Phi-lát, Bôn-xơ. Ponce Pilate.

       

      I. Nghĩa tên.-- Tên Bôn-xơ tỏ quan nầy ra từ bộ lạc Samnite, thường thấy trong lịch sử La-mã sau khi bộ lạc đó bị chinh phục. Tên Phi-lát chỉ về họ hoặc một nhánh của người Pontii mà Phi-lát thuộc về. Ấy là do một góc chữ nghĩa là " mũ người tôi mọi được tự do;" cũng có thể từ góc chữ nghĩa là "một cây giáo." Theo lối xưa, người La-mã hay có ba tên, song dường như Phi-lát không có tên thứ ba.
       II. Nhậm chức tổng đốc.-- (procurateur). Ngoài thời Phi-lát hành chức tại xứ Giu-đê, không có gì chắc chắn về sự ra đời, căn nguyên, và các năm đầu của quan nầy. Tacite khi nói về Néron hình phạt hung dữ các tín đồ, thì cho ta biết về Ðấng Christ, từ Ngài được đặt danh Cơ-rê-tiên và Ngài đã bị xử tử bởi tổng đốc Phi-lát trong đời hoàng đế Tibère. Ngoài sự đó ra, và mọi điều Tân Ước dạy, mọi sự biết về Phi-lát phải nhờ hai văn sĩ Do-thái: sử gia Josèphe và nhà triết học Philon ở Alexandrie.
       Phi-lát làm tổng đốc thứ V của tỉnh Giu-đê. Lúc đó tỉnh Giu-đê là phía Nam, xứ Pha-lê-tin bao gồm xứ Sa-ma-ri, thuộc đế quốc La-mã, dưới quyền trực tiếp của hoàng đế.
       Phi-lát chỉ có quyền về dân luật, binh bị, và hành tội, phải phục quan khâm sứ tỉnh Sy-ri phía Bắc. Dưới quyền quan tổng đốc, dân Do-thái được tự trị song phải thừa nhận quyền của hoàng đế: như Tòa Công luận được phép tra án, song nếu muốn xử tử một người phải có quan tổng đốc công nhận. Theo Josèphe, Phi-lát kế chức Gratus và giữ chức 10 năm sau bị cách chức bởi Vitellius, quan khâm sứ Sy-ri Phi-lát vội vàng sang La-mã binh vực mình trước Tibère, song trước khi tới Tibère đã băng. Josèphe thêm rằng năm 36 S.C., Vitellius đến Giê-ru-sa-lem vào dịp Lễ Vượt Qua. Vì Tibère băng ngày 16 tháng Mars, 37 S.C., nên người ta tính Phi-lát hành chức tổng đốc từ 27-37 S.C..
       Hành chức tổng đốc tỉnh Giu-đê không phải là dễ. Phi-lát không lo làm hòa với những thành kiến tôn giáo người Do-thái, nên có khi thái độ đó dẫn đến sự xô xát giữa quan tổng đốc và dân sự. Theo Josèphe, một lần kia, Phi-lát sai lính đến Giê-ru-sa-lem, và đem theo những lá cờ có hình chim phụng hoàng và hình thường dùng của hoàng đế. Dầu bí mật đem vào thành ban đêm song không bao lâu dân sự khám phá ra. Tức thì, có các đoàn dân người Do-thái tức giận, vội vàng đến thành Sê-sa-rê, làm đơn xin Phi-lát cất bỏ những lá cờ đó. Trải qua 5 ngày, Phi-lát không chịu nghe, song đến ngày thứ 6, Phi-lát đứng trên trường án, và khi người Do-thái đó vào, thì Phi-lát truyền lính vây quanh dân chúng và ngăm đe rằng nếu còn lôi thôi thì bị giết ngay lập tức. Những người Do-thái đó năm lăn ra đất, giơ cổ ra, mà nói thà chết còn hơn chịu phạm Luật pháp. Phi-lát không muốn giết nhiều như thế, thì nhường bước và cất bỏ những lá cờ đó khỏi thành thánh.
       Sau đó, Phi-lát lấy tiền thánh trong Ðền thờ, gọi là Co-ban để trả tiền chi phí làm một cống dẫn nước (aqueduc) lên thành Giê-ru-sa-lem từ những cao nguyên ở phía Nam thành. Người Do-thái cho rằng ấy là lấy tiền thánh dâng cho Chúa để làm việc ngoại đạo, nên khi Phi-lát đến thành Giê-ru-sa-lem thì dân sự nhóm họp lại mà lằm bằm. Song Phi-lát biết trước, nên cho một toán lính ăn mặc giả thường dân đứng lẫn lộn với dân sự, và khi Phi-lát ra hiệu thì lính xông vào những kẻ dấy loạn mà đánh, có kẻ chết, người bị thương, những người khác sợ hãi trốn đi. Philon cũng viết một lần khác Phi-lát biếu những khiên bọc vàng để trong lâu đài Hê-rốt để tôn kính hoàng đế. Trên những khiên đó chỉ có tên người biếu và người được tôn kính, không có gì thật phạm đến Luật pháp. Những người Do-thái làm đơn xin quan cất khiên đó. Khi quan không chịu thì làm đơn kêu lên Tibère, thì Tibère ra lịnh phải dời các khiên đó đến thành Sê-sa-rê.
       Khi có ngày lễ trọng thể tại Giê-ru-sa-lem, các quan tổng đốc hay lên thành và ở tại lâu đài Hê-rốt. Chắc là lúc có ngày lễ như thế, thì Phi-lát "giết mấy người Ga-li-lê, lấy huyết trộn lộn với của lễ họ" (Lu-ca 13:1). Những người Ga-li-lê có tánh hay náo động, vậy khi lên thành Giê-ru-sa-lem có khi trái phép. Không có cớ tin rằng Phi-lát làm như vậy nếu những người Ga-li-lê đó không dấy loạn trước. Có lẽ vì cớ Phi-lát đối đãi với các tùy tùng vua Hê-rốt như vậy, thì làm mất lòng Hê-rốt. Không cứ thế nào, rồi sau Phi-lát làm hòa với Hê-rốt trong ngày giao Chúa cho Hê-rốt xử, vì bởi đó tỏ ra nhận biết quyền của Hê-rốt về những người Ga-li-lê (Lu-ca 23:6-12).
       Josèphe viết thế nào Phi-lát bị cách chức. Có một người lừa gạt hứa tỏ những khí dụng thánh mà Môi-se giấu, nên nhiều người Sa-ma-ri nhóm họp dưới chơn núi Ga-ri-xim. Lúc sắp lên núi thì đoàn kỵ binh của Phi-lát xông vào dân chúng giết nhiều người. Bởi đó, dân Sa-ma-ri phái người đến cùng Vitellius, khâm sứ tỉnh Sy-ri mà kiện Phi-lát về tội giết người. Muốn đẹp lòng người Do-thái thì Vitellius cách chức Phi-lát, cử Marcellus lên thế cho: và bảo Phi-lát phải sang La-mã binh vực mình trước hoàng đế. Vì Tibère băng trước khi Phi-lát tới, nên có lẽ Phi-lát không bị khép án. Từ đó lịch sử không có chép gì về Phi-lát nữa. Những lời truyền khẩu nói cuối cùng Phi-lát rất buồn và tự tử, nhưng không có bằng chứng gì.
       III. Phi-lát và Chúa Jêsus.-- Khi so sánh bốn sách Tin lành chép về Phi-lát, thì thấy mọi tiểu tiết trong các truyện lích thật hiệp nhau, không có sự gì khó hiểu. Nên chú ý, vì Giăng dường như có dịp tiện đặc biệt tức là có mặt khi xử Chúa, nên biết tường tận hơn.Vậy có thể tỏ rõ mấy sự còn mờ mờ trong ba sách Tin lành khác.
       Những phần về truyện xử Chúa trước mặt Phi-lát chép trong bốn sách Tin lành có thể sắp đặt hiệp nhau như sau nầy: Chúa Jêsus bị giải đến trước Phi-lát (Ma-thi-ơ 27:2; Mác 15:1; Lu-ca 23:1; Giăng 18:28). Phi-lát hỏi kiện về khoản gì (Giăng 18:29-32). Phi-lát vào trong trường án, hỏi Ngài về chức vụ vua của Ngài, và Ngài đáp lại rằng Ngài cai trị nước lẽ thật và lòng người nào nhận biết lẽ thật. Phi-lát bèn hỏi: "Lẽ thật là cái gì?" (Ma-thi-ơ 27:11; Mác 15:2; Lu-ca 23:3; Giăng 18:33-38). Phi-lát dẫn Ngài ra (đây là tiểu tiết độc nhứt phải thêm để cho bốn sách hiệp nhau), và có nhiều người cáo Ngài. Phi-lát lấy làm lạ vì Ngài không đáp lời (Ma-thi-ơ 27:12-14; Mác 15:3-5). Phi-lát chứng quyết Ngài vô tội, song người ta cứ kiện lập lại (Lu-ca 23:4...). Phi-lát giải Ngài đến Hê-rốt, vua nầy chế giễu Ngài, mặc cho một áo rực rỡ, và giao trả (Lu-ca 23:6-12). Phi-lát tuyên bố rằng cả Hê-rốt và mình cũng không thấy Ngài có tội gì, truyền đánh đòn và có ý thả Ngài đi (Lu-ca 23:13-16; Giăng 18:38). Phi-lát muốn tha Ngài theo tục lệ xưa (Ma-thi-ơ 27:15-18; Mác 15:6-10; Giăng 18:39). Vợ Phi-lát sai người đem tin xin đừng hại Chúa Jêsus, vì nàng đã vì Ngài đau đớn nhiều trong cơn chiêm bao (Ma-thi-ơ 27:19). Dân chúng, vì các thầy cả và trưởng lão xui giục, chọn Ba-ra-ba, và mặc dầu Phi-lát mấy lần phản đối, cứ xin đóng đinh Ngài (Ma-thi-ơ 27:20-23; Mác 15:11-14; Lu-ca 23:18-23; Giăng 18:40).Phi-lát rửa tay trước dân chúng bởi dấu đó tỏ ra không chịu trách nhiệm,và dân sự xin tội đó đổ trên mình và con cái (Ma-thi-ơ 27:24...) Phi-lát tha Ba-ra-ba và sai đánh đòn Ngài (Ma-thi-ơ 27:26; Mác 15:15; Lu-ca 23:24...). Chúa Jêsus bị đánh đòn,nhiếc móc, vả má và đấm (Ma-thi-ơ 27:27-31; Mác 15:16-20;giăng 19:1-3). Vậy, Phi-lát lần nữa tuyên bố Chúa Jêsus vô tội, kéo Ngài ra, và nói: "Kìa, xem người nầy." Các thầy tế lễ và các quan kêu lên: "Hãy đóng đinh hắn trên thập tự." Họ tố cáo Ngài về sự xưng mình là Con Ðức Chúa Trời. Phi-lát nghe nói thế thì càng sợ hơn, và lần nữa hội kiến cùng bị cáo trong trướng án. Phi-lát lần nữa thử tha Ngài, song bị cáo là không trung thành với hoàng đế La-mã. Như vậy, Phi-lát bị thua, ngồi trên ghế xử án, mà nói: "Vua các ngươi kia kìa?" Lần nữa, dân sự kêu lên? "Hãy trừ hắn đi! trừ hắn đi, Ðóng đinh hắn trên cây thập tự đi!" Phi-lát hỏi: "Ta sẽ đóng đinh Vua các ngươi lên thập tự giá hay sao?" Các thầy tế lễ cả, lần cuối cùng bỏ mọi điều Ðức Chúa Trời đã ban cho mình, mà nói: "Chúng tôi không có vua khác chỉ Sê-sa mà thôi" (Giăng 19:4-15). Phi-lát kết án Chúa Jêsus và truyền đóng đinh Ngài, thì Ngài bị điệu đi (Ma-thi-ơ 27:31; Mác 15:20; Lu-ca 23:26; Giăng 19:16). Phi-lát viết một danh hiệu trên thập tự và không chịu thay đổi (Giăng 19:19-22). Những người Do-thái xin Phi-lát cho đánh gãy chơn ba người bị đóng đinh (Giăng 19:31) Giô-sép A-ri-ma-thê xin xác Chúa nơi Phi-lát (Ma-thi-ơ 27:57,58; Mác 15:42...; Lu-ca 23:50-52; Giăng 19:38). Phi-lát nghe tin Chúa Jêsus chết mau thế, thì lấy làm lạ mà hỏi thầy đội (Mác 15:44). Phi-lát cho phép Giô-sép lấy xác Ngài (Ma-thi-ơ 27:58; Mác 15:45; Giăng 19:38). Các thầy cả và người Pha-ri-si được Phi-lát cho phép đề phòng kẻo có người đến lấy trộm xác Ngài (Ma-thi-ơ 27:62-66).
       Sách Công vụ các sứ đồ chỉ nói đến Phi-lát ba lần (3:13; 4:27; 13:28). Cũng nói đến trong I Ti-mô-thê 6:13, Khi Phao-lô xưng rằng "Chúa Jêsus là Ðấng làm chứng tốt nơi Bôn-xơ-phi-lát."
       IV. Tánh nết Phi-lát.-- Theo Philon, nhà triết học Do-thái tại thành Alexandrie, thì Phi-lát là người độc đoán, không biết thương xót, và cố chấp. Philon lại nói Phi-lát có tánh khí hung dữ, bại hoại, xấc xược, hay bóc lột, có thói mắng chưởi, độc ác, hằng giết người chưa tra xét và lên án, và thật là người vô nhân đạo. Song ấy là những lời quá đáng, vì thấy trong bốn sách Tin lành, Phi-lát, mặc dầu có nhiều sự lầm lỗi, song cũng thử tra án một cách phải lẽ. Phi-lát giữ những luân lý đời bấy giờ của người đồng hàng với mình, và dường như thử làm mẫu mực đó. Song trong Phi-lát không có nền tảng đạo đức của tánh nết, như tỏ ra bởi câu hỏi nghi ngờ: "Lẽ thật là cái gì?" Khi Phi-lát thấy cứ lấy lẽ công bình mà tra xét thì có cơ nguy đến chức mình, dầu khó chịu và xấu hổ, song cũng nhượng bộ trước lời yêu sách của người Do-thái. Phi-lát y án Chúa phải đóng đinh trên thập tự, song trước đã hết sức tìm thế để cứu Ngài, trừ ra một cách đơn sơ và ngay thẳng là thả Ngài đi. Phi-lát có tánh kiêu căng của giai cấp thống trị, và rất khinh miệt dân bị mình cai trị. Càng khinh bỉ bao nhiêu, thì càng cảm thấy xấu hổ bấy nhiêu, khi nhượng bộ trước dân mình bị khinh bỉ. Theo lối tiểu nhơn, Phi-lát báo thù những người Do-thái bằng cách gọi Ðấng Christ là Vua của họ, và chối không chịu thay đổi danh hiệu nhạo báng trên thập tự. Chắc Phi-lát biết khi lên án Ngài là làm trái với lương tâm mình. Phi-lát biết lẽ phải, song vì cớ ích kỷ và nhút nhát nên không làm. Phi-lát đối diện với một việc đạo đức rất quan trọng, thì đã thất bại. Vậy, ta căn cứ vào sự tra án Chúa thì biết Phi-lát mắc tội, song không bằng những nhà lãnh đạo tuyển dân của Ngài.
Trích lược: J. Macartney WILSON.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.