay yêu, và trung tín với Chúa mình, mặt dầu có sự khuyết điểm trước khi Ngài bị đóng đinh. Thật ra, Phi-e-rơ dễ thay đổi và không bền lòng, và vì cớ tính khí đặc biệt nên có khi dường như hấp tấp và khờ dại. Dầu vậy, như có người nói: "Những đức tánh và lầm lỗi của Phi-e-rơ có cội rễ chung ở tánh hăng hái," và những lầm lỗi đó sau cũng được ơn điển Chúa sửa trị thì trở nên như khiêm nhường và nhu mì toàn mỹ, như tỏ ra trong hai thơ tín Phi-e-rơ.
       Quyền cầm đầu kể trên không nên dẫn ta tin rằng Phi-e-rơ có quyền trên các Sứ đồ khác, vì không có chứng cớ như thế. Quyền đó Chúa không bao giờ ban cho Phi-e-rơ, chính Phi-e-rơ chẳng hề nói là có, và những người đồng liêu với Phi-e-rơ cũng không hề nhận. Xin xem Ma-thi-ơ 23:8-12; Công vụ các sứ đồ 15:13,14; II Cô-rinh-tô 12:11; Ga-la-ti 2:11.
       Thật ra, khi Ðấng Christ nói đến nghĩa của tên Phi-e-rơ (Ma-thi-ơ 16:18), thì phán: "Ta sẽ lập Hội Thánh ta trên đá nầy." Ngài không có dạy rằng Hội Thánh Ngài, sẽ được lập trên Phi-e-rơ, song trên chính Ngài như Phi-e-rơ xưng nhận trong câu 16 cùng đoạn. Trong thơ tín thứ nhứt, Phi-e-rơ có ý làm chứng như thế nữa (I Phi-e-rơ 2:4-9). Vả lại, khi Ðấng Christ phán: "Ta sẽ giao chìa khóa nước thiên đàng cho ngươi" v.v. (Ma-thi-ơ 16:19), thì Ngài không ban cho Phi-e-rơ quyền phép nào mà không chung cho cả các anh em người, vì sau các anh em đó cũng nhận lãnh mạng lịnh như vậy (Ma-thi-ơ 18:18; Giăng 20:23). Chìa khóa là dấu hiệu của thế lực và quyền phép và như nhiều nhà giải nghĩa Kinh Thánh đã tỏ ra: lịch sử các Sứ đồ cắt nghĩa và hạn chế ủy quyền Ngài giao lại, vì là Phi-e-rơ mở cửa giảng Tin lành cho dân Y-sơ-ra-ên trong ngày Ngũ tuần (Công vụ các sứ đồ 2:38-42), và cho dân ngoại trong nhà Cọt-nây (Công vụ các sứ đồ 10:34-46). Song có người khác coi ủy quyền nầy cũng là một với mạng lịnh lớn trong (Ma-thi-ơ 28:19).
       V. Hai thơ tín.-- Hai thơ tín của Phi-e-rơ có thể đoán rằng chép vào cuối đời mình như tỏ ra nhứt là trong thơ thứ hai (1:12-15). Cả hai đều đạt cho cùng một hạng người, nhứt là cho tín đồ người Do-thái rải rác khắp nơi trong các tỉnh xứ Tiểu A-si, mà Phao-lô cùng các đồng bạn trước đã gieo giống Tin lành (I Phi-e-rơ 1:1,2; II Phi-e-rơ 3:1). Thơ thứ nhứt chép tại Ba-by-lôn (I Phi-e-rơ 5:13), chắc là Ba-by-lôn trứ danh trên bờ sông Ơ-phơ-rát, dầu bấy giờ Kinh Thánh đã bị tiêu diệt, chỉ còn có một số thực dân ở, nhứt là người Do-thái.
       1. Thơ thứ nhứt.-- Ðại ý thơ nầy là sự trông cậy sống của tín đồ, và bởi đó những phận sự đặt trên tín đồ. Trong phần đầu đoạn thứ nhứt cho đến câu 13, thì giải nghĩa sự trông cậy sống đó, và từ câu đó bắt đầu chép những phận sự đó, phần đầu gồm sự trông cậy, sự kính sợ, sự yêu anh em, và sự ngợi khen (1:13-2:10).
       Ðây trước giả hạ bút, và lấy lại để đạt lời cho những tín đồ chịu bắt bớ vì sự công bình, và thêm hai phận sự nữa; sự vâng phục kẻ cầm quyền, và sự làm chứng cho Ðấng Christ (2:11-4:6). Phần thứ ba kết luận sách bắt đầu từ đây, luận về phải nhờ những ơn đã lãnh nơi Ngài mà khoản đãi khách thuộc linh, nhịn nhục trong sự thử thách, trung tín trong sự hầu việc, và khiêm nhường trong sự giúp đỡ lẫn nhau. Thơ nầy gởi cho các Hội Thánh bởi "Sin-vanh... anh em trung tín," và Phi-e-rơ chứng rằng mục đích viết thơ là để khuyên và làm chứng về "ơn thật của Ðức Chúa Trời" (5:12).
       Thơ thứ nhứt nầy được công nhận là thật không bao giờ còn đáng ngờ, song về thơ thứ hai không có thể nói như thế. Thơ thứ hai nầy không biết được giao cho ai; và thật ra không được công nhận vào Tân Ước trong thế kỷ thứ II và III. Hội Thánh thứ nhứt dùng đến thơ thứ hai nầy là tại A-léc-xan-tri; song sau đó, Hội Thánh chung cũng thỏa lòng về chứng cớ trong thơ tỏ ra là thật và có Chúa hà hơi vào. Vậy khi cả Tân Ước được công nhận trong thế kỷ thứ IV, thì tiếp nhận thơ thứ hai nầy mà không nghi ngại gì.
       2. Thơ thứ hai.-- Thơ nầy chép bởi Phi-e-rơ (1:1; 3:1,2); nếu nghi ngờ sự đó, hoặc vì thơ nầy chậm được công nhận vào Kinh Thánh, hoặc vì tưởng thể văn khác với thể văn Phi-e-rơ trong thơ thứ nhứt, thì sẽ gặp nhiều sự càng khó tin hơn nữa
       Mục đích trong hai thơ giống nhau, tức là "tìm cách làm cho nhớ lại để giục lòng lành trong anh em" (3:1). Giống như Phao-lô trong thơ thứ hai gởi cho Ti-mô-thê, Phi-e-rơ thấy trước sự bội đạo của Hội Thánh hữu danh vô thực, sự khác nhau là Phao-lô nói về sự đó trong kỳ cuối cùng khi các tín đồ thường đã trở nên hư xấu (II Ti-mô-thê 3:1-5; 4:3,4), còn Phi-e-rơ thấy căn nguyên sự đó là bởi các giáo sư giả (II Phi-e-rơ 2:1-3, 15-19). Thơ thứ nhứt Phi-e-rơ viết để khuyên và làm chứng, còn thơ nầy để đề phòng và cảnh cáo. Nói cách chung, sự cảnh cáo nầy là hãy giữ cho cẩn thận e sa ngã lìa khỏi ơn điển (3:17,18), cũng giải nghĩa thêm về sự cảnh cáo đó trong 1:2-11, chứng cớ sự đó trong 1:12-21, và mô tả cuộc đó trong 2:-3:. Ðây chỉ nói về cuộc đó; như đã nói ấy là có giáo sư giả (2:1), sẽ thành công theo dự ngôn (2:2), song chắc chắn sẽ bị hình phạt gớm ghê (2:3-9), và có sự mô tả họ theo sau (2:10-22). Tánh cách của sự dạy dỗ giả dối của các giáo sư đó (3:) làm thành một trong những điểm rất quan trọng của thơ, và dẫn đến nơi trung tâm thơ và sự tái lâm của Ðấng Christ.
       VI. Thần đạo. Vì thần đạo của Phi-e-rơ, so sánh với thần đạo của Phao-lô và Giăng là hai nhà thần học lớn trong Tân Ước, có vẻ tươi mới và đổi khác, nên kê cứu và học hỏi là sự rất hay và phước hạnh.
       1. Sự dạy dỗ về Ðấng Mê-si.-- Thứ nhứt, Phi-e-rơ là duy nhứt trong sự dạy dỗ về Ðấng Mê-si, nhưng tỏ rõ trong phần đầu sách Công vụ các sứ đồ. Tại đó, Phi-e-rơ là người đóng vai chính, và phần nhiều chức vụ Phi-e-rơ hạn chế ở Giê-ru-sa-lem và giữa người Do-thái. Dân Do-thái, dầu có giao ước với Ðức Giê-hô-va, nhưng đã phạm tội vì chối bỏ Chúa Jêsus là Ðấng Mê-si nên bài giảng của Phi-e-rơ luận trực tiếp đến việc đó, và khuyên dân phải ăn năn và đổi ý về Ngài. Những lời hứa trong Cựu Ước về sự lập nước Ðấng Mê-si dường như bị bỏ qua (Ê-sai 11:10-12; Giê-rê-mi 23:5-8; Ê-xê-chi-ên 37:21-28), nên Phi-e-rơ cắt nghĩa lời hứa về sự lập nước Ngài đó sẽ ứng nghiệm lúc Ðấng Christ tái lâm (Công vụ các sứ đồ 2:25-31; 15:14-16). Sự tái lâm đó, chính ngôi vị và thân thể Ngài, là để đạt tới mục đích đó, chỉ đợi chờ quốc dân ăn năn (Công vụ các sứ đồ 3:19-26).
       2. Sự xưng công bình.-- Chức vụ riêng của Phi-e-rơ cho người chịu cất bì không có sự tranh cạnh gì với chức vụ của Phao-lô cho dân ngoại, như tỏ ra lúc đến điểm thay đổi trong Công vụ các sứ đồ 10:. Cho đến điểm đó, Tin lành đã chỉ giảng cho người Do-thái thôi, song nay về mặt quốc dân thì họ đã "từ chối" rồi, nên đã tới "trật tự thường của Kỷ nguyên đạo Ðấng Christ" (Công vụ các sứ đồ 13:44-48). Bởi đó, ta thấy Phi-e-rơ sát cánh với Phao-lô chứng quyết lẽ đạo lớn về sự được xưng công bình chỉ nhờ đức tin, bằng câu nầy: "Chúng ta tin rằng nhờ ơn Ðức Chúa Jêsus, chúng ta (dân Do-thái) được cứu cũng như người ngoại vậy" (Công vụ các sứ đồ 15:11). Vả lại, cũng thấy rõ trong II Phi-e-rơ 1:1, ý Phi-e-rơ về sự xưng công bình, về phần Ngài cũng về phần người, giống như ý Phao-lô, vì Phi-e-rơ nói về đức tin được xưng công bình là nhờ sự công bình của Ðức Chúa Trời và Cứu Chúa Jêsus Christ mà kết cuộc. Theo lối chúng ta hiểu, ấy không phải là sự công bình của bổn thể Ngài, song là sự công bình Ngài ban cho (so Rô-ma 1:16,17; 3:21-25; II Cô-rinh-tô 5:20,21).
       3. Sự cứu chuộc.-- Từ những lời miệng nói đến những lời chép, Phi-e-rơ nhiều lần ngụ ý đến phương pháp cứu chuộc của Ðấng Christ các đặc biệt. Chỉ xét thơ thứ nhứt của Phi-e-rơ, thấy mỗi tín đồ được chọn theo sự biết trước của Ðức Chúa Trời là bởi kết quả của sự rảy huyết Ðấng Christ (1:1,2). Sự vâng phục và kính sợ Ngài của tín đồ được cảm hóa bởi của lễ là "Chiên Con không lỗi không vít, đã định sẵn trước buổi sáng thế," (1:17-20). Song điều rất hay là cách và thượng hạ văn mà những lẽ thật mầu nhiệm nầy được bày tỏ cho các độc giả. Thí dụ, lời khuyên các tôi tớ trong nhà phải phục tòng là dịp tiện để giải nghĩa, cách rất vắn tắt nhưng bao hàm cả mà có thể tìm trong Tân Ước, sự Ðấng Christ chết thay tội (2:18:25; nhứt hai câu chót; cũng so 3:18-22).
       4. Ðời sau.-- Sau công việc cứu chuộc của Ðấng Christ, sự dạy dỗ của Phi-e-rơ về đời sống tương lai là đáng chú ý. Tín đồ được "lại sanh... mà có sự trông cậy sống" (I Phi-e-rơ 1:3); ấy là "cơ nghiệp... để dành trong các từng trời" (1:4), và quan thiệp với "sự ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển... khi Ðức Chúa Jêsus Christ hiện ra" (tức tái lâm) (1:7,13; 4:13; 5:4,10; II Phi-e-rơ 1:11,16; 3:13, v.v.). "Sự trông cậy" hoặc "cơ nghiệp" nầy có chơn thật và quí báu đến nỗi sanh ra sự vui mừng dầu ở trong sự "thử thách trăm bề buộc phải buồn bã" (I Phi-e-rơ 1:6), thúc giục sống cách thánh khiết (1:13-16), nhịn nhục trong sự bắt bớ (4:12,13); trung tín trong sự hầu việc (5:1-4), bền đỗ chống với sự cám dỗ (5:8-10); và tấn tới trong ân điển (I Phi-e-rơ 1:10; 5:10,11; II Phi-e-rơ 3:18). Một sự đặc biệt nữa, Phi-e-rơ vẫn đặt tư tưởng của sự đau khổ hiện tại vào ánh sáng của vinh quang tương lai. Không phải dường như chỉ có phần đau đớn định trong đời nay, và có phần vinh hiển định về sau, và không có quan thiệp gì với nhau, song thật ra cả hai sự đau đớn và vinh hiển đều là duyên cớ lẫn cho nhau (so I Phi-e-rơ 1:7,11; 4:13; 5:1; II Phi-e-rơ 3:12,13). Vì cớ nầy, và cớ khác nữa, thì người ta đặt cho Phi-e-rơ là Sứ đồ của sự trông cậy như Phao-lô là Sứ đồ của đức tin và Giăng là Sứ đồ của sự yêu thương.
       5. Kinh Thánh.-- Dầu ngắn ngủi, nhưng hai thơ Phi-e-rơ đáng chú ý vì chú trọng về tánh cách và quyền thế của Kinh Thánh. I Phi-e-rơ 1:10-12 dạy ba điều liên lạc Ðức Thánh Linh với Kinh Thánh, nghĩa là: Ðức Thánh Linh là Tác giả, Ðấng Khải thị, và Giáo sư hoặc Giảng sư của Kinh Thánh. Cũng trong đoạn đó (câu 22-25) nói về Kinh Thánh có quyền ban cho sự sống và làm cho tinh sạch, và cũng còn lại đời đời. Ðoạn 2: mở đầu với lời xưng Kinh Thánh rất cần thiết cho tín đồ được lớn lên về phần thuộc linh. Trong 4:11 tỏ ra Kinh Thánh là lời sấm truyền của chức vụ tín đồ. Phần nhiều thơ thứ hai cũng luận đề mục đó. Bởi "lời hứa rất quí rất lớn" của Kinh Thánh, thì tín đồ trở nên "người dự phần bổn tánh Ðức Chúa Trời" (II Phi-e-rơ 1:4), hầu cho tín đồ được "nhắc lại chẳng thôi, ấy là mục đích của Phi-e-rơ (1:12-15), những thực sự của Kinh Thánh nhờ chứng cớ bởi mắt thấy hiển nhiên (câu 16-18) căn nguyên hoàn toàn là từ Chúa (câu 20,21), ấy cũng thật về Tân Ước như về Cựu Ước (3:2) gồm lại cả những thơ tín của Phao-lô (3:15,16).
       6. Sự bội đạo và phán xét.-- Sự nhận biết Kinh Thánh là lời sống của Ðức Chúa Trời đó được so sánh với lời cảnh cáo trọng thể chống với các giáo sư bội đạo và sự dạy của họ chép trong II Phi-e-rơ 2: và 3:. Thần đạo đây luận về sự phán xét "đã nghị định từ lâu nay," (2:1-3); Quan xét là Ðấng "chẳng tiếc thế gian xưa" (4-7); Ngài "chậm trễ" để tỏ lòng thương xót song "ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm;" (3:9,10); "các từng trời sẽ qua đi... đất cùng mọi công trình trên nó sẽ bị đốt cháy cả" (câu 10); bởi đó "anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào" (câu 11).
       7. Sự tái lâm của Ðấng Christ.-- Thần đạo Phi-e-rơ về sự phán xét cũng tỏ ra sự dạy dỗ về Ðấng Mê-si của Sứ đồ. Thí dụ, sự tái lâm của Ðấng Christ mà Phi-e-rơ nói trong đoạn chót của thơ thứ hai, không phải là mặt quan thiệp với sự cất Hội Thánh lên, như Phao-lô luận đến trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18, song là mặt quan thiệp với Y-sơ-ra-ên và ngày Ðức Giê-hô-va mà các tiên tri nói đến trong Cựu Ước (Ê-sai 2:12-22; Khải Huyền 19:11-21, v.v.).
       Trích lược: James M. GRAY.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về Phi-e-rơ như sau:
       Ma-thi-ơ 26:71.-- So câu 69; Mác 14:69; Lu-ca 22:58; Giăng 18:25. Có người tưởng có sự khác nhau về truyện như các câu trên chép. Xin hãy nhớ: có một đoàn dân xúc động đã nhóm lại, và Phi-e-rơ bị tra hỏi trong hai chỗ: "Với các kẻ canh giữ" (Ma-thi-ơ 26:58), tại đó có lời kiện cáo thứ nhứt (câu 69); và "ngoài cửa" có một số đông dân chúng nhóm lại, tại đó "một đầy tớ gái" tra hỏi lần thứ hai, và "những kẻ ở gần đó" tức đoàn dân tra hỏi lần thứ ba (câu 71:73; Giăng 18:25).
       Ma-thi-ơ 16:19.-- Xem bài NƯỚC.
       Ma-thi-ơ 16:18.-- Xem bài HÒN ÐÁ.
       Công vụ các sứ đồ 2:4.-- Xem bài THÁNH LINH, ÐC.
       Công vụ các sứ đồ 10:44.-- Câu 44 nầy là một trục (Pivot) quan trọng trong Kinh Thánh. Cho đến bấy giờ Tin lành chỉ giảng cho người Do-thái thôi, và Ðức Thánh Linh được ban xuống trên người Do-thái tin Chúa Jêsus bởi các Sứ đồ đặt tay trên. Song bây giờ, trật tự thường của thời đại nay đã đến: Ðức Thánh Linh được ban cho ngay, không cần đặt tay hoặc điều kiện nào khác ngoài đức tin đơn sơ trong Chúa Jêsus Christ. So Công vụ các sứ đồ 2:4; I Cô-rinh-tô 6:19.
       Công vụ các sứ đồ 2:14.-- Ðại đề bài giảng Phi-e-rơ trong ngày Ngũ tuần được bày tỏ trong câu 36, tức Chúa Jêsus là Ðấng Mê-si. Không còn sứ mạng nào mà người Do-thái chán ghét hơn, bởi họ đã chối bỏ chứng cớ Ngài là Ðấng Mê-si mà đóng đinh Ngài. Vì đó, Phi-e-rơ không công bố đại đề đó cho đến khi đã giải nghĩa mọi điều người Do-thái có thể phản đối. Ðối với người Do-thái, sự khó là lời hứa tiên tri rõ ràng và lập lại về dân Y-sơ-ra-ên sẽ thâu lại trong xứ họ dưới Vua theo Giao ước, dường như không ứng nghiệm (xem Ê-sai 11:10-12; Giê-rê-mi 23:5-8; Ê-xê-chi-ên 37:21-28). Không phải như La-mã giáo trước nhứt dạy và sau có mấy nhà Cải chánh giải nghĩa theo, rằng giao ước và những lời hứa sẽ được ứng nghiệm. Trong Hội Thánh theo một ý tạm gọi là thuộc linh, Phi-e-rơ (câu 25-32) lấy từ Thi Thiên 16: rằng chính Ða-vít có hiểu biết Ðấng Christ chết và sống lại sẽ làm ứng nghiệm giao ước, và ngồi trên ngôi Ngài (Lu-ca 1:32,33). Ðúng như vậy, Gia-cơ (Công vụ các sứ đồ 15:14-17), cũng gặp sự khó đó. Xem bài "Nước" (Cựu Ước). Xa-cha-ri 12:8; (Tân Ước), Lu-ca 1:33; I Cô-rinh-tô 15:24.
       Công vụ các sứ đồ 3:20.-- Công vụ các sứ đồ 2:14.-- Ðây lời khuyên là cho cả dân tộc Do-thái, chớ không phải riêng cá nhơn, như trong bài giảng thứ nhứt của Phi-e-rơ (Công vụ các sứ đồ 2:38,39). Trong bài thứ nhứt đó, những kẻ được cảm động trong lòng, thì Phi-e-rơ khuyên tự cứu lấy mình khỏi một dân tộc không xứng đáng; trong bài nầy, Phi-e-rơ nói với toàn thể dân sự, và lời hứa cho quốc dân ăn năn là quốc dân được giải thoát: "Và Chúa sai Ðấng Christ" đem lại những điều các đấng tiên tri đã dự ngôn (so Công vụ các sứ đồ 2:14). Sự trả lời của các quyền là bắt giam các Sứ đồ, và cấm không cho giảng, vậy ứng nghiệm Lu-ca 19:14.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.